ĐH Y Hà Nội: Dừng tuyển sinh ngành Điều dưỡng thường, tăng học phí
Năm 2022, Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh theo 2 phương thức xét tuyển độc lập nhau. Thí sinh có thể đăng ký cả hai phương thức khi xét tuyển. Cụ thể:
Phương thức xét tuyển 1: Trường Đại học Y Hà Nội xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (đối với tất cả các ngành đào tạo) với tổ hợp duy nhất là B00 (Toán, Hóa, Sinh).
Phương thức xét tuyển 2: Trường Đại học Y Hà Nội xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế đối với ngành Y khoa (mã ngành: 7720101 AP đào tạo tại Hà Nội và mã ngành 7720101YHT AP đào tạo tại Phân hiệu Thanh Hóa).
Trường Đại học Y Hà Nội dành 25% chỉ tiêu tuyển thẳng cho mỗi ngành, 75% cho xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Riêng đối với ngành Y khoa, chỉ tiêu tuyển thẳng sẽ lấy trên tổng chỉ tiêu (Y khoa và Y khoa kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ) đào tạo tại Hà Nội và tại Phân hiệu Thanh Hóa.
Thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được tham gia xét tuyển bởi các phương thức tuyển sinh khác.
Dừng tuyển sinh ngành Điều dưỡng thường tại cơ sở chính
Theo đề án năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến cho ngành Y khoa là 320, giảm 40 chỉ tiêu so với năm 2021. Với Y khoa phân hiệu Thanh Hóa (thí sinh trúng tuyển học tại phân hiệu Thanh Hóa của trường), chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022 là 90, giảm 20 chỉ tiêu so với năm trước.
Trong khi đó, một số nhóm ngành khác lại tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Ngành Y khoa kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ Anh – Pháp lấy 80 chỉ tiêu, tăng 40 chỉ tiêu. Ngành Răng Hàm Mặt tuyển sinh 100 chỉ tiêu, tăng 20. Ngành xét nghiệm lấy 70 chỉ tiêu, tăng 20 chỉ tiêu so với năm 2021.
Các ngành Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh giống với năm trước, lần lượt là: 80-50-70-50-50. Nhà trường cũng bắt đầu tuyển sinh 2 ngành mới gồm: Điều dưỡng chương trình tiên tiến (100 chỉ tiêu) và Y khoa phân hiệu Thanh Hóa kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ Anh – Pháp (20 chỉ tiêu).
Đặc biệt, thay đổi đáng lưu ý của năm nay là trường Đại học Y Hà Nội sẽ ngừng tuyển sinh ngành Điều dưỡng thường tại cơ sở chính, thay vào đó sẽ tuyển sinh ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến để đào tạo tại cơ sở chính ở Hà Nội. Ngành Điều dưỡng thường chỉ được đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa.
Học phí tăng mạnh
Năm học 2021-2022, học phí với sinh viên chính quy theo học tại trường Đại học Y Hà Nội là 15.730.000 đồng/năm.
Theo đề án tuyển sinh năm học 2022-2023, mức học phí đã có sự gia tăng đáng kể, tùy theo từng nhóm ngành (áp dụng theo Nghị định 81 của Chính phủ và Quyết định tự chủ của trường Đại học Y Hà Nội khi đề án tự chủ được cấp có thẩm quyền quy định).
Cụ thể, học phí năm học 2022-2023 của các ngành học như sau:
– Khối ngành y dược (Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và Y học dự phòng): 24.500.000 đồng/năm học/sinh viên.
– Khối ngành sức khỏe (Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học và Y tế công cộng): 18.500.000 đồng/năm học/sinh viên.
– Điều dưỡng chương trình tiên tiến: 37.000.000 đồng/năm học/sinh viên.
Thay đổi tiêu chí xét tuyển thẳng
Năm 2021, ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt xét tuyển thẳng với 3 nhóm thí sinh. Thứ nhất, đạt giải Olympic quốc tế (Vàng, Bạc, Đồng) môn Toán, Hóa, Sinh, Vật lý, Tin học. Thứ hai, tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Toán, Hóa, Sinh, Vật lý, Tin học. Thứ ba, đạt giải Nhất trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Hóa, Sinh, Vật lý, Tin học, Tiếng Anh.
Năm 2022, tiêu chí xét tuyển thẳng giữ nguyên ở 2 nhóm đầu, riêng nhóm đạt giải học sinh giỏi quốc gia được điều chỉnh, chỉ yêu cầu đạt giải Nhì trở lên ở 6 môn nói trên.
Với ngành Y khoa phân hiệu Thanh Hóa, tiêu chí xét tuyển thẳng năm 2021 là đạt giải Nhì trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Hóa, Sinh, Vật lý, Tin học, Tiếng Anh thì tới năm 2022 đã giảm tiêu chí xuống thành “giải Ba trở lên”.
Các tiêu chí đạt giải Olympic quốc tế môn Toán, Hóa, Sinh, Vật lý, Tin học hoặc được triệu tập tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Toán, Hóa, Sinh, Vật lý, Tin học vẫn giữ nguyên so với năm trước.
Sự điều chỉnh này đã tạo cơ hội cho nhiều thí sinh được xét tuyển thẳng hơn. Tuy nhiên, giới hạn chỉ tiêu tuyển thẳng vẫn là không quá 25% mỗi chuyên ngành. Nếu số lượng hồ sơ đăng ký vượt chỉ tiêu tuyển thẳng, nhà trường sẽ xét theo tiêu chí ưu tiên thứ tự đạt giải và điểm trung bình chung học tập lớp 10, lớp 11, lớp 12.