Củ Ấu – Một đặc sản của vùng quê Hạ Hòa

Củ Ấu – Một đặc sản của vùng quê Hạ Hòa

Hạ Hòa từ lâu được biết đến là nơi sơn thủy hữu tình, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng gắn với nhiều huyền tích. Không chỉ có vậy, Hạ Hòa còn là miền quê làm nức lòng du khách với nhiều đặc sản đậm đà, khó quê. Củ ấu nơi đây từ bao đời nay là một trong những đặc sản như thế.

Chẳng biết củ ấu có mặt ở vùng quê Hạ Hòa tự bao giờ, chúng tôi từng được nghe bà đọc câu ca dao ngày nào và trong trang sách văn học cũng có: “Thân em như củ ấu gai/Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”, nào ngờ củ ấu đen nhọn hai đầu kia lại bén rễ trên đồng đất quê mình từ lâu rồi. Người dân quê Hạ Hòa ai ai cũng bảo, khi lớn lên đã thấy người dân quê mình trồng ấu ở ruộng bùn lầy và các ao chuôm quanh làng.

Tại ven các chân núi trên các thửa ruộng hoặc xen lẫn diện tích ruộng cạn là những thửa ruộng trũng, lầy, không mấy thuận lợi cho việc cấy lúa, người dân Hạ Hòa đã tận dụng để trồng ấu. Bà con nông dân ở các xã vùng ven sông Hồng như Hiền Lương, Quân Khê, Động Lâm, Chuế Lưu, Lâm Lợi đã mang giống ấu từ nơi khác về trồng trên những diện tích ruộng của gia đình mình. Không kén đất trũng, cây ấu sinh trưởng và phát triển khá tốt trên đồng đất Hạ Hòa từ bao đời nay. Cây ấu cùng họ với các loài cây sen, cây súng hay cây láng, thích nghi với ao đầm và những chân ruộng có nước quanh năm. Thân đốt, lá mọc so le nổi trên mặt nước, hình tròn, mép có răng cưa thưa, sức vươn khá tốt. Quả ấu trông giống như một cái đầu trâu thu nhỏ có 2 sừng nhọn, khác với loại ấu 3 sừng ở vùng Thái Bình ăn chát hơn. Ấu Hạ Hòa chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay cái nhưng ăn bùi và thơm, không chán. Khi ăn, rửa sạch đem luộc kỹ và chỉ cần bóp mạnh vỏ tự vỡ là đến lớp ruột trắng, chắc giống như nhân hạt lạc.

 

                 Nông dân xã Chuế Lưu thu hoạch Củ Ấu

 Thời gian cho ấu sinh trưởng và ra củ cũng như thu hoạch không dài. Chỉ sau 3 tháng hoa ở các nách lá bắt đầu nở, đây là loại hoa lưỡng tính nên mỗi hoa sẽ cho ra một quả, sau quả già bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài 3 tháng, bình quân cứ từ 10- 15 ngày được một lứa. Khi củ già, ấu tự rụng và cắm xuống bùn. Vì vậy, vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 là khoảng thời gian mà người dân Hạ Hòa hối hả đi thu hoạch ấu. Nếu chậm, củ ấu ngâm lâu trong bùn nước sẽ đen và lõi bên trong bị hỏng hoặc cứng lại. Khi thu hoạch ấu, do diện tích ruộng lầy nên người nông dân Hạ Hòa thường dùng thuyền nan nhẹ để lướt trên bùn. Ngồi trên thuyền, người ta có thể với tay mò ấu cho vào tải.

Với người nông dân ở Hạ Hòa, ấu là loại cây rất lành và dễ tính, dễ tính hơn cả lúa và khoai. Chỉ cần chọn những khoảnh ruộng lầy không cấy được lúa hay những thước ao đầu ngõ là có thể cấy ấu xuống rồi. Sau gần hai tháng ngâm mình trong bùn đen, ấu giống cựa mình, bén rễ và mọc thành cây trên mặt nước. Ấu không mọc quá sâu vào lòng bùn mà chỉ nổi bồng bềnh trên mặt ruộng mỗi khi nước đầy. Lá ấu mọc thành từng chùm mỏng mảnh và nhỏ hơn lá gan trâu. Khi ấu trưởng thành, hoa của nó mọc ra từ cuống, nhỏ tí xíu, trắng tinh một màu. Khi ấy, cả cánh đồng quê tôi, lác đác nhưng ruộng ấu màu xanh thẫm điểm lẫn sắc trắng của cánh hoa.

Thú nhất là được xem thời kỳ ấu ra củ. Thường thì mỗi gốc ấu ra được 5 đến 7 củ, củ ấu nhỏ trông rất xinh xắn, màu hồng hồng, lúc nhúc như những chú lợn con bám vào gốc. Dần dần, củ ấu ăn dinh dưỡng của đất bùn, củ căng ra, vỏ đen dần và hình hài cũng rõ. Có năm, mưa lũ tràn về, nước lũ cuốn hết cả cánh đồng ấu quê tôi. Người dân Hạ Hòa lại cặm cụi đi vớt ấu về và trồng lại trên thửa ruộng cũ. Ngày thu hoạch ấu ở Hạ Hòa cũng là lúc mùa thu về. Cái mát mẻ của tiết trời mùa thu như gọi mùa ấu nơi đây. Người nông dân ở Hạ Hòa tấp nập đi mò ấu. Khi ấy, củ ấu đã già và rụng xuống ngay gốc nên người dân phải ngồi trên thuyền nan, lướt nhẹ trên mặt bùn để mò ấu, cho vào rổ, vào tải. Củ ấu già, đen và có hai sừng hai bên cong lên. Cũng có giống ấu nếp không đen mấy và khum khum hình quả trám chứ không vênh lên hai sừng hai bên.

Mùa ấu về, miền quê Hạ Hòa có thêm một dư vị ẩm thực từ bao đời nay. Đó là củ ấu luộc. Củ ấu được mò về, mang rửa sạch rồi cho vào nồi luộc chừng nửa tiếng là có thể ăn được. Vỏ ngoài của ấu đen vậy mà khi bóc ra, lõi bên trong ấu trắng ngần. Đưa ấu lên miệng thấy vừa thơm, vừa ngọt, vừa bùi. Chợ quê Hạ Hòa mùa ấu đông vui hẳn. Người ta xúm xít bên những thúng ấu còn tươi nguyên, người dân tấm tắc khen năm nay ấu được mùa và ăn bở, ngọt hơn mọi năm. Bên thúng ấu đã luộc sẵn, những cô thôn nữ cánh tay trắng hồng, khuôn mặt đầy đặn ngồi đong những bát ấu gói vào lá dong bán cho khách. Người dân mua ấu luộc về cho con trẻ như một thức quà quê đơn sơ mà ngọt lành, người ta còn mua ấu để gửi quà cho nơi xa như một đặc sản chỉ nơi quê nhà mới có.

Ngày nay, củ ấu vùng quê Hạ Hòa vẫn mùa mùa bén rễ nơi đồng đất. Mỗi khi mùa về, cái hanh hao sắc thu vàng lại hòa trộn với cái ngọt bùi của mùa ấu làm nên dư vị quê hương. Trên ven quốc lộ, người dân Hạ Hòa bày bán những thúng ấu lớn cho khách qua đường như để nói một câu mời chào mến khách về đặc sản quê mình.

 Nguyễn Thế Lượng