Đã qua thời hoàng kim cổ phiếu công nghệ Phố Wall?

Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 20% –  mức giảm tồi tệ nhất trong khoảng thời gian tương ứng kể từ năm 2002. Khoảng cách của nhóm này với S&P 500 – thước đo đã mất 14% điểm số từ đầu năm – hiện đang ở mức rộng nhất kể từ năm 2004. Đà trượt dốc đó khiến giới đầu tư rút kỷ lục 7,6 tỷ USD khỏi các quỹ tương hỗ và các quỹ ETF chuyên cổ phiếu công nghệ trong 4 tháng đầu năm, theo dữ liệu được Morningstar Direct theo dõi từ năm 1993.

THỜI CỦA CỔ PHIẾU GIÁ TRỊ

Trong suốt nhiều năm, cổ phiếu công nghệ giữ vai trò trụ cột đưa thị trường chứng khoán Mỹ đi lên, đẩy các chỉ số chính của Phố Wall thiết lập hàng chục kỷ lục. Cơn hưng phấn của nhà đầu tư đối với mọi thứ trong lĩnh vực công nghệ, từ điện toán đám mây cho tới phần mềm và mạng xã hội, đã dẫn dắt sự tăng giá cổ phiếu tưởng như không có điểm dừng ngay cả ở những góc xa xôi nhất của thị trường. Gần đây hơn, chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo đuổi sau khi Covid-19 trở thành đại dịch càng “tiếp lửa” cho “cơn khát” tài sản rủi ro.

Nhưng năm nay, theo tờ Wall Street Journal, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ đối mặt với một môi trường hoàn toàn khác. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2018 do giá trái phiếu sụt giảm. Nhiều trong số những xu hướng nở rộ trong 2 năm qua – bao gồm giao dịch quyền chọn, các công ty séc trắng (SPAC), và đầu tư tiền ảo – đã đảo ngược chóng mặt. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, chỉ có hai nhóm là năng lượng và tiện ích tăng điểm từ đầu năm đến nay.

Một số nhà đầu tư nói rằng giai đoạn kéo dài cả thập kỷ mà ở đó cổ phiếu công nghệ chiếm vai trò thống trị trên thị trường đã đi đến hồi kết. Các nhà đầu tư giá trị – những người mua các cổ phiếu được đánh giá là rẻ dựa trên những thước đo như lợi nhuận hay định giá – đang thắng thế khi cổ phiếu của những công ty như ExxonMobil, Coca-Cola và Altria Group trỗi dậy sau một thời gian dài chờ đợi.

Chỉ số S&P 500 Value, thước đo của những cổ phiếu giá trị, đang vượt trội so với chỉ số S&P 500 Growth, thước đo của những cổ phiếu tăng trưởng như Tesla, Nvidia và Meta Platforms. Mức chênh lệch giữa hai chỉ số này hiện là 17 điểm, mức rộng nhất kể từ năm 2000. Trong khi đó, hơn 48 tỷ USD đã rút khỏi các quỹ đầu tư chuyên cổ phiếu tăng trưởng từ đầu năm đến nay – theo dữ liệu từ EPFR. Ngược lại, nhà đầu tư đã rót hơn 13 tỷ USD vào các quỹ chuyên cổ phiếu giá trị.

“Xu hướng thị trường thực sự đã thay đổi”, Giám đốc đầu tư Chris Covington của AJO Vista nhận định. “Rất khó để tin rằng cổ phiếu tăng trưởng sớm có lại được sự vượt trội như trong 5 năm qua”.

Đối với nhiều nhà đầu tư, việc đặt cược vào sự giảm giá của cổ phiếu công nghệ và biến động kéo dài nhiều tháng của thị trường hiện nay cũng giống như đợt vỡ bong bóng dotcom của thập niên 2000. Ở thời kỳ đó, sức hấp dẫn của sáng tạo công nghệ kết hợp với lãi suất thấp đã khiến giới đầu tư ở Phố Wall đổ xô mua cổ phiếu Internet. Khi bong bóng vỡ, chỉ số Nasdaq sụt 80% trong thời gian từ tháng 3/2000 đến tháng 10/2002.

Năm nay, nhiều cổ phiếu công nghệ đã ghi nhận mức giảm mạnh chưa từng thấy, cuốn phăng hàng trăm tỷ USD vốn hóa khỏi thị trường, đôi khi chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Cuối tháng 5, cổ phiếu công ty mạng xã hội Snap Inc sụt 43% chỉ trong một phiên giao dịch duy nhất, mức giảm trong một ngày lớn nhất từ trước đến nay của cổ phiếu này, gây mất 16 tỷ USD vốn hóa. Những cổ phiếu từng “bay cao” như công ty công nghệ tài chính (fintech) Affirm Holdings và công ty sàn giao dịch tiền ảo Coinbase Global đã mất hơn một nửa giá trị vốn hóa trong năm nay.

ĐÃ ĐẾN LÚC BẮT ĐÁY CỔ PHIẾU CÔNG NGHỆ?

Những công ty lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ cũng không nằm ngoài xu thế giảm. Cổ phiếu của nhóm “ngũ đại gia” công nghệ FAANG gồm Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook; Amazon.com; Apple; Netflix và Alphabet Inc., công ty mẹ của Google đều đã giảm với tốc độ 2 con số trong năm nay và sâu hơn so với mức giảm của S&P 500.

Đối mặt với đà giảm chóng mặt này của cổ phiếu công nghệ, nhiều nhà đầu tư đang cố gắng đoán xem đâu sẽ là lĩnh vực tiếp theo rơi vào tình trạng sụt giảm. Nhưng theo quan điểm của một số chuyên gia, xu hướng giảm của cổ phiếu công nghệ có thể tiếp diễn.

“Khi bong bóng vỡ, giá cổ phiếu thường không chỉ giảm về giá trị thực, mà còn có khuynh hướng giảm dưới giá trị thực”, Trưởng bộ phận phân bổ tài sản của Công ty GMO ở Boston, ông Ben Inker, phát biểu. Là người đã đặt cược vào sự giảm giá của cổ phiếu tăng trưởng trong hơn một năm qua, ông Inker nói rằng mức độ chênh lệch tăng thêm của cổ phiếu tăng trưởng so với cổ phiếu giá trị vẫn đang cao hơn mức lịch sử.

Cùng với đó, thậm chí ở thời điểm hiện tại, cổ phiếu công nghệ vẫn chiếm tỷ trọng gần kỷ lục 27% trong chỉ số S&P 500, gần mức cao nhất của thời bong bóng dotcom – theo một báo cáo của Bank of America. Ngân hàng này cảnh báo còn quá sớm để nhà đầu tư bắt đáy nhiều trong số các cổ phiếu công nghệ.

Cũng có một số nhà đầu tư chỉ ra những khác biệt quan trọng giữa tình hình hiện nay và thời vỡ bong bóng dotcom. Dù đã tăng mạnh trong những năm gần đây, mức định giá của cổ phiếu công nghệ vẫn chưa cao bằng ở thời điểm tháng 3/2000 – khi hệ số giá cổ phiếu/lợi nhuận kỳ vọng (P/E) của S&P 500 đạt mức 26,2 lần. Vào lúc đỉnh điểm của bong bóng dotcom tháng 9/2000, hệ số này là 24,08 lần – theo dữ liệu từ FactSet.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng trong những tháng gần đây, nhưng vẫn thấp hơn mức của thời bong bóng dotcom. Hiện tại, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm là khoảng 3%. Vào năm 2000, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn này là xấp xỉ 5%.

Nhưng cần phải nói thêm rằng Fed mới bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất. Nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương này sẽ duy trì việc nâng lãi suất trong năm nay, đồng nghĩa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tiếp tục tăng, theo đó gia tăng sức ép giảm giá lên cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác. Lợi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của dòng tiền tương lai mà doanh nghiệp tạo ra.

“Nếu lãi suất tiếp tục tăng, thị trường chứng khoán sẽ phải giảm xuống mức thấp hơn nữa. Việc này thực sự phụ thuộc vào lãi suất tăng cao đến đâu”, ông Inker nói.

Nỗi lo quanh việc Fed sẽ nâng lãi suất nhanh như thế nào và cao đến đâu đã làm dấy lên cuộc tranh luận về chủ đề liệu nền kinh tế Mỹ có rơi vào suy thoái, cho dù các dữ liệu kinh tế gần đây chưa phản ánh nguy cơ này trong ngắn hạn.

Nhiều nhà đầu tư hiện đang vẫn đặt cược vào sự mất giá của cổ phiếu công nghệ, nhưng cũng có nhiều người bắt đầu đóng trạng thái bán khống nhóm cổ phiếu này. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, cổ phiếu công nghệ chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về mức độ bị bán khống trong quý 2, nhưng đây vẫn là nhóm cổ phiếu bị bán khống mạnh nhất ở Phố Wall. Giới đầu tư vẫn đang bán khống mạnh Tesla, Apple, Microsoft và Amazon, khiến những cổ phiếu này liên tục nằm trong top bị bán khống nhiều nhất suốt hai năm qua.