Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo về sản phẩm Trường Xuân Vương

Mới đây Cục An toàn Thực phẩm đã đưa thông tin cảnh báo về việc các website https://www.truongxuanvuong.vn/, https://truongxuanvuong.com.vn/ và https://www.truongxuanvuong.net/ quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường Xuân Vương với công dụng không đúng sự thật, đây là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng đang được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng. Sản phẩm này được Công ty cổ phần dược phẩm Phát Đạt (Địa chỉ:Tầng 4, tòa nhà Viet Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Cục An toàn Thực phẩm cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.

cuc an toan thuc pham canh bao ve san pham truong xuan vuong Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường Xuân Vương được quảng cáo trên một số trang web có công dụng như thuốc

“Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường Xuân Vương trên trang website/internet nêu trên” – Nội dung khuyến cáo

Theo tìm hiểu của báo Tuổi trẻ Thủ đô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Trường Xuân Vương cũng được quảng cáo trên nhiều trang website bán hàng với nội dung thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh. Trên trang https://truongxuanvuong.com/, trong danh mục “Sản phẩm” có quảng cáo TPBVSK Trường Xuân Vương “Bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực”, những video đăng tải trên website này cũng khiến không ít người tưởng nhầm sản phẩm này là thuốc chữa bệnh sinh lý nam, thông qua các video giới thiệu về tác động của thành phần trong sản phẩm Trường Xuân Vương…hoàn toàn có thể khiến người tiêu dùng lầm tưởng sản phẩm là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật ATTP quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành Dược cũng khẳng định, TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tật, chứ không thể thay thế được thuốc điều trị bệnh.

cuc an toan thuc pham canh bao ve san pham truong xuan vuong Những video chia sẻ về bài thuốc Trường Xuân Vương

Với cách quảng cáo TPBVSK Trường Xuân Vương vượt quá khả năng hỗ trợ điều trị bệnh của thực phẩm chức năng khiến người bệnh hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, thì những trang web này đã có dấu hiệu vi phạm khoản 3, Điều 3 của Thông tư 08/2013/TT – BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.

Thông tư này quy định rõ các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm đó là “Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc chữa bệnh”. Theo Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo cũng nêu rõ: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

cuc an toan thuc pham canh bao ve san pham truong xuan vuong Trường Xuân Vương quảng cáo công khai như thuốc trị sinh lý, lừa dối khách hàng

Thực tế, việc quảng cáo thực phẩm chức năng/ thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ dương tràn lan, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường đối với sức khỏe người sử dụng. Vì vậy người tiêu dùng nên tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định “xuống tiền” mua sản phẩm, tránh nguy cơ “ngậm đắng nuốt cay” mua phải sản phẩm quảng cáo láo, thổi phồng công dụng. Tốt nhất người có bệnh nên đi khám chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân bệnh và có phác đồ điều trị thích hợp.

Điều 23, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm quy định quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm nêu rõ:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;

b) Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.”.

(Còn nữa)