Cuộc chiến… ăn dặm
Ăn dặm kiểu nước ngoài
Thủy (Q.3, TP.HCM) tâm sự: “Hiện nay, bạn bè và nhất là trên mạng internet, ai cũng truyền tụng và áp dụng phương pháp “ăn dặm kiểu Nhật”. Theo đó, sẽ tránh được cảnh vừa cho con ăn vừa ca hát, nhảy múa. Không phải ẵm con đi lòng vòng quanh xóm mới đút xong chén cơm… Phương pháp này giúp bé khỏe, tự lập và thích ứng nhanh với chuyện ăn uống. Ba mẹ cũng khỏe, không phải khổ sở với chuyện cho con ăn như ông bà ta trước đây. Ấy vậy mà khi mình áp dụng, mẹ chồng nhất quyết không cho, cự nự và giận hờn, thiệt khổ hết biết”.
Quả đúng như lời Thủy, vào Google, gõ cụm từ “ăn dặm kiểu Nhật” sẽ cho ra hàng ngàn kết quả. Tựu trung, xuất phát điểm của phong trào này là từ bài viết rất chỉn chu và đầy tâm huyết của chủ nhân blog mẹ Ổi Mít. Chủ nhân blog này đã áp dụng cách ăn dặm dành cho cậu con trai tên Mít lúc 6 tháng tuổi tại Nhật và khá thành công nên đã ghi chép lại kinh nghiệm, phương pháp chế biến món ăn… để truyền lại.
Theo đó, việc ăn dặm kiểu truyền thống Việt Nam bộc lộ rất nhiều nhược điểm như: con chán ăn, lười ăn. Nhìn thấy bát cháo là quay mặt đi. Ăn phải đi rong, bật ti vi, cả nhà phải làm đủ trò, thậm chí bóp miệng con nhét cháo vào. Ăn ngậm: cơm cũng ngậm, cháo cũng ngậm chảy nước ra. Mẹ quát, con sợ thì mới nuốt. Đổi vị đủ thứ cũng không làm con thích. Sao nấu ngon thế mà nó không ăn? Thử cho ăn cơm thì bé không biết nhai. Ăn hơi thô là ọe. Với những đứa lớn, biết nhai rồi, 3-4 tuổi rồi thì vẫn: Ăn chậm và rất chậm. Lười nhai, hơi tí thì nhè ra. Không tự xúc, phải đút mới ăn…
Sau khi phân tích nhược điểm của kiểu ăn dặm ở Việt Nam, mẹ Ổi Mít đã đưa ra phương pháp chế biến thức ăn, các luận cứ khoa học và thuyết minh bằng cả những món ăn mà mình chế biến và các thành quả đạt được. Bài viết này, phương pháp này giống như một “cuộc cách mạng” trong ăn dặm nên đã có hàng ngàn người ủng hộ nhiệt liệt và áp dụng. Có người còn nhiệt tình đưa cả thực đơn mà mình chế biến cũng như kể lại những thành quả mà hai mẹ con đã gặt hái được khi áp dụng phương pháp này lên mạng và được ủng hộ rần rần.
Xuất phát từ đó, Thủy cũng như bạn bè và nhiều người hay truy cập internet học hỏi và làm theo. Nói như lời của Thủy: “Một phương pháp hay như thế mà mình không áp dụng thì tiếc lắm”.
Thế nhưng, không phải cái gì mới, khoa học, tân tiến đều được nhiều người đón nhận, nhất là các bà mẹ nuôi con theo kiểu xưa.
Cứ truyền thống mà làm !
Con gái Thủy đã 6 tháng tuổi, chỉ nặng 6,5 kg và bé rất muốn ăn. Mỗi khi thấy ông bà, cha mẹ ăn cơm là bé chép miệng nuốt nước bọt. Thấy vậy, mẹ chồng Thủy bảo phải cho bé ăn sớm, ăn nhiều, ăn bột chế biến sẵn và cháo.
Vì áp dụng cách của mình nên những ngày đầu cho bé ăn, Thủy chỉ cho ăn cháo trắng, không nêm nếm gia vị và chỉ cho ăn 2 muỗng nhỏ, tất nhiên bé còn thòm thèm. Thấy vậy, bà nội la oai oải: “Trời ơi, khoa học khoa hiếc gì mà kỳ cục vậy, con bé thèm ăn nhỏ dãi mà chỉ cho ăn có tí xíu, rồi không cho bột ngọt, mắm muối gì hết làm sao nó ngon mà ăn? Bây ác gì mà ác ghê vậy? Ngày xưa, ta nuôi con có khoa học gì mà bây cũng lớn, cũng học hành giỏi giang, cũng nên vợ nên chồng?” .
La thôi chưa đủ, bà còn gọi về mẹ ruột của Thủy méc. Hai bà mẹ cùng hợp tác và ra sức “tra tấn” Thủy. Hết nặng đến nhẹ, thậm chí bà nội còn ào vô bếp, tự chế biến thức ăn cho cháu. Ngoài hai bà mẹ, Thủy còn chịu sự chì chiết của chị chồng và cả các bà cô chồng về “phương pháp quái đản” của Thủy như lời họ.
Tới nước này thì Thủy chỉ còn cách ra riêng, hai vợ chồng thuê nhà ở và quyết áp dụng cho bằng được cách nuôi con mà vợ chồng Thủy tâm huyết. Thủy nói: “May mà ông xã mình cũng ủng hộ hết mình cách này nên mình quyết tâm phải thực hiện. Nhìn con của các bạn đã áp dụng phương pháp này ăn uống như người lớn ở tuổi lên 2 mà mình thích quá. Đi dã ngoại, đi chơi không phải mang vác lỉnh kỉnh đồ ăn thức uống theo, con ăn theo cha mẹ, con khỏe, bố mẹ cũng khỏe. Thế thì tại sao không áp dụng mà phải đi lại lối mòn cũ? Mình hy vọng, khi mình thành công, ông bà và mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho mình”.
“Cuộc chiến” giữa Thủy và mẹ chồng không phải là cuộc chiến đơn lẻ, có rất nhiều cuộc chiến như thế trong các gia đình Việt hiện nay khi có em bé đến tuổi ăn dặm.
Ăn dặm kiểu Nhật
Là kiểu ăn cháo lỏng rây qua lưới vào những tuần đầu để bé quen với việc ăn muỗng và thức ăn khác ngoài sữa. Sau đó chuyển dần sang ăn cháo đặc kèm rau củ. Tiếp đến là cho bé ăn cơm từ nhão đến đặc để bé tập kỹ năng nhai, ăn kèm cơm với các loại thức ăn thông dụng như cá, thịt, rau quả… Phương pháp này ngoài việc tập bé ăn thức ăn, bé còn được học kỹ năng nhai. Đây là một kỹ năng quan trọng giúp bé biết ăn thức ăn thô đồng thời tiêu hóa tốt thức ăn. Ngoài ra, bé còn được học kỹ năng bốc thức ăn bằng tay, ghim thức ăn bằng nĩa, xúc bằng muỗng. Khi đó, bé sẽ cảm thấy rất thú vị với bữa ăn của mình chứ không phải bị “tra tấn”.
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM thì ăn dặm phải theo nguyên tắc từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, từ một nhóm thực phẩm đến 4 nhóm thực phẩm; đồng thời phải chú ý đến tâm lý của trẻ, cần tạo cho trẻ tâm lý thoải mái nhất khi ăn, tránh trường hợp ép trẻ quá mức khiến trẻ trở nên sợ ăn… Bước khởi đầu nếu tuân thủ đúng sẽ tạo cho trẻ thói quen ăn uống tốt về sau.
Huỳnh Trần Thảo My
>> Nuôi con đúng cách liệu có khó?
>> Cẩn thận với caffeine khi cho con bú
>> Thế mới là phụ nữ !
>> Hãy nghĩ cho con!
>> Gánh nặng kép suy dinh dưỡng và béo phì
>> Xu hướng làm mẹ đơn thân: Cộng đồng “single mom”
>> Thừa kế của con riêng
>> Trẻ chậm tăng cân
>> Lợi ích từ sữa mẹ