Cứu sống người bệnh ung thư phổi bằng thuốc đích thế hệ mới

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Đây là loại ung thư ác tính nhất, dễ di căn, lan từ phổi đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác trong cơ thể thành ung thư phổi giai đoạn cuối và khiến người bệnh tử vong. Có thể chữa khỏi ung thư phổi hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phát hiện bệnh.

Trong vòng 30 năm trở lại đây, nghiên cứu về hồ sơ di truyền học trong bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư phổi giai đoạn cuối đã thật sự “bùng nổ”. Một trong số những thành tựu là phát hiện các loại đột biến gen quan trọng có ảnh hưởng đến ung thư, hay còn gọi là “Driver mutation”. Từ đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra một dạng thuốc chữa ung thư phổi mới nhất có khả năng ức chế hoạt động của những đột biến gen này, ngăn không cho tế bào ung thư phát triển, thúc đẩy quá trình chết tự nhiên của tế bào.

Phương pháp điều trị bằng cách sử dụng các thuốc chữa ung thư phổi mới nhất có cơ chế hoạt động nêu trên, nhắm vào các đích nhắm phân tử được gọi là điều trị nhắm trúng đích.

Thuốc nhắm trúng đích EGFR là các thuốc ức chế tyrosine kinase EGFR (EGFR-TKI), giúp ngăn bướu phát triển. Hiện nay, EGFR-TKI có 3 thế hệ đang được sử dụng cho các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa hoặc ung thư phổi giai đoạn cuối, cụ thể như sau:

  • Nhóm thuốc thế hệ 1 bao gồm Erlotinib và Gefitinib. Cả hai thuốc có hiệu quả điều trị tương đương nhau, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tỉ lệ đáp ứng bướu, kéo dài thời gian bệnh không tiến triển thêm 5-6 tháng so với hóa trị. Theo nghiên cứu IPASS, với hơn 1200 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ, các trường hợp có đột biến gen nhạy thuốc EGFR được điều trị với Gefitinib mang lại một số lợi ích như: 70% bướu giảm kích thước, 50% giảm nguy cơ bệnh tiến triển, và 22% giảm nguy cơ tử vong so với hóa trị. Ưu điểm của nhóm thuốc này là an toàn, ít tác dụng phụ, chủ yếu là nổi ban da nếu sử dụng Erlotinib hoặc tăng men gan nếu sử dụng Gefitinib.
  • Nhóm thuốc thế hệ 2 bao gồm Afatinib và Dacomitinib. Khả năng ức chế hoạt động của đột biến gen EGFR một cách bền vững, không hồi phục là ưu điểm của nhóm thuốc này. Theo nghiên cứu, cả hai thuốc, đặc biệt là Dacomitinib, giúp kéo dài thời gian bệnh không tiến triển tốt hơn so với Erlotinib và Gefitinib.
  • Nhóm thuốc thế hệ 3 bao gồm Osimertinib. Tương tự nhóm thuốc thế hệ 2, Osimertinib cũng có khả năng ức chế hoạt động của đột biến gen EGFR một cách bền vững, không hồi phục. Đặc biệt, nó còn có thể ức chế đột biến gen T790M. Đây là một loại đột biến gen làm tăng khả năng thất bại điều trị. Nó xuất hiện ở khoảng 50%-60% trường hợp người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ điều trị thuốc nhắm trúng đích EGFR thế hệ 1 hoặc 2 sau khoảng thời gian 9-12 tháng.

Một lưu ý quan trọng là không phải tất cả trường hợp ung thư phổi giai đoạn cuối đều có thể điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích EGFR. Chỉ khi mẫu tế bào bướu hoặc mẫu máu của người bệnh được xét nghiệm có sự hiện diện của đột biến EGFR thì việc sử dụng nhóm thuốc này mới mang lại hiệu quả.

Ấn “Đăng kí” để theo dõi các video mới nhất về sức khỏe tại đây.