ĐỌC THƠ TRỮ TÌNH TỪ GÓC ĐỘ KIẾN TẠO BÀI THƠ | Trần Đình Sử

Trần Đình Sử

Hàng ngày chúng ta vẫn giao lưu với nhau bằng tiếng nóí và chúng ta tự hiểu. Sở dĩ thế là vì chúng ta đã có năng lực sử dụng tiếng nói mà chúng ta giao tiếp. Thực chất của năng lực nghe hiểu đó là do chúng ta đã nội hoá toàn bộ các quy tắc của thứ tiếng mà ta nói vào đầu óc mình bắt đầu từ ngày thơ bé. Đọc thơ không giống như nghe hiểu ngôn ngữ tự nhiên. Thoát nạn mù chữ không phải đã thoát nạn mù thơ, bởi vì thơ là một ngôn ngữ nghệ thuật. Nhà triết học Mĩ Ludwig Wittgenstein hỏi: “Khi nào thì anh biết đánh cờ? Anh tự nhiên biết đánh, hay là khi anh biết di động quân cờ trên bàn cờ,  hay là trong mỗi bước đi quân cờ đã bao hàm toàn bộ nghệ thuật đánh cờ?”[i] Cũng vậy, khi nào thì ta biết đọc hiểu thơ? Đó là khi đọc một bài thơ ta đã phải nội hoá toàn bộ quy tắc nghệ thuật thơ, ý niệm thơ, cấu trúc thơ, các thủ pháp thơ vào tâm trí mình. Nếu thiếu những tri thức và năng lực đó, thì khó lòng mà đọc hiểu thơ được.

Thơ trữ tình tuy là một thể loại nhưng xét về mặt lịch sử thì nó cũng như các thể loại văn học khác, vô cùng đa dạng và phong phú, khác biệt. Ai cũng biết thơ trữ tình khác tự sự, tiểu thuyết, kịch, tản văn. Thơ là sản phẩm của lịch sử, ngoài thơ dân gian còn có thơ cổ điển, thơ thuộc  các trường phái tượng trưng, siêu thực, thơ vị lai, biểu hiện, thơ tân hình thức, thơ hai cư, thơ dịch. Mỗi loại có một cách đọc khác, và mỗi tác phẩm cá biệt đều có cách đọc riêng. Đọc thơ trữ tình phải phân tích nhân vật trữ tình, theo dõi các kiểu kết cấu, các phép tu từ thường gặp của thơ, phân tích ý nghĩa, vẻ đẹp của hình ảnh, nhịp điệu, và hằng trăm thứ mà chỉ có thơ mới có.  Trong bài này tôi nêu vấn đề đọc thơ trữ tình từ góc độ các  thủ pháp kiến tạo bài thơ. Theo nhà cấu trúc luận Mĩ, Jonathan Culler trong sách Thi pháp cấu trúc chủ nghĩa  [ii] (1975) ông không chạy theo cấu trúc văn bản, mà chủ trương một thứ thi pháp đọc. Ý nghĩa tác phẩm văn học do người đọc kiến tạo. Đọc văn đọc thơ đều có các thủ pháp, nguyên tắc, theo thói quen, ước định tục thành. Cũng như trong giao tiếp, sở dĩ ta nghe hiểu được lời của người khác, dù là nói rất nhanh, nhiều khi nói chưa hết câu, là vì ta đã nắm thuộc làu các cách biểu đạt hàng ngày rồi. Trong đọc văn cũng thế, nhưng khó hơn và lâu hơn. Tìm lại, hệ thống hoá các trình tự, cách thức đọc thơ xưa nay cũng xây dựng được một thi pháp đọc văn học. Thông thạo được các thao tác đọc này thì có thể coi như sơ bộ có được cái năng lực đọc thơ văn. Sách của Culler chia ra thi pháp đọc thơ, thi pháp đọc tiểu thuyết, thi pháp đọc kịch. Trong sách của ông phần đọc thơ tương đối mỏng, tự ông cũng thấy sơ lược. Tuy vậy, ông vẫn nêu được một cái sườn, dựa vào đó tôi có thể đắp thêm da thịt.  Tuy nhiên cần lưu ý rằng, sau này tác giả là người theo chủ nghĩa giải cấu trúc, nhưng lúc này, tại sách này, ông là một nhà cấu trúc chủ nghĩa. Culler lúc này chưa chú trọng đầy đủ về chủ thể, ngữ cảnh, liên văn bản.

Theo ông mỗi thể loại văn học, chỉ riêng hình thức đã có nội dung của nó. Cấu tạo thơ, như xuống dòng, có nhịp điệu , có vần, dùng các ẩn dụ, mỉa mai…là hình thức tạo chất thơ. Ví dụ lấy một mẩu tin: “Hôm qua lúc 5 giờ chiều, trên quốc lộ số 7, một chiếc xe chạy với tốc độ 100 cây số đã dâm phải cây ngô đồng Pháp. Cả bồn người trong xe đều tử vong.” Nếu. viết theo hình thức thơ, ta có thể có:

Chiều hôm qua trên quốc lộ số bảy

Một chiếc xe với tốc độ trăm cây

Đã đâm phải cây ngô đồng giống Pháp

Cả bốn người trên xe đều đã tử vong.[iii]

Do là dưới hình thức thơ, không ai nghĩ rằng đây là một mẩu tin trên báo, và dĩ nhiên không chờ đợi nội dung tin, và bắt đầu  đọc theo lối thơ . Như thế, “Hôm qua” đây chỉ là từ phiếm chỉ thời gian quá khứ gần. Thời gian trong bài là thời gian độc lập với thời gian lịch. Một chiếc xe với tốc độ trăm cây được hiểu như một hành vi có tính định mệnh.  Và cả bài như một câu chuyện ngụ ý nào đó. Chữ tử vong cuối bài như một  một sự kết thúc định mệnh. Hình thức thơ đã thay đổi nội dung thông tin. Nhưng một bài thơ đem viết dưới hình thức mẫu tin thì lại vô nghĩa. Nhà triết học Mĩ L. Wittgenstein còn nói: “Nên nhớ rằng, nếu đem một bài thơ mà viết lại dưới hình thức bản tin, thì sản phẩm đó không thể dùng được gì vào trò chơi thông báo.”[iv] Đó là vì ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ giao tiếp thông thường hoàn toàn khác nhau, chúng biểu thị những thông tin hoàn khác nhau. Đây là điều mà các học giả như R. Jakobson đã nghiên cứu. Cho nên chữ “thơ” ngoài bìa thông báo thể loại của nó đồng thời thông báo cho ta về cách đọc nó.

Đọc văn bản thơ trữ tình  cũng như đọc mọi văn bản, ta có một tâm thế chờ đợi, hiếu kì. Ngay từ cái nhan đề. Nó thông báo gì, hứa hẹn gì. Nhưng không vội đọc ngay. Theo Culler, khi đọc thơ người đọc phải biết làm một số  việc (thao tác, thủ pháp) sau đây.

 Một là, phân biệt văn bản nghệ thuật với văn bản phi nghệ thuật.  Do thơ là sáng tạo nghệ thuật, nó là biểu hiện gián tiếp, có khoảng cách với tác giả. Trong thơ không có lời riêng của tác giả như là một nhân vật lịch sử. Do vậy, các từ ngữ đại từ nhân xưng như tôi, anh, em…, các từ chỉ không gian đây, đó, kia, nọ, các từ chỉ thời gian như hôm nay, hôm qua, ngày mai, đều là ước lệ, có một ý nghĩa trừu tượng, ẩn dụ, không chỉ cái gì cụ thể, xác thực. Tôi có thể chỉ đám mây, còn em có thể chỉ là bông hoa hay mùa xuân đang đến. Đó là những yếu tố cung cấp cho người đọc để họ kiến tạo một thế giới để hiểu cái gì đang diễn ra và nhận ra nhà thơ đang hư cấu những gì. Ta phải hiểu được cách nói (diễn ngôn ) của một thời. Chẳng hạn Lafontaine nói nỗi buồn chắp cánh bay đi thì có nghĩa là đã hết buồn rồi, còn Nguyễn Du nói Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi thì phải hiểu là thời gian đã sang đầu tháng ba. Các nhà văn theo thuyết phản ánh muốn nói cái gì có trong thực tế, lời nói nhà siêu thực hướng vào trí tưởng tượng của chủ thể. Người đọc phải biết cách hoàn nguyên, quy hoá (naturalized) lời thơ với cái biểu đạt của nó thì mới có thể hiểu được văn thơ.

    Người đọc bắt buộc phải tìm ra chủ thể trong bài để xác định ai nói với ai, trong toạ độ không gian, thời gian nào để có thể hiểu thông điệp của thơ. Tôi trong Vội vàng không đồng nhất với Xuân Diệu, khác với các tôi khác trong các bài thơ khác của ông, nó là một vị trí để người đọc nhập thân vào để thể nghiệm. Đây trong Đây thôn Vĩ Dạ không phải chỉ thôn Vĩ Dạ, mà là chỉ biểu tượng cái thôn Vĩ Dạ, nơi có người đẹp  trong tâm hồn thi sĩ khi nhận được tấm bưu ảnh của người chàng mong đợi. Vì tấm bưu ảnh không ghi ngày tháng,không kí tên người gửi, cho nên chỉ có thể gọi là Đây thôn Vỹ Dạ.  Đó là tính khoảng cách của văn bản so với thực tế của nhà thơ.

Việc thứ hai là khi đọc thơ trữ tình, từng câu một với ý nghĩa cục bộ, người đọc chờ đợi một cái nghĩa chỉnh thể của toàn bài. Đó là một hình tượng trọn vẹn, một ý nghĩa nhân sinh. Đó là vì nhà thơ khi sáng tác cũng muốn đem lại một quan niệm như thế. Thơ ca đích thực là bài thơ mà các yếu tố trong bài thơ liên kết, nâng đỡ nhau, giải thích cho nhau.  Chính cấu trúc này cho phép người đọc suy ngẫm, phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố để hiểu cái ý mà bài thơ biểu đạt. Các yếu tố của bài thơ  soi sáng cho nhau, rồi sau đó mới có thể tham khảo các yếu tố bên ngoài có tính chất phụ trợ rất quan trọng. Bài thơ phải có cái logich nội tại thì người đọc mới đọc hiểu được. Người đọc thơ luôn có khát vọng tìm thấy mối liện hệ của các câu thơ, các chi tiết, hình ảnh liên kết thành chỉnh thể. Nhưng nhà thơ giấu đi các nối kết, bỏ đi các liên hệ bề ngoài để làm khó cho người đọc bằng cái gọi là trò chơi thơ, cố để cho người đọc đi tìm.  Trong một bài thơ luôn có sự nhảy vọt, biến đổi, lạ hoá. Qua các dòng thơ, khổ thơ có thể có sự đứt gảy, kẽ hở. khoảng trống, chỗ không xác định. Ở đây  hành trình người đọc bắt đầu.  anh ta tìm mọi cách để thống nhất cho thành chỉnh thể. Đầu tiên phải xác định lời bài thơ là lời của ai? Đọc Đây thôn Vĩ Dạ khổ đầu, ta nghe thấy một lời mời ngọt ngào của một cô gái. nhưng thực tế không có lời mời nào hết, chỉ là trí tưởng tượng của nhà thơ khi mới cầm tờ bưu thiếp do người ông thương yêu gưỉ  đến.  Bài thơ đã trải qua hi vọng, thất vọng và hoài nghi, hình như chỉ hoài nghi thôi chứ chưa dứt mộng tình yêu do tạo hoá đặt bày.  Trước đây trong chương trình văn học lớp 8 hệ 10 năm có bài Tùng của Nguyễn Trãi, không ai nêu vấn đề lời của ai, kết quả hiểu lệch bài thơ sang chủ đề “Đông thiên tam hữu” (ba người bạn mùa đông – tùng trúc, mai), liên hệ với chủ đề ca ngợi người quân tử một cách trừu tượng, và không thấy cái hay của bài thơ ở đâu. Đọc Tống biệt hành, một thời người ta không chú ý đến vị trí của lời người tiễn. Chính người tiễn đã dùng lời của mình để vẽ ra hình tượng người ra đi. Đọc bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, nhiều nhà giáo nổi tiếng  bắt tay ngay vào phân tích hình ảnh, mà chẳng buồn hỏi, lời bài thơ là lời của ai hỏi với ai.  Trong khi cả bài thơ được cấu tạo bằng ba câu hỏi, mà lại là ba câu hỏi kiểu phủ định.  “Em không nghe…”Lời của ai trong bài thơ rất quan trọng. Chính nhà thơ muốn nghe các lời ấy, với ngữ điệu ấy, ngôn từ ấy. Từ lời của ai ta biết được ai nói với ai, về cái gì, trong toạ độ không gian, thời gian nào, và nắm được cái toàn thể.

Việc thứ ba hay cũng là thủ pháp đọc thơ thứ ba là kiến tạo ra ý nghĩa (significance) hay còn gọi là chủ đề (theme) của bài thơ. Thơ thường có những chủ đề lặp đi lặp lại như tình yêu, sự sống, cái chết, các mùa trong năm, hoặc có những chủ đề bột phát, chợt hiện trong các bài tức cảnh, tức sự. Có chủ đề  gắn với tâm sự tác giả suy ngẫm về thời đại phải có suy nghĩ xã hội học,  hoặc dùng phân tâm học, tức là đưa chủ đề bài thơ vào các phạm trù tư tưởng.

Tìm chủ đề bài thơ là muốn tìm đến ý nghĩa tận cùng của bài thơ. Ta có thể đi tìm cách hiểu của tác giả rồi sẽ có cách hiểu riêng của người đọc, trùng khít hoặc không với tác giả. Trường hợp bài thơ đa nghĩa thì có nghĩa chính, nghĩa phụ, nghĩa bề ngoài. Có nhiều trường hợp không xác định tường minh được, vì chủ đề chỉ là một khuynh hướng tình cảm. Xác định khuynh hướng tình cảm là được.  Muốn tìm chủ đề trước tiên khai thác tên tác phẩm. Chủ đề bài Độc Tiểu Thanh Kí, nhất định là cảm xúc khi đọc tập Tiểu Thanh kí. . Hai câu đầu nói về thái độ đọc, hai câu tiếp nói về tiếp nhận nội dung Tiểu Thanh kí. Hai câu 5 – 6 bàn luận, câu 7 – 8 tự liên hệ với đời mình. Chủ đề tập trung ở hai câu: Cổ kim hận sự thiên nan vấn, Phong vận kì oan ngã tự cư. Một niềm oán hận mênh mang và một tâm thế cô độc trước cuộc đời. Chủ đề chính là nỗi niềm thương tài, cô độc, không người chia sẻ. Chủ đề bài Đây mùa thu tới của Xuân Diệu là ý xuyên suốt qua các khổ thơ và  về cảm thức  “hận chia li”, chia phôi hé lộ ở dòng hai của khổ thơ cuối. Một chủ đề rất cổ nhưng đã được làm mới bằng những cảm xúc và biểu đạt mới. Chủ đề nhiều bài thơ biểu đạt trong môt hai câu. Chủ đề bài Thu điếu (Câu mùa thu ) là nỗi tiếc: Tựa gối ôm cần lâu chẳng được”. Chủ đề bài Ông nghè tháng Tám chính là Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi, nhưng thế nào là thật và chơi còn phải phân tích để hiểu được cái ý riêng của nhà thơ.  Chủ dề bài Năm mới chúc nhau của Tú Xương chính là  chúc mọi người “Sao được cho ra cái giống người”.

Tuy nhiên, thao tác thứ tư của đọc thơ là tránh quan niệm lí trí, bởi vì thơ không sáng tác bằng lí trí. Thế nhưng đây là hai chuyện khác nhau. Nhà thơ sáng tác bằng trực giác, tưởng tượng, nhưng ý nghĩa của nó tự mang tầm lí trí và trí tuệ cao siêu, mà điều ấy thì không thể nhìn thấy bằng mắt thường được. Ở đây cần được phân tích, suy luận để hiểu cái logic chìm ẩn trong hình tượng. Nhờ có sự phân tích mà các yếu tố có chất thơ đã được phát lộ.

Nhưng dù việc phân tích cấu trúc văn bản có giá trị thế nào cũng không thể bỏ qua thao tác hoàn nguyên để hiểu nghĩa sâu của bài thơ. Đây là điều mà Culler khi nói đến các thao tác đọc sách chưa đề cập. Ông chỉ nói đến thao tác hoàn nguyên trong việc đọc hiểu theo thói quen văn học và văn hoá mỗi thời. Có những bài thơ ta không thể nào tìm biết bối cảnh và rất khó để hiểu được nó. Nhưng đối với những bài thơ có thể làm được thì  phương pháp (thao tác) hoàn nguyên có tác dụng không thể phủ nhận. Hoàn nguyên đây chỉ cách tìm về các đặc điểm tiểu sử, thời đại, hoàn cảnh đã là nguyên nhân có thể có để viết ra nội dung bài văn. Trên kia đã nói tới trường hợp bài Tùng của Nguyễn Trãi, các nhà giáo Bùi Văn Nguyên chỉ lí giải nó trong bối cảnh văn hoá chung thời trung đại là “đông thiên tam hữu”. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh bài thơ là khi Nguyễn Trãi đã mất hết chức vụ, đã về Côn Sơn ở ẩn, nhưng trong tâm thế vẫn tự khẳng định công lao của mình đối với nước, ta sẽ hiểu được tâm sự nóng bỏng của nhà thơ.  Bài thơ hoàn toàn không phải nói về lí tưởng người quân tử nói chung, mà chính là nói tới tâm sự, lí tưởng của chính Nguyễn Trãi. “Đống lương tài có mấy bằng mày. Nhà cả đòi phen chống khoẻ thay. Hổ phách, phục linh nhìn mới biết, Dành, con để trợ dân này” Trong lời ngợi ca cây tùng lẽ nào không hàm chứa niềm tự hào riêng của nhà thơ về công lao của mình?  Bài thơ Ông nghè tháng Tám của Nguyễn Khuyễn cũng không hề giản đơn là diễu ông nghè tháng tám, chê ông tiến sĩ dốt như nhiều người nghĩ. Một người hay chữ đỗ Tam nguyên như Nguyễn Khuyến, không bao giờ làm thơ để chê người dốt, như vậy hoá ra ông tự khen mình, khó tránh tiếng lố bịch. Phải hiểu tâm sự Nguyễn Khuyến khi thấy cái tiến sĩ của ông, kiểu chỉ biết văn chương,  không thể giúp ông cứu nước, thì chỉ là tiến sĩ “đồ chơi”. Tiếng cười ấy mới thật sâu sắc và có nội dung lịch sử.  Bài Thu điếu cũng cần dùng phương pháp hoàn nguyên. Thao tác hoàn nguyên cũng giúp ta tìm hiểu nghĩa của câu chữ. Chẳng hạn trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ cả bài đòi hỏi phương pháp hoàn nguyên thì mới đọc hiểu được, nhưng  riêng từ ngữ có câu: “Mơ khách đường xa, khách đường xa, Áo em trắng quá nhìn không ra”,  thì áo trắng nghĩa là gì? Nhiều người khen hình ảnh áo trắng hay và đẹp, nhưng theo tôi, “trắng quá nhìn không ra” khi người trông đợi mơ tưởng mòn mỏi thì là một cái màu sắc có ý nghĩa tiêu cực. Phải chăng có thể liên hệ đến cái thiếp mà Hoàng Cúc gửi cho chàng chỉ có lời hỏi thăm mà không ghi ngày tháng, địa điểm và không kí tên.  Phải chằng người gửi đã tự tẩy trắng để thành “trắng quá” để chàng không nhận ra. Nhìn không ra ở đây thiết nghĩ là đã nhận ra vậy. Nhưng chàng vẫn làm như rất thành thực: Ai biết tình ai có đậm đà.

Phương pháp liên văn bản cũng không thể thiếu.  Phương pháp này đã quen thuộc từ lâu, song chưa được ý thức về lí thuyết. Muốn hiểu bài Độc Tiểu Thanh kí thì tối thiểu phải biết Tiểu Thanh kí là gì đã. Mối liên hệ với Tiểu Thanh kí đã tạo nên nội dung của bài thơ. Dù không muốn biết cũng không được. Khi đọc bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư không nên bỏ qua cấu tứ của bài phú Tiếng thu của Âu Dương Tu đời Tống. Bài phú cho biết, tác giả ngồi trong thư phòng, thoạt tiên nghe gió thổi từ xa, rồi sấm chớp, mưa bão, rồi tiếng kim khí, tiếng gươm khua. Bèn sai tiểu đồng ra xem, thì thấy trời trong trăng sáng. Thì ra tiếng thu nảy sinh tự trong lòng. Thế là tiếng thu có người nghe thấy và có người không nghe thấy. Từ đó mà nảy sinh câu hỏi “Em không nghe mùa thu”  Đối với những người không biết bài Thu thanh phú thì họ suy diễn thế nào mặc lòng, không bắt buộc, nhưng những ai đã biết họ sẽ có thêm cái thú riêng được tiếp cận tứ thơ đặc biệt có từ thời cổ đại.

Đối với các bài thơ khác, có thể kiến tạo nghĩa theo cấu trúc kí hiệu. Ví dụ đối với bài thơ Tự tình 1 của Hồ Xuân Hương Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom, ta có thể hình dung tiếng gà gáy là biểu tượng âm thanh của thời gian,  vô tình, đối lập với thời gian tuổi trẻ, trở thành áp lực tâm hồn đối với con người. Các bài thơ của Hồ Xuân Hương như Bánh trôi nước, Hang Cắc Cớ,  Cái quạt, Tranh Tố nữ… đều kiến tạo như một kí hiệu. Bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ, hay bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu thì kí hiệu được cấu tạo bằng hai không gian đối lập, trong tù và ngoài tù và tình cảm nhà thơ muốn tung phá ngục tù hay hoài nhớ không gian tự do đã mất.

Như thế Đọc kiến tạo nghĩa là khai thác các tiềm năm tạo nghĩa trong cấu trúc của bài thơ, văn bản thơ, khai thác các mối quan hệ ngữ cảnh hoặc quan hệ liên văn bản để hiểu sâu, hiểu thấu đáo cái nghĩa mà tác phẩm muốn biểu đạt.

Đối với các bài thơ sáng tác theo các phương pháp tượng trưng, siêu thực hoặc phương pháp khác thì để hiểu được cần biết tim hiểu các nguyên tắc sáng tác của chúng và kiến tạo theo nguyên tắc mà nhà thơ “tuyên ngôn”.

Thơ và văn vốn có tính đa nghĩa, mơ hồ. Nhưng có loại do tác giả có nhu cầu biểu đạt lấp lững, dùng các hình thức ẩn dụ, ám thị, lại có tình huống đa nghĩa do người đọc tạo nên. Trường hợp thứ hai hàm chứa những cách hiểu hời hợt chưa tới hoặc suy diễn tuỳ tiện. Người đọc thơ cần minh xét để đến được với các giá trị bất hủ của thơ. Mặt khác, một bài thơ có thể có nhiều cách hiểu, tuỳ thuộc vào không chỉ năng lực, mà còn tuỳ thuộc vào sách lược đọc. Không phải mọi cách đọc đều giống nhau, và do đó trao đổi, thảo luận trong  khi đọc là một điều bổ ích. Nói chung, thơ là một nghệ thuật đặc biệt, không dễ đọc, không có công thức, thao tác nào có thể đem lại phép màu giúp tiếp cận được thơ, nếu như người đọc không thường xuyên đọc thơ, thưởng thức thơ, tự rèn luyện cách đọc hiểu và kiến tạo thơ trong thực tế.,

Hà Nội, 22 thàng 12 năm 2019

[i] Ludwig Wittgenstein, Khảo sát triết học, trích theo J. Culler, sdd ở dưới đây, tr. 179.

[ii] Jonathan Culler, Thi pháp chủ nghĩa cấu trúc (1975), Thịnh Ninh dịch, Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh, 1991.

[iii] Ví dụ lấy của G. Genette, trong sách Figure 2, tr. 150 -151, chú thích của Culler.

[iv] L. Wittgestein, Thư từ, 1967. , tr. 28, chú thích của Culler.

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…