Đà Nẵng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 100% các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa và Thể thao quản lý

Đà Nẵng đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 100% các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa và Thể thao quản lý

Với mục tiêu đến năm 2020, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được phát triển đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân ở từng khu vực trên địa bàn thành phố và đến năm 2030, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phát triển đạt các tiêu chí quy định của Bộ VHTTDL, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Để hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, cụ thể đến năm 2020, cấp thôn 100% có nhà văn hóa thôn được nâng cấp, hoàn thiện theo tiêu chuẩn của Bộ VHTTDL; 80% xã, phường có thiết chế Trung tâm Văn hóa – Thể thao, 20% xã, phường còn lại có nhà văn hóa; trong đó, được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em. Ở cấp quận, huyện 100% các Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận, huyện được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ VHTTDL; 30% số đơn vị hành chính cấp quận, huyện có Nhà Thiếu nhi; 10% số đơn vị hành chính cấp quận, huyện có Nhà Văn hóa Lao động.

Theo đó, thành phố cũng đã có quyết định phê duyệt hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đối với 7 quận, huyện với quận Cẩm Lệ có 15 điểm, quận Sơn Trà 16 điểm, quận Thanh Khê 24 điểm, quận Hải Châu 34 điểm, huyện Hòa Vang 26 điểm, quận Ngũ Hành Sơn 18 điểm, quận Liên Chiểu 18 điểm, được quy hoạch để tiến hành đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao.Ở khu công nghiệp, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2020, 100% khu công nghiệp được bố trí quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động; trong đó tối thiểu 30% Khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được Trung tâm Văn hóa – Thể thao phục vụ công nhân, người lao động.

Các Trung tâm Văn hóa – Thể thao hoặc điểm sinh hoạt hoặc CLB văn hóa phục vụ công nhân, người lao động Khu công nghiệp đã hoạt động được đầu tư và hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nâng cao hiệu quả hoạt động. Định hướng đến năm 2030, thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng thuộc ngành Văn hóa và Thể thao quản lý đạt 100% ở các cấp hành chính; thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đạt tỷ lệ 50% số đơn vị hành chính cấp quận, huyện có Nhà Thiếu nhi; thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân viên chức, người lao động đạt tỷ lệ 30% đơn vị hành chính cấp quận, huyện, 100% đơn vị hành chính cấp thành phố, 50% Khu công nghiệp có Trung tâm Văn hóa – Thể thao.

Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã có 36/56 phường, xã có các hạng mục thiết chế Văn hóa – Thể thao (19 nhà văn hóa, 08 khu vui chơi giải trí, 08 công viên vườn dạo, 22 khu thể thao), đạt 64,2%; trong đó 13 trung tâm Văn hóa – Thể thao phường, xã cơ bản đủ thành phần chính gồm nhà văn hóa và khu thể thao (đạt 23%), 24 trung tâm Văn hóa – Thể thao có thiết chế nhưng chưa đầy đủ, chỉ có 01 trong các hạng mục như nhà văn hóa/công viên vườn dạo/khu vui chơi giải trí/khu thể thao, chiếm 41%. Riêng với huyện Hòa Vang, 118/119 thôn có nhà văn hóa, trong đó 53,4% đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.

Với 06 khu công nghiệp tập trung gồm Hòa Khánh, Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Khánh mở rộng, Hòa Cầm và Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, quy mô 1.066,52ha, và 03 khu công nghệ thông tin đang được triển khai xây dựng là Khu công nghệ cao Đà Nẵng và 02 dự án khu công nghệ thông tin tập trung với khoảng 73.210 lao động song mới chỉ có duy nhất Trung tâm VH-TT công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) được đầu tư hơn 4,2 tỷ đồng, diện tích 4.500 m2 với hội trường 250 chỗ ngồi, phòng làm việc, phòng tư vấn pháp luật, hai sân bóng đá mini, và hai sân bóng chuyền. Ở cấp thành phố, Đà Nẵng mới chỉ có 01 nhà văn hóa lao động thành phố (xây dựng năm 2009, diện tích 13.600 m2) đáp ứng đầy đủ điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, thể dục, thể thao cho cán bộ viên chức – lao động trên địa bàn. Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 sẽ đầu tư nhà văn hóa lao động tại quận Liên Chiểu, đến năm 2030 tại quận Sơn Trà (đạt chỉ tiêu 30% số đơn vị hành chính theo quy hoạch), kinh phí dự kiến 4 tỷ đồng/nhà văn hóa từ ngân sách thành phố và các nguồn huy động hợp pháp khác.

Theo số liệu của Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng hiện các trung tâm Văn hóa – Thể thao, khu vui chơi giải trí ở phường/xã sau khi được đầu tư nâng cấp, lắp đặt thiết bị đã thu hút khá đông trẻ em và người dân, có thể kể ra như phường Thuận Phước, An Hải Đông, Hòa Bắc, Hòa Ninh… số hoạt động tăng 30-50%, lượng người tham gia tập luyện và vui chơi tăng 50-80%, mỗi ngày đón 150-200 người đến vui chơi, tập luyện thể thao hay đi dạo (chủ yếu sáng sớm và chiều tối).Bên cạnh đó, nhiều nơi đã chủ động hợp tác với các tổ chức, cá nhân thực hiện mô hình cà phê sách, câu lạc bộ thể hình, thẩm mỹ, yoga, võ thuật… để tăng nguồn thu bù vào chi phí điện nước, duy tu, bảo dưỡng như Hòa Cường Bắc, Thuận Phước (quận Hải Châu), Vĩnh Trung, Chính Gián (quận Thanh Khê), An Hải Đông, An Hải Bắc (quận Sơn Trà).

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số thiết chế văn hóa cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, chỉ được sử dụng vào việc tổ chức hội họp, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, sinh hoạt của các hội, đoàn thể ở địa phương.Bên cạnh việc quy hoạch thiết chế văn hóa – thể thao, Đà Nẵng cũng xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; trong đó ở cấp thành phố có 100% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên; cấp quận/huyện đối với cán bộ quản lý ở khu vực đô thị, đồng bằng cũng như khu vực miền núi đều phải có trình độ đại học hoặc sau đại học chuyên ngành Văn hóa – Thể thao; đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ ở khu vực đô thị, đồng bằng 80% số cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng; 20% đạt trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ; ở khu vực miền núi có 60% số cán bộ quản lý và nghiệp vụ đạt trình độ đại học, cao đẳng; 40% đạt trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ.

Để tăng cường hơn công tác thiết chế văn hóa – thể thao, Đà Nẵng đã đề ra các giải pháp, trong đó tạp trung vào nhóm giải pháp đầu tư xây dựng, kinh phí tổ chức hoạt động; nhóm giải pháp về quy hoạch đào tạo và sử dụng cán bộ; nhóm về nâng cao chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nhóm giải pháp về môi trường và ứng phó biến đổi thời tiết. Trong đó, nhóm giải pháp đầu tư xây dựng, kinh phí tổ chức hoạt động thì tập trung kêu gọi sự hỗ trợ từ nguồn lực xã hội hóa.

Huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế – xã hội, các tổ chức phi chính phủ, các đoàn thể, nhân dân, sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao.Đầu tư một số hạng mục các cơ sở văn hóa, thể thao bằng phương thức các nhà đầu tư được khai thác và chuyển giao theo thời hạn thỏa thuận. Thu hút các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh các dịch vụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trong các thiết chế văn hóa, thể thao đã được Nhà nước đầu tư xây dựng. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở cơ sở gắn với mở rộng dịch vụ và thị trường. Cùng với đó khuyến khích các Trung tâm Văn hóa – Thể thao, Nhà Văn hóa xã, phường tổ chức các chương trình, hoạt động xã hội hóa để chi hỗ trợ lương, thu nhập thêm cho cán bộ.

Một trong những nhóm giải pháp được tập trung thực hiện, đó là xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa về số lượng và đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Các quận, huyện căn cứ vào nhu cầu của địa phương về đào tạo và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở; xây dựng kế hoạch đào tạo. Đào tạo các cán bộ, viên chức trẻ, đảm bảo tính kế thừa, chuyển giao giữa các thế hệ; xã hội hóa công tác đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, văn nghệ. Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở cũng như các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở gắn liền với yêu cầu thực tiễn.

Thu hút, tuyển chọn cán bộ quản lý các cơ sở thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đảm bảo các chế độ, chính sách đối với cán bộ hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở theo quy định của nhà nước cho đội ngũ cán bộ phụ trách điều hành thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; đồng thời phấn đấu tăng thêm thu nhập cho đội ngũ này từ nguồn thu có được từ các hoạt động dịch vụ phù hợp diễn ra tại thiết chế đang quản lý.Đối với lĩnh vực quản lý nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chế đối với hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; đổi mới cơ chế quản lý theo hướng khoán công việc.

Từng bước tiến hành điều tra, thống kê nhu cầu của người dân để hoàn thiện cơ sở vật chất xà xây dựng các chương trình hoạt động tại các cơ sở văn hóa, thể thao; đổi mới cơ chế hoạt động phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng thiết chế văn hóa, thể thao tại từng quận huyện, xã phường,… Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động các phong trào, những hoạt động vui chơi thiết thực cho người dân.

Xây dựng quỹ khen thưởng, có tiêu chí khen thưởng đối với cá nhân hoặc tập thể, gia đình có thành tích tham gia tích cực phong trào văn hóa, thể thao của xã, phường.Ngoài ra, tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động văn hóa, thể thao gắn với nhu cầu của người dân; điều tra, thống kê nhu cầu hoạt động và hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tăng cường giao lưu văn hóa, thể thao trong nội bộ xã, phường hoặc giữa các xã, phường.

KC

Print

1189

Đánh giá bài viết này:

No rating

Đánh giá bài viết này: