Đà Nẵng mở cửa toàn bộ trường phổ thông

Tiểu học sẽ là cấp cuối cùng của bậc phổ thông được đến trường từ 21/2, chấm dứt thời gian học online gần 6 tháng.

Ngày 10/2, Đà Nẵng ra thông báo kết luận của Chủ tịch Thành phố – Lê Trung Chinh, thống nhất cho học sinh toàn thành phố đến trường.

Học sinh lớp 6 học trực tiếp từ 14/2. Các em đang được lên danh sách chuẩn bị tiêm vaccine. Đây là khối cuối cùng của bậc THCS và THPT ở Đà Nẵng được đến trường. Toàn bộ học sinh tiểu học trở lại trường từ 21/2.

Ông Lê Trung Chinh yêu cầu ngành giáo dục và các trường chưa tổ chức bán trú; đồng thời bố trí số lượng hợp lý trong một lớp để đảm bảo phòng, chống dịch.

Với bậc mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành đánh giá, khảo sát ý kiến phụ huynh để tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch cho phép dạy học trực tiếp trong thời gian phù hợp.

Hai ngày qua, nhiều trường tiểu học cũng lấy ý kiến phụ huynh về việc cho trẻ đi học trực tiếp. Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết việc khảo sát này nhằm đảm bảo các em đến trường trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh.

Học sinh trường tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu), được sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào lớp học, sáng 6/12. Ảnh:Ngọc Trường

Học sinh Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu), được sát khuẩn, đo thân nhiệt trước khi vào lớp học, sáng 6/12 năm ngoái. Ảnh: Ngọc Trường

Từ 7/2, học sinh lớp 7 ở vùng dịch cấp độ 1, 2 tại Đà Nẵng đã học trực tiếp. Học sinh lớp 8-12 đến trường từ cuối năm 2021. Những lớp đã học trực tiếp nếu phát hiện có ca F0 sẽ chuyển sang hình thức trực tuyến. “Học sinh tiểu học chưa tiêm vaccine nên từ nay đến khi các em đi học lại, hai ngành giáo dục và y tế sẽ họp bàn phương án phù hợp”, bà Thuận nói thêm.

Trước quyết định của thành phố, nhiều phụ huynh đồng tình. Chị Ánh Ngọc (40 tuổi), có con đang học lớp 3 ở quận Hải Châu, nhận định phải cho học sinh quay lại trường càng sớm càng tốt. Ngoài kiến thức, các em còn phải được hình thành một số kỹ năng, trong đó có kỹ năng hợp tác.

“Điều này chỉ có được trong điều kiện tương tác trực tiếp với thầy cô giáo và các bạn ở môi trường lớp học truyền thống”, chị nói.

Kiến nghị về các biện pháp phòng, chống dịch, chị Ngọc nói những lớp trên 35 học sinh nên chia tách. Phụ huynh cũng phải trung thực, nếu con mình đang là F1 thì tạm thời cho ở nhà học trực tuyến, không nên giấu thông tin.

Anh Trần Khanh (41 tuổi), có con đang học lớp 3 và 6 ở quận Thanh Khê, nêu quan điểm “đã đến lúc cho tụi nhỏ đến trường, nếu thành F0 thì điều trị thôi”. Theo anh, trẻ đã mất nhiều kỹ năng mềm suốt thời gian dài chỉ học online, giao tiếp với thầy cô và bạn bè qua màn hình máy tính, điện thoại.

Anh Thành (36 tuổi), có con đang học lớp 1 ở quận Hải Châu, cho rằng Đà Nẵng đang ghi nhận gần 1.000 ca nhiễm mỗi ngày, nên “để trẻ ở nhà hay đến trường bây giờ nguy cơ cũng như nhau, vì cộng đồng đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch để phát triển kinh tế”.

Phụ huynh này phân tích, hiện nay gia đình, bố mẹ vẫn phải đi làm, khó tránh nguy cơ lây bệnh cho con. Trong khi để trẻ đến trường, với các biện pháp đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, vừa giải quyết được những mối lo, vừa giảm áp lực học cho trẻ và áp lực trông con cho cả phụ huynh.

Ngày 10/2, Đà Nẵng ghi nhận 939 ca mắc Covid-19, trong đó 790 ca chưa cách ly. Từ 1/1 đến nay, thành phố phát hiện 29.780 ca bệnh. Hôm 8/2, Đà Nẵng đã mở cửa cơ sở spa, massage, karaoke sau hơn nửa năm tạm dừng. Trước đó từ tháng 10/2021, các nhà hàng, quán ăn, cà phê được mở bán tại chỗ, không giới hạn thời gian; khách sạn ở vùng xanh, vàng được đón khách.

Nguyễn Đông