Cưỡng chế, giải phóng 2.900m2 thuộc Dự án đường Vành đai 2,5

Theo quy hoạch, đường Vành đai 2,5 có điểm khởi đầu ở Khu đô thị Tây Hồ Tây, đi qua đường Nguyễn Văn Huyên – đường Dương Đình Nghệ – Trung Kính – Hoàng Đạo Thúy – đường trục Khu đô thị Khương Đình – Khu đô thị Định Công – Kim Đồng – Tân Mai – điểm cuối là Đền Lừ.

Đúng 8 giờ sáng ngày 6/4, đại diện chính quyền đã  tiến hành đọc lệnh cưỡng chế theo đúng luật định. Ảnh AT
Đúng 8 giờ sáng ngày 6/4, đại diện chính quyền đã  tiến hành đọc lệnh cưỡng chế theo đúng luật định. Ảnh AT

Song song với quy hoạch đường vành đai 2 và đường Vành đai 3, đường vành đai 2,5 sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, giúp giảm tải mật độ giao thông hiện nay. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng – Chuyển giao) do Liên danh Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Mai làm chủ đầu tư.

Những hộ dân cuối cùng tự giác di chuyển đồ đạc khỏi nhà trước giờ cưỡng chế. Ảnh AT
Những hộ dân cuối cùng tự giác di chuyển đồ đạc khỏi nhà trước giờ cưỡng chế. Ảnh AT

Theo kế hoạch dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1 sẽ hoàn thành vào năm 2016 nhưng do công tác GPMB chậm nên đã chậm hơn 6 năm. Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai Vũ Minh Tú, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Tài sản của dân còn để lại đều được niêm phong theo đúng quy định trước khi di chuyển đến nơi tập kết. Ảnh Văn Trọng
Tài sản của dân còn để lại đều được niêm phong theo đúng quy định trước khi di chuyển đến nơi tập kết. Ảnh Văn Trọng

Trong đó, chủ yếu là việc thay đổi từ Luật Đất đai năm 2003 sang Luật Đất đai năm 2013; việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của người dân; một số hộ dân chưa đồng tình… Đến nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận, UBND phường Định Công đã vận dụng hết các điều khoản có lợi cho người dân nhưng vẫn còn 27 hộ không chấp hành.

Sau buổi Hội nghị đối thoại ngày 5/4/2022, UBND quận Hoàng Mai đã quyết định tổ chức cưỡng chế các hộ dân còn lại không chấp hành đúng quy định pháp luật.

Theo quan sát của chúng tôi, có khá nhiều hộ dẫn đã “vườn không, nhà trống”, một số hộ vẫn cửa đóng then, cài theo kiểu “bất hợp tác”, chỉ còn 5-7 hộ dân vẫn “bình chân như vại” thách thức chính quyền.

Từ nhiều ngày qua, UBND quận Hoàng Mai đã lên phương án cưỡng chế chi tiết, huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, dân phòng, các tổ chức đoàn thể, dân phố tham gia cưỡng chế. Lực lượng tham gia cưỡng chế được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị, phương án hiệp đồng giữa các bộ phận để thống nhất chỉ huy.

Bên cạnh tổ chức lực lượng, phương tiện cưỡng chế thì quận vẫn bố trí người giải thích, động viên người dân chấp hành các quy định của chính quyền. Các khiếu nại, thắc mắc của người dân vẫn được chính quyền ghi nhận theo đúng quy định của pháp luật.

Khu vực cưỡng chế được bố trí nhiều vòng chốt do công an đảm nhận, chỉ lực lượng tham gia có băng biển đầy đủ mới được ra-vào. Sau khi đọc quyết định cưỡng chế, chính quyền đã cho người quay phim, chụp ảnh hiện trạng các nhà dân, tiền hành tập trung niêm phong tài sản và vận chuyển đến nơi tập kết để tiến hành giải phóng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Quay phim, chụp ảnh tài sản của dân còn để lại trong nhà trước khi niêm phong, vận chuyển đến nơi tập kết. Ảnh AT.
Quay phim, chụp ảnh tài sản của dân còn để lại trong nhà trước khi niêm phong, vận chuyển đến nơi tập kết. Ảnh AT.

Cơ quan tổ chức cưỡng chế đã thực hiện đúng quy định về bảo quản, thu giữ và thông báo cho người có tài sản nhận lại. Nhiều phần việc được tiến hành phá dỡ bằng cơ giới nên tiến độ được thực hiện khá nhanh, đúng yêu cầu đề ra. Công tác đảm bảo an toàn cho lực lượng cưỡng chế cũng đã được tính toán khá chi tiết, lực lượng PCCC luôn túc trực sẵn sàng.

Nhìn chung công tác cưỡng chế được thực hiện bài bản, một vài cá nhân có biểu hiện chống đối đã được mời về UBND phường Định Công giải quyết theo quy định.