Công ty Thương mại dịch vụ là gì? Thủ tục thành lập Công ty Thương mại dịch vụ?

Hiện nay, khi xã hội ngày càng phát triển và mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế thì ngành thương mại dịch vụ được đánh giá là một trong những lĩnh vực có tốc độ phát triển mạnh và nhiều tiềm năng khai thác. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về công ty thương mại dịch vụ là gì và thủ tục thành lập công ty thương mại dịch vụ. Trong bài viết này, Luật Minh Khuê sẽ cùng quý bạn đọc đi tìm hiểu rõ vấn đề này:

1. Thương mại dịch vụ là gì?

Thương mại là hoạt động trao đổi của cải, hàng hóa, dịch vụ, kiến thức, tiền tệ…giữa hai hay nhiều đối tác, và có thể nhận lại một giá trị nào đó (bằng tiền thông qua giá cả) hay bằng hàng hóa, dịch vụ khác như trong hình thức thương mại hàng đổi hàng (barter). Trong quá trình này, người bán là người cung cấp của cải, hàng hóa, dịch vụ,…cho người mua, đổi lại người mua sẻ phải trả cho người bán một giá trị tương đương nào đó.

Dịch vụ là những hoạt động lao động của con người, không tồn tại dưới hình thái vật thể, không dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu, nhằm thỏa mãn kịp thời các nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của con người.

Thương mại dịch vụ (Trade in Services) chính là hoạt động thương mại có đối tượng là dịch vụ, diễn ra giữa bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ, đây là quá trình liên hoàn gồm nhiều khâu có liên quan mật thiết đến nhau. Đo đối tượng của thương mại dịch vụ là dịch vụ (sản phầm vô hình) nên việc định nghĩa về thương mại dịch vụ thường không đồng nhất.

 

2. Công ty thương mại dịch vụ là gì?

Là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh nhằm mục đích kinh doanh các hoạt động có liên quan đến sự trao đổi về dịch vụ giữa các cá nhân, tổ chức với nhau vì mục đích thương mại.

 

3. Những đặc điểm cơ bản của thương mại dịch vụ trong công ty thương mại dịch vụ

3.1 Tính chất khó thương mại hóa của hoạt động dịch vụ

Việc cung cấp dịch vụ có thể voi là bị giới hạn trong điều kiện nhất định vì về cơ bản dịch vụ cần có sự tiếp xúc cần thiết của người tiêu dùng và người cung cấp dịch vụ; Việc cung cấp dịch vụ phải được pháp luật tại nơi diễn ra các hoạt động cung cấp dịch vụ cho phép. Điều kiện như vậy chỉ có thể đạt được tối đa khi hoạt động cung cấp dịch vụ trong phạm vi một quốc gia, một vùng lãnh thổ nơi mà những hạn chế và quy định đối với việc cung cấp dịch vụ là tương đối thuần nhất. Điều này thể hiện rõ nét tính chất khó thương mại hóa của dịch vụ.

 

3.2 Tính đa dạng của các hình thức thương mại dịch vụ

Khác với thương mại hàng hóa, đối tượng của thương mại là hàng hóa cụ thể được trao đổi và chính sách thương mại là những biện pháp ảnh hưởng đến việc tiếp thị và mua bán hàng hóa đó trên thị trường của một nước. Thương mại dịch vụ hay thương mại các hàng hóa vô hình không được thể hiện một cách đơn giản là sự trao đổi đơn thuần mà là việc trao đổi đó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. GATS đã đưa ra 4 phương thức cung cấp dịch vụ, theo đó mô tả các khả năng cung cấp của nhà cung cấp dịch vụ:

  • Phương thức 1: Thương mại dịch vụ giữa các nước, tức là mua bán dịch vụ qua biên giới giữa các nước, có thể bằng viễn thông hoặc chuyển dịch vụ bằng hiện vật như bản vẽ, băng đĩa,…
  • Phương thức 2: Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài, tức là khách hàng đi sang nước khác để tiêu dùng dịch vụ như đi du lịch, học tập, sửa chữa tàu biển, máy bay ở nước ngoài,…
  • Phương thức 3: Hiện diện thương mại, tức là đầu tư trực tiếp để thành lập một chi nhánh, công ty con hay đại lý để cung cấp dịch vụ như cung cấp thông tin, tư vấn pháp luật, ngân hàng cho nước sở tại,…
  • Hiện diện của thể nhân, tức là sự di chuyển tạm thời của cá nhân sang nước khác để cung cấp các dịch vụ như tư vấn, xây dựng, làm nội trợ, chăm sóc sức khỏe,…

 

 3.3 Vai trò của công ty độc quyền trong ngành thương mại dịch vụ

Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, nhiều ngành du lịch có mức tập trung tư bản cao, sử dụng công nghệ hiện đại và quy mô lớn. Do vậy, nhiều ngành dịch vụ thực tế đã hình thành độc quyền tự nhiên của nhà nước hoặc chịu sự chi phối của một số doanh nghiệp độc quyền như ngân hàng, viễn thông, hàng không, vận tải biển.

Tại hầu hết các quốc gia, những doanh nghiệp dịch vụ lớn nhất trong những ngành này là do một hoặc một số doanh nghiệp chủ đạo nắm giữ. Tính chất độc quyền trong hoạt động thương mại dịch vụ là cần thiết và khách quan. Sự phát triển của dịch vụ nhờ đó mới có những thành tựu đáng kể trong việc đảm bảo cung ứng dịch vụ một cách rộng rãi, với quy mô và chất lượng ngày một tăng.

Một trong những yêu cầu quan trọng của hoạt động cung ứng dịch vụ là việc đảm bảo một hệ thống cơ sở hạ tầng tốt cho nền kinh tế, trong đó nhiều loại nhu cầu mang tính chất xã hội mà nhà nước bắt buộc phải thực hiện qua hệ thống độc quyền mới đảm bảo hiệu quả. Ví dụ, việc xây dựng các bến cảng, sân bay, hệ thống viễn thông, trạm xá, bệnh viện đều là những loại dịch vụ cần có sự phân bổ trực tiếp của Nhà nước mà thông thường tính độc quyền mới có thể thực hiện được.

Một ví dụ khác là những nhu cầu dịch vụ đối với các vùng sâu, vùng xa, khó khăn mà lợi ích kinh tế từ hoạt động cung cấp dịch vụ là rất thấp, trong khi đó do yêu cầu về chính sách xã hội, Nhà nước không thể cung cấp. Điều này chỉ có thể được thực hiện khi Nhà nước phải có sự hoán đổi giữa nghĩa vụ thực hiện trách nhiệm đó với quyền được cung cấp dịch vụ một cách độc quyền.

Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp khác, độc quyền lại có tác dụng ngược lại tức là sự suy giảm về chất lượng và khả năng trục lợi “tự nhiên” của các doanh nghiệp độc quyền này. Điều đó có nghĩa, tự thân độc quyền trong những ngành dịch vụ không phải là một khái niệm xấu, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ mà vấn đề là việc tạo dựng động lực cạnh tranh và tự hoàn thiện của doanh nghiệp đó. Trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, việc thực hiện tự do hóa thương mại dịch vụ bao hàm cả vấn đề tạo lập môi trường cạnh tranh trong điều kiện có độc quyền.

 

 3.4 Tác động của Nhà nước tới khả năng cung cấp và tiêu dùng dịch vụ

Ở Việt Nam, các dịch vụ như y tế, giáo dục, pháp luật và thậm chí cả dịch vụ tài chính, ngân hàng được coi là một bộ phận trong chiến lược phát triển quốc gia và chỉ được xem xét dưới góc độ an ninh quốc gia với mục tiêu là để duy trì cơ sở hạ tầng cho các hoạt động kinh tế – thương mại khác. Với cách quan niệm này, Chính phủ thường đứng ra tự minh đảm nhận vai trò chủ yếu trong việc cung cấp dịch vụ và do đó, dịch vụ được cung cấp dưới dạng phi thương mại. Vì lẽ đó, người ta đã phân biệt các dịch vụ do Chính phủ cung cấp là phi thương mại với một số dịch vụ có thể có tính thương mại.

 

4. Thành lập công ty TNHH thương mại dịch vụ

 4.1 Điều kiện thành lập

Về tên công ty

Tên công ty đăng ký không được trùng lặp hoặc gây nhầm lẫn với những công ty khác đã đăng ký trước đó trên hệ thống toàn quốc.

Tên công ty bao gồm tên tiếng việt, tên bằng tiếng nước ngoài (nếu có), tên viết tắt (nếu có)

Tên tiếng việt của công ty bao gồm 2 yếu tố : Loại hình doanh nghiệp “TNHH” và tên riêng công ty

Ví dụ : CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TĐB

Trong đó “TNHH” thể hiện loại hình doanh nghiệp, “THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TĐB” là tên riêng công ty.

Về vốn điều lệ

Các ngành nghề tỏng lĩnh vực thương mại dịch vụ không nằm trong nhóm ngành nghề có yêu cầu vốn pháp định khi tiến hành đăng ký kinh doanh, vậy nên khi thành lập công ty TNHH thương mại dịch vụ bạn cần phải chứng minh vốn và cũng có không yêu cầu mức vốn tối thiểu nào. Vì vậy, bạn có thể linh hoạt trong lựa chọn mức vốn phù hợp để kinh doanh.

Vốn điều lệ có ảnh hưởng tới mức lệ phí môn bài của doanh nghiệp phải đóng hàng năm, cụ thể:

  • Vốn điều lệ mức trên 10 tỷ đồng thì mức lệ phí môn bài là : 3 triệu đồng/1 năm
  • Vốn điều lệ từ mức 10 tỷ đồng trở xuống thì mức lệ phí môn bài là : 2 triệu đồng/1 năm

Về địa chỉ trụ sở

Địa chỉ trụ sở chính của công ty là địa chỉ dùng để liên lạc của doanh nghiệp trong lãnh thổ Việt Nam, địa chỉ phải xác định cụ thể các thông tin gồm số nhà,ngách/ngõ/hẻm, đường/phố hoặc thôn, ấp, xóm, xã hoặc phường, huyện/thị trấn/quận, thị xã/thành phố thuộc tỉnh, tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương; số fax mà Email, số điện thoại (nếu có)

Địa chỉ trụ sở công ty không được đặt tại chung cư vì chung cư chỉ để ở, không có chức năng để hoạt động kinh doanh, bên cạnh đó, có 1 số trung tâm thương mại hoặc chung cư có một số tầng được phép cho thuê văn phòng/kinh doanh thương mại như lầu trệt, tầng 1 hay tầng 2, nội dung này thể hiện trong giấy phép xây dựng,…

 

 4.2 Hồ sơ thành lập

Hồ sơ thành lập công ty TNHH thương mại dịch vụ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh (có mẫu);
  • Bản dự thảo Điều lệ doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên góp vốn (trường hợp là công ty TNHH 2 thành viên trở lên)
  • Bản sao công chứng/chứng thực CMND/CCD hoặc Hộ chiếu của Chủ sở hữu/thành viên góp vốn và người đại diện theo pháp luật

Số lượng hồ sơ cần nộp: 1 bộ

 

 

4.3 Các bước thành lập công ty TNHH thương mại dịch vụ

Bước 1 : Bạn cần chuẩn bị những thông tin cần thiết bảo đảm đáp ứng được những điều kiện đã được nêu bên trên.

Thông tin cần chuẩn bị:

Bạn cần chuẩn bị những thông tin chính xác, đầy đủ và đúng để điền vào hồ sơ thành lập công ty, tối thiểu phải có các nội dung như sau:

  • Tên công ty đặt đúng theo quy định, đảm bảo không gây trùng lặp, không nằm trong danh mục những điều cấm mà Luật Doanh nghiệp ghi nhận. Với tên công ty, bạn nên chọn tên dễ nhớ, ngắn gọn và gây ấn tượng với khách hàng về hàng hóa, dịch vụ mà công ty cung cấp.
  • Địa chỉ công ty
  • Danh sách ngành nghề dự kiến kinh doanh: Ngành, nghề kinh doanh được quy định trong hệ thống danh mục ngành, nghề kinh doanh, bạn cần lấy mã cấp 4. Và đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì cần đáp ứng đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật.
  • Vốn điều lệ: Cân đối khả năng tài chính và quy mô công ty để đnăg ký vốn điều lệ cho phù hợp. Thông thường các mã về thương mại, dịch vụ không yêu cầu điều kiện về vốn. Tuy nhiên, một số dịch vụ như Bưu chính, chuyển phát trong nước yêu cầu vốn pháp định từ 2 tỷ trở lên.
  • Người đại diện theo pháp luật của công ty. Để có thể là người đại diện thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định và từ đủ 18 tuổi trở lên. Bạn có thể tự mình quản lý hoặc thuê người quản lý công ty sao cho thích hợp với hoạt động kinh doanh của công ty.

Bước 2: Soạn thảo hồ sơ cần nộp

Hồ sơ đăng ký để mở công ty TNHH thương mại dịch vụ cần soạn thảo để nộp lên Phòng đăng ký kinh doanh bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp có chữ ký ở trang cuối của người đại diện theo pháp luật;
  • Bản dự thảo Điều lệ công ty bao gồm chữ ký của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên/thành viên góp vốn của công ty TNHH 2 thành viên và người đại diện theo pháp luật của công ty;
  • Danh sách thành viên góp vốn của công ty TNHH 2 thành viên;
  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu đối với các thành viên là cá nhân; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương đối với chủ sở hữu/thành viên góp vốn là tổ chức;

Giấy đề nghị cần hoàn thiện các thông tin như sau:

  • Tên của công ty
  • Địa chỉ trụ sở chính; số điện thoại, số fax, Email (nếu có).
  • Ngành, nghề hoạt động kinh doanh.
  • Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ sở hữu/vốn góp của các thành viên.
  • Các thông tin đăng ký thuế: Phương pháp tính thuế, số lượng lao động, năm tài chính, hình thức hạch toán…
  • Thông tin về: Họ, tên nơi đăng ký HKTT, quốc tịch, số CMN/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Nơi nộp hồ sơ để đăng ký thành lập công ty TNHH thương mại và dịch vụ là phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính.

Nếu công ty ủy quyền đi nộp thì phải có giấy ủy quyền cho người đi nộp hồ sơ.

Bạn có thể nộp hồ sơ tại trang cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.

Địa chỉ Wedsite là : https://dangkyquamang.dkkd.gov.vn

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ thụ lý sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung thì cán bộ ra thông báo sửa đổi để doanh nghiệp biết và chỉnh sửa. Sau đó sẽ tiến hành nộp lại hồ sơ.

Trường hợp nếu hồ sơ hợp lệ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo qua email mà người nộp hồ sơ đã đăng ký biết. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ được trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi hồ sơ hợp lệ.

Bước 4 : Khắc dấu doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp tiến hành khắc dấu tròn doanh nghiệp để sử dụng.

Từ quy định tại Điều 43 của Luật Doanh nghiệp 2020 không còn có quy định nào quy định về thủ tục này nữa, điều này cho thấy với thủ tục thông báo mẫu dấu không còn nữa. Vì thế, kể từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp sẽ không phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu.

Đây là một điểm mới với hướng đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cũng như tiết kiệm thời gian kể cả chi phí thực hiện của doanh nghiệp. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Lưu ý: Để thuận tiện cho hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp có thể khắc nhiều dấu để sử dụng.

Bước 5: Tiến hành công bố thông tin doanh nghiệp

Công bố thông tin doanh nghiệp như sau:

Công ty sau khi nhận được giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp thì phải làm thủ tục thông báo công khai trên trang Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy trình của Phòng đăng ký kinh doanh và phải trả lệ phí.

Nội dung thông tin công bố doanh nghiệp bao gồm

  • Ngành, nghề kinh doanh của công ty;
  • Danh sách cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần

Trường hợp nếu thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, các thay đổi tương ứng phải tiến hành thông báo công khai trên cổng thông tin trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có thay đổi.

Thông tin công bố sẽ được đnăg tải trong thời hạn 30 ngày.

Bước 6: Công ty bắt đầu đi vào hoạt động khi có giấy phép

Nộp tờ khai lệ phí môn bài qua Chữ ký số điện tử (từ ngày 25/2/2020, công ty được miễn tiền lệ phí môn bài năm đầu tiên khi thành lập công ty)

Tiến hành treo bảng hiệu công ty tại trụ sở chính và thông báo phát hành và sử dụng hóa đơn GTGT:

  • Công ty đặt làm biển hiệu sau đó treo biển hiệu công ty tại trụ sở chính để thuận tiện cho việc quản lý và giao dịch khách hàng. Về hình thức và kích thước thì doanh nghiệp được tự mình quyết định. Tuy nhiên, trên biểu hiệu doanh nghiệp thì phải đảm bảo có đầy đủ thông tin về tên công ty, địa chỉ trụ sở, mã số thuế, số điện thoại…
  • Công ty TNHH thương mại, dịch vụ tiến hành thực hiện thủ tục thông báo phát hành hóa đơn GTGT đến cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền, sau khi phát hành xong có thể được sử dụng hóa đơn và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.

Mở tài khoản ngân hàng công ty và thực hiện thủ tục Thông báo số TKNH đến cơ quan đăng ký kinh doanh:

Người đại diện pháp luật của công ty TNHH thương mại, dịch vụ cần chuẩn bị giấy đăng ký doanh nghiệp (bản sao), con dấu và chứng minh nhân dân bản sao ra ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản dưới sự hướng dẫn của chuyên viên ngân hàng.

Sau khi đã có số tài khoản ngân ahfng: doanh nghiệp cần tiến hành thực hiện thủ tục thông báo số tài khoản ngân hàng đến Phòng đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có số tài khoản theo trình tự, thủ tục đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.

Bước 7 : Thực hiện thủ tục báo cáo thuế khi đến kỳ hạn kê khai

  • Theo định kỳ thì hàng quý, hàng năm công ty cần tiến hành báo cáo thuế, hoàn thiện sổ sách kế toán, với thủ tục này, công ty phải có kế toán để thực hiện hoặc thuê các bên làm dịch vụ kế toán để kê khai theo quy định.
  • Chú ý: Khi đã tiến hành hoạt động công ty, bạn cần tìm hiểu và tuyệt đối tuân thủ đầy đủ những quy định và tiến hành thành lập doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật để tránh rủi ro và nếu có sai sót thì phạt thuế rất nhiều.

Doanh nghiệp lưu ý các loại thuế cần nộp và thời hạn đóng thuế sau khi thành lập công ty

  • Lệ phí môn bài đóng theo mức vốn điều lệ, thời gian đóng là 1 tháng, trước ngày 30/1 của năm tài chính.
  • Thuế giá trị gia tăng: được đóng theo quý kê khai báo cáo của doanh nghiệp.
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp : công ty đóng sau khi đã kết thúc năm tài chính.
  • Thuế xuất khẩu (Đối với doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu) : tiến hành đóng khi phát sinh hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
  • Thuế nhập khẩu (Đối với doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu) : đóng khi tiến ahfnh thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa của công ty.

>> Xem thêm Sơ đồ tổ chức doanh nghiệp là gì? Mẫu sơ đồ tổ chức doanh nghiệp mới nhất 

Trên đây, Luật Minh Khuê đã trình bày nội dung về Công ty thương mại dịch vụ là gì? Thủ tục thành lập công ty thương mại dịch vụ? Nếu quý bạn đọc còn thắc mắc điều gì xin vui lòng liên hệ đến tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 1900.6162. Xin chân thành cảm ơn!