ĐỊNH HƯỚNG GIÁO VIÊN ỨNG DỤNG LỒNG GHÉP PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC STEAM CHO TRẺ 5-6 TUỔI TRƯỜNG MẦM NON BÌNH MINH
Xuất phát từ việc hình thành các kỹ năng cho giáo viên, cho trẻ. Giúp giáo viên và giúp trẻ áp dụng được kỹ năng đã học vào cuộc sống hàng ngày, khẳng định thương hiệu là trường luôn tiên phong trong công tác chuyên môn của huyện. Từ đó là cơ sở để tôi chọn đề tài định hướng giáo viên thực hiện tốt việc ứng dụng lồng ghép giáo dục STEAM trong các hoạt động cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi trong trường mầm non.
Đối với trẻ em thì những năm đầu đời luôn có vai trò vô cùng quan trọng tới việc hình thành tính cách, phát triển tư duy, sáng tạo bởi vì trẻ ở độ tuổi này có khả năng tiếp thu, học tập, khám phá tất cả mọi thứ xung quanh và bắt chước, tiếp nhận những gì người lớn hành động, truyền đạt để hình thành sự hiểu biết và giao tiếp với thế giới xung quanh trẻ nhỏ, mọi ngôn ngữ và hành động của trẻ đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường sống, sinh hoạt. Chính vì vậy, mọi hành động, cách truyền đạt của người lớn rất quan trọng tới sự phát triển của trẻ nhỏ, trẻ có thái độ, cách nhìn nhận tốt hay xấu đều phụ thuộc vào môi trường trẻ sinh hoạt mà người lớn tạo ra. Vì vậy, trong môi trường giáo dục mầm non sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết tạo tiền đề cho các cấp học tiếp theo.
Ý thức được tầm quan trọng của giáo dục mầm non tới sự phát triển của trẻ nhỏ ngành giáo dục đã không ngừng nâng cao chất lượng giáo viên, cải thiện chương trình của giáo dục mầm non, đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao cơ sở vật chất,… nhằm mang tới cho các em một môi trường học tập tốt nhất, một môi trường có thể phát triển toàn bộ ưu điểm, kỹ năng của trẻ nhỏ. Bậc học mầm non không chỉ quan tâm tới các em học sinh mà cũng rất quan tâm tới giáo viên của bậc học vì đối tượng giảng dạy của bậc học mầm non là các em học sinh có độ tuổi từ 1- 5 tuổi nên các giáo viên rất vất vả, khó khăn trong việc quản lý, chăm sóc cũng như truyền đạt thông tin tới trẻ.
Đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, thời đại 4.0 như hiện nay thì luôn đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý và giáo viên phải tìm tòi và có sự đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học cho trẻ. Việc đổi mới phương pháp giáo dục mầm non là điều hết sức cần thiết, để giúp trẻ có thể tự khám phá, tìm hiểu bằng chính sự sáng tạo của mình một cách tự nhiên nhất có thể, giúp mang lại sự hứng thú cho trẻ. Có thể nói, đây chính là xu hướng mới trong giáo dục mầm non ở nước ta hiện nay.
Là một phó hiệu trưởng phụ trách về chuyên môn tôi luôn băn khoăn, suy nghĩ làm thế nào để đưa các phương pháp giáo dục theo xu hướng mới vào để nâng cao chất lượng mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu là trường mầm non đạt Chuẩn Quốc gia mức độ I, kiểm định chất lượng cấp độ II theo Thông tư 19 ngày 22/8/2018 và Thông tư 13 ngày 26/ 5/ 2020 và của Bộ giáo dục cũng như tạo sự bứt phá đi đầu của bậc học trong huyện về thực hiện chuyên môn, (đặc biệt) được sự gợi ý của các đồng chí chuyên môn Phòng giáo dục tôi đã nghiên cứu và tìm hiểu các phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới đang được áp dụng vào Việt Nam, một trong các phương pháp tiên tiến có tầm quan trọng và sức ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế và xã hội đó chính là giáo dục STEAM. Vì vậy tôi đã tham gia đăng ký khóa học “Phương pháp và quy trình giảng dạy theo định hướng Stem/ Steam” khóa học cơ bản dành cho giáo viên mầm non do cô giáo Hoàng Thị Hiền giám đốc công ty TNHH giáo dục thế hệ đột phá X-GEN giảng dạy, là một người may mắn được tham gia khoá học, tôi thấy đây là một phương pháp giáo dục thú vị, phát huy được nhiều tiềm năng, khơi dậy sự sáng tạo trong mỗi bản thân trẻ.
Giáo dục STEM tập trung vào những yếu tố quan trọng như: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật), Math (Toán học). Nền kinh tế của chúng ta đòi hỏi nhiều hơn là hiểu biết về những lĩnh vực này – nó đòi hỏi sự áp dụng, sự sáng tạo và sự thông minh. Vì thế yếu tố nghệ thuật (Arts) cần thiết để bổ sung và đưa vào mô hình giáo dục mới này. STEM vì thế đã dần chuyển thành STEAM (Khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học).
Trẻ mầm non không học lý thuyết hàn lâm, giảng giải mà chúng học qua chính những trải nghiệm – thực làm, thực học. Đặc điểm tư duy của trẻ mầm non là tư duy trực quan. Vì thế khi cho trẻ quan sát và thực hiện một thí nghiệm khoa học, hãy chỉ tập trung vào việc đặt câu hỏi để trẻ tự nói ra những thay đổi, những hiện tượng mà trẻ nhìn thấy và nghe thấy. Tránh giải thích dài dòng về nguyên lý khoa học, mà hãy tập trung vào giúp trẻ phát hiện những thay đổi, những diễn biến của hiện tượng. Với các nguyên lý khoa học phức tạp trẻ sẽ tiếp tục được tiếp cận ở các cấp học cao hơn.
Với mong muốn như trên trường mầm non Bình Minh định hướng cho giáo viên lồng ghép phương pháp giáo dục STEAM trong các hoạt động cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi tại trường.
Trẻ trải nghiệm với phương pháp giáo dục steam vào hoạt động