Củ sâm đất rất ngon, rất bổ, rất rẻ nhưng nhiều người lại không được phép ăn

Đặc sản rẻ tiền nổi tiếng

Khoai sâm là đặc sản nổi tiếng từ lâu ở Lào Cai (còn gọi là sâm đất, địa tàng thiên, hoàng shin cô, sâm Fanxipan, sâm đất, Địa Tạng Thiên, Thượng Đẳng Sâm…). Mùa khoai sâm năm nay do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc vận chuyển mặt hàng này không thuận tiện như những năm trước.

Đặc sản khoai sâm bề ngoài giống củ khoai lang, nhưng ruột trắng trong hoặc màu ngà, thơm như nhân sâm, bổ dưỡng và rẻ tiền. Theo tham vấn trên truyền thông của TS-BS Nguyễn Thị Sơn chuyên ngành Y học cổ truyền (Y dược TP Hồ Chí Minh), hàm lượng dinh dưỡng của củ sâm đất các chỉ số dinh dưỡng trong 1kg củ sâm đất được phân tích như sau: Carbohydrate: 106g, Fructan: 62g, Đường 26g, chất đạm 3.7g, Chất xơ: 3.6g, chất béo: 0.244g… vitamin A và C, sắt và pectin rất tốt cho sức khỏe.

Đặc sản ngon bổ, rẻ mà nhiều người không được phép ăn - Ảnh 1.

Sâm đất là đặc sản nổi tiếng từ lâu ở Lào Cai. Ảnh minh họa.

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan (Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM) từng chia sẻ trên truyền thông rằng, củ khoai sâm có nhiều chất fructooligosaccharide (gọi tắt là FOS) giúp cơ thể không hấp thụ đường đơn, giảm hàm lượng glucose trong gan, tăng khả năng hoạt động của insulin trong cơ thể, hỗ trợ điều trị cho những người bị tiểu đường.

Nhiều nghiên cứu cho thấy khoai sâm hỗ trợ ổn định huyết áp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch, ức chế sự tăng sinh tế bào, giảm tổn thương, miễn dịch trong ung thư đại trực tràng, tăng nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa (giảm các chứng bệnh đầy hơi, táo bón, viêm loét dạ dày…), hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giúp xương chắc khỏe. giảm cholesterol xấu trong cơ thể.

Theo Đông y, sâm đất vị ngọt, tính bình, vị hơi đắng, cay có tác dụng bổ trung ích khí, nhuận phế sinh tân… là vị thuốc quý phòng chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Công dụng: thanh nhiệt (hạ sốt), lợi niệu, giải độc, nhuận tràng, long đờm, giảm đau, sưng trong viêm khớp… toàn cây có thể chữa bệnh tiểu đường… Đông y coi khoai sâm là vị rau thuốc, bồi bổ khi suy nhược, ra nhiều mồ hôi, kinh nguyệt không đều, thiếu sữa… Rễ, lá thân, củ đều làm thuốc chữa bệnh, thu hái quanh năm, dùng tươi hay khô đều được.

– Lá sâm đất có vị hơi đắng, cay; tính lạnh, có ít độc nên khi dùng với liều lượng cao có thể gây nôn mửa, vã mồ hôi.

– Rễ sâm đất có vị ngọt, cay, tính mát, dùng chữa đau răng, đau bụng, cảm mạo, bệnh gan, cao huyết áp, tiểu đường, nhiễm trùng đường tiểu. Người Nam bộ hay dùng sâm đất nấu nước uống làm thuốc bổ. Hoặc kết hợp nó với một số vị khác như đại táo, rễ cây kim anh, lá vông, vừng đen, rễ đinh lăng, lá thiên lý… để phòng ngừa các chứng bệnh.

– Củ khoai sâm được ưa chuộng vì giá rẻ, chế biến nhiều món ăn lạ miệng, hương vị thơm ngon.

Vì nhiều tác dụng, ngon, bổ rẻ như sâm nên rất nhiều người săn lùng như một vị thuốc để bổ dưỡng và phòng chữa bệnh thường gặp.

Đặc sản ngon bổ, rẻ mà nhiều người không được phép ăn - Ảnh 2.

Mặt nạ làm từ đặc sản khoai sâm làm da căng mịn, sáng bóng. Ảnh minh họa.

Khoai sâm giúp làm đẹp

Khoai sâm giàu dinh dưỡng cacbohydrat, chất đạm, chất béo, vitamin A và C, sắt và pectin mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể con người, lợi ích của nó còn rất tốt cho sức khỏe, làm đẹp của phụ nữ

Mặt nạ khoai sâm là công dụng làm đẹp được nhiều chị em thích, vì giúp tái tạo, làm da căng mịn, sáng bóng. Củ khoai sâm mọng nước nên bổ sung nước rất tốt cho cơ thể, thanh nhiệt và giải độc, phục hồi làn da mịn màng, bớt khô rạn…

Công dụng tuyệt vời mà chị em khoái nhất là giúp  duy trì vóc dáng đẹp, kiểm soát cân nặng và các cholesterol xấu gây béo phì (nhờ có nhiều chất xơ, tạo cảm giác no, hạn chế sự thèm ăn). Chất FOS còn giúp cơ thể đẩy nhanh quá trình bài tiết nên có thể giúp hỗ trợ giảm cân cực kỳ hiệu quả.

Nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy sâm đất tạo cảm giác no lâu, giảm lượng thức ăn tiêu thụ trong cơ thể, chứa ít calo và không có tinh bột nên không gây béo dẫn tới thừa cân. Nếu biết dùng khoai sâm đúng cách, đúng liều lượng, kết hợp ăn uống hợp lý, luyện tập thể dục thể thao đều đặn sẽ ngăn chặn tích tụ chất béo có hại trong cơ thể. Chỉ riêng việc giúp phái đẹp ngăn ngừa mỡ thừa, cân nặng (vì tiềm tàng nhiều bệnh nguy hiểm liên quan đến tim mạch, huyết áp…) đã làm chị em mê tít.

Với đàn ông, sâm đất giúp hỗ trợ giảm cân, hỗ trợ tăng cường sinh lý, điều trị bệnh vô sinh và chứng suy sinh dục phát triển muộn ở nam giới.

Đặc sản ngon bổ, rẻ mà nhiều người không được phép ăn - Ảnh 3.

Đặc sản rẻ như khoai lang, nhưng nhiều lợi ích cho sức khỏe, làm đẹp. Ảnh minh họa.

Ai không nên ăn củ khoai sâm đất?

Người Lào Cai hay dùng lá sâm đất để nấu canh, luộc ăn thay rau vì có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Hoặc ngâm rượu uống, chế biến thành nhiều món ngon đa dạng như canh xương khoai sâm, khoai sâm trộn nộm, khoai sâm xào thịt bò… Hoặc đơn giản là ép lấy nước uống.

Theo Ths. BS Trương Thị Ngọc Lan (Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM), củ sâm đất chỉ là thực phẩm hỗ trợ, không có công dụng chính trong điều trị các bệnh. Nhưng những đối tượng sau tránh dùng:

– Người thường xuyên bị đầy bụng, căng tức bụng hoặc tiêu chảy, đau bụng, sôi bụng… ăn sâm đất nhuận tràng sẽ làm tình trạng tệ hơn.

– Phụ nữ có thai không nên ăn vì tuy giàu dinh dưỡng nhưng khoai sâm sẽ gây kích ứng khi vào cơ thể người mẹ.

– Người mắc gout,  đang điều trị bệnh, bị rối loạn chức năng… không nên ăn vì trong khoai sâm có chất gây rối loạn chức năng, làm giảm đi dược tính của thuốc khiến bệnh trở nặng và khó lành hơn.

– Người bồi bổ quá nhiều sâm đất thời gian dài cơ thể có thể bị ngộ độc, gây đổ mồ hôi nhiều và dễ buồn nôn – có những triệu chứng này cần dừng ngay.

Nếu dùng khoai sâm quá liều, sai cách cũng bị nôn mửa, vã mồ hôi. Do đó trước khi muốn dùng khoai sâm bổ dưỡng nên có chỉ định của bác sĩ để dùng đúng cách, bởi tuy là rau thuốc nhưng để có hiệu quả tốt nhất hỗ trợ sức khoẻ thì cần đúng liều lượng. 

Bình thường cũng không nên ăn quá nhiều sâm đất vì có thể ảnh hưởng sức khỏe, nhẹ thì khó chịu, buồn nôn, nặng thì gây sốt, nhức đầu, ngộ độc và nếu không kiểm soát được có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng.

Cách chọn củ khoai sâm ngon

– Chọn khoai sâm đúng vụ, từ nay tới hết tháng 12. Nên chọn củ có kích thước vừa phải, không chọn củ quá to vì bị giảm độ ngọt giòn, củ nhỏ dài thì có nhiều xơ.

– Không mua củ khoai sâm bị rỗ, màu đen xỉn, ấn thấy mềm – vì có thể đã thối hỏng.

– Khoai sâm bảo quản tốt có thể để được 6 tháng, càng để lâu sẽ se khô vỏ, xuống nước, ăn ruột lại đậm đà hơn. Nhưng để lâu quá cũng bị mất chất dinh dưỡng.

– Để thưởng thức trọn vẹn vị ngon đặc biệt của khoai sâm nên ăn tươi sống sẽ gọt mát, nhiều nước, ngon giòn hơn củ đậu. Có thể xào, nấu canh xương, ăn sống, nộm, gỏi.