Cuộc gặp mặt những người bạn Thụy Sĩ ủng hộ hòa bình cho Việt Nam
Đại sứ Phùng Thế Long phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nguyễn Tuấn/Pv TTXVN tại Thụy Sĩ
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023), Đại sứ quán Việt Nam tại Bern ngày 3/5 đã tổ chức gặp mặt những người bạn Thụy Sĩ, trong đó có 3 vị khách đặc biệt Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff, những người đã từng tham gia hành trình từ Thụy Sĩ đến Paris treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà để phản đối chiến tranh, ủng hộ hòa bình cho nhân dân Việt Nam.
Cách đây 54 năm, ba thanh niên trẻ người Thụy Sĩ, Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Noé Graff ở thời điểm đó đã dũng cảm thể hiện thái độ chống chiến tranh xâm lược, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam bằng hành động treo cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên tháp Nhà thờ Đức Bà Paris.
Ông Olivier Parriaux, 1 trong 3 người tham gia treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Nguyễn Tuấn-PV TTXVN tại Thụy Sĩ
Ngày 19/1/1969, thời điểm Hội nghị 4 bên về Việt Nam chính thức bắt đầu tại Paris, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nền trời xanh, dưới những ánh mắt thán phục của người dân và khách du lịch. Lần đầu tiên trong lịch sử, đội cứu hỏa Paris đã phải sử dụng trực thăng để tháo lá cờ trên đỉnh tháp. Hình ảnh đó đã được các nhà báo, nhiếp ảnh, quay phim ghi lại từ mọi góc độ. Sự kiện đã trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế khai thác. Nhiều ngày sau, các tờ báo lớn ở Pháp, Mỹ và nhiều nước đã đăng tải hình lá cờ tung bay trên nóc tháp.
“Chúng tôi rất hài lòng với tiếng vang mà sự kiện này đã tạo ra. Thông điệp của hành động này đã được thế giới biết đến mà không cần chúng tôi nói rằng chính chúng tôi đã làm điều đó”, ông Olivier Parriaux chia sẻ đầy tự hào với sự đồng tình của 2 người bạn, Noé Graff và Bernard Bachelard.
Ông Olivier Parriaux tặng cuốn sách “Lá cờ Việt cộng trên đỉnh nhà thờ Đức Bà” cho Đại sứ Phùng Thế Long. Ảnh: Nguyễn Tuấn/Pv TTXVN tại Thụy Sĩ
Các ông sưu tầm, lưu giữ rất cẩn thận các bài viết kèm hình ảnh đó. Ông Olivier Parriaux mong muốn có thể tìm thêm được những tờ báo chính thức của Việt Nam đã đăng tải tin tức quan trọng này ở thời điểm đáng nhớ đấy.
Phát biểu nhân dịp này, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Thụy Sĩ Phùng Thế Long cho biết 2023 là năm kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 – 27/1/2023). Đại sứ tin tưởng rằng những vị khách có mặt tại đây luôn giữ những ký ức sống động về những ngày tháng quên mình cùng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới tham gia các hoạt động phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của chính quyền Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam. Có thể nói sự ủng hộ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Thụy Sĩ, qua từng giai đoạn lịch sử đã góp thêm sức mạnh để dân tộc Việt Nam, cùng với sức mạnh nội tại của mình, giành chiến thắng vẻ vang trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Ông Bernard Bachelard, 1 trong 3 người tham gia treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: Nguyễn Tuấn-PV TTXVN tại Thụy Sĩ
Tháng 10/1971, Liên bang Thụy Sĩ đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Tháng 2/1973 Thụy Sĩ là một trong những nước Phương Tây đầu tiên mở Đại sứ quán tại Hà Nội. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển đến giáo dục đào tạo và giao lưu nhân dân. Nhân dân Thụy Sĩ, thông qua Chính phủ của mình và các tổ chức hữu nghị, phi chính phủ, đã dành hơn 500 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua, giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.