Đặc điểm, chủ thể, khách thể của quan hệ pháp luật hành chính
Chủ thể và khách thể của quan hệ pháp luật hành chính? Chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính là những đối tượng nào? Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính là những đối tượng nào?
Trong bất cứ ngành luật nào, đối tượng điều chỉnh nói chung được hiểu là những quan hệ xã hội xác định các đặc tính cơ bản giống nhau và do những quy phạm thuộc ngành luật đó điều chỉnh. Đối với luật hành chính, đối tượng điều chỉnh là những quan hệ xã hội chủ yếu và cơ bản hình thành trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước. Luật hành chính là một ngành luật trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, trong đó chưa đựng tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động chấp hành – điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.
Có thể nói, đây là một lĩnh vực đặc thù thể hiện qua việc có ít nhất một bên tham gia quan hệ là bên có thẩm quyền, là chủ thể thực hiện chức năng chấp hành và điều hành của nhà nước. Vậy, chủ thể và khách thể trong quan hệ pháp luật hành chính có những nét đặc trưng nào?
1. Khái niệm và đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính:
Trong quan hệ pháp luật nói chung, quan hệ pháp luật hành chính là dạng quan hệ chứa đựng những quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực chấp hành điều hành giữa một bên là đối tượng quản lý và bên còn lại có mang tính quyền lực nhà nước thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Những mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực này phải chịu sự điều chỉnh của những quy phạm pháp luật hành chính. Như vậy có thể nói, trong mối quan hệ này, quyền của bên này sẽ tương ứng là nghĩa vụ của bên còn lại và ngược lại.
Trong quan hệ pháp luật hành chính có những đặc điểm mang tính đặc trưng cơ bản, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quan hệ pháp luật hành chính là một quan hệ có tính đặc thù, quan hệ này chỉ phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước và gắn liền với các hoạt động chấp hành, điều hành của nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Thứ hai, đối với quan hệ pháp luật hành chính, các bên chủ thể tham gia vào quan hệ này rất đa dạng và nhiều thành phần. Tuy nhiên cần lưu ý trong đó phải đảm bảo có ít nhất một bên còn lại là cơ quan hành chính nhà nước hoặc những tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền quản lý, nhân danh cho nhà nước thực hiện hoạt động quản lý. Điều này đồng nghĩa với việc, quan hệ pháp luật hành chính là mối quan hệ thể hiện tính quyền lực hành chính của nhà nước.
Thứ ba, đối với các tranh chấp phát sinh trong quan hệ này được giải quyết theo trình tự, thủ tục hành chính và thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước. Bên vi phạm phải chịu trách nhiệm trước nhà nước.
Xem thêm: Chủ thể là gì? Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự?
2. Chủ thể của pháp luật hành chính:
Có thể hiểu một cách khái quát, những bên tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính là những chủ thể của quan hệ pháp luật này. Theo đó, chủ thể tham gia quan hệ pháp luật hành chính có thể chỉ là các cá nhân, tổ chức tham gia các mối quan hệ xã hội, hoặc là những cán bộ, công chức nhà nước, cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân được nhà nước trao quyền. Những chủ thể này phải bảo đảm có đầy đủ năng lực, có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính rất đa dạng. Điều đặc biệt cơ bản của các chủ thể khi tham gia vào mối quan hệ pháp luật này là phải có ít nhất một bên tham gia với vai trò là chủ thể có thẩm quyền trong hành chính nhà nước.
Yếu tố thể hiện thẩm quyền trong hành chính nhà nước của chủ thể quản lý hành chính – những tổ chức, cá nhân mang quyền lực hành chính nhà nước, nhân danh cho nhà nước thực hiện chức năng quản lý. Điều này được thể hiện qua hai đặc trưng cơ bản sau đây:
– Một là, chủ thể tham gia phải là những chủ thể được pháp luật quy định có thẩm quyền trong quản lý về hành chính nhà nước.
– Hai là, những chủ thể được xác định có thẩm quyền khi tham gia vào quan hệ này phải với chính tư cách đó chứ không phải tư cách cá nhân hoặc không vượt ra khỏi thẩm quyền quản lý nhà nước đã được quy định.
Ví dụ: Ông Nguyễn Văn C là chủ tịch UBND xã A, trong quá trình tham gia giao thông có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong trường hợp này, quan hệ pháp luật hành chính đã được xác lập nhưng bên đại diện cho quản lý hành chính nhà nước là bên có thẩm quyền xử phạt hành vi của ông A. Ngược lại, mặc dù ông A là người được quy định có thẩm quyền trong quản lý hành chính nhưng trong mối quan hệ này, tư cách tham gia của ông A là tư cách cá nhân.
Như vậy, có thể thấy, cùng là một chủ thể nhưng tùy vào từng trường hợp cụ thể mà vai trò của chủ thể đó trong quan hệ pháp luật lại được xác định khác nhau.
Thứ hai, trong quan hệ pháp luật hành chính, một trong những đặc trưng cơ bản để làm cơ sở phân biệt quan hệ này với các quan hệ pháp luật khác chính là việc trong quan hệ này luôn luôn có một bên chủ thể bắt buộc là bên có quyền nhân danh Nhà nước để đơn phương ra những mệnh lệnh (thể hiện dưới dạng các quy phạm pháp luật hoặc các mệnh lệnh cụ thể để giải quyết công việc cụ thể) buộc phía bên kia phải có nghĩa vụ thực hiện.
Như ở trên đã đề cập, chủ thể tham gia quan hệ pháp luật hành chính có thể được xác định là hai bên chủ thể có quyền và nghĩa vụ tương ứng với nhau, cụ thể như sau:
Một là, đối với bên chủ thể đóng vai trò là đối tượng được quản lý trong quan hệ hành chính có thể là tổ chức, cá nhân. Bên chủ thể này phải đảm bảo phải có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi hành chính, cụ thể như sau:
– Chủ thể phải có đầy đủ năng lực pháp luật hành chính: Đây là khả năng cá nhân được hưởng các quyền và phải thực hiện nghĩa vụ pháp lí hành chính nhất định do nhà nước quy định. Năng lực pháp luật hành chính của cá nhân là thuộc tính pháp lí hành chính phản ánh địa vị pháp lí hành chính của các cá nhân.
– Chủ thể có đầy đủ năng lực hành vi hành chính của cá nhân là khả năng của cá nhân được Nhà nước thừa nhận mà với khả năng đó họ có thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lí hành chính đồng thời phải gánh chịu hậu quả pháp lí nhất định do những hành vi của mình mang lại. Năng lực hành vi hành chính của các nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: độ tuổi, tình trạng sức khỏe, trình độ đào tạo, khả năng tài chính…quan trọng hơn trong nhiều trường hợp, nó phụ thuộc vào sự thừa nhận của nhà nước.
Ví dụ: người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xilanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. Tuy nhiên, năng lực hành vi hành chính của các cá nhân này trong điều khiển phương tiện vừa nêu không mặc nhiên phát sinh khi họ đủ 18 tuổi mà năng lực này chỉ được nhà nước thừa nhận khi họ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép lái xe phù hợp đối với phương tiện đó.
Hai là, đối với bên chủ thể đóng vai trò là bên quản lý nhà nước, là các tổ chức hoặc cá nhân được giao quyền hoặc nhân danh nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Tuy nhiên, cần phân biệt quan hệ pháp luật hành chính với quan hệ chỉ đạo công tác trong nội bộ một cơ quan.
Ví dụ: Quan hệ pháp luật giữa Uỷ ban nhân dân Tỉnh B với Uỷ ban nhân dân Huyện N tương ứng trực thuộc là quan hệ pháp luật hành chính. Tuy nhiên, quan hệ giữa thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước với văn thư của cơ quan đó qua hành vi phân công văn thư soạn thảo công văn thì không phái là quan hệ pháp luật hành chính. Nó dựa trên quan hệ pháp luật hành chính, nhưng là quan hệ công tác nội bộ của cơ quan.
– Năng lực chủ thể của cơ quan nhà nước phát sinh khi cơ quan đó được thành lập và chấm dứt khi cơ quan đó bị giải thể. Năng lực này được pháp luật hành chính quy định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó trong quản lý hành chính nhà nước.
– Năng lực chủ thể của cán bộ, công chức phát sinh khi các nhân được nhà nước giao đảm nhiệm một công vụ, chức vụ nhất định trong bộ mày nhà nước và chấm dứt khi không còn đảm nhiệm công vụ, chức vụ đó. Năng lực này được pháp luật hành chính quy định phù hợp với năng lực chủ thể của cơ quan và vị trí công tác của cán bộ, công chức đó.
– Năng lực chủ thể của tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế, đơn vị vũ trang, đơn vị hành chính- sự nghiệp… phát sinh khi nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó trong quản lí hành chính nhà nước và chấm dứt khi không còn những quy định đó hoặc tổ chức bị giải thể.
Do không có chức năng quản lí nhà nước nên các tổ chức nêu trên thường tham gia vào các quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể thường. Cá biệt trong một số trường hợp, khi được nhà nước trao quyền quản lí hành chính nhà nước trong một số công việc cụ thể, các tổ chức này có thể tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính với tư cách là chủ thể đặc biệt.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Xem thêm: Quan hệ pháp luật hành chính là gì? Đặc điểm, phân loại và cấu thành?
3. Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính:
Khách thể của quan hệ pháp luật hành chính được xác định chính là trật tự quản lý hành chính trong từng lĩnh vực. Khi các bên tham gia vào các mối quan hệ này đối tượng mà các chủ thể mong muốn hướng tới là những lợi ích về vật chất hoặc những lợi ích phi vật chất, nó đóng vai trò là yếu tố định hướng cho sự hình thành và vận động của một quan hệ pháp luật hành chính.