ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM – 93 NĂM NHÌN LẠI
ĐƯỜNG LỐI ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM –
93 NĂM NHÌN LẠI
(Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: 3/2/1930 – 3/2/2023)
Trong giai đoạn 1930 – 1945, trong bối cảnh chưa phải là đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tạo dựng mối quan hệ với các nước khác. Điều này đã thúc đẩy việc định ra đường lối đúng đắn và cách thức linh hoạt để thực hiện công tác đối ngoại, nhằm đóng góp vào sự nghiệp kháng chiến cứu nước.
Sách lược vắn tắt ra đời năm 1930 nêu rõ cần phải liên kết với cách mạng của các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản trên thế giới: “Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”[1]. Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (ngày 14 – 31/10/1930), Dự thảo Luận cương Chính trị cũng ghi “cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới phải có liên lạc chặt chẽ với nhau, giai cấp vô sản Đông Dương phải có quan hệ mật thiết với giai cấp vô sản trên thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp và phải mật thiết liên lạc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa nhằm mở rộng và tăng cường lực lượng cho cuộc đấu tranh cách mạng ở Đông Dương”[2]. Như vậy, từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định cách mạng Việt Nam và Đông Dương là một bộ phận của cách mạng thế giới và chủ trương đoàn kết với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Trong thời kỳ 1945 – 1975, cùng với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, công tác đối ngoại của Đảng đã có những bước phát triển đáng kể, và có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Bộ Ngoại giao được thành lập với Bộ trưởng đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chủ tịch Chính phủ. Trong tình thế đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, những nguyên tắc, sách lược đối ngoại đúng đắn và khéo léo đã giúp Việt Nam vượt qua được những tình huống hiểm nghèo, góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ và chuẩn bị cho kháng chiến. Mặc dù đang trong tình thế khó khăn nhưng không vì thế mà Việt Nam khép kín, chủ trương mở cửa, hợp tác với bên ngoài vẫn được chú trọng.
Trong bức thư gửi Liên Hợp quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực:
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc”[3].
Trong giai đoạn này, ngoại giao cách mạng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với mặt trận chính trị và quân sự, giành thắng lợi trên bàn đàm phán ở Geneve năm 1954 và Paris năm 1973, buộc thực dân Pháp cùng đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh.
Trong giai đoạn 1975 – 1986, sau khi hòa bình và thống nhất, để tiến hành công cuộc khôi phục và xây dựng đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã từng bước khắc phục đường lối đối ngoại “nhất biên đảo” và tăng cường mở rộng quan hệ với tất cả các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) xác định nhiệm vụ đối ngoại là: ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học, kỹ thuật, củng cố quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta và Đại hội lần thứ V (tháng 3/1982) chủ trương: công tác đối ngoại phải trở thành một mặt trận chủ động, tích cực trong đấu tranh nhằm làm thất bại chính sách của các thế lực hiếu chiến mưu toan chống phá cách mạng nước ta.
Giai đoạn từ 1986 đến nay thể hiện rõ quá trình đổi mới trong tư duy của Đảng nói chung và trong lĩnh vực đối ngoại nói riêng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Với việc đổi mới tư duy lý luận, đối ngoại Việt Nam bước vào một thời kỳ phát triển mới. Phương châm cơ bản của đường lối đối ngoại được xác định năm 1986 là đa dạng hoá các hoạt động và đa phương hoá các quan hệ đối ngoại. Theo đó, ngoài việc tiếp tục và tăng cường quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, hai nước trên bán đảo Đông Dương, thì cũng cần mở rộng quan hệ hợp tác với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Trong Văn kiện năm 1986 ghi rõ “…sử dụng tốt mọi khả năng mở rộng quan hệ thương mại, hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật với bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[4]. Vào tháng 5/1988, sau hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới. Trong đó, lần đầu tiên cụm từ “đa dạng hóa quan hệ” xuất hiện. Cụm từ này đã làm rõ nét hơn tư duy đối ngoại theo định hướng đa phương và thể hiện bước phát triển trong nhận thức của Đảng.
Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) tiếp tục chủ trương mở rộng quan hệ đối ngoại: “Hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị – xã hội khác nhau, trên cơ sở nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”[5]. Cũng tại Đại hội này, lần đầu tiên Đảng đưa ra phương châm “Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[6]. Như vậy, từ Đại hội VI đến Đại hội VII đường lối đối ngoại của Việt Nam đã có sự chuyển biến lớn trong nhận thức. Từ chỗ mang đậm ý thức hệ, đường lối đối ngoại của Việt nam đã chuyển sang rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.
Đại hội lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), khẳng định lại chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế: “tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[7] và đặc biệt chú trọng “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực”[8].
Đại hội lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) đề ra chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực. Đồng thời, phát triển quan điểm mở rộng quan hệ đối ngoại của hai kỳ đại hội trước, Đại hội IX nêu rõ: “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”[9]. Đây được xem là bước phát triển về chất của quan hệ đối ngoại Việt Nam.
Từ “sẵn sàng là bạn” của Đại hội IX, Đại hội lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) tiến thêm một bước khi khẳng định “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực… Đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định và bền vững”[10].
Sang đến Đại hội lần thứ XI (1/2011), mức đội hội nhập được nâng lên một tầm cao mới. Việt Nam sẽ “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[11]. Hội nhập quốc tế giờ đây được mở rộng ra tất cả các lĩnh vực từ kinh tế cho tới chính trị, quốc phòng, an ninh và văn hóa – xã hội.
Đại hội lần thứ XII (tháng 1/2016) lần đầu tiên đưa ra khái niệm “đối ngoại đa phương” và nêu rõ: “tiếp tục đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”[12]. Theo đó, công tác đối ngoại đa phương cần phải chủ động, tích cực hơn trong việc tham gia vào các cơ chế đa phương, đặc biệt là vào quá trình xây dựng và định hình các quy tắc, luật lệ mới của các cơ chế này.
Nếu như Đại hội XII nhấn mạnh Việt Nam sẽ là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế thì Đại hội XIII (tháng 1/2021) bổ sung thêm Việt Nam là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế: “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”[13].
Trải qua 93 năm từ năm 1930 đến nay, đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam đã liên tục được điều chỉnh và thay đổi để phù hợp với thời cuộc. Điều này không chỉ thể hiện sự nhạy bén và sáng suốt của Đảng mà còn mang lại những đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước cũng như quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
NCS, Vũ Phan Tố Uyên
(Học viện Chính trị khu vực III)
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1998, tr.3.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1998, tr.89, 90.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, tr. 523.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.114
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.49
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H. 1996, tr.120.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2001, tr. 43
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2001, tr.42.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2006, tr.112.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.236.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2016, tr.155.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2021, t.I, tr.162.