DOPING MÁU

1. Doping máu là gì? (1)

Doping Máu ( blood doping ) là một loại hình doping bị cấm trong thi đấu thể thao. Nó gồm các thủ thuật can thiệp vào cơ thể vận động viên, làm tăng khả năng thi đấu thể thao. Với mục tiêu chủ yếu là làm tăng khả năng cung cấp oxy và dưỡng chất đến các mô cơ đang hoạt động, từ đó tăng độ dẻo dai và bền bỉ của cơ.

Trong hầu hết trường hợp, các thủ thuật doping máu có mục đích làm tăng hemoglobin trong máu. Hemoglobin – hay còn gọi là huyết sắc tố, một protein có trong hồng cầu, có chức năng vận chuyển oxy trong máu. Vì thế việc tăng hemoglobin sẽ gián tiếp tăng lượng oxy đến mô. Các mô cơ, cũng giống như động cơ, khi được tiếp nhiên liệu đầy đủ, sẽ hoạt động bền bỉ hơn. Doping máu thường dùng nhất trong các môn thể thao cần sức bền: bơi lội, chạy bộ, đua xe đạp.

Doping máu đã bị cấm bởi Thế Vận Hội và các tổ chức thể thao quốc tế khác.

2. Các hình thức sử dụng doping máu (1)

Có 3 hình thức thường dùng nhất:

  • Truyền máu

  • Sử dụng erythropoietin (EPO)

  • Sử dụng các chất vận chuyển oxy tổng hợp

Truyền máu:

Truyền máu là một thủ thuật rất thông dụng trong y khoa. Đối tượng bệnh nhân được truyền máu là những người bị thiếu máu nặng, có thể mất máu cấp do tai nạn, hoặc những trường hợp bệnh gây thiếu máu lâu dài trên bệnh nhân, cũng có thể truyền máu sau phẫu thuật để bù lại lượng máu đã mất …

Tuy nhiên việc truyền máu để tăng sức bền trong thi đấu thể thao là hoàn toàn bị cấm (cùng lý do với việc cấm doping nói chung vì những tác dụng phụ của nó, tham khảo thêm ở bài “ Doping-Lịch sử hình thành doping” ).

Có 2 hình thức truyền máu trong doping:

  • Truyền máu tự thân: vận động viên ( VĐV ) sẽ truyền lại máu của chính bản thân vào người. Lượng máu này đã được lấy ra từ trước và được trữ lại.

  • Truyền máu tương đồng: VĐV sử dụng máu của người cùng nhóm máu.

Với việc truyền máu như thế này, trong cơ thể của VĐV sẽ sở hữu một lượng máu dồi dào. Tăng khả năng tuần hoàn máu và cải thiện khả năng thi đấu của họ.

Sử dụng EPO:

Erythropoietin là một loại hormone kích thích tạo máu, được tiết ra bởi tế bào thận. Việc sử dụng EPO, tăng EPO trong cơ thể dĩ nhiên sẽ khiến cơ thể gia tăng số lượng hồng cầu lên.

Trong y khoa, sử dụng EPO cũng là một thủ thuật điều trị. EPO tổng hợp được tiêm cho các bệnh nhân mắc chứng thiếu máu, nguyên nhân liên quan đến bệnh thận mạn, suy thận giai đoạn cuối.

Các chất mang oxy tổng hợp:

Đây là các chất tổng hợp, có khả năng vận chuyển oxy. Hay nói cách khác, đây giống như máu nhân tạo (tìm hiểu thêm về máu nhân tạo tại bài viết “máu nhân tạo”). Nó đảm nhận các chức cơ bản của máu. Hiện tại có 2 nhóm thông dụng:

  • HBOCs (hemoglobin-based oxygen carriers): chất mang oxy dựa trên hemoglobin

  • PFCs (perfluorocarbons): nhóm bào chế từ perfluorocarbon

Các hợp chất mang oxy tổng hợp cũng có nhiều ứng dụng trong y học. Cơ bản nhất vẫn là điều trị cho các trường hợp thiếu máu với nhiều nguyên nhân khác nhau, mà tại cơ sở y tế thiếu máu dự trữ ( các hợp chất này có khả năng dự trữ tốt hơn máu người ). Hoặc trong các trường hợp không thể truyền máu cho bệnh nhân, do nguy cơ nhiễm trùng máu cao, hay trường hợp không đủ thời gian tìm nhóm máu phù hợp ( các chất tổng hợp này không cần quan tâm đến nhóm máu ).

Cũng như các hình thức doping máu trên, việc sử dụng các hợp chất này cũng giúp tăng khả năng thể thao của VĐV.

Các hình thức doping máu

Các hình thức doping máu

3. Các xét nghiệm kiểm tra doping máu(1)

Việc kiểm tra doping máu thường áp dụng trong các giải thi đấu quốc tế. Có nhiều cách xét nghiệm doping, tuy nhiên không thể nào kiểm soát hết được.

Xét nghiệm truyền máu tự thân:

Thực tế hiện tại không có cách xét nghiệm trực tiếp nào chứng minh việc VĐV có thực hiện truyền máu tự thân hay không. Thay vào đó , có cách gián tiếp phát hiện ra. Những chỉ số xét nghiệm máu tại thời điểm xét nghiệm sẽ được so sánh với chỉ số xét nghiệm máu ở lần xét nghiệm trước đó. Nếu chỉ số giữa 2 lần có sự khác biệt đáng kể chứng tỏ VĐV có sử dụng doping máu.

Phương pháp này được chứng thực bởi cơ quan phòng chống doping thế giới (the World Anti-Doping Agency (WADA))

Xét nghiệm truyền máu tương đồng:

Kiểu doping máu này có thể được phát hiện bằng xét nghiệm. Những xét nghiệm này đã được sử dụng tại Thế vận hội mùa hè năm 2004 tại Athens, Hy Lạp.

Xét nghiệm việc sử dụng EPO:

Các xét nghiệm máu và nước tiểu có thể tìm ra EPO tổng hợp. Tuy nhiên EPO có thời gian tồn tại trong máu rất thấp mà thời gian tác động lên cơ thể tồn tại lâu hơn nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc xét nghiệm tìm EPO rất dễ bỏ sót. Những phương pháp xét nghiệm hỗ trợ đang được nghiên cứu phát triển.

Xét nghiệm tìm chất mang oxy tổng hợp:

Từ năm 2004, người ta đã có thể xét nghiệm tìm các chất mang oxy trong máu.

4. Scandal của Lance Armstrong (2)

Lance Armstrong, một người Mỹ và là VĐV đua xe đạp rất nổi tiếng. Năm 1996, sau khi hồi phục  từ căn bệnh ung thư tinh hoàn, ông đã giành giải vô địch đua xe đạp Tour de France- lần đầu tiên trong tổng cộng 7 lần vô địch của ông. Năm 2005, Sau khi giành chiếc cup thứ 7, ông bị dính vào scandal đình đám về việc sử dụng Erytropoietin trong thi đấu. Năm 2012, ông bị tước tất cả các danh hiệu đạt được từ năm 1998 và bị cấm tham dự giải đua xe đạp vĩnh viễn.

Lance Armstrong đã làm cách nào để tránh sự kiểm tra trong phần lớn sự nghiệp của mình?

Một chiến lược đơn giản là “trốn” khi thanh tra giám định tìm đến.

Những người đua xe đạp chuyên nghiệp phải cho các cơ quan chống doping  biết nơi ở của họ mọi lúc, nhưng miễn là họ báo cáo chính xác các thành phố họ đang ở, còn việc họ thực sự ở đâu hay đang làm gì đều được miễn cung cấp thông tin.

Armstrong thường nhận thông báo trước các cuộc kiểm tra và ngay lập tức ông thay đổi kế hoạch đi du lịch hay lấy lý do ghé thăm quê nhà, điều này khiến việc theo dõi ông ta rất khó khăn.

Ông cũng sử dụng các kỹ thuật tinh vi để ngăn chặn những người kiểm thử, như sử dụng các loại thuốc không thể dò ra được, chẳng hạn như EPO, một loại thuốc mà các máy dò chưa tìm ra được vào những năm 1990, khi ông bắt đầu dùng nó. Khi công nghệ xét nghiệm phát triển, Armstrong thấy rằng việc tiêm liều nhỏ vào tĩnh mạch sẽ cho kết quả âm tính hơn là việc tiêm dưới da.

Tiến sĩ Yesalis nói: “Bạn cần phải là một nhà nghiên cứu tại Viện Y tế Quốc gia để hiểu được ông ấy đã làm như thế nào, nó phức tạp đến vậy đấy”.

Lance Armstrong và Oprah Winfrey, trong cuộc phỏng vấn năm 2013 về scandal doping trong sự nghiệp của mình.

Lance Armstrong và Oprah Winfrey, trong cuộc phỏng vấn năm 2013 về scandal doping trong sự nghiệp của mình.

5. Nguy cơ sức khỏe của việc dùng doping máu (1)

Do các tác động làm tăng số lượng hồng cầu trong máu, việc sử dụng doping máu sẽ làm máu đặc lại. Máu cô đặc làm tăng sức cản, tim cần phải hoạt động mạnh hơn nữa để bơm máu đi. Người VĐV dùng doping máu sẽ có các nguy cơ mắc bệnh:

  • Huyết khối

  • Nhồi máu cơ tim

  • Đột quỵ

Theo thống kê thì có khoảng 20 VĐV xe đạp ở châu Âu đã tử vong do các tai biến sau khi dùng doping máu, trong vòng 25 năm qua.

Việc truyền máu cũng có thể kém theo các nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như:

  • Nhiễm virus viêm gan siêu vi B

  • Nhiễm virus viêm gan siêu vi C

  • Nhiễm HIV

Sau một thời gian, việc truyền máu còn gây hậu quả là ứ đọng sắt trong cơ thể. Sắt là thành phần cấu tạo nên hồng cầu trong máu, nên việc truyền máu quá nhiều sẽ gây hiện tượng ứ đọng này. Hậu quả là có thể tổn thương đến các cơ quan như phổi, gan và nhiễm khuẩn.

Việc truyền máu còn có thể có các tác dụng phụ sau:

  • Dị ứng

  • Sốt

  • Nổi mẩn, nổi ban

Việc truyền EPO có các tác dụng phụ như sau:

  • Tăng kali máu

  • Tăng huyết áp

  • Các triệu trứng của cúm

Việc sử dụng các chất mang oxy tổng hợp có thể gây các bệnh sau:

  • Bệnh tim mạch

  • Huyết khối

  • Đột quỵ

  • Nhồi máu cơ tim

 

Người dịch và biên soạn: Nguyễn Hiếu Nghĩa-SVY6- ĐHYD TPHCM

Hiệu đính: DS. Phạm Trần Đan Thi

Nguồn:

(1)WebMD,2017, Blood Doping ,< http://www.webmd.com/fitness-exercise/blood-doping#1>

(2)Neil Chesanow,2016, Faster, Higher, Stronger: A History of Doping in Sports, <www.medscape.com/features/slideshow/history-of-doping-in-sports>