Cổng thông tin điện tử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Chưa thu hút lao động tự do
Tham gia BHXH, người lao động sẽ có chỗ dựa thu nhập khi về già. Trong ảnh: Người dân nhận lương hưu tại Bưu điện tỉnh.
BHXH tự nguyện là chính sách an sinh xã hội nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, cũng như chủ động trong sinh hoạt của mỗi người sau khi hết tuổi lao động. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn rất ít lao động tự do tham gia loại hình BHXH này.
Theo BHXH tỉnh, tính đến tháng 6-2016, toàn tỉnh mới chỉ có 3.242 người tham gia BHXH tự nguyện, phần lớn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng còn thiếu thời gian quy định để được hưởng chế độ hưu trí. Riêng đối tượng làm nghề tự do có tham gia BHXH tự nguyện thì chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ khoảng 2%.
Nguyên nhân chủ yếu khiến người lao động (NLĐ) chưa mặn mà với BHXH tự nguyện là do các chế độ được hưởng của loại hình này còn hạn chế. Tham gia BHXH bắt buộc, NLĐ được hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động/bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất; còn tham gia BHXH tự nguyện thì chỉ được hưởng 2 chế độ: hưu trí và tử tuất.
Chị Nguyễn Ngọc Diệp, tiểu thương ở chợ Vũng Tàu nói: “Do công việc không ổn định, tôi cũng muốn đóng BHXH tự nguyện hàng tháng để khi về già có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên tôi nhẩm tính, để có “lương hưu”, mỗi tháng tôi dành dụm vài trăm nghìn đồng đóng BHXH tự nguyện coi như khoản tiền tiết kiệm khi về già. Năm nay tôi 35 tuổi, sau khi đóng BHXH 20 năm (55 tuổi) tôi mới được hưởng, thời gian đó quá dài. Hơn nữa, BHXH tự nguyện lại chỉ được hưởng hưu trí và tử tuất, còn các chế độ khác rất cần thiết với NLĐ tự do, thu nhập bấp bênh như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động thì không được hưởng gì nên tôi quyết định không tham gia”.
Bên cạnh sự chênh lệch trong thụ hưởng chế độ thì nhiều NLĐ tự do chưa được tiếp cận thông tin về BHXH tự nguyện. Do chưa nắm bắt được thông tin về cách thức, thủ tục, lợi ích của BHXH tự nguyện nên nếu có tiền dư dả thì thay vì đóng BHXH tự nguyện họ lựa chọn phương án gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Ngoài ra, NLĐ tự do, đặc biệt là NLĐ làm nông nghiệp chủ yếu là người có thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, trong khi BHXH tự nguyện yêu cầu đối tượng phải có mức thu nhập tương đối ổn định và thời gian tham gia dài. Bởi vậy, nhiều NLĐ tự do hiện nay, dù rất mong muốn khi về già được nhận một khoản lương hưu để trang trải cuộc sống hàng ngày, nhưng với khoản thu nhập không mấy dư dả khiến đa phần không dám nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện.
Theo ông Đặng Hồng Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, để mở rộng diện NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh sẽ cùng các sở, ngành liên quan tổ chức đối thoại, trao đổi, tư vấn với người dân. Mặt khác, BHXH các cấp cũng tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng của đội ngũ đại lý thu BHXH ở các xã, phường; nhất là kỹ năng tiếp xúc, tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện. BHXH cũng đang kiến nghị các bộ, ngành liên quan mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện, ngoài 2 chế độ hưu trí và tử tuất, thêm các chế độ, quyền lợi như người đóng BHXH bắt buộc hiện nay như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Theo Nghị định 134/2015/NĐ-CP, từ năm 2016, lao động tự do từ 15 tuổi trở lên được tham gia BHXH tự nguyện. Phương thức tham gia rất đơn giản theo cách đóng: hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc 5 năm một lần. Mức đóng hàng tháng bằng 22% thu nhập do người tham gia tự chọn lựa, tương đương với chuẩn hộ nghèo của nông thôn; mức đóng cao nhất tự chọn lựa bằng 20 lần mức lương cơ bản tại thời điểm bắt đầu tham gia. Ngay sau khi đóng đủ thời gian 20 năm, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu ngay từ tháng liền kề. Nếu người đó muốn dừng tham gia BHXH tự nguyện để chuyển sang BHXH bắt buộc, hưởng BHXH một lần hoặc gặp bất trắc qua đời thì sẽ được BHXH trả lại một phần số tiền đã đóng trước đó, tùy theo thời gian tham gia và mức đóng.
Bài, ảnh: SƠN QUỲNH(nguồn: baobariavungtau.com.vn)