Công ty cổ phần là gì? Đặc điểm, đặc trưng công ty cổ phần

Công ty cổ phần là công ty trong đó vốn điều lệ được chia thành những phần bằng nhau, nhỏ nhất gọi là cổ phần; Các thành viên của công ty (cổ đông) có thể sở hữu một hoặc nhiều cổ phần và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi giá trị cổ phần mà họ nắm giữ; Công ty có quyền phát hành cổ phần để huy động vốn.

 

1. Quy định chung về công ty cổ phần

Các Công ty cổ phần đầu tiên trên thế giới ra đời vào khoảng thế kỉ XVIII. Nó gắn liền với sự bóc lột của chủ nghĩa đế quốc với các nước thuộc địa. Sang thế kỉ thứ XIX, Công ty cổ phần phát triển mạnh mẽ, nhờ có sự phát triển của công nghiệp cơ khí và sự phát triển rộng rãi của hệ thống tín dụng. Công ty cổ phần ra đời là phát minh của loài người trong nền sản xuất xã hội. Ở các nước phương Tây, Công ty cổ phần là mô hình phổ biến nhất cho các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn.

Hình thức công ty cổ phần ở Việt Nam được quy định trong luật doanh nghiệp năm 2020 và hiện nay đang áp dụng luật doanh nghiệp năm 2020 địa vị pháp lý của loại hình công ty này được hoàn thiện một bước căn bản.

Từ góc độ pháp lý, có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của Công ty cổ phần như sau:

– Công ty cổ phần là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Đây là loại hình công ty có tính tổ chức cao, hoàn thiện về vốn, hoạt động mang tính xã hội hoá cao.

– Công ty cổ phần chịu trách nhiệm đối với mọi khoản nợ của công ty bằng tài sản riêng của công ty. Điều đó thể hiện: công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty, các thành viên công ty, chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn họ đã góp cho công ty.

– Vốn điều lệ của công ty được chia thành các cổ phần. Đây chính là thuộc tính cơ bản nhất của Công ty cổ phần, từ phạm trù cổ phần sẽ phát sinh hàng loạt những vấn đề pháp lý khác.

– Trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần được phát hành các loại chứng khoán ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng. Do đó, sự ra đời của Công ty cổ phầngắn liền với sự ra đời của thị trường chứng khoán.

– Việc chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện dễ dàng thông qua hành vi mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

– Công ty cổ phần có số lượng thành viên rất đông, cổ đông ở hầu khắp thế giới, vì vậy, nó có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất trong công chúng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt là trong công nghiệp.

Đã thành tập quán trong thương mại, Luật Công ty các nước đều quy định số thành viên tối thiểu phải có khi thành lập công ty mà không giới hạn tối đa số thành viên. Đại đa số các nước quy định Công ty cổ phần tối thiểu phải có bảy thành viên. Có nước quy định năm thành viên, có nước quy định tối thiểu phải có ba thành viên. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định Công ty cổ phần tối thiểu phải có ba thành viên trở lên.

Đặc trưng quan trọng nhất của Công ty cổ phần (cũng là tính chất quyết định để phân biệt với công ty TNHH) đó là cổ phần. Khi công ty thành lập kêu gọi mọi người góp vốn, số vốn cần góp được chia thành từng phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần, cổ phần trong công ty đối vốn khác với phần vốn góp trong công ty đối nhân ở chỗ, cổ phần có thể tự do chuyển nhượng, mua bán như một thứ hàng hoá. Người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, cổ đông được cấp một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu, vì vậy cổ phiếu là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu của một cổ đông đối với phần vốn góp trong công ty. cổ đông là người có cổ phần thể hiện bằng cổ phiếu.

 

2. Đặc điểm của công ty cổ phần

Các Công ty cổ phần đầu tiên trên thế giới xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVIII. Sang thế kỉ XIX, Công ty cổ phần mới có điều kiện phát triển nhờ có sự phát triển của nền đại công nghiệp cơ khí và sự phát triển rộng rãi của hệ thống ngân hàng. Pháp luật cộng hoà Pháp đã quy định về Công ty cổ phần vào năm 1867, ở Cộng hoà Liên bang Đức vào nằm 1870?

Ban đầu, Công ty cổ phần ra đời gắn liền với chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Vì vậy, hoạt động của Công ty cổ phần luôn gắn liền với quyền lực nhà nước và mang đặc điểm chủ yếu của luật công. Sau này, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, Nhà nước đã phải lùi bước và nhường bước trước nguyên tắc tự do kinh doanh, hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của Công ty cổ phần. Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn giữ quyền cấp giấy phép thành lập công ty. Đến cuối thế kỉ XIX, Nhà nước chỉ còn đưa ra quy định bắt buộc mà các Công ty cổ phần phải tuân thủ đó là phải đăng ký vào danh bạ thương mại và Luật Công ty cổ phần đã trở thành Luật tư thuần tuý.

Lịch sử Công ty cổ phần đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong mỗi giai đoạn lịch sử. Từ đó đến nay, Công ty cổ phần liên tục phát triển và có nhiều thay đổi. Các công trình lớn, vĩ đại của nhân loại đều do “bàn tay” của các Công ty cổ phần tạo dựng nên.

Ở Việt Nam, sau năm 1986 khi thực hiện công cuộc đổi mới các Công ty cổ phần đã được hình thành từ ba nguồn chính: cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ khu vực kinh tế tư nhân, được thành lập từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Công ty cổ phần là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn. vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty cho đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu. Mỗi cổ phần mang lại cho cổ đông những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định trong công ty với tư cách họ là những người sở hữu công ty.

Công ty cổ phần có những đặc điểm, dựa vào đó để phân biệt với công ty TNHH và công ty hợp danh. Những đặc điểm cơ bản của Công ty cổ phần gồm có:

Thứ nhất, về tính chất khi thành lập, Công ty cổ phần là loại công ty đối vốn. Điều đó có nghĩa là khi thành lập công ty chủ yếu quan tâm đến vốn góp, còn việc ai góp vốn không quan trọng. Vì vậy Công ty cổ phần có cấu trúc vốn mở.

Thứ hai, vốn điều lệ của Công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phàn. Giạ trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hoặc nhiều cổ phần. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần. Pháp luật hoặc Điều lệ công ty có thể giới hạn tối đa số cổ phần mà một cổ đông có thể mua nhằm chống lại việc một cổ đông nào đó có thể nắm quyền kiểm soát công ty do có nhiều vốn góp (ví dụ hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty trong nước). Luật Doanh nghiệp không quy định vốn điều lệ của công ty phải chia thành bao nhiêu phần, mỗi phần có giá trị bao nhiêu. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán của Việt Nam quy định mệnh giá cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng là mười nghìn đồng Việt Nam. Như vậy, Công ty cổ phần nào muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng thì trước đó phải thực hiện việc quy mệnh giá cổ phần về mười nghìn đồng Việt Nam. Điều đó dẫn đến hệ quả là trên thực tế các Công ty cổ phần đều xác định mệnh giá cổ phần là mười nghìn đồng Việt Nam để đảm bảo tính thanh khoản. Từ đặc điểm này, có thể khẳng định việc chia vốn của công ty thành các cổ phần là vấn đề căn bản nhất của hình thức công ty này.

Thứ ba, về thành viên công ty.

Là loại hình công ty đối vốn nên theo truyền thống pháp luật về công ty của các quốc gia trên thế giới, việc quy định số thành viên tối thiểu phải có khi thành lập cũng như trong suốt quá trình hoạt động đã trở thành thông lệ quốc tế trong suốt mấy trăm năm tồn tại của Công ty cổ phần. Pháp luật chỉ quy định số thành viên tối thiểu mà không giới hạn số thành viên tối đa. hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định số thành viên tối thiểu trong Công ty cổ phần là 03, cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân. Cùng với sự phát triển kinh tế, pháp luật về công ty cũng có sự thay đổi (phá vỡ truyền thống), một số nước thừa nhận Công ty cổ phần có một cổ đông, cũng như thừa nhận công ty TNHH một thành viên.

Thứ tư, tính tự do chuyển nhượng phần vốn góp cũng là đặc điểm chỉ có ở Công ty cổ phần (do bản chất đối vốn). Phần vốn góp (cổ phần) được thể hiện bằng hình thức cổ phiếu, cổ phiếu do Công ty cổ phần phát hành là một loại hàng hoá. Người có cổ phiếu được tự do chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng được thực hiện theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.1

Thứ năm, về tính chịu trách nhiệm trong kinh doanh. Công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty. Các cổ đông chỉ chịu TNHH về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Thứ sáu, về huy động vốn, trong quá trình hoạt động Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại, có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty ( điều 112 luật doanh nghiệp năm 2020 hiện đang áp dụng).

Thứ bảy, Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân và vì vậy công ty cũng có tư cách thương nhân (thương nhân bởi hình thức). Các cổ đông hay những người quản trị công ty đều không có tư cách thương nhân. Những người có quyền giao dịch với bên ngoài là những người đại diện cho công ty. Công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ do những đặc điểm như đã trình bày đòi hỏi phải có cơ cấu quản trị chuyên nghiệp tách bạch với sở hữu.

 

3. Ý nghĩa và đặc tính của cổ phần trong Công ty cổ phần

Cổ phần theo quy định của pháp luật có ý nghĩa sau:

– Là phần vốn điều lệ của công ty: Mỗi cổ phần phải thể hiện một giá trị thực tế tính bằng tiền (gọi là mệnh giá cổ phiếu).

– Cổ phần chứng minh tư cách thành viên cổ đông: cổ phần được thể hiện dưới hình thức giấy tờ gọi là cổ phiếu, cổ phiếu là một loại chứng khoán được lưu thông chuyển nhượng tự do trên thị trường.

Cổ phiếu có những đặc tính chung như sau:

– Mỗi cổ phiếu thể hiện giá trị thực tế ban đầu được tính bằng tiền gọi là mệnh giá cổ phiếu.

– Cổ phiếu có thể được lưu thông, chuyển nhượng tự do trên thị trường như là một thứ hàng hoá. cổ phiếu có thể được thừa kế và được dùng làm tài sản tìiế chấp, cầm cố trong các quan hệ tín dụng.

– Cổ phiếu thường không có thời hạn, nó tồn tại cùng với sự tồn tại của công ty.

Dựa vào tính chất quyền sử dụng, cổ phiếu được chia thành cổ phiếu ghi danh (ghi tên một người nhất định) và cổ phiếu không ghi danh (không ghi tên, không ghi rõ người sở hữu, thường là với số tiền nhỏ). Dựa vào hình thức cổ phiếu, người ta chia cổ phiếu thành 2 loại là cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi.

Cổ phiếu thường hay còn gọi là cổ phiếu phổ thông có những đặc tính chung như đã nói ở trên, cổ phiếu ưu đãi cũng là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu đối với phần vốn góp trong công ty, cổ phiếu ưu đãi cũng được chia thành nhiều loại với những ưu đãi khác nhau như cổ phiếu ưu đãi biểu quyết, cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại, cổ phiếu ưu đãi thanh lý, cổ phiếu ưu đãi dồn lãi, cổ phiếu ưu đãi tích luỹ. Tuy nhiên, người sở hữu loại cổ phiếu ưu đãi có thể bị hạn chế một số quyền như không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát.

 

4. Quy trình thành lập công ty cổ phần

Thủ tục thành lập Công ty cổ phần rất phức tạp, thông thường phải trải qua những bước sau:

– Bước 1: Trước hết, các sáng lập viên cùng nhau thoả thuận và xây dựng bản Điều lệ công ty, trong đó phải ghi rõ: Tên, trụ sở, mục tiêu, vốn điều lệ, số lượng và mệnh giá cổ phiếu… Các sáng lập viên phải thoả thuận số lượng cổ phần mà họ đảm nhận.

– Bước 2: Cử hội đồng giám sát. Hội đồng giám sát cử ra ban điều hành để đảm nhận những công việc của công ty trong thời gian thành lập. Công việc quan trọng nhất là tiếp nhận vốn góp của các thành viên và chuẩn bị hồ sơ để đăng ký công ty.

– Bước 3: Đăng ký vào danh bạ thương mại. Toà án tiến hành các thủ tục thẩm tra, saù đó ghi tên vào danh bạ thương mại và công bố công ty đã được thành lập. Từ thời điểm này, công ty có tư cách pháp nhân và cũng chỉ sau khi đã được đăng ký, công ty mới được phát hành các cổ phiếu ra công chúng. Mọi cổ phiếu bán ra trước khi đăng ký công ty đều coi là không có giá trị.

Tuỳ theo luật pháp của mỗi nước, việc thành lập Công ty cổ phần có những quy định khác nhau.

Ở Pháp, Công ty cổ phần ngoài sự điều chỉnh của Luật Công ty còn được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự liên quan đến các công ty và còn chịu sự tác động của luật quy định điều kiện để các công ty phát hành các loại chứng khoán. Theo pháp luật của Pháp, các Công ty cổ phần phải có 7 cổ đông trở lên, vốn pháp định tối thiểu là 250.000 FRF đối với công ty không phát hành chứng khoán và 1.500.000 FRF đối với công ty có phát hành chứng khoán và phải góp ít nhất 25% vốn khi thành lập, mệnh giá cổ phiếu là 100 FRF.

Ở Nhật Bản, Công ty cổ phần được điều chỉnh bởi Luật Thương mại, có tên gọi là công ty Kabushiki (Công ty TNHH theo cổ phần). Để thành lập Công ty cổ phần phải có ít nhất 7 sáng lập viên trở lên và phải có vốn tối thiểu là 10 triệu Yên. Mệnh giá cổ phiếu là 50.000 Yên. Khi thành lập, các thành viên phải góp ít nhất 25% vốn đã đăng ký.

Ở Italya, Công ty cổ phần được điều chỉnh bởi Luật Dân sự, việc thành lập Công ty cổ phần phải có vốn pháp định là 200 triệu Lia, và 3/10 số vốn phải được góp ngay khi thành lập công ty.

về tổ chức quản lý Công ty cổ phần: vấn đề quản lý Công ty cổ phần rất phức tạp và phải hết sức chặt chẽ. Việc quản lý Công ty cổ phần được thực hiện thông qua ba cơ quan: Đại hội đồng cổ đông, Ban điều hành, Ban giám sát. Sự quản lý của công ty được phân chia đồng đều về quyền lực giữa các cơ quan và có sự giám sát lẫn nhau.

Bên cạnh những ưu điểm cơ bản như tính hoàn thiện về vốn, trình độ tổ chức và hoạt động mang tính xã hội hoá cao, khả năng phát triển và mở rộng các quan hệ liên kết tư bàn… Người ta không thể không tính đến những hạn chế của Công ty cổ phần. Trước hết, là chế độ TNHH, sự tham gia đông đảo của công chúng vào đời sống của công ty. Những điều đó có thể gây nguy hiểm cho các chủ nợ, sự phân chia quyền lợi trong các nhóm cổ đông… Do đó, để đảm bảo an toàn cho các cổ đông cũng như của công ty và các đối tác, pháp luật phải có những quy định chặt chẽ đối với vấn đề thành lập, tố chức, vận hành và kiểm soát công ty, nhất là đối với những vấn đề cơ bản sau:

– Đối với với quá trình thành lập: Luật Công ty phải có những quy định đặc biệt về vấn đề này. Quá trình này phải được thẩm định bởi các chuyên gia kiểm toán độc lập có chuyên môn giỏi.

– Đối với quá trình tổ chức vận hành công ty: Pháp luật cũng quy định chặt chẽ về tổ chức, cơ chế vận hành quản trị công ty, chế độ trách nhiệm.

– Chế độ kiểm soát các giao dịch có khả năng phát sinh tư lợi.

– Vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số.

– Các Công ty cổ phần phải thực hiện chế độ nghiêm ngặt về kế toán thống kê và báo cáo tài chính. Bảng cân đối và báo cáo tài chính hàng năm phải được các chuyên gia pháp lý, kinh tế, kiểm toán thẩm định. Pháp luật yêu cầu mọi tài liệu, sổ sách kế toán, tài chính của công ty phải được công khai hoá. Tất cả các cổ đông cũng như công chúng đều có quyền được thông tin về hoạt động của công ty.

– Công ty cổ phần muốn phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng phải có bản giải trình luận chứng trong đó ghi rõ tính chất và hình thức của các cổ phiếu sẽ phát hành.

 

5. Đặc trưng cơ bản của công ty cổ phần tại Việt Nam

Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam thì công ty cổ phần có các đặc trưng sau:

1) Công ty có tư cách pháp nhân, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh chịu trách nhiệm trước các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vỉ giá trị tài sản của công ty;

2) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông và có thể phẩt hành cổ phần ưu đãi các loại như cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại, cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi khác do điều lệ công ty quy định. Cổ phân được chuyển nhượng tự do, trừ cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng. Trong 3 năm đầu, kể từ ngày công ty được đăng kí kinh doanh, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cho người ngoài nếu được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông;

3) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân với số lượng tối thiểu là 3 và không hạn chế số lượng tối đa;

4) Công ty được quyền phát hành chứng khoán các loại để huy động vốn trong công chúng.

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp có tính tổ chức cao, hoàn thiện về vốn, có khả năng huy động nguồn vốn lớn và sự dịch chuyển vốn linh hoạt giữa các nhà đầu tư, thích hợp cho hoạt động kinh doanh trên quy mô lớn.

Luật Minh Khuê (sưu tầm & biên tập)