Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trang chủKinh tế địa phương và
vùng lãnh thổ
63 tỉnh, thành phố
Thành phố Hồ Chí Minh

  • Điều kiện tự nhiên
  • Danh lam thắng cảnh
  • Đơn vị hành chính
  • Kinh tế – Xã hội

1. Vị trí địa lý:

Lãnh thổ thành phố Hồ Chí Minh có tọa độ địa lý 10°22’33″- 11°22’17″ vĩ độ bắc và 106°01’25″ – 107°01’10″ kinh độ đông với điểm cực bắc ở xã Phú Mỹ (huyện Cần Giờ), điểm cực tây ở xã Thái Mỹ (Củ Chi) và điểm cực đông ở xã Tân An (huyện Cần Giờ). Chiều dài của thành phố theo hướng tây bắc – đông nam là 150 km, còn chiều tây – đông là 75 km. Trung tâm thành phố cách bờ biển Đông 59 km đường chim bay. Thành phố có 12 km bờ biển, cách thủ đô Hà Nội 1.730 km (đường bộ) về phía Nam.

Diện tích toàn Thành phố là 2.056,5 km2, trong đó nội thành là 140,3km2, ngoại thành là 1.916,2km2. Độ cao trung bình so với mặt nước biển: nội thành là 5 m, ngoại thành là 16 m.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

2. Khí hậu:

Khí hậu thành phố Hồ Chí Minh mang tính chất cận xích đạo nên nhiệt độ cao và khá ổn định trong năm. Số giờ nắng trung bình tháng đạt từ 160 đến 270 giờ. độ ẩm không khí trung bình 79,5%. Nhiệt độ trung bình năm là 27,55°C (tháng nóng nhất là tháng 4, nhiệt độ khoảng 29,3°C – 35°C). Thành phố Hồ Chí Minh có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa bình quân năm là 1.979 mm. số ngày mưa trung bình năm là 159 ngày (lớn hơn 90% lượng mưa tập trung vào các tháng mùa mưa). Đặc biệt, những cơn mưa thường xảy ra vào buổi xế chiều, mưa to nhưng mau tạnh, đôi khi mưa rả rích kéo dài cả ngày. Mùa khô từ tháng 12 năm này đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ trung bình 27,55°C, không có mùa đông. Thời tiết tốt nhất ở thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau là những tháng trời đẹp.

3. Đặc điểm địa hình:

Địa hình thành phố Hồ Chí Minh phần lớn bằng phẳng, có ít đồi núi ở phía Bắc và Đông Bắc, với độ cao giảm dần theo hướng Đông Nam. Nhìn chung có thể chia địa hình thành phố Hồ Chí Minh thành 4 dạng chính có liên quan đến chọn độ cao bố trí các công trình xây dựng: dạng đất gò cao lượn sóng (độ cao thay đổi từ 4 đến 32 m, trong đó 4 – 10 m chiếm khoảng 19% tổng diện tích. Phần cao trên 10 m chiếm 11%, phân bố phần lớn ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, một phần ở Thủ Đức, Bình Chánh); dạng đất bằng phẳng thấp (độ cao xấp xỉ 2 đến 4 m, điều kiện tiêu thoát nước tương đối thuận lợi, phân bố ở nội thành, phần đất của Thủ Đức và Hóc Môn nằm dọc theo sông Sài Gòn và nam Bình Chánh chiếm 15% diện tích); dạng trũng thấp, đầm lầy phía tây nam (độ cao phổ biến từ 1 đến 2 m, chiếm khoảng 34% diện tích); dạng trũng thấp đầm lầy mới hình thành ven biển (độ cao phổ biến khoảng 0 đến 1 m, nhiều nơi dưới 0 m, đa số chịu ảnh hưởng của thuỷ triều hàng ngày, chiếm khoảng 21% diện tích).

Sông Sài Gòn

Nhìn chung, địa hình thành phố Hồ Chí Minh không phức tạp, song cũng khá đa dạng, có điều kiện để phát triển nhiều mặt.

4. Dân số:

Vào năm 2007, thành phố Hồ Chí Minh có dân số 6.650.942 người và là thành phố đông dân nhất Việt Nam. Theo số liệu thống kê năm 2004, 85,24% dân cư sống trong khu vực thành thị và thành phố Hồ Chí Minh cũng có gần một phần năm là dân nhập cư từ các tỉnh khác. Cơ cấu dân tộc, người Kinh chiếm 92,91% dân số thành phố, tiếp theo tới người Hoa với 6,69%, còn lại là các dân tộc Chăm, Khmer,… Những người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh cư trú ở khắp các quận, huyện, nhưng tập trung nhiều nhất tại Quận 5, 6, 8, 10, 11 và có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế thành phố.

Sự phân bố dân cư ở thành phố Hồ Chí Minh không đồng đều, ngay cả các quận nội ô. Trong khi các quận 3, 4, 5 hay 10, 11 có mật độ lên tới trên 40.000 người/km² thì các quận 2, 9, 12 chỉ khoảng 2.000 tới 6.000 người/km². Ở các huyện ngoại thành, mật độ dân số rất thấp, như Cần Giờ chỉ có 96 người/km². Về mức độ gia tăng dân số, trong khi tỷ lệ tăng tự nhiên 1,07% thì tỷ lệ tăng cơ học lên tới 1,9%. Theo ước tính năm 2005, trung bình mỗi ngày có khoảng 1 triệu khách vãng lai tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến năm 2010, có số này còn có thể tăng lên tới 2 triệu.

5. Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên đất

Tiềm năng đất đai trên phạm vi địa bàn thành phố có nhiều hạn chế về diện tích và phẩm chất. Ngoại trừ phần nội thành, phần ngoại thành có thể chia thành các nhóm đất chính sau đây: nhóm đất phèn trung bình và phèn nhiều (chiếm 27,5% tổng số diện tích – loại đất phèn trung bình đang phát triển cây lúa, còn loại phèn nhiều hay phèn mặn tuỳ theo mức độ cải tạo đang phát triển các loại cây mía, thơm, lác); nhóm đất phù sa không hoặc ít bị nhiễm phèn (chiếm 12,6% – đây là nhóm đất thuận lợi cho phát triển cây lúa, trong đó loại đất phù sa ngọt có 5.200 ha cho năng suất lúa rất cao); nhóm đất xám phát triển trên phù sa cổ (chiếm khoảng 19,3% – nhóm đất này thích hợp cho phát triển cây công nghiệp hàng năm, cây công nghiệp ngắn ngày và rau đậu..); nhóm đất mặn (chiếm 12,2%  phân bố ở Cần Giờ, chủ yếu dùng cho việc trồng rừng, đặc biệt là cây đước).

Ngoài ra còn có các nhóm đất khác như đất đỏ vàng chiếm 1,5% phân bố trên vùng đồi gò ở Củ Chi và Thủ Đức dùng cho xây dựng cơ bản, nhóm đất cồn cát, đất cát biển chiếm 3,2% và các loại đất khác, sông suối chiếm 23,7%.

b. Tài nguyên rừng

Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 3 hệ sinh thái rừng: Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm mưa mùa Ðông Nam Bộ, Hệ sinh thái rừng úng phèn, Hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Hệ sinh thái rừng nhiệt đới ẩm mưa mùa Ðông Nam Bộ vốn có ở Củ Chi và Thủ Ðức. Những năm qua, cùng với việc khoanh nuôi bảo vệ những mảnh rừng thứ sinh còn sót lại, chủ yếu là rừng chồi quanh các khu địa đạo Bến Dược, Bến Ðình, Hố Bò ở Củ Chi, đã bước đầu tiến hành nghiên cứu phục chế kiểu rừng kín ẩm thường xanh, trồng rừng gỗ lớn gỗ quý và gần đây đang mở ra dự án vườn sưu tập thảo mộc, kết hợp với xây dựng hoàn chỉnh khu rừng lịch sử. Hệ sinh thái rừng úng phèn khá nghèo nàn. Do khai thác và canh tác của con người, nay hầu như không còn nữa, chỉ sót lại số ít rặng cây ở dạng chồi bụi. Từ sau giải phóng (1975), phong trào trồng rừng và trồng cây phân tán của nhân dân đã phát triển rất mạnh, nhờ vậy, môi trường sinh thái vùng ngập phèn ngoại thành đã nhanh chóng được cải thiện và đang từng bước trở thành trù phú. Hệ sinh thái rừng ngập mặn tập trung ở huyện Cần Giờ vốn là rừng nguyên sinh, xuất hiện đã lâu năm theo lịch sử của quá trình hình thành bãi bồi cửa sông ven biển; sau các đợt khai quang rải chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh, có tới 80% diện tích rừng vùng này bị hủy diệt, khiến đại bộ phận đất đai trở thành những trảng cỏ cây bụi thứ sinh. Từ năm 1978, thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư trồng phục hồi hàng chục ngàn ha rừng đước, chủ yếu tập trung vào khoảng thời gian 1978-1986.

c. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố chủ yếu là vật liệu xây dựng như sét gạch ngói, cát, sạn, sỏi; nguyên liệu cho gốm sứ và chất trợ dụng; các nguyên liệu khác như than bùn…

Chỉ có một số khoáng sản có thể đáp ứng một phần cho nhu cầu của thành phố: nguyên liệu làm vật liệu xây dựng, sành sứ thuỷ tinh, nguyên nhiên liệu…Các khoáng sản khác như kim loại đen, kim loại màu (trừ nhôm), than đá.. đều không có triển vọng hoặc chưa được phát hiện.

d. Tài nguyên nước

Nằm ở vùng hạ lưu hệ thống sông Ðồng Nai – Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh có mạng lưới sông ngòi kênh rạch rất đa dạng. Sông Ðồng Nai bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, hợp lưu bởi nhiều sông khác, có lưu vực lớn, khoảng 45.000 km². Với lưu lượng bình quân 20–500 m³/s, hàng năm cung cấp 15 tỷ m³ nước, sông Đồng Nai trở thành nguồn nước ngọt chính của thành phố. Sông Sài Gòn bắt nguồn từ vùng Hớn Quản, chảy qua Thủ Dầu Một đến thành phố Hồ Chí Minh, với chiều dài 200 km và chảy dọc trên địa phận thành phố dài 80 km. Sông Sài Gòn có lưu lượng trung bình vào khoảng 54 m³/s, bề rộng tại thành phố khoảng 225 m đến 370 m, độ sâu tới 20 m. Nhờ hệ thống kênh Rạch Chiếc, hai con sông Đồng Nai và Sài Gòn nối thông ở phần nội thành mở rộng. Một con sông nữa của thành phố Hồ Chí Minh là sông Nhà Bè, hình thành ở nơi hợp lưu hai sông Đồng Nai và Sài Gòn, chảy ra biển Đông bởi hai ngả chính Soài Rạp và Gành Rái. Trong đó, ngả Gành Rái chính là đường thủy chính cho tàu ra vào bến cảng Sài Gòn. Ngoài các con sông chính, thành phố Hồ Chí Minh còn có một hệ thống kênh rạch chằng chịt: Láng The, Bàu Nông, rạch Tra, Bến Cát, An Hạ, Tham Lương, Cầu Bông, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Bến Nghé, Lò Gốm, Kênh Tẻ, Tàu Hũ, Kênh Ðôi…Hệ thống sông, kênh rạch giúp thành phố Hồ Chí Minh trong việc tưới tiêu, nhưng do chịu ảnh hưởng dao động triều bán nhật của biển Ðông, thủy triều thâm nhập sâu đã gây nên những tác động xấu tới sản xuất nông nghiệp và hạn chế việc tiêu thoát nước ở khu vực nội thành.

Nhờ trầm tích Pleistocen, khu vực phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh có được lượng nước ngầm khá phong phú. Nhưng về phía Nam, trên trầm tích Holocen, nước ngầm thường bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. Khu vực nội thành cũ có lượng nước ngầm đáng kể, tuy chất lượng không thực sự tốt, vẫn được khai thác chủ yếu ở ba tầng: 0–20 m, 60–90 m và 170–200 m (tầng trầm tích Miocen). Tại Quận 12, các huyện Hóc Môn và Củ Chi, chất lượng nước tốt, trữ lượng dồi dào, thường được khai thác ở tầng 60–90 m, trở thành nguồn nước bổ sung quan trọng.

1. Danh lam thắng cảnh:

a. Về du lịch văn hóa – lịch sử

Chợ Lớn – Sài Gòn

Vị trí: Chợ Lớn là cả một khu vực rất rộng, bao gồm quận 5, quận 10, một phần quận 11 và quận 6.

Đặc điểm: Khi nhắc đến Chợ Lớn là mọi người nghĩ ngay đến một Chợ Lớn – phố Tàu (China Town) trong lòng thành phố Hồ Chí Minh. Chợ Lớn đã trở thành một địa danh nổi tiếng không thể thiếu trong các chương trình du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

Khi nghe đến tên Chợ Lớn mọi người sẽ nghĩ tới hình ảnh của các xưởng sản xuất thủ công nghiệp nhộn nhịp, tới nơi san sát các hàng quán, tiệm ăn mang phong vị Trung Hoa… Đây là nơi tập trung nhiều người Hoa nhất, họ sinh sống chủ yếu ở quận 5 – nơi còn bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc và tôn giáo của hàng trăm năm trước. Chợ Lớn độc đáo ở chỗ ngoài việc tham quan, mua sắm, khách du lịch còn được tận mắt chứng kiến một cuộc sống sôi động của những người Hoa di cư đến từ hàng thập kỷ nay, và cả những người được sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất này.

Khi thành phố lên đèn, Chợ Lớn được bộc lộ rõ nét hơn. Hầu hết các nhà đều mở cửa bán buôn, kinh doanh, dịch vụ. Hàng loạt bảng hiệu được thiết kế với ánh đèn điện tử màu, chớp sáng theo đủ mọi dáng, mọi kiểu.

Chợ Bến Thành

Vị trí: Nằm ở trung tâm thành phố. Chợ Bến Thành ngày nay có hình chữ nhật, trổ bốn cửa ra quảng trường Quách Thị Trang và các con đường: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Lê Thánh Tôn thuộc quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Trước khi Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất đồng lầy kề bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn. Từ xuất xứ ấy mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành. Chợ được xây bằng gạch, khung gỗ, lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần. Năm 1911, chợ cũ bị phá đi, chợ mới được xây khang trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào tháng 3/1914.

Hình ảnh chợ Bến Thành với tháp đồng hồ thường được dùng làm biểu tượng cho thành phố. Giờ đây chợ Bến Thành là một trung tâm buôn bán lớn không chỉ của thành phố Hồ Chí Minh mà còn của các tỉnh phía Nam.

Hội trường Thống Nhất

Vị trí: 106 Nguyễn Du, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Dinh có diện tích sử dụng 4.500 m2 trên khuôn viên đất rộng 120.000m2 gồm 1 tầng hầm, 3 tầng chính, 2 tầng lửng, 1 sân thượng và lầu nghỉ mát gọi là lầu Tứ Phương. Dinh có 100 phòng, mỗi phòng có cách bài trí riêng theo nội dung từng phòng. Phòng khánh tiết có sức chứa 800 người… Dinh còn có 2 nhà triển lãm với tổng diện tích 2.000 m2, một khu nhà khách 33 phòng , nhà phát điện dự phòng công suất 350 KVA và nhiều điểm dịch vụ vui chơi giải trí khác như sân tennis, khu nhà sàn Tây Nguyên…

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dinh Ðộc Lập là trụ sở của Uỷ ban quân quản thành phố. Hội nghị hiệp thương thống nhất đất nước đã họp ở đây vào tháng 12/1975 và dinh Ðộc Lập đã được đổi tên thành Hội trường Thống Nhất. Ngày nay, hội trường Thống Nhất đã trở thành khu di tích lịch sử văn hoá được đông đảo khách trong nước và nước ngoài đến tham quan.

Ðịa đạo Củ Chi


Vị trí: Ðịa đạo Củ Chi là một di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, thuộc xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc.

Ðịa đạo quả là kỳ quan độc nhất vô nhị: dài 250 km chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, được làm nên từ dụng cụ thô sơ là lưỡi cuốc và chiếc ki xúc đất.

Ðường hầm sâu dưới đất từ 3 – 8 m, chiều cao chỉ đủ cho một người đi lom khom. Căn hầm đầu tiên ở ngay bìa rừng có giếng ngầm cung cấp nguồn nước uống và sinh hoạt cho toàn khu vực địa đạo. Giếng sâu 15m, trong vắt. Hệ thống địa đạo gồm 3 tầng, từ đường “xương sống” toả ra vô số nhánh dài, nhánh ngắn ăn thông nhau, có nhánh trổ ra tận sông Sài Gòn. Liên hoàn với địa đạo có các hầm rộng để nghỉ ngơi, có nơi dự trữ vũ khí, lương thực, có giếng nước, có bếp Hoàng Cầm, có hầm chỉ huy, hầm giải phẫu… Còn có cả hầm lớn, mái lợp thoáng mát, nguỵ trang khéo léo để xem phim, văn nghệ.

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Vị trí: Số 1 Nguyễn Tất Thành, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Bến Nhà Rồng hay khu lưu niệm Bác Hồ nằm bên ngã ba sông Sài Gòn, đầu đường Nguyễn Tất Thành. Nơi đây ngày 5/6/1911, ngưởi thanh niên Nguyễn Tất Thành mà sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuống tàu “Ðô đốc Latouche Tréville” ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày 3 tháng 9 năm 1979, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định lấy Nhà Rồng là “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” (tức Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng). Bên trong khu nhà lưu niệm có trưng bày nhiều hình ảnh và hiện vật về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch. Từ đó đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Bến Nhà Rồng đã đón tiếp hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước vào tham quan.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh

Vị trí: 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo tàng lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng năm 1929, tiền thân của nó là Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse. Từ 1929 đến 1956 trưng bày chủ yếu về mỹ thuật cổ của một số nước châu Á. Từ 1956 đến 1975 là Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn. Sau năm 1975 Bảo tàng mở rộng thêm diện tích và trở thành Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh

Vị trí: 28 Võ Văn Tần, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo tàng được thành lập tháng 9-1975, tiền thân là nhà trưng bày tội ác chiến tranh Mỹ – Ngụy. Bảo tàng trưng bày một số hiện vật, hình ảnh tội ác của Mỹ – Ngụy trong chiến tranh với các chủ đề: lính Mỹ tàn sát nhân dân, rải chất độc hóa học, tra tấn, tù đày, chiến tranh phá hoại miền Bắc. Các hiện vật như máy bay, đại bác, xe tăng, máy chém và hai ngăn “chuồng cọp” được xây dựng đúng kích thước như ở nhà tù Côn Ðảo. Hơn 20 năm qua đã có gần 6 triệu lượt người xem, trong đó có gần 1 triệu lượt khách nước ngoài, đông nhất vẫn là các du khách người Mỹ.

Bảo tàng Cách mạng Thành phố

Vị trí: Số 65 Lý Tự Trọng, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Toà nhà được xây dựng từ năm 1885 hoàn thành năm 1890, theo đồ án của kiến trúc sư người Pháp là Alfred Foulhoux, để làm nhà trưng bày sản phẩm Nam Kỳ nhưng xây xong Thống đốc Nam Kỳ lấy làm tư dinh.

Ngày 12/8/1978, ngôi nhà này được sử dụng làm nhà Bảo tàng Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thờ Đức Bà

Vị trí: Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thờ Đức Bà hay còn gọi là Nhà thờ Lớn là một công trình kiến trúc bề thế có hai tháp chuông cao, tại quảng trường mang tên “Công xã Paris” nơi trung tâm thành phố.

Công trình được khởi công xây dựng ngày 7/10/1877 và được khánh thành vào ngày 11/4/1880. Nhà thờ được thiết kế tại Pháp, thi công xây dựng do kỹ sư ngươi Pháp tên là Bourad chỉ huy thực hiện.  Thánh đường có chiều dài là 133 m tính từ cửa ngăn đến cuối phòng đọc kinh, chiều ngang 35 m và cao 21 m. Lúc đầu, hai tháp có chiều cao tính từ mặt đất là 36,6m. Sau xây thêm hai chóp nhọn lầu chuông 21m nữa, do vậy chiều cao của tháp là hơn 57 m (Tháp chuông làm năm 1895). Sáu đại hồng chung, nặng 25.850 kg đặt dưới hai lầu chuông. Ngày 7 và 8 tháng 12 năm 1959, theo sự chấp thuận của toà thánh Vantican, nhà thờ làm lễ “xức dầu” đặt tên là “Vương Cung Thánh Đường”.

Chùa Phụng Sơn (Chùa Gò)

Vị trí: Chùa Phụng Sơn thường được gọi là chùa Gò, toạ lạc ở số 1408 đường 3 tháng 2 quận 11, thành phố  Hồ Chí Minh.

Chùa được Thiền sư Liễu Thông tạo lập vào đầu thế kỷ 19. Chùa đã qua hai lần đại trùng tu. Chùa có khoảng 40 pho tượng thờ chủ yếu là tượng gỗ sơn son thiếp vàng trong đó có một số pho tượng quý như bộ tượng Di đà Tam Tôn, bộ tượng Ngũ Hiền thượng kỳ thú, tượng Phật bằng đá dát vàng, tượng ngài Tiêu Diên bằng gốm. Ở nhà tổ còn có tượng Phật Nhật Bản, tượng Phật Thái Lan.

Chùa đã được Bộ Văn hoá công nhận là di tích lịch sử – văn hoá quốc gia.

Đền thờ Trần Hưng Đạo

Vị trí: Tọa lạc tại 36 Võ Thị Sáu, phường 4, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Trong số nhiều ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thì đây là ngôi đền to nhất ở phía Nam. Đền nằm trong một khuôn viên rộng, vốn xưa kia là đất của chùa Vạn An. Năm 1932 đền thờ Trần Hưng Đạo được lập ngay trong chùa Vạn An cũ.

Đền có 3 cổng trông ra đường Võ Thị Sáu. Ngay đầu sân là bức tượng Trần Hưng Đạo uy nghi bằng xi măng màu vàng đen. Đền được xây theo hình chữ “Đinh” rộng 200 m2, có 3 dãy cửa liền nhau trông ra sân. Ở nơi thờ chính có tượng Trần Hưng Đạo bằng đồng trong tư thế ngồi cao 1,70 m, do thợ đúc đồng Ngũ Xã đúc năm 1957.

Chùa Bà Thiên Hậu

Vị trí: Chùa toạ lạc tại 710 đường Nguyễn Trãi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa có tên gọi khác là miếu Bà Thiên Hậu, Tuệ Thành Hội Quán, thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, một vị thần biển của người Hoa Nam chuyên cứu giúp người dân Trung Quốc bị nạn trên biển.

Chùa được cộng đồng người Hoa gốc Tuệ Thanh (Trung Quốc) ở Chợ Lớn xây dựng năm 1760, kiến trúc theo lối Trung Hoa cổ. Tường xây bằng gạch liền mí không hở mạch. Từ màu sắc bên ngoài đến trang trí bên trong, những hình ảnh theo điển tích Trung Hoa với nhiều màu sắc rực rỡ. Hàng năm hội vía Bà được tổ chức long trọng vào ngày 23 tháng 3 âm lịch.

Chùa Ngọc Hoàng

Vị trí: Chùa toạ lạc tại 73 đường Mai Thị Lưu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa có tên chữ là Ngọc Hoàng Điện, người Pháp gọi là chùa Đa Kao, từ năm 1984 đổi tên là “Phước Hải tự”. Chùa là nơi thờ tự của đạo Minh Sư do Lưu Minh (người Quảng Đông) sống ở Sài Gòn khởi dựng từ năm 1892 đến 1900.

Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa tráng lệ, mang kiến trúc đền chùa Trung Hoa, mô típ trang trí rực rỡ. Hàng ngày khách trong và ngoài nước đến chiêm bái chùa rất đông. Lễ hội lớn nhất là Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng giêng âm lịch hàng năm.

Chùa Giác Lâm

Chùa Giác Lâm

Vị trí: 118 Lạc Long Quân, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất thành phố, chùa còn có tên là Cẩm Sơn hoặc Cẩm Điện. Chùa được xây vào năm 1744. Kiến trúc của chùa khá đặc sắc, đặc biệt là những cột chùa to lớn, màu nâu đậm, trên đó chạm những câu đối mạ vàng (có 143 cặp câu đối). Có 113 pho tượng Phật bằng đồng và gỗ quý, đặt thờ tại đây được khoảng 200 năm. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (Nhà thờ Cha Tam)

Vị trí: 25 Học Lạc, phường 14, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là một nhà thờ duy nhất ở thành phố có trang trí những hoành phi, liễn đối giống như đền miếu người Hoa.

Ngày 3/12/1900, lễ thánh Phanxicô Xaviê, Đức cha Mossard, giám mục Sài Gòn, đã đến làm phép đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường dành cho người Hoa tức nhà thờ Phanxicô Xaviê ngày nay. Ngày 10/1/1902, lễ cung hiến (khánh thành) trọng thể ngôi thánh đường đã được tiến hành. Sau khi xây dựng nhà thờ, cha sở Tam Asson (Đàm Á Tô) còn xây được một trường học, nhà nuôi trẻ, một nhà nội trú, một số nhà ở cho thuê. Năm 1934, Cha Tam qua đời, mai táng ngay tại khu vực tường cửa vào nhà thờ. Do đó, dân gian thường gọi là nhà thờ Cha Tam.

Chùa Linh Sơn

Vị trí: 149 Cô Giang, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Khoảng hai trăm năm trước, nơi đây là ngôi miếu thờ Linh Sơn Thánh Mẫu. Đến cuối thế kỷ 19, các phật tử và nhân dân địa phương đã xây dựng nơi đây thành ngôi chùa nhỏ. Năm 1929, chùa đã được trùng tu trở thành ngôi thiền viện khang trang. Ngày 26/8/1931, Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học ra đời, đặt trụ sở ở chùa. Hội ra tạp chí Từ Bi Âm từ ngày 1/1/1932; lập Pháp bảo phường, thỉnh Tam Tạng kinh từ Trung Quốc về làm tài liệu nghiên cứu, phiên dịch những phần cốt yếu trong kinh ra chữ quốc ngữ, mở Thích học đường đào tạo tăng, ni để phát triển đạo Phật tại miền Nam.

Kiến trúc chùa ngày nay do Hoà thượng Thích Nhật Minh trùng tu vào năm 1968 và hoàn thành vào năm 1971. Chùa thường xuyên đón tiếp nhiều du khách, phật tử đến tham quan, chiêm bái.

b. Về du lịch sinh thái:

Khu du lịch Suối Tiên

Vị trí: Xa lộ Hà Nội, phường Tân Phú, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh.

Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên nằm ở cửa ngõ Ðông Bắc Sài Gòn, được xây dựng cải tạo với mục đích kết hợp du lịch với giáo dục văn hoá lịch sử, nguồn cội dân tộc. Là một vùng đất đồi hình chữ S, rộng 200.000 m2, chính giữa có dòng suối với nhiều mạch nước ngầm uốn lượn chảy xuyên qua suốt chiều dài 2.000 m.

Suối Tiên gồm 12 khu vực chính, vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Hàng năm Suối Tiên đón từ 1,5 – 2 triệu lượt khách đến tham quan. Nét độc đáo của Suối Tiên là tính chất lịch sử, huyền thoại, các cụm mô hình ở đây được lấy ý tưởng từ các truyền thuyết, huyền tích của dân tộc và tư tưởng đạo học phương Ðông. Vẻ đẹp nên thơ kết hợp hài hòa, khéo léo giữa thiên nhiên và nhân tạo, giữa kiến trúc cổ và kiến trúc hiện đại, không khí trong lành nơi đây đã khiến cho Suối Tiên thực sự trở thành khu nghỉ ngơi, giải trí hấp dẩn của người dân thành phố cũng như của du khách từ xa đến.

Khu Du lịch Sinh thái Vàm Sát


Vị trí: Xã Lý Nhơn huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh

Nằm giữa dòng chảy của hai con sông Vàm Sát, Lòng Tàu, Khu Du Lịch Sinh Thái Rừng Ngập Mặn Vàm Sát mang trong mình những khoảng rừng đẹp nhất của khu dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ, thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh.

Với tổng diện tích 75.740 ha, rừng Cần Giờ là một quần thể động thực vật đa dạng, rất lý tưởng cho mục đích phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái và nghỉ ngơi cho du khách.Kể từ khi thành lập vào năm 2000, Khu du lịch Sinh thái Vàm Sát đã xây dựng các điểm tham quan dựa trên môi trường tự nhiên sẳn có. Đầm Dơi là một trong những điểm tham quan thu hút sự quan tâm của du khách. Phong cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ. Thú tiêu khiển thú vị nhất ở Đầm Dơi chính là trò câu cua. Ngoài ra, khu du lịch sinh thái Vàm Sát còn có trại cá sấu đang nuôi khoảng 40 con với trò chơi khá ấn tượng: “Du thuyền câu cá sấu”; hồ bơi độc đáo có độ mặn trong hồ khá cao 30% – gấp 10 lần của nước biển nên bạn tự nhiên nổi; sân chim tự nhiên với diện tích hơn 100 ha; khu bảo tồn động vật hoang dã như nai, heo rừng, trăn, rắn, kỳ đà…nhằm giúp du khách hiểu thêm về lịch sử của vùng đất này.

Tháng 7/2003, Tổ chức Du lịch Thế giới (WTO) đã công nhận Khu Du Lịch Sinh Thái Rừng Ngập Mặn Vàm Sát là một trong 2 khu du lịch sinh thái phát triển bền của thế giới tại Việt Nam.

Làng du lịch Bình Quới

Vị trí: Làng Du lịch Bình Quới nằm trên bán đảo Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 8 km.

Với cảnh quan sông nước độc đáo, đây là khu du lịch tổng hợp lớn nhất tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây có 55 phòng ngủ trang thiết bị hiện đại, ẩn mình dưới những tán cây rợp mát ven sông. Nhà hàng ở đây là địa chỉ tin cậy cho những cuộc liên hoan, chiêu đãi và rất nổi tiếng với những món nướng hay đặc sản Việt Nam. Hàng đêm tại khu du lịch có chương trình văn nghệ dân tộc độc đáo: “lễ hội Kỳ Yên”, “ca nhạc tài tử Nam bộ trên Ghe Hầu”, “đám cưới truyền thống Việt Nam”, ca nhạc dân tộc… Tại đây, du khách cũng có thể tham dự lướt ván, câu cá, quần vợt, bơi lội, và nhiều môn thể thao khác. Từ Bình Quới, du khách có thể du thuyền theo tuyến sông Sài Gòn đến thăm địa đạo Bến Dược, vườn trái Lái Thiêu hoặc về bến cảng Nhà Rồng..

Vườn cò Thủ Đức

Vị trí: Ấp Gò Công, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 20 km.

Vào mùa cao điểm từ tháng 9 đến tháng 4, nơi đây quy tụ đàn cò lên đến 2.000 con. Cứ mỗi buổi chiều khi hoàng hôn đến, từng đàn cò lại rủ nhau lũ lượt bay về, xao động cả một góc trời. Ngắm nhìn hình ảnh cánh cò nổi bật trong ánh tà dương sẽ để lại ấn tượng khó quên. Để có được góc nhìn như vậy, khách phải thuê đò ra giữa dòng sông với giá 80.000 đồng/giờ (cho cả một chuyến đò có thể chứa đến 10 người).

Công viên nước Đầm Sen

Vị trí: 03 Hòa Bình, Phường 3, Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

Công viên nước Ðầm Sen được trang bị hệ thống các thiết bị trị chơi dưới nước rất hiện đại, được đặt hài hòa trong một vườn cảnh Phương Ðông xanh mát rộng 3 ha ngay trong lòng thành phố là một địa điểm vui chơi lý tưởng dành cho bạn và gia đình.

Nằm trong quần thể dịch vụ vui chơi giải trí Đầm Sen, công viên nước Đầm Sen với 26 loại thiết bị trò chơi dưới nước độc đáo và một hồ tạo sóng rộng 3.000 m2 nằm dưới rừng cây xanh mát là một địa chỉ vui chơi giải trí lý tưởng cho bạn và gia đình sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng.

2. Lễ hội truyền thống:

Tết Trung Nguyên

Đó là vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Theo đạo Phật, ngày này Diêm Vương cho các âm hồn được lên trần hưởng lộc. Các gia đình đều làm cỗ cúng gia tiên, cúng xong đốt mã cho vong hồn dùng. Ngoài ra còn có những lễ vật cúng cho các cô hồn lang thang, không người hương khói. Những vật sau khi cúng xong chia cho trẻ nhỏ để lấy phước

Lễ hội miếu ông địa

Miếu Ông Địa (125 Lê Lợi, Gò Vấp) hình thành những năm đầu thế kỷ 19 và từng được Vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852. Miếu thờ Thổ Địa Phúc Đức Chính Thần và nhiều vị thần dân khác. Hằng năm diễn ra vào ngày 2/2 âm lịch, là ngày vía Thổ Địa Phúc Đức Chính Thần. Đây là ngày lễ hội tiêu biểu cho các lễ hội miếu ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam bộ.

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ

Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ

Tục thờ và rước cá voi là một tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của ngư dân ven biển từ miền Trung đến mũi Cà Mau. Lễ hội ngư dân ở thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức quy mô ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ vào ngày 16/8 âm lịch, các ngư dân đều nghỉ ra khơi để tham gia cuộc lễ.

Lễ hội Người Hoa

Đa số người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh đều theo tín ngưỡng dân gian Hoa Nam, thờ phụng nhiều vị thần thánh, mỗi vị đều có những ngày vía riêng. Vào những ngày này người Hoa đều đến lễ bái ở các đền, miếu thờ những vị thần thánh đó, tạo thành một lễ hội.

Tuy nhiên, lễ hội lớn nhất trong một năm đối với người Hoa là lễ hội Nguyên tiêu vào ngày rằm tháng giêng âm lịch.

Lễ Kỳ Yên đình Phú Nhuận

Diễn ra trong 3 ngày 16, 17, 18/1 âm lịch hằng năm tại làng Phú Nhuận số 18 đường Mai Văn Ngọc, Quận  Phú Nhuận. Ngày đầu tiên, lễ hội được bắt đầu bằng nghi thức tụng kinh cầu an của Phật giáo, sau đó là múa lân, biểu diễn võ thuật truyền thống và các nghi thức tế thần, tế Hiền hiếu – Hậu hiếu cùng các anh hùng liệt sĩ theo truyền thống Nam bộ, buổi tối có hát bội. Ngày thứ 2 và thứ 3 đều có nghi thức theo truyền thống Bắc bộ. Đêm cuối chấm dứt lễ hội với nghi thức tôn vương và hội chấn như truyền thống các đình Nam bộ.

Lễ thờ Phan Công Hớn

Phan Công Hớn là người lãnh đạo nhân dân 18 thôn vườn trầu, khởi nghĩa tấn công dinh tri huyện Trần Cử năm 1885 tại Hóc Môn. Hằng năm đến ngày 25/2 âm lịch, thân tộc của ông cùng bà con nhân dân Bà Điểm tổ chức lễ giỗ ông tại đền thờ theo nghi thức cúng Thần, gồm tế lễ cổ truyền với ban quý tế, lễ sinh, ban nhạc lễ. Nhân dân đến dự lễ rất đông để tưởng nhớ đến một vị anh hùng đã làm rạng danh truyền thống 18 thôn vườn trầu.

Mừng Tết Chôl Chnam Thmây của Dân Tộc Khmer

Tết Chôl Chnam Thmây của Dân Tộc Khmer

Lễ Chôl Chnam Thmây có nghĩa là “Vào năm mới” (Phật lịch) tức là lễ Tết lớn nhất hàng năm của người Khmer, còn gọi là lễ chịu tuổi, thường diễn ra vào tháng 4 dương lịch (tức đầu tháng Chét của người Khmer).Lễ thường kéo dài 3 ngày, ngoài ý nghĩa đón mừng năm mới, lễ Chôl Chnam Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ làm mùa mới.

3. Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng:

Là trung tâm của vùng đất phương Nam trù phú, sản vật dồi dào, nên món ăn Sài Gòn rất đa dạng. Lại thêm là nơi hội tụ của cư dân từ mọi miền đất nước và cửa ngỏ tiếp xúc với thế giới bên ngoài, nên thành phố đã tiếp nhận thêm các dòng ẩm thực của cả nước và thế giới, chọn lọc tinh hoa thành một nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn

Canh chua cá kho tộ

Có thể nói “canh chua, cá kho tộ” là món ăn đặc trưng của Nam bộ, cũng giống như món “canh rau đay cua đồng cà pháo muối” của miền Bắc, “cơm hến” của miền Trung.

Món canh chua tiêu biểu cho ẩm thực Nam bộ, đó là: cá bông lau hoặc cá lóc làm sạch rồi cắt khúc to, nấu với me chín, kèm các thứ rau, quả gồm cà chua, đậu bắp, giá, bạc hà; các thứ rau thơm như ngò om, ngò gai. Cá và rau quả đều nấu vừa chín, không rục, nát. Nước canh phải thật chua, hơi ngọt dịu, cay và nêm hơn già mắm muối. Tô canh múc ra trông thật đẹp mắt: cá chín căng thịt trắng phau, cà chua hồng, ớt đỏ tươi, đậu bắp và rau xanh, giá trắng muốt… hơi nóng bốc lên thơm lừng. Tô canh chua thể hiện sự trù phú của vùng đất và sự hào phóng của con người.
Canh chua Nam bộ là sự phát triển của các món canh chua có từ lâu đời ở đất Tổ, rồi đất Thần Kinh, nhưng mang đậm sắc thái địa phương.

Canh chua Nam bộ phải đi với cá kho tộ. Cá kho bằng chiếc tộ đất nung, các loại cá như cá rô, cá trê vàng, cá bông lau, cá lóc được coi là ngon và thích hợp để chế biến món này. Cá ướp nước màu, kho với nước mắm ngon, gia thêm dầu ăn (hoặc mỡ nước) sắp ăn thì rắc tiêu lên trên.

Bánh xèo bông điên điển

Cây điên điển mọc nhiều ở Đồng Tháp Mười vào mùa nước lên. Điên điển được xào với thịt lợn ướp muối, tiêu, đường, tỏi để làm nhân. Cho bột vào chảo rán chín mới cho nhân vào, sẽ có món bánh xèo bông điên điển. Bánh chấm cùng nước mắm pha, ăn với các loại rau quanh nhà, được nhiều người ở miệt vườn Nam Bộ ưa thích.

Bánh được làm rất đơn giản nhưng hương vị lại đậm đà khó quên. Dùng bột gạo pha với nước cốt dừa cho loãng, thêm chút bột nghệ vào cho bánh được vàng và thơm. Bông điên điển hái về, rửa sạch, để cho ráo nước. Thịt lợn xắt miếng nhỏ, ướp muối, tiêu, tỏi, đường, bột ngọt… để độ nửa giờ cho thịt thấm. Xào số thịt này, khi gần chín thì cho bông điên điển vào xào chung. Đây là nhân của bánh.

Bánh có hương vị thơm lừng của bột, nghệ, nước cốt dừa, thịt, tép, bông điên điển, mỡ, hành, tiêu, tỏi và nhiều thứ gia vị khác. Bánh được ăn với các loại rau quanh nhà như: đọt bằng lăng, đọt xoài, đọt điều, đọt cách, lá mơ. Miếng bánh cuốn với các loại rau chấm nước mắm làm sẵn.

1. Bản đồ hành chính:

Bản đồ hành chính thành phố Hồ Chí Minh

2. Các đơn vị hành chính:

Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Về mặt hành chính, thành phố được chia thành 19 quận và 5 huyện. Toàn thành phố có 322 đơn vị hành chính cấp xã, phường, trong đó các huyện ngoại thành chiếm 63 xã. Với tổng diện tích 2.095,01 km², năm 2007 thành phố có dân số 6.650.942 người, mật độ trung bình 3.175 người/km². Lượng dân cư này tập trung chủ yếu trong nội thành, gồm 5.564.975 người, mật độ lên tới 11.265 người/km². Trong khi đó các huyện ngoại thành chỉ có 1.085.967 người, đạt 678 người/km².

ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ – XÃ HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành phố bước vào thực hiện kế hoạch 2006 – 2010 trong bối cảnh khá thuận lợi của giai đoạn tăng trưởng và phát triển ổn định từ những năm 2001 – 2005, kinh tế Thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 2 năm 2006 – 2007 nhưng đến cuối năm 2007 kéo dài đến năm 2009 đã bị ảnh hưởng mạnh của tình hình lạm phát cao, tiếp đến là cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là các lĩnh vực xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và du lịch…

1. Về kinh tế:

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn Thành phố 5 năm 2006 – 2010 ước tăng trưởng bình quân 11%/năm, tương đương với mức tăng bình quân giai đoạn 2001 – 2005 trong điều kiện rất khó khăn. Quy mô kinh tế Thành phố năm 2010 gấp 1,7 lần năm 2005, GDP bình quân đầu người năm 2010 ước 2.800 USD, gấp 1,68 lần so với năm 2005 (1.660 USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực, thể hiện rõ xu hướng lấy dịch vụ và công nghiệp có hàm lượng khoa học – công nghệ và giá trị gia tăng cao làm nền tảng phát triển. Từ năm 2006 tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đã cao hơn khu vực công nghiệp, từ đó cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển dịch đúng hướng và hiệu quả hơn; năm 2001 trong cơ cấu kinh tế Thành phố khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 52,6%, công nghiệp là 45,4%, nông nghiệp là 1,4%; đến năm 2005, dịch vụ là 50,6%, công nghiệp là 48,2%, nông nghiệp là 1,2% và đến năm 2010, dịch vụ chiếm tỷ trọng 54,5%, công nghiệp chiếm 44,3%, nông nghiệp chiếm 1,2%. Như vậy khu vực dịch vụ tăng trưởng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, khu vực công nghiệp – xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng chậm hơn khu vực dịch vụ và tỷ trọng ngày càng giảm, khu vực nông nghiệp vẫn giữ mức ổn định trong nền kinh tế; điều này cho thấy kinh tế Thành phố đang chuyển dần sang xu hướng nền kinh tế của đô thị phát triển theo hướng hiện đại hóa.

– Lĩnh vực dịch vụ:

Khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp cao nhất trong GDP, tăng bình quân 12%/năm; về quy mô giá trị tăng gấp 1,8 lần so với giai đoạn 2001 – 2005; cơ cấu nội bộ các ngành dịch vụ chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh như tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, du lịch, bưu chính – viễn thông, vận tải – cảng – kho bãi, khoa học – công nghệ, giáo dục và y tế chất lượng cao.

Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006 – 2010 ước tăng bình quân 9,2%/năm, xuất khẩu trừ dầu thô tăng 15,7%/năm. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2006 – 2010 ước tăng bình quân 9%/năm.

Ngành du lịch với số lượng khách du lịch quốc tế tăng từ 2,35 triệu lượt người vào năm 2006; 2,7 triệu lượt vào năm 2007 và 2,8 triệu lượt người vào năm 2008; 2,52 triệu lượt người năm 2009. Tuy lượng khách quốc tế có giảm nhưng doanh thu vẫn tăng từ 16,2 nghìn tỷ đồng (năm 2006) lên 37,5 nghìn tỷ đồng (năm 2010) là do chi tiêu của khách du lịch tăng và việc phát triển các loại hình du lịch có mức doanh thu cao như du lịch tàu biển, du lịch hội nghị – hội thảo.

– Sản xuất công nghiệp – xây dựng:

Khu vực công nghiệp – xây dựng đạt tốc độ giá trị gia tăng 10%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006 – 2010 (giá so sánh 1994) gấp 1,85 lần so với giai đoạn 2001 – 2005.

Các ngành công nghiệp đang được cơ cấu lại, hướng vào ngành có hàm lượng khoa học – công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn; giảm dần các ngành thâm dụng lao động, gia công, các ngành ô nhiễm môi trường. Tỷ trọng 4 ngành công nghiệp trọng yếu, có hàm lượng khoa học – công nghệ và giá trị gia tăng cao như: cơ khí chế tạo, điện tử – công nghệ thông tin, hóa chất và chế biến tinh lương thực thực phẩm đã tăng từ 53% năm 2005 lên 58,8% năm 2010 trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp công nghệ thông tin có mức doanh thu hàng năm chiếm khoảng 40% doanh thu của cả nước, góp phần đưa Thành phố trở thành một trung tâm hàng đầu về phát triển công nghệ thông tin của cả nước, với tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hàng năm trong 4 năm 2006 – 2009 đạt 46,2%/năm.

– Sản xuất nông nghiệp:

Khu vực nông nghiệp có tốc độ giá trị gia tăng bình quân 4%/năm và chuyển dịch mạnh sang nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đúng định hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Tỷ trọng các ngành cuối năm 2009 so với năm 2005 như sau: trồng trọt từ 40,6% còn 29%, chăn nuôi từ 26% tăng lên 37,1%, thủy sản từ 26% còn 22,3%, dịch vụ từ 5% lên 10,2%, lâm nghiệp từ 2,4% còn lại 1,4%.

– Đầu tư toàn xã hội tăng trưởng cao, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện

Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm 2006 – 2010 của Thành phố đạt 598.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần giai đoạn 2001 – 2005, tốc độ tăng bình quân là 24,6%/năm, chiếm tỷ trọng 41,3% GDP trên địa bàn thành phố.

Thành phố đã chủ động đề xuất, xây dựng, thực hiện cơ chế đa dạng hóa các hình thức huy động vốn để phát triển. Tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng giảm, bình quân 5 năm là 12%, chứng tỏ đầu tư từ ngân sách là đúng hướng; đặc biệt vốn đầu tư của các thành phần kinh tế với nhiều hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, BOO, PPP đã góp phần mở rộng hơn việc huy động đầu tư toàn xã hội, thể hiện sự năng động, đổi mới của thành phố trong đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Việc thu hút đầu tư trong nước, thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh tiếp tục đạt được những tiến bộ, tổng số doanh nghiệp đăng ký mới đạt 103.948 doanh nghiệp với tổng số vốn đạt 726.119 tỷ đồng, tương đương 41 tỷ USD đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số dự án mới thu hút là 2.192 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 19,5 tỷ USD, gấp 5,2 lần so với giai đoạn 2001 – 2005.

– Thu – chi ngân sách

Thu – chi ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố đạt kết quả rất khả quan trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 569.510 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001 – 2005, đóng góp trên 30% ngân sách quốc gia. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước so với GDP đạt mức khá cao, bình quân 5 năm tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 38,9%. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 146.757 tỷ đồng, bằng 25,77% so với tổng thu và thành phố đã đóng góp 74,23% tổng thu ngân sách trên địa bàn cho ngân sách quốc gia.

Cơ cấu thu ngân sách từng bước vững chắc hơn, thu nội địa trở thành nguồn thu quan trọng và chủ yếu trong tổng ngân sách, tỷ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô và ghi thu ghi chi) đã tăng từ 56,8% giai đoạn 2001 – 2005 lên 58,2% giai đoạn 2006 – 2010; tốc độ tăng thu nội địa bình quân 26,97%/năm.

– Quy hoạch và quản lý quy hoạch có nhiều cải tiến:

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025; thành phố đang triển khai xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và những năm sau. Chất lượng công tác quy hoạch được nâng cao, đổi mới cách tiếp cận, gắn với quy hoạch Vùng thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam Bộ; quy hoạch chung xây dựng gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội,…

– Phát triển hạ tầng giao thông có nhiều tiến bộ:

Trong 5 năm 2006 – 2010 hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố được tập trung đầu tư xây dựng mới một số tuyến đường trục xuyên tâm quan trọng, các cầu lớn trên tuyến và sửa chữa nâng cấp, mở rộng cầu và đường trên toàn thành phố với tổng chiều dài 523,5 km; diện tích đường tăng thêm là 4.204.800m2; số cây cầu tăng thêm là 84 cầu.

2. Về xã hội:

Đến nay, 100% quận – huyện đã hoàn tất quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học, tổng số trường mầm non trên địa bàn thành phố là 659 trường với 7.273 phòng học; 12.402 phòng học bậc tiểu học; 7.556 phòng học bậc trung học cơ sở và 4.414 phòng học bậc trung học phổ thông; cùng 41 trường đại học, 31 trường cao đẳng.

Các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố hiệu quả, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi từ 7,8% năm 2006 giảm xuống còn 5,3% năm 2009.

Trong 5 năm 2006 – 2010, đã giải quyết việc làm cho 1,35 triệu lượt người, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 267.000 lao động, kết quả giải quyết việc làm giai đoạn 2006 – 2010 so với giai đoạn 2001 – 2005 bình quân mỗi năm tăng 27,7%, tạo gần 589.000 chỗ làm việc mới. Thành phố cũng đã đưa đi lao động nước ngoài trên 50.400 lượt người.

Chương trình xóa đói giảm nghèo thành phố được triển khai từ năm 1992, đã trải qua 2 giai đoạn (giai đoạn 1: 1992-2003; giai đoạn 2: 2004-2008), với 6 lần điều chỉnh nâng mức chuẩn nghèo cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Chương trình đã trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho hơn 200.000 hộ dân tự vươn lên thoát đói, giảm nghèo (gồm 127.856 hộ trong giai đoạn 1 và 75.818 hộ trong giai đoạn 2), đến cuối năm 2008, số hộ nghèo còn 2.754 hộ, chiếm tỷ lệ 0,3% hộ dân.