Cổng thông tin điện tử Tỉnh Kiên Giang – Mức xử phạt mới trong Nghị định số 139/2021/NĐ-CP của Chính phủ
Qua tổng kết, đánh giá 05 năm thực hiện Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho thấy, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, xã hội hiện nay, nhiều mức phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe và chưa đáp ứng việc phòng, chống vi phạm. Vì vậy, Nghị định đã có sự điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm để khắc phục bất cập và phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định đã tăng mức phạt và quy định rõ hơn đối với hành vi trang bị không đủ thiết bị, dụng cụ an toàn, dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dụng cụ neo đậu, dụng cụ liên kết phương tiện; hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân; hành vi không mặc áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện. Đồng thời, quy định mức xử phạt được tính trên mỗi thiết bị, dụng cụ, mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân để đảm bảo yêu cầu phòng, chống vi phạm. Cụ thể như:
Vi phạm quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện ( Điều 16, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP)
– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tiền tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây, áp dụng đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa, mức phạt tính trên mỗi thiết bị, dụng cụ như: a, b.
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến dưới 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người có mỗi hành vi vi phạm tại khoản 1, khoản 2 Điều 16.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, áp dụng đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở dưới từ 5 người đến dưới 12 người.
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người, phương tiện có công dụng tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt, trang bị thiết bị thông tin hoặc thiết bị nhận dạng tự động (AIS) trên mỗi phương tiện theo quy định hoặc không duy trì hoạt động của thiết bị thông tin hoặc thiết bị nhận dạng tự động (AIS) theo quy định, áp dụng đối với mỗi thiết bị.
Vi phạm quy định về an toàn giao thông của người, hành khách trên phương tiện (Điều 34, Nghị định 139/2021/NĐ-CP)
– Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 34.
– Phạt tiền từ 500.000 đồng 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Mang hành lý thuộc loại hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách;
+ Gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở đến 12 người; phương tiện chở khách ngang sông./.