Đà Nẵng: Nhân viên ngành giáo dục đứng trước nguy cơ mất việc
Những thông báo và sự thay đổi quy chế bất ngờ
Nhiều nhân viên hợp đồng đang công tác tại một số trường công lập trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã liên tục gửi đơn phản ảnh, cứu xét đến các cơ quan chức năng ngành giáo dục, nội vụ của quận Hải Châu, cũng như của thành phố Đà Nẵng khi nhận thấy rằng những quy định về thi tuyển công khai mới có thể khiến họ rơi vào nguy cơ mất việc làm.
Chị PTAH, 50 tuổi, kế toán trường mầm non Ánh Hồng trên địa bàn quận Hải Châu cho biết: “Tôi được phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu ký hợp đồng không thời hạn từ năm 2014, trên thực tế trước đó tôi đã làm kế toán cho trường với hình thức hưởng lương từ nguồn học phí hơn 20 năm. Thế nhưng, đây là lần đầu tiên có chuyện tổ chức thi cử tuyển nhân viên công vụ trong nhà trường như thế này. Trong quá trình làm việc, chúng tôi luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và không để xảy ra bất cứ một kỷ luật nào, cũng bản thân tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2000 cho đến nay. Từ khi nhận được chỉ đạo của nhà trường về việc thực hiện Thông báo số 59/TB-UBND, khi thực hiện nộp hồ sơ tôi đã bị loại thi tuyển vì lý do bằng cấp không đáp ứng. Điều này là hết sức bất ngờ, vì trước đó bản thân tôi là nhiều đồng nghiệp kế toán khác trên địa bàn quận không hề được thông báo gì về những thay đổi này.”
Nhiều nhân viên ngành giáo dục quận Hải Châu trước nguy cơ mất việc làm
Cùng hoàn cảnh với chị H, chị ĐTTT, 42 tuổi bức xúc kể: “Tôi công tác tại trường tiểu học Lý Tự Trọng, quận Hải Châu đến nay đã được 6 năm, nhưng đến ngày 15/11/2021 vừa rồi tôi vô cùng bất ngờ và phẫn uất khi nhận được thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của tôi từ phía nhà trường. Hỏi ra thì nhà trường cho rằng tôi không có bằng kế toán hệ cao đẳng, nên sắp tới không đủ điều kiện thi tuyển viên chức của quận, vì thế mới có văn bản chấm dứt hợp đồng này.”
Ngoài những trường hợp nêu trên, còn có người đủ bằng cấp chuyên môn, nhưng lại thiếu bằng tiếng anh, bằng tin học… Điểm chung của những nhân viên kế toán này là họ đều cho rằng mình không hề được nhà trường cũng như các cơ quan có liên quan thông báo về việc thay đổi về yêu cầu bằng cấp trước đó. Chính vì sự bất ngờ đó mà nhiều nhân viên kế toán của các trường đã không kịp đi học nâng bằng cũng như có sự chuẩn bị cho các thông báo đột ngột về sau.
Những nhân viên “cũ” không có “cửa” để tiếp tục công việc
Theo các nhân viên này, nỗi lo lắng nguy cơ mất việc làm, gia đình rơi vào bất ổn trong thời gian đến là thường trực. Nhiều người hoang mang không biết nếu thất nghiệp mình phải làm gì để tiếp tục cuộc sống, chăm lo con cái học hành…
Đơn thư được nhân viên liên tục gửi đến các cơ quan chức năng nhằm cứu xét cho các nhâ viên có nguy cơ mất việc
Đây là những nhân viên có thâm niên gắn bó với công việc hầu hết trên 20 năm, thậm chí có người đã làm kế toán tại trường đến 27 năm, thế nhưng việc thông báo thi tuyển viên chức đối với những nhân viên này như là “cây kéo” cắt đứt “sợi dây cơ hội” trong sự nghiệp.
“Hầu hết, chúng tôi đều đã lớn tuổi, không còn cơ hội để xin một công việc khác vì các công ty, xí nghiệp cần những người trẻ để làm việc. Kể cả nếu có đủ điều kiện để dự thi, thì các vấn đề về tuổi tác, sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình sẽ khiến chúng tôi không thể cạnh tranh với các bạn trẻ.” Chị H nghẹn ngào.
Trước những trăn trở của những nhân viên có thâm niên trong ngành giáo dục, liệu các cơ quan chức năng có liên quan sẽ lắng nghe và hiểu thấu? Kinh tế Nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về đề tài này trong những số tiếp theo.
*Trước những ồn ào về dư luận, ngày 23/11/2021 vừa qua, hiệu trưởng trường tiểu học Lý Tự Trọng, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng là bà PTTL đã ký Quyết định số 147/QĐ-THLTT với nội dung huỷ bỏ thông báo số 199/TB-THLLL trước đó đã ký về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với chị ĐTTT, với lý do: Chờ kết quả thi tuyển sắp tới. Trong quyết định cũng nêu rõ chị ĐTTT sẽ tiếp tục quay lại trường làm việc cho đến khi có thông báo mới.