Covid-19: Những diễn biến mới
BPO – Mạng xã hội được các thế lực thù địch triệt để sử dụng là phương tiện hữu hiệu truyền bá thông tin, quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta… Trong đó, đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, các thế lực thù địch đòi “phi chính trị hóa” quân đội, tước bỏ vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, đồng nghĩa với việc xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội. Do vậy, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân về nhiệm vụ bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng trong quân đội hiện nay được xác định là một nội dung quan trọng trong điều kiện mới; không kém phần gay go, quyết liệt trong Chiến lược an ninh mạng quốc gia của Đảng và Nhà nước ta.
Thực trạng và trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng
Bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng trong quân đội hiện nay
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã có sự đổi mới về hình thức, phương pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân về nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng trong quân đội. Người dùng mạng xã hội trong quân đội đã thể hiện rõ quan điểm, thái độ đấu tranh kiên quyết, kiên trì phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc của các thế lực thù địch. Các cơ quan báo chí quân đội đã bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn, duy trì và phát huy có hiệu quả các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “nhận diện sự thật”… Các đơn vị kỹ thuật đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nghiệp vụ tích cực, chủ động nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại ứng dụng trong trinh sát, phát hiện, nhận dạng, xử lý các hoạt động chống phá thế lực thù địch…
Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chấp hành chưa nghiêm việc cung cấp, trao đổi thông tin có nội dung thuộc lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, quốc phòng qua internet; tạo lập và cung cấp thông tin cá nhân với tư cách quân nhân lên các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội; truy cập vào các trang thông tin điện tử mạo danh, phản động, có nội dung không lành mạnh… Nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận quân nhân về nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh mạng trong quân đội chưa đầy đủ, còn tùy tiện hoặc sơ hở trong lưu trữ, soạn thảo các tài liệu quân sự trên máy tính kết nối internet khi chưa có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh mạng chưa được xác định và bảo vệ bằng các biện pháp tương xứng; bảo đảm an toàn trên các phương tiện thông tin ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, liên tục. Tính tích cực, chủ động nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng trong quân đội chưa kịp thời, chưa rộng rãi, tính chiến đấu chưa cao; chưa dự báo hết những vấn đề mới nảy sinh, kể cả sự xuất hiện những quan điểm mới sai trái, thù địch; thiếu những hình thức, biện pháp cụ thể, có sức thuyết phục để đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái trên mạng xã hội.
Biện pháp bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng trong quân đội
Trước hết, cần xác định rõ yêu cầu đặt ra đối với quân đội hiện nay là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân về nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh mạng trong quân đội; phải quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng về Chiến lược an ninh mạng quốc gia trong tình hình mới.
Đồng thời phải thấy được sự thống nhất, đồng bộ với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chính.
Từ đó, các cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân về nhiệm vụ bảo vệ an toàn, an ninh mạng trong quân đội. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân; phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong đơn vị và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của quân nhân trong tự giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý đối với việc sử dụng mạng xã hội của quân nhân; bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện, quy chế, chính sách cho cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia bảo vệ an toàn, an ninh mạng trong quân đội.
Trong đó, công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cần tập trung vào những nội dung như: Đổi mới nội dung theo hướng ngăn chặn, đẩy lùi sự tác động tiêu cực của các luồng thông tin trái chiều, không để nảy sinh tư tưởng xấu, hành động trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, trái với chuẩn mực quân nhân. Phải coi trọng ngăn ngừa và loại bỏ những tác động tiêu cực đến an ninh mạng như lộ, lọt thông tin, bí mật nhà nước, bí mật quân sự… Đồng thời, ngăn ngừa, không để quân nhân lãng phí thời gian mà phải biết phân bổ thời gian hợp lý sử dụng mạng xã hội có hiệu quả, biết tận dụng thời gian sử dụng mạng xã hội để khai thác những thông tin bổ ích, có những chia sẻ tích cực sẽ tạo ra động lực thúc đẩy quân nhân hăng say, phát huy tốt trách nhiệm trong công việc.
Tóm lại, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội trong quân đội ta đang và sẽ diễn ra hết sức nóng bỏng, gay gắt, phức tạp và ngày càng quyết liệt, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần chủ động nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội cho mọi quân nhân; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp; thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa hình thức và phương pháp đấu tranh, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của các tổ chức, lực lượng ở các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, từng bước hiện đại hóa điều kiện, phương tiện để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho quân nhân về nhiệm vụ bảo vệ an toàn thông tin, an ninh mạng trong quân đội hiện nay.