ĐỖ QUỐC VĂN – VĂN HÓA – VĂN MINH VÀ THỊNH VƯỢNG
by doquocvan
in VĂN HÓA CÔNG SỞ
CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
- Khái niệm công sở
“Công sở là một pháp nhân công quyền, chịu trách nhiệm tiến hành một trong các hoạt động của các đơn vị hành chính địa phương, thay mặt cho Nhà nước, cho tỉnh, cho công xã nhưng chịu sự kiểm tra của các cấp đó”.
Các tác giả nêu ra những yếu tố để nhận biết một công sở, đó là:
+ Về tổ chức: có cơ cấu tổ chức bộ máy và phân công chức năng;
+ Về chức năng: hoạt động công ích, công vụ;
+ Vật chất: có các loại tài sản, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động;
+ Pháp lý: có thể chế, quy tắc điều chỉnh hoạt động. Còn khái niệm công sở tự quản dùng để chỉ các tổ chức hành chính nhà nước, theo tác giả Jean Michel De Forges: Công sở tự quản (établissement public) là quyền tự quản về hành chính và tài chính. Theo khái niệm này công sở tự quản được hiểu là một tổ chức hành chính của Nhà nước (trùng với khái niệm cơ quan hành chính nhà nước) và có sự khác biệt với các tổ chức tư nhân.
Các tiêu chí dùng để nhận biết một công sở tự quản, đó là:
+ Một pháp nhân theo luật công
+ Một tổ chức gắn liền với một đơn vị hành chính lãnh thổ. Chỉ có đơn vị hành chính lãnh thổ (dưới danh nghĩa nhà nước) tức là các cấp chính quyền mới có thẩm quyền thành lập công sở tự quản
+ Một tổ chức chuyên môn hoá. Mỗi công sở đều gắn với một chuyên môn riêng của mình và chỉ được làm những công việc có liên quan đến chuyên môn được giao.
Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cho rằng, công sở là một khái niệm thuộc phạm trù khoa học tổ chức và hành chính học. Trong lĩnh vực tổ chức và quản lý nhà nước, thuật ngữ công sở đôi khi được xem là đồng nghĩa với trụ sở. Chẳng hạn:
“Công sở là trụ sở, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước nói chung”.
“Công sở, xét về nội dung là hoạt động thoả mãn một yêu cầu lợi ích chung, do vậy cần được sự bảo vệ kiểm tra của bộ máy hành chính nhà nước mới đảm bảo thoả mãn nhu cầu này; xét về hình thức tổ chức, là một tập hợp có tổ chức, có phương tiện vật chất và người được nhà nước hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ của mình”.
“Công sở là những cơ quan nhà nước hoạt động nhân danh pháp nhân công pháp để thoả mãn các nhu cầu của nhân dân”.
Những cách hiểu nêu trên đã đề cập đến những dấu hiệu cơ bản của công sở. Tuy nhiên, một số khái niệm còn thiếu tính bao quát, vì trong thực tế, có nhiều cơ quan nhà nước không thực hiện chức năng quản lý nhà nước nhưng vẫn được coi là công sở (ví dụ: bệnh viện, trường học, học viện…).
Ngoài ra, các giải thích đó còn chưa nêu rõ được những quan điểm khác biệt giữa khái niệm “công sở” với khái niệm “cơ quan” trong bộ máy nhà nước. Trong thực tế, giữa hai khái niệm này có điểm khác biệt như sau: khái niệm cơ quan chỉ một đơn vị trong cơ cấu thứ bậc và quyền hạn do luật định và các mối quan hệ trong công tác (ví dụ: Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước nhưng không phải là một công sở). Trong khi đó, nói đến khái niệm công sở thì ngoài việc nói đến nó là một cơ quan, không thể không nói đến vị trí của nó trong không gian (địa điểm) và các điều kiện vật chất khác đảm bảo cho hoạt động của nó.
Từ các phân tích nêu trên, có thể thấy rằng, từ trước đến nay, khái niệm công sở được hiểu theo các nghĩa sau:
-Theo nghĩa hẹp, công sở được hiểu là các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ bao gồm các cơ quan thuộc bộ máy hành chính nhà nước đứng đầu là Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
-Trong một phạm vi hẹp hơn nữa, công sở được dùng đồng nghĩa với thuật ngữ “trụ sở” chỉ một địa điểm cụ thể, một thực thể hiện hữu về kiến trúc và các phương tiện, thiết bị phục vụ cho hoạt động của mọt cơ quan nhà nước nói chung.
Tuy nhiên, khái niệm công sở hiểu theo nghĩa toàn diện phải có những đặc điểm cơ bản sau:
+ Công sở chỉ gắn với nhà nước và chỉ do nhà nước thành lập và quản lý theo ý chí của nhà nước, được điều chỉnh bởi những quy phạm pháp luật. Quy chế hoạt động của công sở tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước. Thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của từng công sở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định;
+ Công sở là một pháp nhân cụ thể có liên quan đến hoạt động công quyền hay dịch vụ công, nói cách khác công sở có tính đặc thù gắn liền với chức năng, nhiệm vụ được phân giao theo ngành, lĩnh vực hay lãnh thổ, được nhà nước bảo đảm về mọi phương tiện để hoạt động đạt kết quả;
+ Công sở có tài sản công độc lập, sử dụng ngân sách nhà nước theo kế hoạch, có trụ sở hoặc các văn phòng đại diện trong phạm vi lãnh thổ hay ngoài lãnh thổ; được tổ chứ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế khác;
+ Công sở có tên gọi riêng được khắc vào con dấu theo quy định, có quy chế công vụ, thực hiện đúng các bổn phận theo quy định, phải chịu trách nhiêm pháp lý trước cơ quan tài phán hành chính có thẩm quyền;
+ Công sở có trụ sở giao dịch đặt tại các điểm trung tâm thuận tiện cho đi lại, giao tiếp và thực hiện các mối quan hệ bên trong và bên ngoài.
Từ những điều nêu trên, có thể hiểu và sử dụng thuật ngữ công sở theo hai nghĩa như sau:
Theo nghĩa rộng:
Công sở là thuật ngữ dùng để chỉ “Một pháp nhân công quyền và là bộ phận quan trọng hợp thành bộ máy nhà nước được thành lập theo ý chí của nhà nước (có tài sản và trụ sở) nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước và phục vụ xã hội”
Theo nghĩa hẹp:
Công sở là thuật ngữ sử dụng thông thường khi nói về “Trụ sở-nơi làm việc của các cơ quan nhà nước công quyền”[1].
Theo định nghĩa của Đại từ điển Tiếng Việt, công sở là nơi làm việc của cơ quan nhà nước nói chung[2].
- Khái niệm văn hóa công sở
Văn hóa công sở cũng giống như bất cứ loại hình văn hóa nào khác, là một loại hành vi và quy ước mà con người dựa vào đó để điều khiển các mối quan hệ của mình với người khác. Văn hóa công sở còn là một hệ thống được hình thành trong quá trình hoạt động của đơn vị, tạo niềm tin về thái độ làm việc của cán bộ công chức (CBCC), viên chức, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến phương pháp làm việc và hiệu quả hoạt động. Loại văn hóa này bao gồm cả những quy định chính thức ghi thành văn bản pháp luật của nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị đã được thống nhất ban hành và còn có những quy định bất thành văn mà chúng ta đúc kết bằng kinh nghiệm trong cuộc sống.
Văn hóa công sở là ăn mặc phù hợp, gọn gàng, lịch sự; là phong cách làm việc; là ứng xử khi giao tiếp; là ý thức thực hành tiết kiệm và tự bảo vệ thương hiệu của chính đơn vị mình. Người CBCC, viên chức có khả năng thích ứng công việc trong các tổ chức khác nhau, có vốn kinh nghiệm văn hóa công sở thì trong bất kỳ tình huống nào cũng tự mình điều chỉnh một cách hợp lý đạt hiệu quả cao trong công việc.
Trong công sở, nơi làm việc có nhiều thế hệ, nhiều trình độ khác nhau, tính cách cũng hoàn toàn khác biệt. Thời gian tiếp xúc với đồng nghiệp đôi khi còn nhiều hơn cả với người thân trong gia đình. Bởi vậy trong cuộc sống thường nhật xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, hòa đồng với mọi người là việc làm cần thiết và luôn giữ nguyên tắc lấy công việc làm trọng. Giúp đỡ đồng nghiệp cũng như sẵn sàng đón nhận ý kiến xây dựng của bạn bè để mình ngày càng hoàn thiện hơn. Trong công sở cũng luôn giữ hòa khí để tạo môi trường làm việc tích cực. Một CBCC, viên chức tốt thì trước hết phải là đồng nghiệp tốt, biết giữ lời hứa, biết lắng nghe, chia sẻ những khó khăn, biết đón nhận ý kiến đóng góp xây dựng để tạo nên môi trường làm việc vui vẻ, hiệu quả cao.
Theo PGS.TS Vũ Thị Phụng (Khoa Lưu trữ học và Quản trị văn phòng) trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, đã đưa ra định nghĩa: “VHCS là tổng hoà những giá trị hữu hình và vô hình, bao gồm trình độ nhận thức, phương pháp tổ chức, quản lí, môi trường – cảnh quan, phương tiện làm việc, đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp ứng xử của cán bộ công chức nhằm xây dựng một công sở văn minh, lịch sự, hoạt động đúng pháp luật và hiệu quả cao”[3].
Còn theo Minh Phúc: “Văn hoá nơi công sở, nói một cách khái quát, là một loạt hành vi và quy ước mà con người dựa vào đó để điều khiển các mối quan hệ tương tác của mình với những người khác. Văn hoá công sở còn là một hệ thống được hình thành trong quá trình hoạt động của công sở, tạo nên niềm tin giá trị về thái độ của cán bộ làm việc trong công sở, ảnh hưởng đến cách làm việc trong công sở và hiệu quả hoạt động của nó”[4].
Như vậy cả hai định nghĩa đều có điểm chung đó là những giá trị quy định cách giao tiếp, ứng xử của con người trong trong công sở.
- Đặc điểm văn hóa công sở Tây Nam Bộ
Văn hóa công sở Tây Nam Bộ chịu ảnh hưởng của văn hóa Nam Bộ nói chung. So với những vùng khác, công sở Miền Tây ít mang tính nghi thức, ít tính chuyên nghiệp, ít tính quy chuẩn. Công sở mang nặng tính gia đình, quan hệ trong công sở mang tính cảm tính rất cao, làm lu mờ nguyên tắc, quy chế.
Biểu hiện trong xưng hô của nhân viên với cấp trên là chú chú, con con, anh Hai, chú Ba…, hiếm khi nào có gọi đúng chức danh của người đối diện và xưng tôi, khoảng cách xã hội gần như không còn. Nếu ở một công sở mà người nào đó gọi rõ chức danh của người khác tức là giữa họ đang có bất đồng nào đó.
Tính linh hoạt trong công sở rất mạnh, khi thích thì không cần quan tâm đến quy chế, hoặc áp dụng quy chế một cách cực đoan, máy móc tùy thuộc vào các mục đích riêng.
Công sở không lấy hiệu quả công việc làm mục đích hoạt động chính, điều quan trọng là yên ổn tồn tại. Lãnh đạo công sở rất “ngại” những ý kiến đóng góp. Bởi vì nếu tiếp thu ý kiến khác thì phải tranh luận, mà tranh luận khiến cơ quan cấp trên biết được thì cho rằng đơn vị mất đoàn kết, cuối năm sẽ có thể mất khen thưởng, lãnh đạo có thể bị thuyên chuyển ngoài ý muốn. Vì vậy những công sở cố gắng thủ tiêu ý kiến đóng góp càng nhiều càng tốt.
CHƯƠNG 2: VĂN HÓA NHẬN THỨC – TỔ CHỨC CÔNG SỞ
2.1. Cấu trúc công sở
Công sở gồm có ban lãnh đạo, các phòng ban, nhân viên. Lãnh đạo tùy theo loại hình công sở có khi là chủ tịch, giám đốc, hiệu trưởng, viện trưởng… Những người cùng trong ban lãnh đạo nhưng dưới quyền là phó chủ tịch, phó giám đốc, phó hiệu trưởng, phó viện trưởng…
Tùy theo quy mô lớn hay nhỏ, công sở có những phòng Tổ chức Hành chính, phòng Kế toán…, đứng đầu là trưởng phòng, chánh văn phòng…
Cũng tùy theo quy mô và đặc điểm hoạt động, dưới phòng còn có các ban, tổ, nhóm…, đứng đầu là trưởng ban, tổ trưởng, nhóm trưởng…
Cuối cùng là nhân viên, người trực tiếp làm những công việc cụ thể ở công sở, chịu sự điều hành của tất cả các cấp lãnh đạo.
Công sở hoạt động theo nguyên tắc “tập trung dân chủ” tức là quyết định từ trên xuống, trên cơ sở phản biện từ dưới lên. Xét trên lý thuyết thì đây là nguyên tắc rất tiến bộ, nhưng trong thực tiễn hoạt động thì không có cơ chế để nguyên tắc này được tuân thủ. Không ở đâu câu nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn” lại đúng bằng công sở.
2.2. Nhận thức về công sở
Công sở thực hiện chức năng quản lý hành chính đối với công dân, giúp công dân thực hiện đúng những thủ tục trong hoạt động do pháp luật quy định, nhằm duy trì hoạt động của cá nhân trong một cộng đồng theo một trật tự nào đó để duy trì trật tự xã hội, đảm bảo cho mỗi cá nhân sống được trong xã hội đó.
Đây là nguyên tắc mà con người đặt ra với nhau để duy trì cuộc sống của mình. Không có cộng đồng người nào có thể thoát khỏi nguyên tắc phổ quát này, đơn giản nó chỉ là sự phân công lao động xã hội, người làm việc trong công sở cũng là một dạng công việc trong xã hội. Điều đáng chú ý là công việc này giữ một vai trò cực kỳ quan trọng trong một xã hội có nhà nước. Nếu vị trí này thực hiện tốt vai trò thì nó làm thông suốt hoạt động của công dân một cách nhanh nhất, thúc đẩy xã hội phát triển. Ngược lại, nó sẽ làm ách tắc, chì trệ hoạt động của công dân, kìm hãm xã hội.
Tuy nhiên, lao động công sở hiện nay có nhận thức khác về công việc và vị trí của mình. Họ không cho rằng mình cũng đang làm một công việc trong sự phân công lao động xã hội, và phải làm tốt công việc của mình nếu muốn được trả công. Qua hoạt động, nhân viên công sở thấy rằng vị trí của mình thật quan trọng, nếu họ không giải quyết, hoặc xử lý chậm một thủ tục nào đó thì công dân sẽ gặp rắc rối to (họ có rất nhiều lý do hợp lý và không hợp lý để làm như vậy). Họ thấy rằng mình làm vậy nhưng vẫn an toàn và yên trí lạm dụng nó.
Cũng chính vị trí quan trọng này nên khi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân, nhân viên công sở cảm thấy như mình ban ơn cho công dân vậy. Nhân viên làm việc theo cảm tính và tình cảm cá nhân, những quy chế làm việc đã trở thành thứ yếu.
Một yếu tố hạn chế việc lạm dụng trên là phản ứng của công dân, trong đó có việc phản ánh đến lãnh đạo của nhân viên công sở. Tuy nhiên việc phản ánh này có được tiếp nhận và xử lý hay không thì công dân cũng không có căn cứ gì để biết được, tiếp tục khiếu nại thì mất thời gian, công sức. Nếu kiên trì thì người ta có thể giải quyết bằng cách chuyển nhân viên kia sang một vị trí khác, người thay thế cũng chẳng khá hơn. Công dân này nếu đi khiếu nại một lần nữa và nếu có thành công thì cũng mất quá nhiều thời gian, công việc trong cuộc đời đã lỡ dở.
Thực tế thì sự an toàn trên chỉ xảy ra đối với những nhân viên biết vâng lời lãnh đạo, không có “ý kiến”. Còn đối với nhân viên hay có “ý kiến” thì trái lại. Nhân viên này có năng lực, làm việc hiệu quả nhưng hay “phản biện” khiến lãnh đạo phải động não nên đau đầu, loại nhân viên này cũng là kẻ ngáng đường lãnh đạo thực hiện mục đích cá nhân nên dễ bị thiên kiến. Nhân dịp có sai sót nào đó trong công việc thì lãnh đạo sẽ xử lý nghiêm minh, nặng thì sa thải, nhẹ thì bố trí ở một vị trí công việc khác không phù hợp, làm thui chột năng lực và vô hiệu hóa ảnh hưởng.
Quá trình loại trừ những nhân viên hay “phản biện” này dẫn đến công sở chỉ còn những nhân viên “ngoan ngoãn” nên công sở rất “ổn định”. Hàng năm cấp trên được báo cáo là công sở “vững mạnh”, “đoàn kết”. Thế là cấp trên tặng bằng khen tập thể tiên tiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với cá nhân thì là chiến sĩ thi đua (thường là lãnh đạo vì có công làm công sở “ổn định”), lao động xuất sắc…. Nhiều công sở nhận bằng khen cho tới khi những sai phạm đã rất trầm trọng và tự bung ra cấp trên mới biết.
Những thiệt hại khi đấu tranh với nhân viên công sở khiến công dân “khôn” ra và “biết điều” khi cần đến nhân viên công sở. Khi đã có được sự “biết điều” của công dân, những lao động công sở cùng nhau duy trì sự “biết điều” này của công dân bằng công cụ chính thống mà họ đang có trong tay đó là hệ thống pháp luật.
2.3. Hoạt động công sở
Về hình thức, công sở có nội quy làm việc, nhưng nhân viên có thực hiện đúng nội quy không thì chỉ có dân mới biết. Dân biết hay không biết thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nhân viên công sở. Nhiều người dân hay làm một thủ tục nào đó thì phải nắm thói quen làm việc của nhân viên phụ trách mảng đó để chủ động cho mình chứ nếu căn cứ trên thời hạn giải quyết công việc, giờ giấc làm việc ghi trong quy chế của công sở thì chỉ có hỏng việc.
Bên cạnh đó cũng có những công sở may mắn có được ban lãnh đạo có tài, có tâm, nhân viên làm việc đúng trách nhiệm, muốn giải quyết nhanh chóng, hiệu quả công việc của công dân thì lại vướng phải những quy định chung, sự phối hợp với công sở khác. Nên những công sở tiến bộ này cũng bị hạn chế, nếu cố tình vượt rào có thể sẽ đối mặt với rắc rối.
Xét một cách toàn diện thì cách thức tổ chức xã hội như hiện nay khiến cho hoạt động của công sở ngày càng thụt lùi, trì chệ. Không có sức ép nào cho công sở hoạt động hiệu quả hơn. Không biết việc hội nhập thế giới của cả nước có phải là cứu cánh cho công sở?
CHƯƠNG 3: VĂN HÓA ỨNG XỬ CÔNG SỞ
3.1. Ứng xử trong công sở
Trong công sở, mặc dù đã có nội quy cấm hút thuốc lá, có bảng cấm hút thuốc lá gắn trên tường, nhưng nhiều người, ngay cả giám đốc, phó giám đốc và trưởng, phó phòng… vẫn không chấp hành triệt để hay chỉ chấp hành chiếu lệ. Trong phòng làm việc đang mở máy lạnh, đông người, kể cả có phụ nữ đang mang thai, họ vẫn nhả khói thản nhiên. Người ta có biết tác hại của khói thuốc đối với chính họ, với người hít khói thuốc thụ động và cả không gian môi trường không? Có biết! Nhưng tại sao họ không chấp hành? Đó là vì tính thiếu kỷ luật (tính tự do làng xã nông nghiệp).
Cũng là chuyện hút thuốc lá nhưng nó lại liên quan đến ý thức xả rác và cháy nổ. Có những người quăng, vứt tàn thuốc một cách vô tư ra hành lang, cầu thang. Vứt nơi nào tiện tay họ, mặc dù gần đấy đã để sẵn thùng rác. Kiểu hành vi ứng xử này nơi nào cũng có, lúc nào cũng có, rất phổ biến.
Có nhân viên lại thường dùng điện thoại cơ quan nói chuyện riêng, nhất là nhân viên nữ. Còn mấy bà, mấy cô hễ hơi rỗi là kẻ đan len, người soi gương, tỉa lông mày…
Trong cách ứng xử, xưng hô nơi công sở đúng là mang tính gia đình. Có những nhà lãnh đạo cỡ tầm tầm bậc trung khi xưng hô với cấp trên, ngay cả trong hội nghị cấp tỉnh thành, cứ thưa anh Hai, thưa anh Ba, thưa anh Sáu….
Khi phát biểu một bài dài ba trang trong hội nghị thì mất nửa trang kính thưa, kính gửi từ trên xuống dưới. Khốn nỗi, vị trí các tên kính thưa này cũng phải đúng theo thứ bậc xã hội. Bên đảng phải thưa trước, bên chính quyền thưa sau… Nếu như người trình bày báo cáo mà thưa không đúng sẽ bị nhắc: Phải thưa chú Sáu trước rồi mới đến thưa chú Tư chứ…
Các nước Âu Mỹ tiên tiến, hay ngay như Hàn Quốc, Đài Loan hiện nay, vào công sở, xưng hô là theo cấp bậc nghiêm chỉnh. Thậm chí là anh em, cha con trong một gia đình nhưng khi đến công ty, phải xưng danh và cư xử, làm việc đúng nội quy, phép tắc của công ty chứ đâu có lộn xộn được! Còn ngồi trong hội nghị, hội thảo, người báo cáo chỉ cần rất ngắn gọn: Thưa quý bà, quý ông (Ladies and Gentlemen!). Người xưa nói: “y phục xứng kỳ đức là” vậy.
Chức vụ cơ quan của người ấy là gì phải nói đúng chức danh ấy chứ. Là giám đốc thì phải thưa giám đốc, hay chủ tịch thì thưa chủ tịch, kèm theo tên của họ. Điều này các nước tiên tiến đã làm tốt, kể cả các nước châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc…
Trong phòng họp, trời nóng, có mấy anh ngồi phanh ngực áo ra, thò tay vào vê vê ghét. Có người lại ngồi chồm hỗm, hai chân bắc lên ghế! Có người đang ngồi trong hội trường vẫn ngoáy mũi…
Khi trò chuyện bằng điện thoại di động, nhiều người nói rất to, làm phiền mọi người xung quanh, bất kể đó là khi đang làm việc hay họp hành. Thậm chí cả khi đang ngồi bàn chủ toạ, người ta vẫn mở máy nói chuyện trong khi tất cả mọi người chờ đợi.
Vấn đề ăn mặc và đồng phục, có những công sở không có quy định chung. Vì vậy, có rất nhiều kiểu ăn diện. Có người khoét cổ rộng, có trang phục để hở lưng, váy xẻ lên tận nách…
Các bà, các cô rỗi việc hay ngồi “tám” chuyện, nói xấu lẫn nhau, gây mất đoàn kết. Tệ hơn, trong công sở còn có nhiều người có hành vi bè phái, hại nhau, tranh đoạt chức quyền…
Có những cơ quan đụng cái gì cũng phải làm mâm cúng: cúng xe, cúng mở văn phòng, cúng rằm, cúng nhận công trình mới, cúng đấu thầu… Lãnh đạo trực tiếp đốt hương vàng, giấy mã và đọc bài cúng dài.
3.2. Ứng xử với bên ngoài
Dân gian có tập tục bàn chuyện công việc trên bàn nhậu, ít sử dụng khế ước bằng văn bản mà thường thỏa thuận miệng. Trên bàn nhậu đôi bên đánh giá sự nhiệt tình và đáng tin cậy lẫn nhau thông qua việc uống rượu, càng uống nhiều càng thể hiện sự đáng tin cậy với đối tác.
Nhân viên công sở không thoát khỏi truyền thống văn hóa trên. Trong hoạt động, công sở có giao lưu, hợp tác, phối hợp thực hiện một nhiệm vụ chính trị nào đó, nên việc thắt chặt mối quan hệ giữa các công sở thông qua các cuộc ăn nhậu là rất phổ biến. Trong các cuộc nhậu đó, uy tín của công sở phụ thuộc vào tửu lượng của nhân viên. Nhân viên nào tửu lượng càng cao, càng uống nhiều thì được đánh giá là chơi hết mình, là nhiệt tình với công sở, làm tăng “uy tín” cho công sở. Nhân viên có tửu lượng cao thường có uy tín cao, được lãnh đạo ưu ái, được những nhân viên khác nể trọng, dễ có cơ hội được đề bạt vào các chức vụ lãnh đạo công sở. Chính vì vậy nhân viên công sở thường ra sức tập luyện làm thế nào cho tửu lượng của mình tiến bộ nhanh nhất. Bởi điều này góp phần quan trọng trên con đường thăng tiến của nhân viên.
Đối với công sở thì “đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”, nên hoạt động của công sở ít công khai, minh bạch. Nhiều thông tin ngay cả nhân viên công sở cũng không được biết, chỉ có ban lãnh đạo biết. Sự bí mật này có lẽ để những “xấu xa” được đậy lại.
KẾT LUẬN
Công sở là những cơ quan chính làm công việc quản lý đất nước, giữ vai trò rất quan trọng. Hoạt động công sở mang yếu tố quyết định đến vận mệnh và sự phát triển quốc gia.
Lâu nay nhận thức về công sở chưa đúng đắn nên công sở đã trở thành nơi để người cai trị người của một cộng đồng người. Nếu là thời Trung cổ thì là chuyện bình thường nhưng nay đã là thể kỷ hai mốt, văn minh nhân loại đã chuyển qua nấc thang mới, nhiều công sở vẫn mang tính chất thời Trung cổ là một nghịch lý lớn lao.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Trích “Thuật ngữ “công sở””
[2] Dẫn theo Phạm Thanh Tuấn: “Coi công sở là “gia đình””
[3] Văn hoá công sở phản ánh trình độ nhận thức
http://ussh.vnu.edu.vn/van-hoa-cong-so-phan-anh-trinh-do-nhan-thuc/2145
[4] Minh Phúc: văn hoá công sở và sự tác động của văn hóa công sở đến chất lượng điều hành
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…