Công ty quản lý quỹ là gì? Công ty quản lý quỹ làm gì?

Hà Ly
0
Chứng khoán

Công ty quản lý quỹ là gì? Nhiệm vụ của công ty của quản lý quỹ là như thế nào? Đây chắc hẳn là những thắc mắc được nhiều người quan tâm nhưng vẫn có hiểu biết mơ hồ. Vậy hãy cùng tham khảo bài viết sau để có câu trả lời cụ thể nhất!

Công ty quản lý quỹ là gì?

Khoản 3 Điều 2 TT 99/2020/TT-BTC đã nêu ra khái niệm công ty quản lý quỹ là gì:

“Công ty quản lý quỹ là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, thực hiện nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán.”

Mô hình công ty quản lý quỹ theo hình thức công ty cổ phần (CTCP) hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH). Doanh nghiệp được thành lập với mục đích chính là quản lý quỹ đầu tư chứng khoán và một số hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật và những văn bản có liên quan.

  • Công ty TNHH quản lý quỹ sẽ được thành lập dưới hình thức công ty TNHH một hoặc nhiều thành viên. Mô hình này không được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
  • Với mô hình CTCP, doanh nghiệp sẽ được phát hành cổ phiếu để huy động vốn.

Công ty quản lý quỹ

Công ty quản lý quỹ

Đặc điểm của các công ty quản lý quỹ

  • Công ty quản lý quỹ được cho phép thành lập và hoạt động bởi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, luôn đảm bảo tốt chức năng nhiệm vụ của mình và hạn chế gây tổn hại cho các nhà đầu tư chỉ vì không đủ năng lực kinh doanh.
  • Hoạt động chính của công ty quản lý quỹ là quản lý quỹ đầu tư chứng khoán dưới sự uỷ thác của các nhà đầu tư vào quỹ do mình quản lý. Những công việc cụ thể bao gồm: Nắm giữ tài sản quỹ, trực tiếp mang tiền đi đầu tư, quản lý danh mục đầu tư của quỹ… Ngoài ra, công ty cũng thực hiện quản lý danh mục đầu tư theo sự uỷ thác của nhà đầu tư ngoài quỹ.
  • Công ty quản lý quỹ được phép mở/đóng chi nhánh, nhưng phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận theo trình tự và thủ tục pháp luật quy định, đáp ứng các điều kiện về cơ chất và chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, kể cả những thay đổi khác về cơ cấu tổ chức bộ máy cũng phải được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận mới được thực hiện.
  • Ngoài ra, công ty quản lý quỹ cũng phải đảm bảo sự tách biệt về nhân sự, tổ chức và các hoạt động giữa nghiệp vụ quản lý quỹ, nghiệp vụ tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư.
  • Công ty quản lý quỹ phải ban hành quy định về kiểm soát nội bộ, đề ra tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp của nhân viên, có tối thiểu một người chuyên trách công tác kiểm soát nội bộ với quyền hạn và trách nhiệm cụ thể theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp thành viên hội đồng quản trị, quản lý, nhân viên của công ty quản lý quỹ có các giao dịch chứng khoán thì đều phải báo cáo cũng như quản lý tập trung tại công ty quản lý quỹ, đồng thời được giám sát bởi bộ phận giám sát nội bộ.

Quy định thành lập công ty quản lý quỹ

Để thành lập công ty quản lý quỹ, việc đầu tiên cần làm chính là chuẩn bị hồ sơ, gồm có các loại giấy tờ:

  • Giấy đề nghị cấp phép thành lập và hoạt động
  • Biên bản họp, nghị quyết cổ đông, thành viên góp vốn, hoặc quyết định của chủ sở hữu về việc thành lập công ty quản lý quỹ
  • Điều lệ công ty
  • Hợp đồng nguyên tắc thuê trụ sở chính/Quyết định giao mặt bằng, trụ sở của chủ sở hữu, cùng với tài liệu xác nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng trụ sở của bên cho thuê/chủ sở hữu
  • Phương án hoạt động kinh doanh trong 3 năm đầu sau khi được cấp phép thành lập và hoạt động, quy trình quản lý quỹ, quy trình phân bổ tài sản và quản lý danh mục đầu tư, quy trình quản trị rủi ro cho từng loại hình quỹ, khách hàng uỷ thác cũng như các hoạt động kinh doanh của công ty
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính
  • Hồ sơ cá nhân của thành viên góp vốn, cổ đông, người đại diện theo uỷ quyền của cổ đông, thành viên góp vốn, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, bộ phận kiểm soát nội bộ, nhân viên nghiệp vụ dự kiến của công ty quản lý quỹ.

Sau đó, tiếp tục tiến hành thực hiện quy trình thành lập công ty quản lý quỹ:

  • Bước 1: Người đại diện công ty/Người được uỷ quyền của người đại diện nộp 1 bộ hồ sơ bản gốc kèm theo bản điện tử (Bản gốc gửi trực tiếp/qua đường bưu điện đến Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước).
  • Bước 2: Trong vòng 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ gửi văn bản chính thức thông báo cho đại diện cổ đông, thành viên góp vốn và chủ sở hữu của công ty quản lý quỹ.
  • Bước 3: Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tiến hành kiểm tra cơ sở vật chất tại trụ sở công ty trước khi chấp nhận cấp phép thành lập và hoạt động.
  • Bước 4: Sau 3 tháng kể từ ngày Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước gửi thông báo mà thành viên góp vốn, cổ đông, chủ sở hữu không hoàn thiện cơ sở vật chất theo đúng yêu cầu, phong tỏa vốn hay không bổ sung đủ nhận sự theo quy định thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có quyền từ chối cấp phép.
  • Bước 5: Trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được giấy xác nhận phong tỏa vốn, biên bản kiểm tra vật chất và các tài liệu hợp lệ khác.
  • Bước 6: Trong vòng 7 ngày kể từ ngày giấy phép thành lập và hoạt động có hiệu lực, công ty quản lý quỹ phải công bố giấy phép này trên phương tiện thông tin của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và một tờ báo điện tử/báo viết trong vòng 3 số liên tiếp.

Công ty quản lý quỹ làm gì?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, công ty quản lý quỹ đang làm 3 nghiệp vụ, cụ thể:

  • Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán
  • Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán
  • Tư vấn đầu tư chứng khoán

Công ty quản lý quỹ có 3 nghiệp vụ chính

Công ty quản lý quỹ có 3 nghiệp vụ chính

Dựa vào Chương III: Hoạt động nghiệp vụ của công ty quản lý quỹ trong Thông tư 99/2020/TT-BTC, chúng ta sẽ nắm được chi tiết nghiệp vụ của công ty quản lý quỹ:

Nghiệp vụ quản lý quỹ đầu tư chứng khoán

“Điều 14. Lập quỹ, quản lý quỹ theo pháp luật Việt Nam

  1. Công ty quản lý quỹ được huy động vốn trong và ngoài nước để thành lập, quản lý các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán.
  2. Điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ chào bán, thành lập và hoạt động của các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán thực hiện theo theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Điều 15. Lập quỹ, giải thể quỹ theo pháp luật nước ngoài

  1. Công ty quản lý quỹ được huy động vốn ở nước ngoài để đăng ký lập quỹ theo pháp luật nước ngoài.
  2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoàn tất việc đăng ký thành lập quỹ, giải thể quỹ với cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước ngoài, công ty quản lý quỹ thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và gửi kèm theo các tài liệu sau:
  3. a) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ, Giấy đăng ký lập quỹ theo pháp luật nước ngoài hoặc các tài liệu tương đương; hoặc các tài liệu xác nhận việc giải thể quỹ do cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
  4. b) Bản sao hợp lệ hồ sơ đăng ký thành lập quỹ, giải thể quỹ được nộp theo yêu cầu của cơ quan quản lý có thẩm quyền nước ngoài bao gồm cả biên bản họp, nghị quyết Đại hội nhà đầu tư hoặc ban đại diện quỹ hoặc tổ chức tương đương của quỹ về việc thanh lý, giải thể quỹ.
  5. Quỹ do công ty quản lý quỹ thành lập ở nước ngoài khi tham gia đầu tư tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.”

Nghiệp vụ quản lý danh mục đầu tư

  • Thực hiện quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác trên tài khoản đứng tên công ty quản lý quỹ hoặc trên tài khoản của khách hàng ủy thác theo hợp đồng ủy thác đầu tư ký với khách hàng ủy thác và quy định của pháp luật. Trường hợp khách hàng ủy thác là tổ chức, hợp đồng ủy thác đầu tư phải được ký bởi đại diện theo pháp luật của khách hàng ủy thác hoặc đại diện theo ủy quyền kèm theo văn bản ủy quyền được lập theo quy định của pháp luật.
  • Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm tổng hợp thông tin nhận biết khách hàng, bao gồm thông tin về người được hưởng lợi (nếu có); khả năng tài chính, kinh nghiệm đầu tư, thời hạn đầu tư, mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro có thể chấp nhận, các hạn chế đầu tư, danh mục đầu tư mẫu và các yêu cầu khác (nếu có) của khách hàng; các thông tin cần thiết có liên quan tới hạn chế đầu tư quy định tại khoản 4 Điều 16 Thông tư này.
  • Công ty quản lý quỹ có trách nhiệm xây dựng nguyên tắc và chính sách đầu tư phù hợp với nhu cầu khách hàng ủy thác trên cơ sở thông tin tổng hợp theo quy định tại khoản 1 Điều này. Chính sách đầu tư phải rõ ràng, chi tiết, thể hiện đầy đủ thông tin cơ bản về mức độ rủi ro, loại hình rủi ro, cơ cấu danh mục đầu tư mẫu, chi phí quản lý, quyền và trách nhiệm của các bên và các thông tin quan trọng khác có liên quan. Chính sách đầu tư là một phần không tách rời của hợp đồng ủy thác đầu tư.
  • Công ty quản lý quỹ được mở tài khoản lưu ký đứng tên công ty quản lý quỹ tại nhiều ngân hàng lưu ký để lưu ký tài sản ủy thác theo đúng nguyên tắc.
  • Công ty quản lý quỹ được nhận tài sản không phải bằng tiền để quản lý.
  • Công ty quản lý quỹ thực hiện quản lý danh mục đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Nghiệp vụ tư vấn chứng khoán

  • Tư vấn cho khách hàng về chính sách đầu tư và chiến thuật giao dịch, bao gồm cơ cấu phân bố vốn đầu tư; loại tài sản đầu tư và phương thức xác định giá trị tài sản; hình thức đầu tư, giao dịch; thời điểm thực hiện, số lượng, mức giá phù hợp với mục tiêu, chính sách đầu tư, mức chấp nhận rủi ro của khách hàng.
  • Phát hành ra công chúng các ấn phẩm về đầu tư chứng khoán sau khi đã được cấp phép theo quy định của pháp luật về báo chí; xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình phổ cập kiến thức, quảng bá về đầu tư chứng khoán, các chương trình đào tạo chuyên sâu về đầu tư chứng khoán.
  • Khi thực hiện tư vấn đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải bố trí nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán để trực tiếp tư vấn cho mỗi khách hàng.

Hy vọng sau bài viết này, bạn đọc đã hiểu rõ hơn về khái niệm công ty quản lý quỹ là gì và nắm rõ những nghiệp vụ mà công ty quản lý quỹ thực hiện.