Cúng sao, làm sao hết hạn!
Cúng sao giải hạn, tai nạn vẫn tới
Gặp năm sao Thái Bạch nên chẳng đợi đến năm mới, anh Đỗ Mạnh Quân (Trung Kính, Cầu Giấy) đã chuẩn bị giải hạn từ cuối năm Tân Mão. Anh Quân mời riêng thầy cúng về nhà, đồ lễ chuẩn bị công phu, thầy chỉ sao làm vậy. Không tiếc tiền mua sắm vàng mã, đồ lễ, kể cả mâm cúng chúng sinh ngoài trời, vợ chồng anh chị cũng chuẩn bị công phu, chu đáo chỉ với yêu cầu duy nhất: hóa giải sao xấu, tai qua nạn khỏi để cả năm yên tâm làm ăn, của nả không đổ hết “ra sông ra biển”. Trong khi nhiều người vẫn còn “thư thư” thì mùng 4 Tết thầy đã về nhà anh làm lễ. Những tưởng cúng bái linh đình, vận hạn theo đó sẽ rời bỏ mình thì ngay đầu giờ chiều hôm sau, cả nhà anh Quân đã méo mặt khi chiếc xe Lead mới mua vừa dựng trước cửa nhà, chỉ sau ít phút đã… không cánh mà bay”. “Cúng bái thế mà cũng chẳng thoát được hạn” – anh Quân nhăn nhó sau khi trình báo công an trở về. Còn với chị Hoa – vợ anh Quân câu cửa miệng là: “Đúng là xấu quá, Thái Bạch mất sạch cửa nhà, của đi thay người. Thế vẫn còn là may, cúng sớm, hạn thế còn nhẹ không thì còn mất nhiều nữa”. Thế nhưng, nghe “thủng” câu chuyện của anh Quân mới thấy, mất xe cũng không… oan. Với tài sản lớn, trị giá cả chục triệu đồng, anh Quân để ở ngay ngoài ngõ, không có ai trông lại chẳng khóa càng, thì đạo chính có thể nẫng đi một cách dễ dàng không phải chuyện khó.
Gia đình chị Lê Hồng Yến (Phú Diễn, Từ Liêm) năm nay không có tâm trí để nghỉ Tết. Phần vì chị đang nằm một chỗ do tai nạn giao thông vỡ mâm chày, phần khác cũng bởi gia đình mải lo giải hạn cho chị. Năm nay chị bị sao Kế Đô, chồng bị sao La Hầu chiếu mệnh. Đang mang bệnh lại bị sao xấu nên chị càng lo. Đó là lý do tại sao nhà chị cầu cạnh mới mời được cô L. từ một điện tư nhân ở Trường Chinh. Cô L. chuyên giải sao, nhất là với những người ốm đau bệnh tật. Chỉ có điều, lễ của cô phải chuẩn bị rất đặc biệt. Ngoài đồ lễ bình thường, với người bị tai nạn giao thông như chị Yến, cô yêu cầu thêm 10 hình nhân thế mạng, thu thập đủ quần áo, vật dụng liên quan và phải là của những người đã mất do tai nạn giao thông để cài vào các hình nhân. Thay vì đi sắm Tết, cả nhà chị Hương chia nhau đến các bệnh viện, chầu chực chờ xin đồ của người mất do tai nạn giao thông. Tiền đặt lễ, theo gợi ý của cô, tất cả được đổi thành tiền mệnh giá 500 đồng bởi sắc hồng sẽ mang lại may mắn. Mùng 2 Tết, gần 21h cô mới bắt đầu lễ vì lúc đó, trời đẹp, không âm u thì “mới dễ đổi sao chiếu mệnh”. Sau hơn 3h tiến hành, khi sắp chuyển sang ngày mới, lễ cúng giải hạn mới kết thúc. Cả nhà xoay trần hóa hết đồ lễ đến gần 2h. “Mọi người đều mệt nhưng yên tâm”.
Vận hạn hay phúc lộc không do sao
Nhắc đến chuyện cúng sao giải hạn đầu năm, GS.TSKH Hoàng Tuấn – Chủ tịch
Hội
Vă
n hóa Á đông cho biết, người Việt thường coi trọng đời sống tâm linh nên đi lễ chùa và cầu an đầu năm đã trở thành phong tục đẹp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đang có những cách hiểu không đúng giữa khái niệm cầu an và cúng sao giải hạn. “Con người không có sao và không bị chi phối bởi sao. Việc xem vận hạn chỉ có lý thuyết âm dương ngũ hành – là lý thuyết định vị con người theo hệ tọa độ không gian ngũ hành về hệ cửu tinh là có cơ sở toán học có thể tin cậy được”. Còn 28 sao trong lịch Á đông cổ, theo GS Tuấn chỉ là cái mốc để con người ta tính ngày giờ cho tiện chứ không phải là xem tốt xấu.
Đề cập đến chuyện các chùa hiện nay tổ chức cúng sao giải hạn cho các phật tử, Hòa thượng Thích Thanh Huân và nhiều cao tăng cho rằng, đó thực chất là lễ cầu an nhằm hướng niềm tin của phật tử, nhắc nhở phật tử và trợ giúp tinh thần cho phật tử trong cuộc sống hiện tại, ngăn ngừa con người làm điều xấu. Khi có niềm tin, hiệu quả nhất định sẽ giúp mỗi người tránh làm việc xấu, tránh được nghiệp và hậu quả xấu. Khi ta không làm điều xấu, chỉ làm điều thiện, mọi tai ương sẽ tránh được, điều tốt đẹp sẽ đến.
Trao đổi thêm với Hòa thượng Thích Thanh Huân – trụ trì chùa Pháp Vân, Hòa thượng cũng khẳng định: Theo kinh sách của nhà Phật, không có ngôi sao nào chiếu mệnh con người mà nhờ đó được phúc lợi hay mang tai họa. Không có một nghi lễ nào gọi là cúng sao giải hạn cho phật tử cả. Tuy vậy, văn hóa Phật giáo du nhập nền văn hóa phương Đông, chịu nhiều ảnh hưởng truyền thống tín ngưỡng dân gian đa thần giáo, trong đó có cả nghi lễ cúng sao bắt nguồn từ Trung Quốc, được nhân dân tin theo. Trong Phật giáo có lễ cầu an, cầu phúc cho dân đầu năm nên các vị tu sĩ Phật giáo đã kết hợp, gọi là tùy duyên hóa độ, tùy theo niềm tin của đa số quần chúng mà tổ chức các buổi lễ theo đúng nghi thức thuần túy Phật giáo, để hóa độ chúng sinh, từ từ chuyển tâm họ quay về bờ Giác.
Đề cập đến chuyện vận hạn, phúc lộc của mỗi người trong từng năm, Hòa thượng cho rằng, có may, có rủi, có vận tốt và vận xấu là điều hết sức bình thường. Tất cả họa và phước mà con người có được đều là do nhân quả của chính người ấy tạo nên. Nếu như cúng sao, giải hết vận hạn thì sẽ không ai còn có hạn cả, thì còn đâu chuyện tai nạn giao thông… Các sao là do chính con người đặt tên và vẽ cho mỗi ngôi sao mang một đặc tính, chứ đức Phật không hề nói về chúng. Phật chỉ dạy chúng ta về nhân quả, nghĩa là các hành động qua tâm, khẩu và ý của con người tạo ra. Con người tạo nhân tốt lành thì quả tốt lành nhất định đến. “Đối với sự cúng sao giải hạn, nếu chỉ mua sắm lễ vật, hình nhân thế mạng, vàng mã… lên chùa để xin thầy cúng sao La Hầu, Kế Đô hay Thái Bạch gì đó để giải hạn xấu giùm thì nghịch lại lý Nhân quả. Thực tế các vị thầy không thể cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân… tha tội, giải hạn sao xấu cho những người làm điều ác được. Việc cúng lễ nói chung và đầu năm nói riêng, lễ vật do tâm thành, hương hoa quả rồi thành tâm niệm Phật, cầu nguyện, hướng tâm nguyện của mình lên để Phật chứng giám. Vận hạn không tự có mà do chính bản thân mình. Vì vậy, để tránh vận hạn, tai nạn… cho cả năm thì nên làm điều phúc. Làm nhiều điều phúc, mới cầu được bình an. Để tránh vận hạn, mỗi người và gia đình… nên làm nhiều điều tốt, cư xử tốt trong gia đình cũng như ngoài xã hội…”.
Hạnh Lê