ĐỀ TÀI: “MỘT SỐ BIỆN PHÁP RÈN KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ 5-6 TUỔI”. – Trường Mầm non Lâm Thủy

1. Phần mở đầu:
1.1. Lý do chọn đề tài:
Hiện nay các nhà giáo dục trên thế giới đã cùng tìm cách giáo dục để tạo cho trẻ năng lực tâm lý xã hội, nhằm ứng phó với những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày đó là kỹ năng sống. Xã hội hiện nay đã và đang làm thay đổi cuộc sống của con người, nhiều vấn đề phức tạp liên tục nảy sinh. Bên cạnh những tác động tích cực, còn có những tác động tiêu cực, gây nguy hại cho con người, đặc biệt là trẻ em. Nếu trẻ em không có những kiến thức cần thiết để biết lựa chọn những giá trị sống tích cực, không có những năng lực để ứng phó, để vượt qua những thách thức mà hành động theo cảm tính thì rất dễ gặp trở ngại, rủi ro trong cuộc sống và sẽ bị lệch lạc sau này. Do đó, việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ ở lứa tuổi 5- 6 tuổi là một giai đoạn rất cần thiết nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.
Giáo dục kỹ năng sống phải được đo bằng sự vận dụng những kỹ năng đó vào trong cuộc sống hằng ngày như: tự tin trong giao tiếp, kỹ năng giải quyết các vấn đề, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng hợp tác chia sẻ… Giáo dục kỹ năng sống nhằm giúp trẻ phát triển hài hoà, toàn diện về nhân cách, để cung cấp cho trẻ những kiến thức cần thiết về kỹ năng sống để các em sống sao cho lành mạnh và có ý nghĩa. Giúp các em biết được những điều nên làm và không nên làm, biến những kiến thức về kỹ năng sống được cung cấp thành hành động cụ thể trong quá trình  hoạt động thực tiễn vớí bản thân, với người khác, với xã hội, ứng phó với nhiều tình huống, học cách giao tiếp, ứng xử với mọi người, giải quyết mâu thuẫn trong mối quan hệ và thể hiện bản thân một cách tích cực.
Rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi là rèn cho trẻ có được những hành vi lành mạnh, giúp trẻ có kinh nghiệm trong cuộc sống và hình thành ở trẻ các giá trị văn hoá con người trong thời đại hiện nay, tạo cho trẻ nền tảng vững chắc khi chuyển qua một lối sống mới, môi trường và quan hệ mới, đó là vào trường tiểu học.
Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là phải rèn kỹ năng sống cho trẻ mầm non nói chung trẻ 5 – 6 tuổi nói riêng để tạo mọi tiềm năng tốt nhất giúp trẻ học tập tốt ở tiểu học và bước vào cuộc sống tự tin hơn, thực hiện đúng các chuẩn mực văn hoá xã hội đạt hiệu quả cao hơn. Nhất là đối với các trẻ em ở vùng cao như địa bàn tôi đang công tác hiện nay. Cuộc sống của các cháu còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của các bậc phụ huynh còn nhiều hạn chế, để các em phát triển toàn diện hơn thì vấn đề rèn kỹ năng sống cho các cháu là vô cùng cần thiết.
Trong những giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, trẻ em nào cũng cần hình thành được một số kỹ năng, kỷ xảo, tri thức kinh nghiệm vững chắc và đầy đủ, cùng với một số thói quen đạo đức theo chuẩn mực của xã hội, đủ cho trẻ có thể cư xử trong cuộc sống hằng ngày, giao tiếp với mọi người và để người khác hiểu mình. Đặc biệt trẻ 5- 6 tuổi rất hiếu động, hay bắt chước, làm theo, trẻ chưa hiểu rõ được hành động của mình đúng hay sai và như thế nào. Cho nên tôi luôn đặt ra câu hỏi cần cung cấp cho trẻ những gì và rèn cho trẻ những kỹ năng sống như thế nào để đạt được hiệu quả? Ở đề tài này, tôi đưa ra một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi, đồng thời còn tư vấn cho phụ huynh một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ như thế nào là tốt nhất để các bậc phụ huynh cùng thực hiện.
Bản thân tôi là một giáo viên với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi, nắm được những đặc điểm tâm sinh lý của trẻ cũng như tâm lý của phụ huynh, tôi thấy việc rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi trong thời đại hiện nay là một điều hết sức quan trọng. Chính vì thế  mà tôi quyết định chọn đề tài: “Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi”. Với đề tài này nhằm hướng đến mục tiêu phát triển, nuôi dưỡng những giá trị sống, làm nền tảng và hình thành những kỹ năng sống tích cực trong trẻ, giúp trẻ cân bằng cuộc sống trên 4 lĩnh vực nền tảng: thể trạng, tâm hồn, trí tuệ và tinh thần và với mong muốn của bản thân là chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các bạn đồng nghiệp.
1.2.Phạm vi áp dụng đề tài:
Đề tài “Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi” đã được triển khai và áp dụng tại lớp, để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ và có thể áp dụng rộng rãi tại một số trường mầm non trong toàn huyện.
2. Phần nội dung:
2.1. Thực trạng của vấn đề:
Bản thân là một giáo viên, năm học 2016 – 2017 được nhà trường phân công dạy lớp mẫu giáo lớn ở khu vực lẽ với sô lượng là 10 cháu, lớp chỉ có 1 giáo viên.
Bước đầu thực hiện đề tài “Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi” bản thân tôi gặp những thuận lợi và khó khăn sau:
* Thuận lợi:
Được sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sâu sát của BGH nhà trường, cũng như sự đồng tình giúp đỡ của chị em đồng nghiệp và các bậc phụ huynh.
Lớp học thoáng mát, đủ diện tích cho trẻ hoạt động và trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trẻ 5 – 6 tuổi  đầy đủ.
Đa số trẻ ngoan, lễ phép, biết vâng lời, đi học chuyên cần, thích tham gia vào các hoạt động.
Bản thân là một giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết với nghề, nhiệt tình, năng động trong mọi công việc. Thực hiện  tốt chương trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của Bộ giáo dục và đào tạo.
Được sự ủng hộ nhiệt tình của Hội cha mẹ học sinh và tập thể hội đồng sư phạm nhà trường.
Tuy nhiên cùng với thuận lợi, bản thân tôi còn gặp một số khó khăn sau.
* Khó khăn:
– Trường tôi đang công tác thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Khuôn viên cho trẻ vui chơi còn chật hẹp.
– Các em đa số là con em của đồng bào Bru Vân Kiêù nên nhận thức và hiểu biết của họ còn rất là hạn chế.
– Về phía phụ huynh, khái niệm rèn kỹ năng sống cho trẻ có lẽ còn xa lạ và mới mẻ nhất là đối với trẻ em vùng cao. Họ chưa hiểu mục đích và tầm quan trọng của việc rèn kỹ năng sống cho trẻ. Một số phụ huynh chưa quan tâm đến trẻ.
– Một số phụ huynh thờ ơ và bỏ qua những hành động sai của trẻ nên vô tình hình thành thói quen ở trẻ, khiến cho giáo viên rất khó khăn trong việc rèn kỹ năng sống cho trẻ.
 – Khả năng nhận thức của trẻ trong lớp không đồng đều, mỗi trẻ có một tính cách, một tâm lý khác nhau, đòi hỏi giáo viên phải áp dụng mỗi trẻ một hướng giáo dục khác nhau tuỳ theo tâm lý của từng đứa trẻ.
Một số trẻ còn vụng về, lại có cá tính bướng bỉnh, chưa có thói quen nề nếp tốt; rụt rè, thiếu mạnh dạn khi bày tỏ ý kiến; khi phát biểu nói không rỏ ràng, trả lời cộc lốc, không trọn câu; khi làm sai hoặc có lỗi với người khác ít nói lời xin lỗi, ai cho gì ít cảm ơn, ít thể hiện các kỹ năng của mình; vì thiếu kinh nghiệm nên khi làm việc gì trẻ có ý nghĩ sợ làm sai, sợ mình không làm được, vì thế trẻ không muốn làm cũng như tự tin thể hiện kỹ năng của mình đã có được.
Với sự quyết tâm của bản thân, tôi đã không ngừng tìm kiếm, học hỏi để tìm ra “Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi”.
* Khảo sát thực trạng:
Vào đầu năm học, tôi đã tiến hành khảo sát trẻ trên lớp để nắm bắt tình hình và có kế hoạch rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi, cụ thể kết quả khảo sát như sau:

 
Nội dung khảo sát Đạt Không đạt Số trẻ Tỉ lệ % Số trẻ Tỉ lệ % 1. Kỹ năng giao tiếp 3 30 7 70 2. Kỹ năng thích nghi 4 40 6 60 3. Kỹ năng khám phá thế giới xung quanh 2 20 80 80 4. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân 5 50 5 50 5. Kỹ năng tạo niềm vui 3 30 7 70 6. Kỹ năng tự bảo vệ 5 50 5      50 7. Kỹ năng làm việc đội, nhóm 4 40 6 60 8. Kỹ năng giải quyết các vấn đề 2 20 8 80

Từ kết quả khảo sát trên tôi thấy kết quả rất thấp. Vì vậy, tôi đã suy nghỉ làm thế nào để trẻ 5-6 tuổi có kỹ năng sống nhằm đáp ứng với nhu cầu hiện nay, nên chúng tôi đã tập trung vào một số biện pháp sau:  
2.2. Một số biện pháp:
Biện pháp 1: Xây dựng môi trường gần gũi, thân thiện với trẻ
Đối với bậc học mầm non thì “trường là nhà, cô là mẹ”. Vì vậy, tạo môi trường mẫu mực xung quanh trẻ là rất cần thiết: phải có môi trường sư phạm, môi trường xanh- sạch- đẹp- thân thiện (có sân vườn, khu thiên nhiên, vườn rau của bé, đồ chơi đẹp..). Giáo viên luôn gương mẫu về mọi mặt, nhất là trước mặt trẻ như: ăn mặc, cử chỉ, lời nói, tác phong phải nhẹ nhàng đúng mực để trẻ noi theo.
Ví dụ: Khi giáo viên nói chuyện với nhau dùng từ “con ni”, “thằng tê” trẻ nghe và sẽ bắt chước theo. Ngược lại, giáo viên xưng hô đúng mực “gọi đúng tên của từng cháu”, đó là những lời nói đúng để cho trẻ học theo.
Ngoài ra, lớp học là nơi mà trẻ được tiếp xúc hàng ngày để có tác động tích cực kỹ năng sống vào trẻ, nên tôi sắp xếp trang trí lớp sao cho phù hợp, đẹp mắt, hấp dẫn lôi cuốn  trẻ, làm những đồ dùng đồ chơi gần gũi, quen thuộc, sắp xếp gọn gàng trên giá, vừa tầm tay trẻ, đồ chơi phù hợp với chủ đề và mục đích góc chơi, có khả năng kích thích các giác quan của trẻ. Thông qua việc sắp xếp tạo môi trường trong lớp góp phần rèn cho trẻ kỹ năng gọn gàng ngăn nắp.
Hơn nữa, để tạo sự thân thiện với trẻ, cô vừa đóng vai người mẹ chăm sóc dạy dỗ trẻ vừa đóng vai người bạn để cùng chơi với trẻ. Vào đầu năm học, để tạo sự gần gũi, vào những buổi đón trẻ, tôi thường đón từng trẻ cùng trò chuyện với trẻ, đôi  khi trẻ không hiêu tiếng kinh tôi phải giao tiếp với trẻ tiếng bru để trẻ nhanh hiểu hơn, chơi một số trò chơi tập thể, cho trẻ chơi tự do…Qua đó, nắm bắt tâm lý, đặc điểm tính cách của từng trẻ xem trẻ mạnh dạn hay nhút nhát, thụ động hay tích cực, thích thể hiện hay không thích… và tiếp tục qua các tuần học sau, chú ý quan sát những biểu hiện về thái độ học tập, những cử chỉ, hành vi tại vị trí ngồi hay góc chơi mà trẻ chọn, để bắt đầu có điều chỉnh phù hợp. Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ có thể thực hiện mọi lúc mọi nơi, bất cứ hoạt động nào cũng có thể lồng ghép được.
Biện pháp 2 : Làm gương, làm mẫu cho trẻ noi theo.
Trẻ mầm non thường học các hành vi thông qua việc bắt chước, nhập tâm và qua luyện tập sinh hoạt hằng ngày.
Trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống, người lớn thường làm gương, làm mẫu cho trẻ noi theo. Làm sao để phẩm chất, nhân cách và phương pháp giáo dục hoà quyện mà tác động đến trẻ có hiệu quả nhất. Trẻ em rất dễ bắt chước những cử chỉ, điệu bộ, lời ăn tiếng nói của người lớn. Một cử chỉ thể hiện lòng yêu thương, tôn trọng trẻ sẽ được trẻ ghi nhận và cảm động khiến cho lời dạy bảo của giáo viên có hiệu quả. Trái lại một cử chỉ thể hiện sự ghét bỏ, trẻ sẽ bị trẻ coi thường và căm ghét khiến cho tác động của giáo dục của giáo viên không hiệu quả.
Ví dụ: Khi trẻ làm sai một việc gì đó, tôi cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ làm sai, phân tích cho trẻ biết trẻ sai ở điểm nào và cần sửa chữa như thế nào, chứ không nên tức gận và quát mắng. Tôi đến gần trẻ và nói: “Nếu con làm vậy thì cô giáo rất buồn”, và yêu cầu trẻ xin lỗi cô. Như vậy lần sau khi bạn trẻ làm sai việc gì, hay bị bạn trêu chọc thì trẻ sẽ biết kiềm chế cảm xúc của mình, không đánh bạn mà nhờ đến sự giúp đỡ của cô. Qua đó trẻ học được kỹ năng nhận trách nhiệm về hành động của trẻ, biết nhận lỗi mà mình gây ra và biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Biện pháp 3: Rèn kỹ năng sống qua tích hợp vào các hoạt động học và các hoạt động vui chơi khác.
Việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ có thể tích hợp trong các mặt giáo dục, trong những hoạt động hằng ngày của trẻ. Tuỳ vào những chủ đề theo tuần, tháng, học kỳ mà tôi lựa chọn những kỹ năng sống phù hợp để hình thành cho trẻ. Cụ thể như sau:
*Kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thích nghi là hai kỹ năng mà tôi lựa chọn để tích hợp vào chủ đề “Trường mầm non”.
* Kỹ năng giao tiếp:
Phát triển kỹ năng giao tiếp cho trẻ là rất cần thiết, đòi hỏi cô giáo mầm non phải luôn gần gũi trẻ, hiểu trẻ, tạo mọi cơ hội để trẻ được nói thật thoải mái ở mọi nơi, vì chỉ khi nào trẻ sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ lưu loát thì trẻ mới có cơ hội phát triển toàn diện.
Để khắc phục những hạn chế về giao tiếp cũng như giúp trẻ giao tiếp được tốt, tôi thường xuyên nói chuyện với từng trẻ để kích thích trẻ diễn đạt ý tưởng và cảm xúc. Muốn vậy, tôi luôn chú ý tới những yếu tố sau:
– Tạo môi trường giao tiếp và giúp cho trẻ có cảm giác thoải mái, có nhu cầu giao tiếp bằng lời. Trong tất cả mọi hoạt động của trẻ, tôi luôn dùng nhiều trò chơi, câu đố để kích thích trẻ tham gia, qua đó giúp trẻ giao tiếp được tự nhiên hơn.
Ví dụ: Trong lớp tôi có cháu Hậu rất ít nói, nhút nhát. Vì thế mà tôi thường cho cháu chơi cùng một nhóm gồm những trẻ mạnh dạn hơn. Trong giờ chơi, tôi cho trẻ chơi trò chơi “Đoán tên bạn”. Tôi hỏi trẻ: “Cô đang nghĩ về một bạn trai cao, to nhất lớp mình, Hậu đoán xem cô đang nghĩ về bạn nào? Tại sao con biết?” Trẻ sẽ nói ngay tên bạn đó và vì sao trẻ lại đoán được. Hoặc là tôi cho trẻ tham gia đóng kịch cùng các bạn.
– Ngôn ngữ là cái riêng của mỗi người và nó phát triển rất tự nhiên, do đó mà khi giao tiếp sẽ có lúc trẻ nói sai, chúng ta không nên la rầy quát mắng, vì như thế sẽ làm cho trẻ không tự tin, sợ nói.
Muốn giúp trẻ sửa lỗi khi nói, tôi thường đóng vai để dạy trẻ như: Trò chơi bán hàng, trò chơi bác sỹ và trò chơi gia đình…Qua đó sẽ giúp trẻ nói theo mẫu của cô và của bạn.
– Để cho trẻ có cảm giác gần gũi và thân thiện, tôi không dùng từ ngữ mang tích chất ra lệnh hay sai khiến sẽ làm cho trẻ có cảm giác bị bắt buột, miễn cưỡng phải làm việc đó; mà tôi chỉ nói với trẻ nhẹ nhàng, vỗ về trẻ.
Ví dụ: Tôi nói: “Cô muốn các con hay cất ghế đúng nơi quy định cho cô để ra sân tập thể dục nào”. Không nên dùng câu: “Cất hết ghế đi”.
– Để trẻ có cảm xúc mạnh, có nhu cầu về giao tiếp thì việc dùng đến các con rối như các con thỏ bông, gấu bông là rất cần thiết, vì trẻ ở lứa tuổi này rất thích được nói chuyện với những con vật gần gũi với trẻ.
Ví dụ: Trong lớp có bạn Toàn ít nói, nhưng khi cô đưa con búp bê ra để hỏi: “Xin chào bạn Toàn, bạn đang làm gì vậy? Nhà bạn có mấy người vậy? Nói cho mình nghe đi!”, thì cháu Toàn sẽ hào hứng trả lời ngay.
Việc tạo ra một không khí thoải mái, đầm ấm và việc đưa các trò chơi, tạo các tình huống, cũng như dùng các con rối hay các con vật trong việc giao tiếp với trẻ là cách giúp trẻ giao tiếp tích cực nhất.
Một kỹ năng nhỏ trong giao tiếp mà lớp tôi đang chủ nhiệm trẻ thể hiện rất hạn chế, đó là kỹ năng “văn hoá chào hỏi”. Thế  nên, ngay từ đầu trẻ đến lớp tôi đã chủ ý nhắc nhở trẻ chào mẹ, chào cô, chào bạn. Ví dụ: Nếu trẻ quên hay hoặc không chủ động chào co để vào lớp, hoặc chào cô, thì tôi sẽ nói: “Cô chào con, con chào tạm biệt mẹ đi nào!”, nhằm gây sự chú ý của trẻ đến việc chào hỏi lễ phép.
Để giúp trẻ thực hiện tốt kỹ năng này tôi thường làm theo các cách sau:
Cách 1: Dạy cho trẻ cách chào.
+ Chào ông bà – cần làm những gì?
+ Chào bố mẹ – chào ra sao?
+ Chào bạn chào như thế nào?
Cách 2: Trò chuyện và đặt ra những câu hỏi về những người trẻ thường gặp hằng ngày.(khi đi học về con gặp ai? Con gặp ở đâu? Con có chào Bác không? Con chào như thế nào)
Cách 3: Cho trẻ xem các hình ảnh trên máy, xem tranh ảnh, cho trẻ thấy tác dụng của việc chào hỏi (Làm quen, thể hiện sự kính trọng, người được chào vui vẻ và yêu quý trẻ, trẻ được mọi người khen ngợi, được tặng quà…).
Cách 4: Cho trẻ tập chào nhau ở lớp.
Cho trẻ đóng vai người lớn, người già,… để các trẻ lần lượt vận dụng kỹ năng trên.
Từ đó tôi có thể uốn nắn những hành động chưa đúng, hoặc tổ chức khen ngợi những trẻ thực hiện tốt các kỹ năng, khuyến khích để trẻ khác noi theo.
* Kỹ năng thích nghi:
Đây là một kỹ năng khá quan trọng mà tôi muốn hình thành cho trẻ ngay từ đầu năm học. Để trẻ có thể hoà nhập được, hoặc phản ứng lại với môi trường bên ngoài. Đó là “kỹ năng thích nghi”.
 Tôi còn dạy cho trẻ những hành vi văn hoá trong ăn uống: biết mời người lớn tuổi trước, mời mọi người cùng ăn, trong khi ăn không nói chuyện, ăn chậm, nhai kỹ, việc này tôi thường lồng ghép vào trong các giờ học, giờ sinh hoạt hằng ngày ở lớp.
Đầu tiên tôi hình thành kỹ năng “thích nghi môi trường”. Để giúp trẻ để thích nghi với môi trường không có hoạt động nào tốt hơn là hoạt động ngoài trời. Vì vậy tôi không bỏ lỡ cơ hội cho trẻ hoạt động ngoài trời hàng ngày. Được ra ngoài trời không chỉ là để cho trẻ khám phá môi trường tự nhiên, mà trẻ còn được hít thở không khí thiên nhiên, được tắm nắng được thực hiện các vận động chạy, leo trèo, chơi một cách tự nhiên trong sân trường. Trẻ có thể nghịch với cát, đất, điều đó giúp cho trẻ vừa thoả mãn được tính năng động, vừa nâng cao sức đề kháng. Trong quá trình trẻ chơi tôi luôn luôn giám sát để can thiệp khi có dấu hiệu của sự nguy hiểm, đối với sự vấp ngã nhẹ của trẻ tôi quan sát để cho trẻ tự đứng lên, điều đó sẽ giúp trẻ mạnh dạn và tự tin hơn.
– Thói quen biết xếp hàng. Đây là thói quen tốt, có văn hoá nơi công cộng.
 Ví dụ: Ở lớp tôi rèn cho trẻ biết xếp hàng rửa tay trước khi  ra về và rủa tay khi tay bẩn và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
– Thói quen biết bỏ rác vào thùng rác: Thùng rác bố trí hợp lý để trẻ bỏ rác và tôi thường xuyên quan sát, nhắc nhở trẻ bỏ đúng nơi quy định, qua đó hình thành cho trẻ thói quen tốt.
– Thói quen biết xin lỗi và cảm ơn: Để trẻ thực hiện tốt thói quen này, tôi thường làm gương cho trẻ noi theo, ở lớp bất cứ trường hợp nào và với bất cứ ai  (trong đó có trẻ) nếu cần nói lời xin lỗi hay cảm ơn tôi thường thể hiện cho trẻ thấy. Qua đó, trẻ bắt chước theo và sẽ cảm nhận được một cách tự nhiên các cách ứng xử này.
* Chủ đề “Bản thân”, tôi lựa chọn hình thành kỹ năng tự chăm sóc bản thân gồm: ttự mặc áo quần, tự chăm lo vệ sinh cá nhân và tự cất đồ dùng đúng nơi quy định.
Việc học cách tự chăm sóc bản thân mình là một phần quan trọng trong quá trình phát triển nhân cách cá nhân và nhận thức xã hội của trẻ. Vì vậy tôi luôn theo sát từng hoạt động của trẻ để khuyến khích, uốn nắn và chỉ dạy cho trẻ. Khi yêu cầu trẻ làm một việc gì, cho dù trẻ có làm được hay không tôi luôn động viên sự cố gắng của trẻ, khuyến khích trẻ làm lại, không tạo áp lực cho trẻ bằng cách phê bình hoặc làm giúp cho trẻ,  luôn kiên nhẫn hướng dẫn trẻ thực hiện. Tôi kết hợp các bài học trước, trong và sau giờ ăn để trẻ hình thành hành động và thói quen sinh hoạt.
Ví dụ: Vào giờ đón và trả trẻ, tôi khuyến khích trẻ tự cởi và mặc áo khoác, dép, mũ… đồ dùng cá nhân và cất ngay ngắn.
Ngoài ra tôi cho trẻ đọc các bài thơ, câu chuyện như: Bài thơ “Cô dạy” “Bé nhớ rửa tay”; câu chuyện: “Gấu con bị sâu răng”… Tôi giới thiệu về nội dung câu chuyện, bài thơ nhiều lần bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp trẻ hiểu được tác dụng của việc rửa tay, lau mặt, đánh răng… để trẻ thích thú và tự giác thực hiện.
* Trong chủ đề “Gia đình”  tôi lồng ghép kỹ năng tự bảo vệ.
Khi mà xã hội ngày càng hiện đại thì chất lượng cuộc sống của con người ngày  càng được nâng cao, nhưng cũng kéo theo nhiều mặt trái. Do trẻ không cẩn thận và chưa được cung cấp những kỹ năng sống nên có nhiều nguy cơ nguy hiểm thường xảy ra với trẻ xảy ra như: bị bắt cóc, bị lạm dụng…Để trẻ tránh được những nguy cơ này, tôi mạnh dạn dạy trẻ cách tự bảo vệ chính mình.
Trước đây, qua những bài thơ câu chuyện, bài hát có nội dung giáo dục trẻ về kỹ năng sống khá nhiều và gần gũi. Thực tế hiện nay trong chương trình dạy trẻ 5- 6 tuổi không nhiều bài hát, bài thơ, câu chuyện có nội dung đó. Vì vậy trong năm học này tôi nghiên cứu và lựa chọn những tình huống thường xảy ra để dạy trẻ có kỹ năng ứng biến khi gặp tình huống khó khăn, giúp trẻ biết thoát hiểm.
Ví dụ:  Vào các buổi hoạt động và sinh hoạt chiều trò chuyện với trẻ: “Hôm qua con được đi chơi không? Con đi với ai? Có vui không?” Sau đó tôi đưa ra tình huống: “Khi con bị lạc mẹ ở giữa đám đông, con sẽ làm gì?”, “Nếu bị ai bắt nạt thì con kêu cứu như thế nào?” 
Tôi cho trẻ suy nghĩ, mỗi trẻ đưa ra một cách giải quyết riêng, tôi lắng nghe ý kiến của trẻ, gợi mở cho trẻ bằng các câu hỏi: “Theo con làm như vậy có được không? Tại sao?” Sau đó tôi dạy cho trẻ: Khi bị lạc mẹ ở đám đông, con phải bình tĩnh, không khóc và đừng chạy lung tung mà hãy đứng yên tại chỗ chờ. Vì bố mẹ sẽ quay lại chỗ đó để đón con. Hoặc đến chỗ cô bán hàng gần nhờ gọi điện thoại. Tuyệt đối không theo người lạ dù người đó hứa sẽ đem về bố mẹ và cho nhiều quà. Vì có thể kẻ xấu sẽ lợi dụng cơ hội đó để bắt cóc hoặc làm hại con. Trong các giờ hoạt động học “Phân biệt một số đồ dùng trong gia đình”, ngoài việc giáo dục trẻ biết tránh những đồ dùng nguy hiểm như bàn là, phích nước sôi, bếp đang đun, dao, rựa…Tôi còn dạy cho trẻ biết nguy cơ của việc cháy nổ là hiểm hoạ đối với tất cả mọi nhà, dạy trẻ biết các nguồn gây ra lửa: bếp ga, bật lửa, cồn, nến, dầu, xăng…Tôi nghĩ rằng cần dạy cho trẻ 5- 6 tuổi một số kỹ năng ứng biến nếu chẳng may có điều đó xảy ra. Tôi đưa ra tình huống: “Nếu con thấy có khói bốc lớn, hoặc cháy đâu đó con phải như thế nào?”. Qua tình huống này ngoài ý kiến của trẻ, tôi hướng dẫn trẻ tỷ mỉ, chậm rãi giúp trẻ khắc sâu hơn: Nếu các con thấy có khói hoặc cháy ở đâu, trước hết con phải chạy xa chỗ cháy. Hãy hét to để báo với mọi người. Nếu không có người ở nhà thì chạy báo cho người hàng xóm. Ngoài ra tôi còn cho trẻ đóng vai giả làm chú lính cứu hoả, từ đó trẻ sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết cho mình.
Với nhiều tình huống mà trong cuộc sống thường xảy ra với trẻ, tôi đưa ra cho trẻ thảo luận, yêu cầu trẻ suy nghĩ, vận dụng vốn hiểu biết của mình đã có để tìm cách giải quyết vấn đề. Thông qua đó tôi giúp trẻ tìm ra phương án tối ưu nhất, đó cũng  chính là kinh nghiệm mà tôi cần dạy trẻ. Thông qua hoạt động giúp trẻ có sự tư duy lôgic, biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình và giúo trẻ có thêm kinh nghiệm trong cuộc sống.
Với chủ đề “Thế giới động vật”, “Thế giới thực vật”, “Các hiện tượng tự nhiên”, tôi hình thành cho trẻ kỹ năng khám phá thế giới xung quanh.
Trong thực tế, khi tổ chức cho trẻ khám phá thế giới xung quanh, giáo viên chỉ chú trọng việc cho trẻ tìm hiểu khám phá những kiến thức về thế giới xung quanh chứ chưa biết rèn kỹ năng sống cho trẻ thông qua hoạt động này. Vì vậy kỹ năng sống của trẻ 5- 6 tuổi còn nhiều hạn chế, trẻ chưa thể hiện sự tự tin, chưa có nề nếp thói quen tốt trong sinh hoạt cũng như trong mọi hành vi.
Chính vì vậy để khơi dậy và khích thích khả năng tự khám phá, tính tòi mò, sự ham hiểu biết của trẻ, tạo ra nhiều cơ hội để trẻ hoạt động, tôi yêu cầu trẻ quan sát các loại cây ở trường, các con vật nuôi ở nhà, sưu tầm tranh ảnh về các loại thực vật, động vật mang đến lớp. Khi tổ chức hoạt động học tôi cho trẻ nói về những gì mà trẻ quan sát, tìm hiểu được, cho trẻ cùng nhau trao đổi, thảo luận về các bức tranh trẻ sưu tầm.Tôi đưa ra một số câu hỏi:”Vì sao mọi người phải tưới nước cho cây ?”Hoặc “Vì sao các con vật đó không sống được ?”… Sau đó tôi củng cố và khái quát lại.
Phát triển kỹ năng khám phá không gian: Tôi cùng trẻ sưu tầm tranh, ảnh trang trí lớp học theo góc, theo chủ đề, luôn tạo không gian mới lạ, hấp dẫn để lôi cuốn trẻ
Ví dụ: Chủ đề “giao thông”, tôi làm mô hình ngã tư đường phố, cột đèn tín hiệu giao thông, chú cảnh sát và lề đường …như vậy đã xuất hiện yếu tố mới lạ, hấp dẫn. Qua đó giáo dục trẻ tham gia giao thông đúng luật hơn.
Ngoài ra kỹ năng khám phá sự vật, chất liệu tôi thường lồng ghép đan xen trong các hoạt động.
Ví dụ: Buổi sáng hoạt động “Phân biệt các loại rau”, buổi chiều tôi cho trẻ dùng đất sét có những gam màu cơ bản cho trẻ tạo hình các loại rau, củ, quả, các con vật gần gũi với trẻ trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó dần dần phát triển kỹ năng quan sát, ghi nhớ về các sự vật, đồ vật và những gì trong cuộc sống xung quanh trẻ.
Khám phá thiên nhiên ở trẻ 5- 6 tuổi là một hoạt động bổ ích và có nhiều niềm vui, giúp trẻ hoà mình vào cuộc sống thiên nhiên, qua đó nó tác động tích cực đến tâm lý, thần kinh và tạo nên môi trường lành mạnh trong nhận thức của trẻ.
Ví dụ: Cho trẻ quan sát ” Cây phượng ” lần 1 cách lần 2 một tháng, tôi đặt ra những câu hỏi gợi mở, giúp trẻ phát hiện những điều mới lạ: “Cây phượng hôm nay có điều gì khác lạ nào?”, trẻ phát hiện ra lần trước quan sát lá phượng còn nhiều và đổi màu nâu, giờ cây hết lá và có chồi non.
Tôi thường tổ chức cho trẻ thực hành ươm cây, bố trí cho trẻ khám phá hiện tượng thiên nhiên như: mưa, nắng, sấm, sét…Trong những lần quan sát đó tôi đặt ra những câu hỏi để dạy cho trẻ biết chăm sóc bảo vệ cây, biêt tránh nắng, mưa, và tránh khi gặp sấm sét xảy ra.
Ví dụ: “Khi đi chơi với bạn thấy có mưa và có sấm sét thì con phải làm gì?” gợi ý cho trẻ nêu lên ý của mình, sau đó tôi dạy trẻ phải biết cách tránh, con phải vào nhà hàng xóm gần để trú nhờ, không trú dưới cây cao sẽ nguy hiểm.
Việc giúp trẻ khám phá thiên nhiên tôi luôn lồng ghép xây dựng cho trẻ “Ý thức bảo vệ môi trường”, bởi vì xây dựng và bảo vệ môi trường là hai yếu tố rất quan trọng. Trước tiên tôi dạy cho trẻ có nhận thức ban đầu về khái niệm môi trường, đặt ra cho trẻ một số câu hỏi đơn giản về môi trường xung quanh, trường, lớp
Ví dụ: “Con thích trường mình không? Vì sao? Trường lớp đã sạch đẹp chưa? Để trường, lớp mình sạch đẹp mãi thì con phải làm gì?”
Hoặc khi dẫn trẻ đi chơi trong sân trường thấy có nhiều rác, cô hỏi: “Con thấy sân trường sạch chưa? Vì sao? Giờ con phải làm gì?” Như vậy trẻ biết rác nhiều là không sạch và cùng nhau nhặt bỏ vào thùng rác.
Tiếp theo, tôi kể cho trẻ nghe những hành động, hành vi liên quan đến bảo vệ môi trường mà độ tuổi lớp tôi có thể làm được như: không dẫm lên cỏ, không hái hoa, bẽ cành, không vứt rác bừa bãi… Cho trẻ tham gia hoạt động thực hành chăm sóc vườn cây, tưới nước cho cây, nhỏ cỏ.. ở vườn hoa của trường. Hoặc cho trẻ chơi đóng vai cây xanh, hoa, vai bác bảo vệ, nhắc nhở các bạn không nên có các hành động sai, cùng nhau bảo vệ môi trường.
Khám phá thế giới xung quanh là cơ hội để trẻ được tiếp xúc, quan sát, tìm hiểu mọi cảnh vật gần gũi xung quanh trẻ như sân trường, vườn nhà.. giúp trẻ tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp.
Chủ đề “Nghề nghiệp”, tôi bắt đầu đi sâu vào phát triển kỹ năng làm việc đội nhóm.
Làm việc theo nhóm là một trong những phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của người học, dạy học hướng về người học. Giáo dục dựa trên phương pháp làm việc theo nhóm là một phương pháp sư phạm hữu hiệu. Trong lớp học, trẻ được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm được phân công giải quyết một công việc cụ thể hướng tới một nội dung công việc chung lớn hơn, kết quả của từng nhóm sẽ được trình bày để thảo luận chung trước khi giáo viên đi đến kết luận cuối cùng.
Ví dụ: Tổ chức hoạt động góc
– Trước khi cho trẻ về góc chơi tôi đặt một số câu hỏi:
+ Sáng nay các con đã chọn góc chơi cho mình chưa?
+ Lớp mình đang thực hiện chủ đề gì?
+ Các con cho cô và các bạn biết ý tưởng chơi của nhóm mình nào? (Qua đó cô đặt những câu hỏi để định hướng quá trình làm việc của nhóm).
+ Quá trình chơi, cô theo dõi, nhắc nhở và hỗ trợ cho các nhóm khi cần thiết.
+ Kết thúc, cô và trẻ cùng nhận xét kết quả làm việc của nhóm tại góc đó hoặc các nhóm đến góc chơi sáng tạo để nhận xét kết quả của nhóm chơi đó
Ví dụ : Tổ chức vệ sinh, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi cuối tuần.
Tôi chia lớp thành 2 tổ và phân công cụ thể: Tổ 1: Vệ sinh sắp xếp đồ dùng đồ chơi ở góc xây dựng. Tổ 2: Vệ sinh sắp xếp ở góc phân vai và sắp xếp ở góc chơi học tập.
Đặt ra một số câu hỏi định hướng thực hiện nhiệm vụ:
+ Để làm được công việc này cần có những dụng cụ gì?
+ Các con sẽ làm như thế nào? (Tôi gợi ý cho trẻ: Theo cô để công việc được nhanh và hiệu quả thì bạn tổ trưởng và các thành viên hãy thảo luận và phân công nhiệm vụ cho từng bạn).
Quá trình trẻ thực hiện tôi theo dõi, nhắc nhở và hỗ trợ các nhóm khi cần thiết.
+ Kết thúc cho các nhóm nhận xét kết quả công việc.
Ví dụ : Khi tổ chức cho trẻ phân loại công việc, đồ dùng, sản phẩm của các nghề, chia trẻ thành 3 nhóm, trong một thời gian nhóm nào phân loại đúng, nhiều tranh, là thắng cuộc.
Thông qua kỹ năng làm việc theo đội, nhóm, trẻ biết hợp tác giúp đỡ nhau, có những cơ hội để phát triển trí tưởng tượng trong trẻ. Vì vậy để phương pháp này có hiệu quả tôi chú ý chuẩn bị đầy đủ các loại đồ dùng, dụng cụ, đồ chơi cho các nhóm và đưa ra yêu cầu phù hợp để trẻ thực hiện.
Biện pháp 4: Khen ngợi, động viên trẻ  kịp thời:
Trong quá trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cần biết khen, chê đúng lúc, đúng mức. Khi trẻ thể hiện một việc làm đúng cần phải khen ngay bằng những lời khen hay, những biểu dương tích cực, những món quà nhỏ mang ý nghĩa tinh thần nhằm khuyến khích và củng cố những kỹ năng đó.
Ví dụ: cho trẻ đi tham quan, xem phim sẽ xảy ra các tình huống, trẻ biết chào hỏi người lớn, biết nhường chỗ, nhường đường cho cụ già, em nhỏ, biết cảm ơn khi người khác cho mình, biết trật tự và biết lắng nghe khi người khác nói…Khi về lớp, tôi kể cho trẻ nghe về các câu chuyện có liên quan đến nội dung trong thời gian hoạt động đó và hỏi trẻ: “Các con cho cô biết những hành động đó được khen hay bị chê trách? Theo cô những hành động như vậy rất tốt? Các con học tập bạn đó ở điểm nào?” Sau đó tôi nêu gương bạn tốt trong lớp cho trẻ biết và tổ chức khen ngợi và tặng quà cho trẻ, nhằm khuyến khích và củng cố nhân rộng kỹ năng đó.
Biện pháp5: Rèn kỹ năng sống cho trẻ ỏ mọi lúc mọi nơi.
Trẻ 5- 6 tuổi là lứa tuổi bắt đầu hình thành ý thức mạnh mẽ, những tác động xung quanh trẻ ở mọi lúc mọi nơi đều có mặt tích cực. Vì vậy tôi luôn chú ý quan tâm để rèn cho trẻ có hành vi, thái độ, cử chỉ, lời nói và hành động đúng.
Ví dụ: Giờ trả trẻ, tôi luôn niềm nở ân cần với trẻ, để tạo ra không khí vui tươi phấn khởi, nhắc trẻ lấy đúng đồ của mình và ra về phải biết chào cô.
Bên cạnh đó, trong các hoạt động học, tôi khuyến khích trẻ tự lấy và cất đồ dùng, đồ chơi; qua đó hình thành ở trẻ có kỹ năng tự phục vụ.
Ngoài ra, tôi luôn tạo mọi điều kiện cho trẻ xây dựng các mối quan hệ tích cực với bạn bè và người lớn, thể hiện sự hợp tác với bạn bè và tôn trọng mọi người xung quanh.
Ví dụ: Giờ hoạt động ngoài trời, tôi tổ chức cho trẻ giúp bác bảo vệ nhặt lá, quét sân, nhổ cỏ, bắt sâu cho cây; tổ chức cho trẻ tham quan các di tích lịch sử ở địa phương.. Những hoạt động đó góp phần tạo các mối quan hệ thân thiện và mở ra sự hợp tác giữa trẻ với mọi người xung quanh, qua đó hình thành ở trẻ kỹ năng hợp tác.
 Trong giờ hoạt động góc khi trẻ về các góc chơi, trẻ thể hiện các vai chơi, đồng thời bắt đầu thể hiện các hành động chơi. Đây là lúc giáo viên cần quan sát để điều chỉnh các hành động chơi của trẻ đúng theo chuẩn mực đạo đức quy định.
Ví dụ: Vai bán hàng phải niềm nở cở mở chào khách xem họ cần mua những thứ gì và với giá tiền bao nhiều, tiền thừa phải trả lại cho khách.
Có thể nói rằng các hoạt động, hành động của trẻ ở mọi lúc mọi nơi có được nề nếp, thói quen tốt, biết thể hiện đúng các hành vi theo chuẩn mực, có tác động và ảnh hướng rất lớn đến mỗi cá nhân trẻ, góp phần hình thành nhân cách của trẻ và sẽ giúp trẻ 5- 6 tuổi có kỹ năng sống tốt sau này.
Biện pháp 6: Phối hợp với phụ huynh trong việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ.
Phụ huynh là cầu nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Làm tốt công tác phối kết hợp với phụ huynh là một yếu tố quan trọng trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi.
Hiện nay một số  phụ huynh chưa nhận thấy sự cần thiết của việc hình thành kỹ năng sống cho trẻ, chỉ lo cho con ăn ngon, mặc đẹp là đủ, nhiều khi thể hiện thái độ cử chỉ, hành vi không phù hợp trước mặt trẻ, điều này không chỉ vô tình làm cho trẻ tổn thương, mà còn làm lệch lạc đi các hành vi chuẩn mực, đạo đức xã hội của con trẻ.
 Nên việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ trong thời đại ngày nay là hết sức quan trọng, vì vậy không thể thiếu sự phối kết hợp của phụ huynh, nhà trường và xã hội. Với nhận thức như vậy, tôi thường xuyên phối kết hợp với phụ huynh trong việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Vào những buổi họp phụ huynh đầu năm tôi mạnh dạn đánh giá tình hình của lớp, trong đó tôi luôn chú trọng đến các kỹ năng sống của trẻ 5- 6 tuổi: sự mạnh dạn trong các hoạt động, tự tin khi thực hiện nhiệm vụ, thái độ, cử chỉ, lời nói .. để phổ biến cho các bậc phụ huynh được biết và để thực hiện có tính thuyết phục cao. Hàng ngày, vào giờ đón, trả trẻ, tôi trao đổi với về các kỹ năng tôi đang rèn cho trẻ tại lớp để giữa giáo viên và phụ huynh có sự giáo dục hoà hợp, không chồng chéo.
Ngoài ra, những hoạt động trong lớp tôi lập danh sách, hoặc chụp ảnh của bé có các hành vi tốt dán vào góc: “Những điều phụ huynh cần biết”.
Ví dụ: những cháu Diệp- Khuyết- Rộn – Hương  đang giúp cô nhổ cỏ, dọn rác… tôi quay clip rồi chiếu lên màn hình cho trẻ xem, đồng thời làm nhiều bức ảnh dán ở góc tuyên truyền. Hoặc các buổi họp phụ huynh tổ chức cho phụ huynh xem một số hoạt động của trẻ và nhân cơ hội đó tôi giải thích rõ với phụ huynh về các vấn đề mà gia đình, xã hội cần quan tâm, đó là cần làm gương cho trẻ noi theo, thể hiện thái độ hành vi đúng đắn trước mặt con trẻ, không nên xem nhẹ trẻ mà luôn quan sát, chú ý để hình thành và xây dựng cho trẻ có những kỹ năng sống tốt.
Với quan điểm của tôi, để trẻ 5- 6 tuổi có kỹ năng sống tốt, tôi thường xuyên liên hệ với phụ huynh để kịp thời nắm bắt tình hình của trẻ, trao đổi với phụ huynh những nội dung và biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ tại nhà và bàn bạc cách giải quyết mọi khó khăn.
 Ví dụ: Trong lớp có trẻ chưa gọn gàng khi cất đồ dùng như dép, mũ, áo khoác treo lên giá, hay nói tục… chiều trả trẻ tôi trực tiếp trao đổi với phụ huynh về những hành vi mà trẻ thường mắc phải, qua trao đổi tôi biết được các hành vi, thói quen của trẻ lúc ở nhà.
Không những thế, tôi luôn vận động phụ huynh tham gia tình nguyện và các hoạt động giáo dục trong lớp.
Ví dụ: Tham gia dự vào các hoạt động ngoại khoá…Qua đó phụ huynh thấy được việc ngoài dạy cho trẻ kiến thức giáo viên rất chú trọng tới kỹ năng sống của trẻ, từ đó tạo thêm mối quan hệ chặt chẽ và hợp lý hơn.
Hơn nữa trong thời đại ngày nay công nghệ thông tin phát triển nhanh kèm theo những mặt trái của xã hội, nếu chúng ta lơ là hoặc bỏ qua những gì ảnh hưởng không tốt tới đứa trẻ thì trẻ sau này không có kỹ năng sống tốt như chúng ta mong đợi.
Vì vậy tôi luôn đề cao nội dung này trong các cuộc họp phụ huynh, nhằm nhắc nhở phụ huynh luôn quan tâm đến trẻ, không cho trẻ xem những bộ phim, những tranh ảnh… có hành động, hành sai trái, hoặc kịp thời giải thích cho trẻ rõ về những gì trẻ vừa thấy không đúng với chuẩn mực xã hội.
Tóm lại, để rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi, đặc biệt là trẻ thuộc đối tượng dân tộc thiếu số Bru-Vân kiều  việc giúp trẻ phát triển toàn diện thì giáo viên cần phải biết phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, cùng với phụ huynh tạo được nền tảng vững chắc, kịp thời sửa chữa những gì trẻ bị va chạm, lệch lạc trong cuộc sống, để sau này trẻ là người con ngoan, học trò tốt, người công dân có ích cho xã hội. Với những việc làm trên, tôi thấy đa số phụ huynh hưởng ứng, ủng hộ và tin tưởng vào những gì mà tôi đã rèn cho trẻ 5- 6 tuổi những kỹ năng sống thích hợp.
*Hiệu quả của sáng kiến:
          1. Trước hết giáo viên được nắm chắc nội dung, phương pháp, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, nhận thức được tầm quan trọng của rèn kỹ năng sống cho trẻ.
2. Tính độc lập, mạnh dạn, hợp tác, chia sẻ và biết kiên trì hoàn thành các công việc được giao của trẻ có hiệu quả hơn.
3. Các hành vi, hành động, ngôn ngữ có văn hoá theo chuẩn mực đạo đức xã hội của trẻ tiến bộ hơn.
4. Tính tò mò, trí tưởng tượng, năng động, thói quen lao động, tự phục vụ, kỹ năng tự lập của trẻ tốt hơn.
5. Trẻ tự tin trong giao tiếp, có kỹ năng giải quyết các vấn đề, biết tự phục vụ và hợp tác với bạn bè, mọi người xung quanh. tâm lý thoải mái, thích đi học, thích đến trường, thích hoạt động, thích giao tiếp.
– Phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi.
– Phụ huynh ngày càng tin tưởng giáo viên, luôn quan tâm chăm lo đến việc học tập, các hoạt động, lời nói, hành vi của con em trên lớp cũng như lúc ở nhà. Một số phụ huynh đã mạnh dạn trao đổi những vấn đề cần thiết nhờ giáo viên quan tâm giúp đỡ. Nhờ vậy mà mối quan hệ giữa cô, trẻ và phụ huynh ngày càng gần gũi hơn.
Đặc biệt kết quả khảo sát cuối năm

 
Nội dung khảo sát Đạt Không đạt Số trẻ Tỉ lệ % Số trẻ Tỉ lệ % 1. Kỹ năng giao tiếp 7 70 3 30 2. Kỹ năng thích nghi 6 60 4     40 3. Kỹ năng khám phá thế giới xung quanh 8 80 2 20 4. Kỹ năng tự chăm sóc bản thân 5 50 5 50 5. Kỹ năng tạo niềm vui 7 70 3 30 6. Kỹ năng tự bảo vệ 5 50 5 50 7. Kỹ năng làm việc đội nhóm 6 60 4 40 8. Kỹ năng giải quyết các vấn đề 8 80 2 20

Từ kết quả trên cho thấy trẻ có nhiều chuyển biến rõ rệt
3. Phần kết luận:
Qua nghiên cứu, tìm tòi, trao đổi và trải nghiệm thực tế đã chỉ ra một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi ở trường mầm non. Dù kết quả đạt được chưa được nhiều nhưng bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích đối với trẻ lớp tôi đang thực hiện.
3.1. Ý nghĩa của đề tài:
Việc rèn kỹ năng sống cho trẻ mầm non góp phần quan trọng trong sự nghiệp đào tạo thế hệ con người tương lai của đất nước, trong đó trẻ 5- 6 tuổi là một lứa tuổi  có vai trò đặc biệt quan trọng.
Việc rèn kỹ năng sống tốt cho trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi là xây dựng và củng cố nền tảng và những gì mà theo trẻ đến suốt cuộc đời, làm cơ sở tiền đề cho cuộc sống sau này của trẻ. Giúp cho trẻ phát triển tâm sinh lý lứa tuổi, có sức khoẻ tốt, tự tin mạnh dạn để học tập và sống tích cực, phát huy tốt khả năng và sở trường của mình. Giúp trẻ có ý thức và khả năng thích nghi với cuộc sống, trẻ có thể làm chủ bản thân, sống tích cực và hướng đến lối sống lành mạnh.
Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi có ý nghĩa trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách cho trẻ, là nền tảng vững chắc cho trẻ bước vào trường tiểu học và vận dụng vào trong cuộc sống
Cho nên rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi lúc trẻ đang ở Trường mầm non đối với giáo viên trong các hoạt động, cử chỉ, hành động, ăn măc, thói quen, nề nếp… của trẻ. Rèn như thế nào, định hướng ra sao, để đạt được hiệu quả cao nhất, đó là vấn đề quan trọng mà bất cứ ai làm công tác giáo dục trẻ đều phải chú ý. Để thực hiện tốt điều đó thì bản thân tôi phải kiên trì, quyết tâm thực hiện từng bước và liên tục trong quá trình chăm sóc giáo dục trẻ. 
Trên đây là một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi mà tôi đã thực hiện ở lớp tôi, rất mong nhận được sự góp ý của Hội đồng khoa học và chị em đồng nghiệp để bản sáng kiến “Một số biện pháp rèn kỹ năng sống cho trẻ 5- 6 tuổi” của tôi được hoàn thiện.

 Tôi xin chân thành cảm ơn!

Tôi xin chân thành cảm ơn!