Đặc khu cần có tổ chức chính quyền đặc biệt

Hai phương án đều phù hợp Hiến pháp

– Hiện nay có 2 phương án tổ chức chính quyền đặc khu: (1) chính quyền địa phương đặc khu là thiết chế Trưởng đặc khu; (2) tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Một số ý kiến vẫn băn khoăn về tính hợp hiến của phương án 1. Theo ông, phương án này có phù hợp với lời văn và tinh thần Hiến pháp 2013 hay không?

– Theo tôi cả 2 phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt nêu trên đều phù hợp với Hiến pháp năm 2013.

– Căn cứ nào để ông khẳng định như vậy?

– Điều 111, Hiến pháp 2013 quy định: (1) Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính; (2) Cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định.

Như vậy, theo Khoản 1 thì chính quyền địa phương ở đặc khu là Trưởng đặc khu. Còn Khoản 2 tôi hiểu không hoàn toàn bắt buộc đặc khu phải là một cấp chính quyền mà có thể tổ chức cho phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Hơn nữa, nếu đặc khu có đầy đủ cả HĐND và UBND với tư cách là một cấp chính quyền thì gọi đây là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để làm gì!

– Ông đề xuất chọn phương án tổ chức chính quyền nào ở đặc khu?

– Mặc dù cả 2 phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu nêu trên đều phù hợp với Hiến pháp 2013 nhưng tôi ủng hộ phương án chính quyền địa phương đặc khu nên là thiết chế Trưởng đặc khu.

Thứ nhất, nói đến đặc khu là nói đến sự đặc biệt của nó và những cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển KT – XH tại đặc khu. Đồng thời, người đứng đầu đặc khu cũng phải đặc biệt để bảo đảm những cơ chế, chính sách đặc biệt được triển khai nhanh chóng và đạt hiệu quả cao. Cái gì cũng phải báo cáo tập thể thì không đáp ứng được đòi hỏi nhanh nhạy, kịp thời, nhất là trong cuộc cách mạng 4.0.

Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp tuyệt đối với Hiến pháp 2013, tôi cho rằng, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt cần quy định HĐND cấp tỉnh là thiết chế giám sát đối với Trưởng đặc khu. Như vậy, Trưởng đặc khu sẽ phải báo cáo công tác không chỉ với Thủ tướng mà còn với HĐND cấp tỉnh và chịu sự giám sát của HĐND cấp tỉnh.
 
Phải phát huy được vai trò cá nhân

– Có ý kiến cho rằng, phương án 1 có thể dẫn đến sự lạm quyền của Trưởng đặc khu, ông nghĩ sao?

GS. TS. Trần Ngọc Đường nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý Chủ tịch Quốc hội Khóa X, XI, XII. Ông là Ủy viên Ủy ban Pháp luật QH Khóa X, XI; đồng thời là chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp và là thành viên thường trực Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

– Tôi cho rằng chúng ta không cần lo lắng về điều đó, vì Trưởng đặc khu vẫn chịu sự giám sát của HĐND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, vẫn còn có những thiết chế giám sát khác đối với Trưởng đặc khu như Quốc hội, Thủ tướng, dư luận xã hội, phương tiện thông tin đại chúng…

 Hơn nữa, tôi được biết, dự thảo Luật đã thiết kế Hội đồng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ thành lập có nhiệm vụ tư vấn, phản biện và có ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trưởng đặc khu, cảnh báo về những rủi ro, trong hoạt động của đặc khu với tư cách một tập thể. Như vậy vừa phát huy được vai trò cá nhân của người đứng đầu đặc khu trong việc đáp ứng yêu cầu phải có những quyết sách kịp thời và quyết định nhanh nhạy để chớp được thời cơ tốt nhất.

Kinh nghiệm của các nước đã xây dựng thành công đặc khu cũng như vậy. Họ giao cho Trưởng đặc khu nhiều quyền hạn và nhiệm vụ, bộ máy rất gọn nhẹ để ra quyết định nhanh chóng. Tổ chức chính quyền như vậy mới đặc biệt, mới đáp ứng được mong muốn xây dựng những đặc khu để thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, nhất là các nhà đầu tư hàng đầu thế giới và là động lực phát triển đất nước.

– Ông có cho rằng những thử nghiệm đổi mới thể chế và tổ chức bộ máy ở đặc khu khi thành công sẽ lan tỏa mạnh hay không?

– Trước mắt, chúng ta thành lập 3 đặc khu này, trên cơ sở những chính sách áp dụng ở đây mà phát huy hiệu quả thì mình có thể vận dụng để sửa đổi chính sách, pháp luật chung, “cởi trói” cho người đứng đầu các đơn vị hành chính trong một số lĩnh vực. Để từ đó tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm và sự năng động, sáng tạo của người đứng đầu, hạn chế sự dựa dẫm, ỷ lại tập thể, đùn đẩy trách nhiệm. Phải phát huy vai trò cá nhân, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường chứ dựa vào các quyết sách của tập thể thì nhiều lúc lỡ mất thời cơ dẫn đến trì trệ, không có bước đột phá.

– Giả sử phương án 1 được lựa chọn, theo ông, Trưởng đặc khu cần những phẩm chất đặc biệt nào?

– Vì những đặc tính của đặc khu, theo tôi, những phẩm chất quan trọng nhất của Trưởng đặc khu là thông minh, nhanh nhạy, quyết đoán trong các tình huống phá triển kinh tế để không làm lỡ mất thời cơ và phải là người dám chịu trách nhiệm!

– Xin cảm ơn ông!