Cuộc chiến chống doping tốn kém của thể thao thế giới
4 tháng trôi qua kể từ khi “cơn mưa vàng” ở SEA Games 31 khép lại, thể thao Việt Nam chấn động trước thông tin 6 vận động viên vô tình dương tính với doping. Doping không chỉ là câu chuyện của làng thể thao Việt Nam, mà là của toàn thế giới. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến chống doping giống như trò chơi “mèo vờn chuột”. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp quy trình xét nghiệm và phát hiện các loại chất kích thích ngày một tốt lên. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những vận động viên và các “kẻ gian lận” cũng trở nên tinh vi và khôn khéo hơn khi sử dụng các loại thuốc tăng cường thành tích. Giới chuyên gia nhận định, công nghệ phòng chống doping đi sau công nghệ doping khoảng 10 năm. Vì vậy chống lại doping là một cuộc chiến hết sức phức tạp. Năm 2017, Ủy ban Olympic Quốc tế thống kê tổng chi phí cho việc chống doping lên tới 300 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, cựu Giám đốc cơ quan này cho rằng quy trình và phương pháp xét nghiệm chống doping của thế giới cần có những sự thay đổi mang tính quyết liệt.
Andre Agassi là một cái tên đặc biệt trong lịch sử phòng chống doping.
Tay vợt lừng danh người Mỹ Andre Agassi là một cái tên đặc biệt trong lịch sử phòng chống doping. Năm 1998, Agassi bị phát hiện sử dụng chất cấm, anh đã giải thích chỉ là vô tình uống phải một loại đồ uống do một thành viên trong đội ngũ của mình đưa cho. Kết quả, Agassi được tha bổng. Hơn 12 năm sau, Agassi bất ngờ thú tội, nhưng thời hạn cho việc truy tố đã hết và anh không chịu bất cứ hình phạt nào.
Từ câu chuyện trên, Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) quyết định nâng thời hạn tái xét nghiệm các mẫu thử của VĐV lên đến 10 năm và thêm vào đó còn có một số ngoại lệ để trừng phạt các VĐV, như trường hợp của tay đua Lance Armstrong. Những mẫu xét nghiệm của Armstrong được chứng minh dương tính vào năm 2012, khiến anh bị tước sạch mọi danh hiệu từ năm 1998.
Khoa học luôn cố gắng bắt kịp các cách thức gian lận trong giới thể thao. Trọng tâm của cuộc chiến chống doping được đặt vào việc cố gắng xác định các hóa chất cụ thể trong nước tiểu của vận động viên.
Armstrong bị tước sạch mọi danh hiệu từ năm 1998 vì dopping.
Ông James Tozer – Nhà báo thuộc The Economist, nói: “Hơn mười năm trước, họ đã phát triển một thứ gọi là hộ chiếu sinh học của vận động viên, và mục đích không phải để tìm ra các chất cụ thể, mà là phát hiện những thay đổi bất thường trong thành phần máu của vận động viên.”
Năm 2009, khi hộ chiếu sinh học ra đời, đã có hơn 200 VĐV bị bắt doping. Tuy nhiên đây chưa phải là tất cả.
Ông James Tozer – Nhà báo thuộc The Economist, nói: “Chỉ có khoảng 1-2% thử nghiệm là dương tính. Và có rất nhiều vận động viên sử dụng doping vẫn tiếp tục thi đấu mà không bị phát hiện.”
Trong một cuộc khảo sát ẩn danh, tại Giải vô địch điền kinh thế giới 2011, có tới 44% vận động viên thừa nhận đã sử dụng doping trong năm ngoái, nhưng chỉ có 1-2% mẫu thử nghiệm là dương tính. Hầu hết các trường hợp dùng doping đều phải mất nhiều năm mới được phát hiện.
Ông Ali Jawad – Vận động viên cử tạ, chia sẻ: “WADA chỉ phát hiện ra 1-2% mẫu xét nghiệm dương tính, nhưng sự thật có thể lên đến 30-40%. Tiến độ chống doping không theo kịp những kẻ gian lận. Họ cần cải tổ và thay đổi, nếu chỉ bắt được 1 hoặc 2% thì có bao nhiêu vận động viên sạch sẽ đã bỏ lỡ những huy chương họ xứng đáng nhận được?”
Tuy nhiên bài toán chi phí vẫn là áp lực chính trong cuộc chiến này. tính đến tháng 8/2021, chi phí cho việc xét nghiệm chống doping của WADA đã tăng khoảng 30% chi phí so với giai đoạn 2017. Bên cạnh đó, chi phí cho nghiên cứu khoa học và phát hiện chất cấm mới trong danh mục của WADA cũng tiêu hàng chục triệu USD mỗi năm.
Giáo sư Yannis Pitsaladis – Đại học Brighton: “Mất nhiều thời gian và tiền bạc để chạy đua phát hiện các loại doping mới trên thị trường. Nhiều đơn vị e ngại khi phải chi số tiền lớn cho các cuộc thử nghiệm phát hiện những loại doping mới.”
Cuộc chiến chống doping luôn là một phần không thể thiếu của thể thao thế giới. Tuy nhiên, mọi kết quả xét nghiệm hay quy trình thường chỉ mang tính tương đối, khi chúng phải chạy theo sau các loại thuốc và chất kích thích mới trên thị trường. Niềm an ủi lớn nhất với các VĐV trong sạch đó là những tổ chức như WADA luôn sẵn sàng trừng phạt những kẻ gian lận ngay cả khi họ đã giải nghệ nhiều năm./.
Theo TTXVN