Đà Nẵng phải phát triển giáo dục xứng tầm với tiềm năng, vị thế hiện có
Đó là ý kiến được Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại buổi làm việc với chính quyền TP Đà Nẵng vào chiều 18-3.
Từng bước thích ứng với dịch
Theo bà Lê Thị Bích Thuận- Giám đốc Sở GD & ĐT TP Đà Nẵng, năm học 2021-2022, Đà Nẵng có 208 trường mầm non với 56.679 trẻ; 99 trường tiểu học với hơn 109.000 học sinh; 60 trường THCS (gần 67.000 học sinh); THPT và nhiều cấp học có 34 trường (gần 35.000 học sinh); GDTX 3 trung tâm (gần 3.500 học viên). Năm học này, toàn TP có 27,2% trường mầm non, 24,2% trường tiểu học, 24,56% trường THCS,17,4% trường THPT và nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia giảm do Đà Nẵng hướng đến 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đến nay, 6/7 quận, huyện có 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; riêng Q. Liên Chiểu chưa đạt tỷ lệ 100% do tập trung các khu công nghiệp, dân số cơ học tăng cao.
Hiện nay, ngành Giáo dục đã chuyển đổi trạng thái hoạt động để thích ứng với dịch COVID-19. Theo đó, học sinh phổ thông tại xã Hòa Bắc và học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn học trực tiếp từ ngày 25-2; học sinh, học viên lớp 12 học trực tiếp từ ngày 29-11; học sinh, học viên lớp 8, 9 học trực tiếp từ ngày 6-12; học sinh, học viên lớp 7 học trực tiếp từ ngày 7-2; học sinh, học viên lớp 6, học viên các trung tâm ngoại ngữ, tin học, các đơn vị, tổ chức, cơ sở đăng ký hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ hành chính học trực tiếp từ 14-2 và từ 21-2, các cơ sở giáo dục mầm non đã mở cửa trở lại.
Tháng 9-2022 sẽ hoàn thành giải tỏa Làng Đại học Đà Nẵng
Theo Phó GS-TS Nguyễn Ngọc Vũ- Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), chủ trương xây dựng Dự án Làng ĐHĐN tại P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) và P. Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) có từ năm 1997, với tham vọng xây dựng thành đại học lớn nhất miền Trung. Theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, dự án xây dựng trên diện tích 300 ha, trong đó 110 ha tại P. Hòa Quý và 190 ha P. Điện Ngọc, đáp ứng quy mô cho 60.000 sinh viên, 3.360 giảng viên và 5.000 cư dân.
Theo quy hoạch này, ĐHĐN sẽ tập trung 8 trường và nhiều khu hiệu bộ, ký túc xá sinh viên, thư viện, nhà ở công vụ, khu thể thao và giáo dục quốc phòng… Đến năm 2025, Đà Nẵng tiếp tục giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP, triển khai đầu tư xây dựng công trình cấp thiết như hạ tầng kỹ thuật, xây dựng trung tâm điều hành, hội trường, trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh; khối hiệu bộ, giảng đường các khu đại học…
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam cho biết, từ năm 2017 đến nay, tiến độ triển khai dự án đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong 110 ha tại P. Hòa Quý, phần diện tích đã giải phóng mặt bằng bàn giao cho ĐHĐN từ năm 2017 là 38,6 ha. Diện tích còn lại là 71,4 ha gồm 2 khu vực Tiểu dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu vực P. Hòa Quý (giai đoạn 2018 – 2020) thuộc dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình cấp thiết cho ĐHĐN khoảng 40 ha. Diện tích đất sẽ giải phóng mặt bằng trong giai đoạn tiếp theo là 31,4 ha trong đó có 224 hồ sơ nhà và đất ở. Với tiến độ hiện tại, chậm nhất đến tháng 9-2022, Đà Nẵng sẽ hoàn thành việc giải tỏa, bàn giao mặt bằng để tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, Đà Nẵng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải tỏa Làng ĐHĐN với quy mô 12,7 ha, tổng mức đầu tư 227 tỷ đồng. Hiện tại, khu tái định cư đang được thực hiện đầu tư xây dựng để phục vụ giải tỏa.
Bộ GD&ĐT tặng quà lưu niệm cho chính quyền TP Đà Nẵng.
Phải đưa giáo dục phát triển xứng tầm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho hay, Đà Nẵng là một trong những địa phương dành kinh phí hằng năm cho giáo dục rất lớn. Năm qua, dù đối mặt với khó khăn về dịch bệnh, Đà Nẵng vẫn dành 2.190 tỷ đồng để chi thường xuyên cho giáo dục, chiếm 30% nguồn chi thường xuyên toàn TP. Đà Nẵng cũng dành nguồn lực rất lớn cho giáo dục để miễn toàn bộ học phí, hỗ trợ cho giáo viên mầm non bị ảnh hưởng bởi COVID-19… Những vấn đề trong khả năng TP luôn quan tâm thỏa đáng. Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học. TP hiện cũng đang nỗ lực hết sức để từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm sớm triển khai xây dựng dự án Làng ĐHĐN.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, Đà Nẵng hiện đang là địa phương có vị thế và tiềm năng số một khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Vì thế, TP cần phải có nền giáo dục phát triển tương xứng và phải tạo động lực phát triển “kỳ tích sông Hàn mới” trong tương lai. Với tầm vóc, kỳ vọng và mục tiêu đặt ra như vậy sẽ có nhiều khó khăn, thách thức nhưng địa phương phải chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện từng bước.
Bộ trưởng GD & ĐT cho biết, hiện nay, toàn ngành đang chung sức thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng đề nghị Đà Nẵng lên phương án chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; đặt mục tiêu phát triển giáo dục hướng đến tiêu chuẩn cao ngang tầm quốc tế, trên mục quốc gia để tương xứng với những gì hiện có. Bên cạnh đó, trong kế hoạch phát triển giáo dục tương lai, Đà Nẵng cũng cần dành không gian cho các khu vui chơi giải trí, làm sao để người dân chỗ nào cũng có thể vui chơi, học tập. “Hiện nay, ngành Giáo dục đang đẩy mạnh xã hội hóa, từng bước tiếp cận với giáo dục có đầu tư lớn. Đà Nẵng là TP năng động, đi trước, mong rằng TP cũng có bước đột phá trong xã hội hóa giáo dục. Môi trường giáo dục tốt sẽ tạo tiền đề cho phát triển kinh tế – xã hội và thu hút nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Riêng đối với dự án Làng ĐHĐN, Bộ trưởng cho rằng, dự án là khu chức năng đặc thù, trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia, quốc tế, được quy hoạch theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh. Do đó, ông yêu cầu các đơn vị triển khai các giai đoạn của dự án ngay khi hoàn tất việc giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn…
Bộ trưởng đề nghị Đà Nẵng hỗ trợ tối đa trong công tác giải phóng mặt bằng để từng bước xây dựng các hạng mục theo kế hoạch đề ra. TP cần phải coi việc xây dựng ĐHĐN như “xây nhà” cho mình và cùng nhau quyết tâm thực hiện, kết thúc nỗi ám ảnh dự án treo kéo dài.
Phi Nông