Da nhạy cảm nên skincare như thế nào?

Làn da nhạy cảm luôn thật khó để chăm sóc bởi tuýp da này rất kén mỹ phẩm, chỉ cần sai một ly là đi một dặm. Da có thể dễ dàng bị kích ứng, mẩn đỏ hoặc trở nên khô khóc, bong tróc.

Làm sao để khắc phục những tình trạng này? Hãy cùng Beautizon tìm hiểu da nhạy cảm thì nên skincare như thế nào để làn da luôn được mềm mịn, khỏe mạnh và tràn đầy sức sống bạn nhé.

Da nhạy cảm nên skincare như thế nào?

Da nhạy cảm và các đặc điểm nhận biết

Da nhạy cảm là làn da dễ bị kích ứng và nổi mẩn đỏ, thậm chí là mẩn ngứa do các yếu tố môi trường và mỹ phẩm gây nên. Nguyên nhân chủ yếu gây nên bởi lớp hàng rào lipid – lớp rào chắn dưỡng ẩm và bảo vệ da khỏi các tác nhân môi trường bị yếu đi. 

Trong một số trường hợp, da sẽ trở nên châm chích, khô ráp và bong tróc tùy vào mức độ nặng nhẹ. 

Da nhạy cảm thường được chia thành 4 loại chính: 

  • Da nhạy cảm với môi trường: tuýp da này phản ứng khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, khói thuốc lá, ô nhiễm không khí từ môi trường xung quanh. Dẫn đến cảm giác da bị châm chích, khó chịu.

  • Da nhạy cảm tự nhiên: Xuất hiện chủ yếu do yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, nó cũng có thể là hệ quả của một số các bệnh da liễu như bệnh rosacea (chứng đỏ mặt), viêm da cơ địa (eczema) và bệnh vẩy nến.

  • Da kích ứng: Khi tiếp xúc với các sản phẩm chăm sóc da, loại da không thích hợp sẽ dễ dàng trở nên đỏ và viêm. Thông thường thì bệnh nhân sẽ nhận thấy các nốt sẩn hoặc mụn mủ hình thành ở nơi tiếp xúc với chất gây kích ứng.

  • Da mỏng: Khi chúng ta già đi, sau một thời gian dài tiếp xúc với nhiều loại mỹ phẩm cùng môi trường xung quanh, da của chúng ta theo lẽ tự nhiên trở nên mỏng hơn, do đó da sẽ dễ kích ứng hơn.

Các đặc điểm nhận biết da nhạy cảm gồm:

  1. Da của bạn dễ dàng ửng đỏ và mẩn ngứa

  2. Bạn có những mảng da khô

  3. Bạn có thể thấy mao mạch máu nhỏ dưới bề mặt da do da mỏng

  4. Bạn nhạy cảm trước ánh nắng mặt trời và da có thể sẽ cảm thấy bỏng rát

  5. Bạn dễ bị phát ban và nổi mụn 

  6. Các mỹ phẩm làm đẹp có thể làm cho bạn bị kích ứng, có cảm giác châm chích, mẩn đỏ hoặc rát

Da nhạy cảm nên skincare như thế nào? 

Da nhạy cảm thường sẽ yếu hơn các làn da khác, vì thế bạn nên chọn những sản phẩm skincare dành riêng cho “làn da công chúa” của mình như có thành phần từ thiên nhiên, dịu nhẹ, không gây kích ứng, có khả năng tái tạo làn da tốt.

  • Bước 1: Tẩy trang:

    Loại đi các lớp bụi bẩn, dầu thừa tích tụ sau một ngày dài, giúp da được thông thoáng và “dễ thở” hơn. Nên sử dụng các loại nước tẩy trang dịu nhẹ, không chứa cồn.

  • Bước 2: Sữa rửa mặt:

    Sử dụng sữa rửa mặt để làm sạch sâu, loại bỏ những tạp chất hoặc bụi bẩn còn sót lại sau bước tẩy trang. Hãy sử dụng các loại sữa rửa mặt có nhãn “gentle” dịu nhẹ với độ pH từ 5.0 – 6.0 để không lấy đi lớp dầu trên bề mặt da, ngăn ngừa việc hình thành nhân mụn và khiến da bị khô. Các thành phần bạn sẽ muốn để ý đến: ceramides, axit hyaluronic và niacinamide có công dụng cấp ẩm tuyệt vời.

  • Bước 3: Tẩy tế bào chết:

    Hãy sử dụng 1 lần / tuần khi mới bắt đầu. Hiệu quả từ việc tẩy tế bào chết chính là giúp bạn tái tạo làn da mới khiến da được mềm mịn và đều màu hơn. Nhưng do da nhạy cảm rất dễ kích ứng bạn hãy cẩn thận và đọc kỹ hướng dẫn để có thể sử dụng đúng cách nhé. Nếu thấy phù hợp có thể sử dụng từ 1-2 lần / tuần tùy mỗi cá nhân.

  • Bước 4: Toner:

    Cấp ẩm, cân bằng độ pH trên da và giúp các dưỡng chất từ các bước sau thẩm thấu tốt hơn. Ngoài ra, toner còn giúp thông thoáng lỗ chân lông và một số loại có thể giảm tình trạng mẩn đỏ trên da và mụn trứng cá.

  • Bước 5: Kem dưỡng ẩm:

    Có công dụng cấp ẩm và khóa ẩm, giảm thiểu tình trạng khô da hiệu quả. Qua đó, giúp kiềm dầu hiệu quả, ngăn ngừa việc lão hóa sớm và củng cố hàng rào bảo vệ da. Hãy lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm mỏng nhẹ, không cồn – paraben – dầu khoáng, không mùi; thẩm thấu nhanh và không gây bí da. 

* Lưu ý: Đối với làn da nhạy cảm, hãy lựa chọn những thành phần dịu nhẹ và lành tính để tránh làm da bị kích ứng và xuất hiện các triệu chứng da liễu khác sẽ khiến bạn thiếu tự tin và cần nhiều thời gian để nuôi dưỡng, chăm sóc trước khi da trở về trạng thái ba đầu.

Một số thành phần bạn nên tránh bao gồm: Cồn, BHA, Propylene glycol, Sodium lauryl sulfate (SLS), hương liệu (fragrance) và các thành phần được điều chế có chứa hương liệu, Salicylic acid,…

Kết luận

Làn da của mỗi người là độc nhất vô nhị, do vậy mà không ai giống ai nên khi skincare, bạn hãy lắng nghe và để ý làn da của mình nhé. Nếu nó biểu tình phản đối thì chứng tỏ routine đó không phù hợp, dẫu cho người khác đã thử và thành công. 

Lúc này, bạn có thể giảm liều lượng sử dụng hoặc bỏ qua những bước không cần thiết để không gây kích ứng da. Có câu nói “Less is more”, đôi khi chỉ cần vài bước skincare đơn giản nhưng vẫn có thể cho bạn một kết quả như mong đợi. 

Chúc bạn thành công trên con đường chăm sóc da của mình nhé!