Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trang chủKinh tế địa phương và
vùng lãnh thổ
63 tỉnh, thành phố
Tỉnh Gia Lai

  • Điều kiện tự nhiên
  • Danh lam thắng cảnh
  • Đơn vị hành chính
  • Kinh tế – Xã hội

1. Vị trí địa lý:

Gia Lai là một tỉnh miền núi – biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên trên độ cao 600 – 800m so với mặt biển với diện tích 15.536,9 km², tỉnh Gia Lai trải dài từ 15°58’20” đến 14°36’36” vĩ Bắc, từ 107°27’23” đến 108°94’40” kinh Đông. Phía bắc giáp tỉnh Kon Tum, phía nam giáp tỉnh Đắk Lắk, phía tây giáp Campuchia với 90 km đường biên giới quốc gia, phía đông giáp các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.

2. Khí hậu:

Gia Lai thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới gió mùa, dồi dào về độ ẩm, có lượng mưa lớn, không có bão và sương muối.

Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Vùng Tây Trường Sơn có lượng mưa trung bình năm từ 2.200 – 2.500 mm, vùng Đông Trường Sơn từ 1.200 – 1.750 mm. Nhiệt độ trung bình năm là 22 – 25°C. Khí hậu và thổ nhưỡng Gia Lai rất thích hợp cho việc phát triển nhiều loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp nông lâm nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao.

3. Đặc điểm địa hình:

Địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và nghiêng từ Đông sang Tây, chia thành 3 dạng chính: địa hình đồi núi, chiếm 2/5 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đặc biệt là dãy núi Mang Yang kéo dài từ đỉnh Kon Ko Kinh đến huyện Kông Pa, chia thành 2 vùng khí hậu rõ rệt là Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn; địa hình cao nguyên; là cao nguyên đất đỏ bazan – Pleiku và cao nguyên Kon Hà Nùng, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên; địa hình thung lũng, được phân bố dọc theo các sông, suối, khá bằng phẳng, ít bị chia cắt.

4. Dân số:

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009160.JPG

Cô gái bộ tộc Jrai

Dân số tỉnh Gia Lai đến cuối năm 2008 có 1.188,5 nghìn người (28,9% dân số thành thị, còn lại 71,1% dân số nông thôn), mật độ 76 người/km2,bao gồm nhiều cộng đồng dân tộc cùng sinh sống. Tỉnh Gia Lai có cộng đồng nhiều dân tộc chung sống, người Kinh chiếm 52% dân số, còn lại là người Gia Rai (33,5%), Ba Na (13,7%), Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cơ Ho, Nhắng, Thái, Mường…

5. Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên đất

Toàn tỉnh có 27 loại đất, được hình thành trên nhiều loại đá mẹ thuộc 7 nhóm chính: đất feralit (đất đỏ vàng) chiếm 53% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; đất đỏ vàng trên đá granit và riolit phân bố tập trung ở gần rìa của khối đất đỏ bazan; đất xám trên đá granit và phù sa cổ chiếm 25,2%, phân bố tập trung theo 2 hệ thống sông lớn, còn lại các nhóm khác phân bố rải rác ở nhiều nơi.

Thực chất, tài nguyên đất ở Gia Lai đã được khai thác và sử dụng từ lâu, trước kia là khai thác tự nhiên phục vụ cho nhu cầu sinh sống của đồng bào dân tộc, ngày nay nguồn tài nguyên này đặc biệt được chú trọng khai thác và đưa vào sản xuất nông – lâm nghiệp với quy mô lớn, hình thành những vùng chuyên canh. Trên cơ sở các điều kiện sinh thái tự nhiên của tỉnh, có thể chia thành 3 vùng: đất đỏ bazan cao nguyên Pleiku, diện tích tập trung lớn, địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi; dân cư và cơ sở hạ tầng tập trung; vùng thung lũng sông suối ở phía Nam, Đông, Đông Nam và Tây Nam là vùng đất phù sa, đất xám. Các vùng đồi núi phía Bắc, Đông và Đông Nam có địa hình chia cắt.

 b. Tài nguyên rừng

Rừng ở Gia Lai rất phong phú về các loài, kiểu, dạng khác nhau về tính chất, hình thái và ý nghĩa kinh tế. Gia Lai có gần 1 triệu ha đất lâm nghiệp, diện tích có rừng là 749.769 ha, trữ lượng gỗ 75,6 triệu m3. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích lâm nghiệp, 30% diện tích có rừng và 38% trữ lượng gỗ. Ngoài ra, rừng Gia Lai còn có khoảng gần 100 triệu cây tre nứa và các loại lâm sản có giá trị khác như song mây, bời lời, sa nhân…và các loại chim thú quý hiếm. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm từ 65.000 – 85.000 m3 sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến gỗ, bột giấy với quy mô lớn và chất lượng cao

Trong gần 25.000 ha rừng trồng có hơn 5.000 ha bạch đàn đã đến chu kỳ khai thác, đồng thời đã quy hoạch trên 20.000 ha đất dùng để trồng nguyên liệu giấy phục vụ cho sản xuất giấy và bột giấy. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 280.000 ha đất trống, đồi núi trọc có khả năng trồng rừng lấy gỗ, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan du lịch, trồng các loại cây công nghiệp dài và ngắn ngày với quy mô lớn.

 c. Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản là một tiềm năng kinh tế quan trọng của tỉnh Gia Lai. Theo điều tra của Liên đoàn địa chất 6, tỉnh Gia Lai có nhiều khoáng sản, nổi bật nhất là vàng, nguồn vật liệu xây dựng, bôxit và đá quý.

Bôxít đã phát hiện được một mỏ và 4 điểm nằm ở vùng Kon Hà Nùng, các mỏ này đều nằm trong vỏ phong hoá bazan, trữ lượng bôxit trên địa bàn rất lớn, khoảng 650 triệu tấn. Ngoài ra, còn có sắt, thiếc, chì…nhưng quy mô nhỏ. Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 73 điểm có vàng, trong đó có 66 điểm quặng hoá gốc và 6 điểm sa khoáng, các vùng có triển vọng là Kông Chro, Kbang, Ayun Pa, Krông Pa La, La Grai. Hàm lượng vàng trung bình 18,11 gam/tấn đá, ngoài ra còn có hàm lượng bạc trung bình khoảng 10,67 gam/tấn (theo tài liệu sơ bộ  của tỉnh là 1,25 gam/m2).

Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoáng sản phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi (đã phát hiện được 6 điểm nhưng có triển vọng nhất là mỏ đá vôi Chư Sê). Khoáng sản làm vật liệu xây dựng khác như đá bazan xây dựng ở đèo Chư Sê, Plâycu, Chư Păh. Đá granit có trữ lượng 90,1 triệu m3, chủ yếu ở Chư Sê (53,4 triệu m3 ở bắc Biển Hồ, An Khê, La Khươi,..). Sét gạch ngói phân bố rộng khắp toàn tỉnh nhưng tập trung lớn ở Ayun Pa, An Khê…Cát xây dựng phân bố dọc sông suối, đặc biệt dọc sông Ba và có 40 loại nhỏ, chất lượng khá, đáp ứng nhu cầu xây dựng. Ngoài ra còn có các mỏ than bùn ở Biển Hồ, Chư Păh đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất phân vi sinh.

 d. Tài nguyên nước

Gia Lai là vùng đất đầu nguồn của nhiều hệ thống sông lớn như sông Ba, Sê San, Ayun chảy xuống vùng duyên hải miền trung và sông Mê Kông với tiềm năng lớn về thuỷ điện.

 

1. Danh lam thắng cảnh:

a. Về du lịch văn hóa – lịch sử

Di tích lịch sử – văn hoá Tây Sơn Thượng Đạo

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009161.JPG

Cuộc khởi nghĩa nông dân vĩ đại do anh em nhà họ Nguyễn lãnh đạo bùng nổ năm 1771. Vùng núi rừng An Khê, Kbang của Gia Lai trở thành căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa. Chính từ căn cứ Tây Sơn Thượng đạo này, đại quân của cuộc khởi nghĩa đã tràn xuống đồng bằng cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Đống Đa lẫy lừng, quét sạch 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giành lại độc lập cho tổ quốc. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử truyền thống đấu tranh yêu nước của nhân dân các dân tộc Gia Lai.

Các anh em nhà Tây Sơn mà tiêu biểu là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã lập được mối quan hệ anh em giữa người Kinh và người Thượng, tập hợp được các dân tộc Bắc Tây Nguyên ở vùng Tây Sơn Thượng đạo như người Bahnar, Jrai vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ngày 14/6/1991, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo đã được Bộ Văn hoá, Thông tin cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa, quần thể gồm 6 di tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ: An Khê Đình, Gò Chợ, hòn đá Ông Bình, hòn đá Ông Nhạc, Vườn mít – Cánh đồng Cô Hầu, kho tiền – nền nhà ông Nhạc.

Nhà tù Pleiku

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009166.JPG

Nhà tù Pleiku thuộc phường Diên Hồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, nằm cách Bưu điện Gia Lai khoảng 300m về phía nam, có thể đến di tích này bằng các loại phương tiện xe ôtô, mô tô hoặc đi bộ. Nhà tù Pleiku là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975), nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại nhà lao này.

Ngược dòng lịch sử vào năm 1925, người Pháp cho xây cất nhà lao Pleiku để giam giữ tù thường phạm, chủ yếu là người dân tộc sinh sống tại Tây Nguyên. Đến năm 1940, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc phát triển mạnh mẽ, lúc bấy giờ thực dân Pháp đã dùng nơi này để giam giữ những người yêu nước và những chiến sĩ cộng sản mà chúng bắt giữ. Tháng 9-1948, để đáp ứng phong trào đấu tranh trong nhà tù của những người cộng sản, chi bộ nhà lao Pleiku được thành lập. Chi bộ nhà lao Pleiku đã nhiều phen làm cho chính quyền thực dân phải khiếp sợ và đáp ứng những yêu sách của tù chính trị.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ vẫn sử dụng nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị, nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại nhà lao này, nhưng các chiến sĩ cộng sản bị giam giữ tại nhà lao này vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, tiếp tục tham gia các phong trào đấu tranh trong nhà lao…

b. Về du lịch sinh thái:

Khám phá vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009170.JPG

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trên vùng giáp ranh giữa Đông và Tây Trường Sơn, về phía Đông- Bắc tỉnh Gia Lai, trong phạm vi địa giới hành chính của các xã: Đak Roong, Kroong, Kon Pne (huyện Kbang), Hà Đông (huyện Đak Đoa) và Ayun (huyện Mang Yang).

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có 652 loài thực vật có mạch, đặc biệt là pơmu, 42 loài thú, 160 loài chim, 51 loài bò sát, ếch nhái và 209 loài bướm. Có 110 loài thực vật có thể làm thuốc gia truyền.

Đây cũng là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm (nhiệt độ 18- 20°C), lại có nhiều quang cảnh đẹp, như: các kiểu sinh thái cảnh rừng trên núi trải rộng theo vành đai cao từ 700 – 1.748 m. Đặt biệt quan trọng là 2.000 ha rừng hỗn giao  giữa các loài cây lá rộng và lá kim, trong đó có pơmu.

Hệ thống sông, suối, thác, ghềnh tạo nên những cảnh quan hấp dẫn, như: Suối Knia, Đak Kơ Bưng, thác Đak Pooc (50)… Đó là những điều kiện vô cùng thuận tiện cho việc đầu tư phát triển khu vực này trở thành địa điểm nghỉ dưỡng núi gắn với tham quan cảnh quan thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Tây Nguyên.

Biển hồ Tơ Nưng

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009159.JPG

Biển hồ Tơ Nưng nằm ở xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Biển hồ Tơ Nưng nguyên là một miệng núi lửa ngừng hoạt động đã hàng trăm triệu năm. Hồ có hình bầu dục, diện tích 230 ha.

Biển hồ gần quốc lộ 14 và quốc lộ 19 nên rất thuận tiện cho khách đến tham quan. Đứng bên hồ, du khách có thể phóng tầm mắt để nhìn bao quát cả một vùng: đây là những quả đồi đất đỏ badan, những đồi chè, những đồi cà phê trĩu quả. Kia là thành phố Pleiku – phố núi cao, phố núi đầy sương. Xa xa là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Du khách còn gặp ở đây những ngôi nhà rông cao vút.

Trong vòng bán kính 6 km về hướng nam là núi Hàm Rồng. Hàm Rồng là dương, dương từ khí núi, hiên ngang như tấm bình phong chắn gió. Ngược lại, biển hồ cũng là miệng một núi lửa nhưng khác là âm sâu xuống lòng đất. Các nhà khảo cổ học đã thám sát, thăm dò và khai mở trang sử từ lòng đất này cho chúng ta biểt về văn hóa biển hồ – nền văn hóa đặc sắc thời tiền sử…Biển hồ Tơ Nưng được ví như hạt ngọc của Pleiku, của cả Tây Nguyên và là một điểm du lịch quan trọng của tỉnh.

Hồ Ayun Hạ

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009163.JPG

Hồ Ayun Hạ nằm trên địa bàn xã Chư A Thai, huyện Ayun Pa và xã H Bông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Với bề mặt thoáng của hồ, rộng 37 km², dung tích 253 triệu m³ nước (ứng với mực nước dâng bình thường), hồ Ayun Hạ còn là nơi cung cấp nguồn thuỷ sản lớn cho khu vực Ayun Hạ và thành phố Pleiku. Ngoài ra, mặt hồ còn là nơi tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước, tổ chức các đội tàu, thuyền phục vụ khách du lịch tham quan, dã ngoại ngắm cảnh ven hồ.

Hồ Ayun Hạ là hồ nước nhân tạo, hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại vào đầu năm 1994, để khởi công xây dựng công trình thuỷ lợi Ayun Hạ, đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chư A Thai – huyện Ayun Pa, cách thành phố Pleiku 70 km về phía tây. Vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã H Bông huyện Chư Sê.

Hồ Ayun Hạ ngoài tác dụng cung cấp nước tưới cho 13.500 ha lúa nước, còn là hồ cung cấp nguồn thuỷ năng lớn ở khu vực, nhà máy thuỷ điện Ayun Hạ đã được xây dựng và đã chính thức hòa điện vào lưới điện quốc gia (đầu năm 2001), với 2 tổ máy đi vào hoạt động có công suất 3.000 kwh.

Yaly

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009171.JPG

Yaly không chỉ nổi tiếng vì có một trong những nhà máy thuỷ điện lớn nhất Việt Nam mà còn có nhiều cảnh đẹp hùng vĩ. Nơi đây là một điểm du lịch tuyệt vời về cảnh quan và môi trường, đồng thời còn là nơi cung cấp các loài thuỷ sản nước ngọt cho Tây Nguyên.

Yaly có vị trí lý tưởng với nhiều hồ nước rộng, nhiều ốc đảo, cảnh quan đẹp, dòng sông Sê San với những địa danh đã đi vào lịch sử. Nơi đây còn có nguồn tài nguyên nhân văn lưu giữ trong cộng đồng người dân Jarai ở laMơnông và vẫn giữ được các nếp sinh hoạt và giá trị văn hoá truyền thống như kiến trúc nhà ở, nhà rông, nhà mồ, lễ PơThi (bỏ mả), lễ hội đâm trâu…

Do cảnh quan ngoạn mục và các điều kiện tự nhiên lý tưởng, Yaly đã được Công ty Dịch vụ – Du lịch Gia Lai chú ý, chọn làm điểm khởi đầu tổ chức các tour trong chương trình du lịch của tỉnh. Đến đây, du khách sẽ được hướng dẫn đi thăm Nhà máy Thủy điện Yaly, thăm bản làng dân tộc Jarai và đi thuyền ngược dòng sông Sê San ngắm cảnh sông nước, thưởng ngoạn không khí rừng núi lên thượng nguồn Kon Tum. Tại thị xã này, du khách được đi thăm các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hoá của địa phương trước khi lên ôtô về lại Pleiku.

Đồi thông Đăk Pơ

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009162.JPG

Đồi thông Đăk Pơ thuộc địa phận huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai. Đây là một điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với những rặng thông tự nhiên có tuổi thọ hơn 40 năm.

Đây là một khu rừng thông mọc tự nhiên có tuổi thọ hơn 40 năm với mật độ phân bổ khoảng từ 500 đến 600 cây/ha và nằm ở độ cao trung bình khoảng 1.150 m so với mực nước biển.

Thiên nhiên đã ưu ái cho Đăk Pơ một rừng thông bạt ngàn và cả một thảo nguyên cỏ tranh xanh mượt nằm kế bên. Khi đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào bầu không khí trong lành, mát mẻ; được ngắm nhìn những con suối chảy len lỏi qua các kẽ đá hay những dòng thác lớn nhỏ từ trên cao đổ xuống… Khi đi dưới bóng mát của những rặng thông, du khách sẽ thấy thoang thoảng bên tai mình tiếng gió thổi vi vu pha lẫn trong sự cảm nhận của du khách về cảnh đẹp nơi đây – thật giản dị, mộc mạc…

Thác Xung Khoeng

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009169.JPG

Thác Xung Khoeng thuộc địa phận xã Ia Me, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Thác Xung Khoeng là nơi nghỉ ngơi thú vị, ở đây du khách vừa được ngắm vẻ hùng tráng của thiên nhiên, vừa hít thở không khí trong lành khiến cho tâm hồn thư thái, tĩnh lặng.

Mặt thác lớn, trải rộng và tương đối bằng phẳng. Hai bên bờ, cây cối mọc um tùm. Phía sau thác là nền trời xanh thẳm cao lồng lộng. Nước đổ xuống uốn cong theo triền đá mềm mại, đập vào các tảng đá nổi lên trên mặt nước tung bọt trắng xoá. Nước chảy len lỏi trong các khe đá, trên thảm cỏ xanh làm thành một vùng hồ nước trong vắt, sát với các vách đá xung quanh.

2. Lễ hội truyền thống:

Lễ Bỏ mả (Lễ Bơ thi) của người Bahnar và Jrai

Lễ Bỏ mả hàng năm khi mừa mưa vừa chấm dứt (từ tháng 11 đến hết tháng 4 dương lịch), khi mùa màng đã thu hoạch xong. Cả người Bahnar và Jrai đều có một từ chung để gọi Lễ Bỏ mả là Bơ thi. Lễ Bỏ mả là lễ hội lớn nhất, dài ngày và đông vui nhất của cư dân bản địa Gia Lai, từ 3 đến 6 ngày.

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009164.JPG

Theo quan niệm của cư dân bản địa Gia Lai, người sống đều có hồn, khi chết hồn biến thành ma. Hàng ngày, người thân của người chết phải đem cơm nước đến nhà mồ, quét dọn nhà mồ. Chỉ sau khi làm Lễ Bỏ mả người chết mới đi về thế giới tổ tiên, chấm dứt mọi ràng buộc giữa người sống với người chết.

Lễ Bỏ mả gồm 3 bước sau: Lễ dựng lại nhà mồ, lễ bỏ và lễ giải phóng.

Lễ Bỏ mả thường diễn ra vào buổi chiều, bắt đầu một cuộc trình diễn lớn quanh nhà mồ. Sau khi già làng làm lễ cúng xong, thân nhân của người quá cố vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Tiếng cồng chiêng, tiếng trống nổi lên, đoàn rước gồm những người đánh khiên và đánh trống, người đánh cồng chiêng, người đeo mặt nạ, người trình diễn những con rối, phụ nữ thì múa, họ đi vòng quanh nhà mồ biểu diễn những động tác của mình theo tiếng nhạc. Trang phục những người tham gia đều rất trang nghiêm và sặc sỡ.

Sau khi làm lễ giải phóng người sống không còn một ràng buộc gì với người chết. Họ có thể đi lấy vợ, lấy chồng, có thể dự những cuộc vui của dân làng. Đến đây Lễ Bỏ mả cũng chấm dứt, ngôi nhà mồ củng bị bỏ luôn.

Có thể nói, Lễ bỏ mả là một trong những đặc trưng văn hóa tiêu biểu nhất của các dân tộc tỉnh Gia Lai. Đến với Lễ bỏ mả, du khách còn được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc nhà mồ, điêu khắc tượng nhà mồ – những giá trị có một không hai của đất nước Việt Nam.

Lễ hội đâm Trâu

Đồng bào Jrai, Bahnar thường tổ chức lễ hội đâm trâu trong khoảng thời gian từ đầu tháng chạp năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Người Bahnar tổ chức trong 3 ngày, còn người Jrai tổ chức trong một ngày rưỡi. Lễ hội đâm trâu được tổ chức vào dịp mừng chiến thắng , mừng thắng lợi của cộng đồng, khánh thành nhà rông, lễ cầu an, lễ xoá điềm xấu, điềm gở cho cả buôn làng hoặc tạ ơn thần linh. 

Hàng năm dân làng tổ chức một lần lễ hội đâm trâu tại nhà rông, mọi phí tổn trong ngày hội do dân làng đóng góp lại. Người chủ trì ngày hội là già làng, đứng gần cột buộc trâu. Thanh niên nam nữ đánh chiêng, cồng, múa đứng sau lưng già làng. Những thanh niên có nhiệm vụ đánh trống, chiêng, cồng trong ngày hội, đầu chít khăn đỏ, mặc áo (loại áo ngày lễ dành cho con trai), đóng khố. Nữ thanh niên mặc áo phia, váy koteh (loại áo, mặc ngày hội của con gái).

Khi già làng khấn xong, tiếng chiêng, cồng bắt đầu nổi lên hòa với tiếng hú của dân làng. Cảnh buôn làng trở nên rộn ràng, sinh động. Những ngày ở lễ hội đâm trâu, là những ngày hội của nghệ thuật cồng chiêng vì nhiều nhà đem bộ cồng chiêng của mình tới tham dự. 

Hết ngày thứ nhất, sang ngày thứ hai, tiếng cồng chiêng càng nổi lên rộn rã, những thanh niên khoẻ mạnh, đầu chít khăn đỏ, tay cầm khiên, gươm sáng loáng lao ra, vừa múa vũ khí, vừa đi vòng tròn để lừa dịp đâm trâu. Sau cuộc nhảy múa, họ bắt đầu đâm trâu. Khi con trâu đã tắt thở, thầy cúng mang chiêng, nồi đồng nhỏ đến hứng huyết trâu hòa với rượu, bộ phận đao kiếm tiếp tục xẻ thịt trâu, làm thịt trâu xong, họ chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu sẽ được dành lại để uống rượu chung tại nhà rông.

Lễ hội cơm mới  

Các dân tộc sống ở vùng Tây nguyên sau mùa thu hoạch sẽ tổ chức lễ ăn cơm mới, đây cũng là lễ hội đặc trưng của người Bahnar và Jrai được tổ  chức để tạ ơn thần lúa, mừng mùa thu hoạch mới, cầu mong cho ruộng nương ngày càng nhiều thóc lúa. Dân làng cúng thần lúa bằng heo, gà… lễ ăn cơm mới được tổ chức ở nhà rông hoặc nhà riêng. Việc tổ chức lễ ăn cơm mới tuỳ thuộc vào khả năng thu hoạch nhiều hay ít của từng gia đình. Đây là cơ hội để chủ nhà mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn làng lân cận đến chung vui, ăn uống, nhà nào đông khách được coi là một vinh dự lớn. Trong ngày vui này người ta đánh cồng chiêng, trống vui chơi ca hát cho đến khi tiệc tàn. 

Lễ cầu mưa 

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009165.JPG

Lễ cầu mưa  

Đồng bào Tây Nguyên thường làm lễ cầu mưa khi sắp bước vào mùa trồng tỉa. Nhưng cũng có lúc đồng bào cầu mưa khi cây trồng đang trong thời kỳ sinh trưởng mà Yang (ông trời) quên đem mưa tưới xuống rẫy nương, hay vì tức giận mà không cho mưa đến một vùng nào đó. Tuỳ theo từng tộc người, lễ cầu mưa của các dân tộc có thể được tổ chức ở từng gia đình, tổ chức theo cộng đồng. Một bộ phận cư dân có hẳn người đại diện Yang tại mặt đất chuyên lo việc cầu mưa. Thông thường lễ cầu mưa được tổ chức tại bến nước. Đồng bào đắp một đám đất bằng chiếc mâm, tượng trưng cho đám rẫy, trong đó đặt các lễ vật gồm: một ghè rượu, một chiếc gùi có treo thịt quanh vành gùi, 2 khúc lồ ô cắt ngắn đựng rượu đặt bên ngoài chân đế gùi. Ngoài ra, còn có 2 chiếc lá đựng thịt cũng đặt trên mâm đất và 3 ống nứa dựa 3 phía thân gùi tượng trưng cho những công cụ chứa nước mưa. Lễ cầu mưa do Pơtao Apui đảm nhận.

Lễ cầu mưa là một hiện tượng tín ngưỡng dân gian, phản ánh nguyện vọng của một bộ phận cư dân nông nghiệp. Ở Tây Nguyên nó tồn tại song hành cùng hình thái kinh tế trồng lúa rẫy và hiện chỉ còn thấy ở vùng xa, bởi sự hiện diện ngày càng nhiều các công trình thuỷ lợi có sức tưới hàng chục nghìn ha làm cho mưa không còn là nhu cầu bức thiết của dân cư, vì thế lễ cầu mưa ngày một thưa vắng dần, chỉ còn là mối quan tâm của những người yêu mến nền văn hoá cổ truyền Tây Nguyên.

Lễ cúng bến nước 

Đây là một trong những hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Êđê ở Tây Nguyên.

Nếu Lễ cầu mưa diễn ra hàng năm vào đầu mùa trồng tỉa (khoảng tháng 4 dương lịch), thì Lễ cúng bến nước được tổ chức hằng năm sau mùa thu hoạch để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Theo đúng phong tục, buổi lễ cúng bến nước thường diễn ra như một ngày hội của buôn làng. Sau một hồi chiêng ngân dài sâu thẳm và trang nghiêm, lễ cúng bến nước được bắt đầu bằng lễ cúng ông bà tổ tiên để thông báo cho ông bà về sự có mặt đông đủ của con cháu trong làng, tiếp đó thầy cúng mới làm lễ cúng Yang cầu mưa. Kết thúc buổi lễ những cô gái trong trang phục truyền thống, lưng đeo gùi, cùng mọi người theo bước chân thầy cúng về bến nước đầu làng. Những bầu nước mát ngọt được những người con của buôn làng gùi về trong niềm vui hân hoan. Mọi người lại quây quần bên nhau uống rượu cần trong âm hưởng rộn ràng của cồng chiêng Tây Nguyên.

3. Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng:

Rượu cần

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009168.JPG

Đây là đặc sản rất riêng của núi rừng Tây Nguyên, rượu cần được làm từ men rượu ủ với cơm, ngô, sắn nấu chín đựng trong ghè sành, trên phủ lá chuối khô nén chặt. Độ 4-5 ngày rượu cần ngấm men, khi uống cho thêm nước lọc vào. Rượu cần có nồng độ nhẹ, có vị chua chua, ngọt ngọt, người ta uống rượu bằng cần. Trong những dịp Tết, lễ hội người ta thường uống rượu cần để chúc mừng sức khoẻ, mừng mưa thuận gió hoà.

Cơm lam, hương vị của núi rừng Tây Nguyên

Cơm lam là một món ăn truyền thống đậm chất dân dã của dân tộc Jrai, Bahnar. Theo truyền thống của người Bahnar, Jrai, cơm lam thường được sử dụng làm lương thực khi đi lên rẫy, thết đãi bạn bè hay trong các dịp lễ trọng đại của cộng đồng. 

Cách làm cơm lam cũng khá đơn giản nhưng để ống cơm đạt chất lượng cao, người ta phải kỳ công chọn những ống lồ ô loại đúng độ tuổi mới có nước ngọt bên trong. Người Jrai nấu cơm bằng một phương pháp mang đặc trưng riêng của núi rừng, đó là vùi sâu trong tro nóng. Chính nước ngọt trong ống lồ ô kết hợp với gạo nếp dẻo, nước suối trong vắt chảy trong rừng sẽ tạo nên một cơm lam hương vị đặc biệt mang đậm sắc thái của vùng đất bazan màu mỡ, có thể làm say lòng bất cứ người thưởng thức nào. Hương vị chân chất, mộc mạc rất đỗi ngọt ngào nhưng cũng không kém phần tinh tế. Tuy rất đỗi quen thuộc với người Jrai nhưng cơm lam lại là một khám phá tuyệt vời của người thưởng thức nó khi đến với Gia Lai. 

Trong sự biến thiên, giao thoa của các giá trị tinh thần, cơm lam không còn là món ăn của riêng đồng bào dân tộc thiểu số nữa mà nó đã trở thành tài sản chung trong khối tài sản văn hóa các dân tộc Việt Nam. Cơm lam xuất hiện ngày càng nhiều trong các bữa tiệc thịnh soạn, những bữa cơm thết đãi người thân, bạn bè ở các nhà hàng, khách sạn của tỉnh Gia Lai. Giữa không gian mênh mông, thoáng đãng, từng khúc cơm lam trắng ngần chấm muối vừng ăn với thịt gà, lợn nướng thật không gì thú bằng. Trong men rượu cần chuếnh choáng say, người ăn thưởng thức cơm lam đậm hương vị nồng ấm của cây, của đất và như tận hưởng được cả thanh âm của núi rừng. Cơm lam của người JRai, Bahnar thể hiện sâu sắc tính cộng đồng, gắn kết chặt chẽ với nhiều chi tiết liên quan đến đời sống thường nhật của người dân. Chính vì thế cùng với thời gian, cơm lam đã nâng lên thành một nét văn hóa ẩm thực, là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Bahnar, JRai.  

Phở khô Gia Lai

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009167.JPG

Phở khô Gia Lai dùng thịt bò trần và nạc heo băm nhỏ. Phở ăn kèm tương và sa tế rất hợp vị. Người Gia Lai xem món phở khô như một phần không thể thiếu trong nét văn hóa ẩm thực của nơi này.

Phở khô là sự kết hợp của hai nguyên liệu: thịt heo và bò trong cùng một món ăn. Để có nước lèo trong, ngọt, người ta nấu xương heo và bò trong nồi nước lèo và phải giữ lửa liu riu khoảng 5-7 giờ để ninh xương thì nước lèo mới ngọt đậm, và phải canh hớt bọt liên tục.

Thịt của phở khô là thịt bò non hoặc thịt bê. Thịt được thái mỏng, trụng thật nhanh qua nước lèo rồi cho vào chén nước, đây là phần nước dùng của phở. Còn thịt nạc heo băm nhuyễn được cho vào tô trên mặt của bánh phở đã trụng cùng với hành phi. Rau ăn chung với phở khô là xà lách, cần và rau quế.

Tô phở khô được dọn lên, ngoài chén nước dùng, các loại rau, còn một gia vị không thể thiếu là tương xay và sa tế. Tương có vị vừa mặn nhưng vẫn có chút ngòn ngọt của đậu được lên men. Cho tương vào tô, trộn đều với bánh phở, thêm tí sa tế để thêm vị thơm, cay. Vị ngọt của miếng thịt bò non mềm cùng vị ngọt của nước dùng cứ hòa lẫn, càng làm cho món ăn trở nên hoàn thiện. Hương vị của phở khô khác hẳn với phở xào, áp chảo, còn nước dùng của nó khác với món phở Bắc truyền thống.

 

1. Bản đồ hành chính:

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009158.JPG

Bản đồ hành chính tỉnh Gia Lai

 

2. Các đơn vị hành chính:

Tỉnh Gia Lai bao gồm 1 thành phố trực thuộc, 2 thị xã, 13 huyện, 22 phường, 12 thị trấn, 181 xã: Thành phố Pleiku, Thị xã An Khê, Thị xã Ayun Pa, tên cũ là Cheo Reo, Huyện Chư Păh (huyện lỵ là Phú Hoà), Huyện Chư Prông, Huyện Chư Sê, Huyện Đắk Đoa, Huyện Đak Pơ, Huyện Đức Cơ (huyện lỵ là Chư Ty), Huyện Ia Grai, Huyện Ia Pa, Huyện K’Bang, Huyện Kông Chro, Huyện Krông Pa (huyện lỵ là Phú Túc), Huyện Mang Yang, Huyện Phú Thiện.

 

1. Trong giai đoạn 2006 – 2010, nền kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm (GDP) liên tục tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 13,6%/năm (mục tiêu đề ra là 12,5%/năm); trong đó ngành nông lâm nghiệp tăng 6,7%/năm, công nghiệp – xây dựng tăng 23,54%/năm, dịch vụ tăng 15,01%. Quy mô của nền kinh tế được nâng lên, GDP tính theo giá so sánh năm 2010 gấp 1,89 lần so với năm 2005; GDP theo giá thực tế năm 2010 đạt 19.250 tỷ đồng, bình quân đầu người năm 2010 đạt 14,78 triệu đồng/người/năm, quy ra USD đạt 774 USD/người/năm bằng 64,5% so với cả nước.

Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, GDP ngànhcông nghiệp- xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng cao.Tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng từ 23,9% năm 2005, tăng lên 31,14% vào năm 2010; ngành dịch vụ tăng tương ứng từ 27,6% lên 27,69%, tỷ trọng ngành nông lâm nghiệp giảm từ 48,5% năm 2005 xuống còn 41,17% năm 2010.

2. Các ngành kinh tế phát triển khá:

– Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp thủy sản (theo giá cố định 1994) năm 2005 đạt 4.804,7 tỷ đồng, năm 2010 đạt 7.096 tỷ đồng, tăng 1,47 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1%/năm.

Tổng diện tích gieo trồng năm 2005 là 364.038 ha tăng lên 444.582 ha năm 2010, tăng 80.544 ha; diện tích cây hàng năm được mở rộng từ 202.325 ha năm 2005 lên 239.380 ha năm 2010, trong đó diện tích lúa đông xuân từ 19.492 ha của năm 2005 tăng lên 24.028 ha năm 2010, tăng 4.536 ha; sản lượng lương thực từ 424.351 tấn tăng lên 518.711 tấn năm 2010, lương thực bình quân đầu người đạt 398 kg/người.

Diện tích cây công nghiệp dài ngày từ 161.713 ha năm 2005 lên 188.533 ha năm 2010, tăng 26.820 ha; sản lượng cao su mủ khô từ 52.144 tấn lên 71.820 tấn, cà phê từ 106.136 tấn nhân lên 144.668 tấn; sản lượng tiêu từ 9.614 tấn lên 22.493 tấn. Đàn gia súc, gia cầm phát triển, đàn bò tăng 3,61%, đàn heo tăng 0,82%, tỷ lệ đàn bò lai từ 34% năm 2005 tăng lên 36%, heo lai từ 53% lên 66% tổng đàn; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm có xảy ra nhưng đã kịp thời khống chế, không để lây lan. Trong 5 năm đã trồng 16.592 ha rừng tập trung. Đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đảm bảo được nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

– Giá trị sản xuất công nghiệp: năm 2005 đạt 1.447 tỷ đồng, năm 2010 đạt 4.860 tỷ đồng tăng gấp 3,3 lần so với năm 2005. Ngành công nghiệp đã đóng góp nhiều vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, trong đó công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng trên 58% cơ cấu giá trị sản xuất của toàn ngành, với các mặt hàng chủ lực như: đá Granit đạt 447.182 m2, tăng 267.182 m2 so với năm 2005; tinh bột sắn đạt 21.900 tấn, tăng 12.408 tấn; đường kết tinh đạt 57.533 tấn, tăng 29.633 tấn…. Các nhà máy thủy điện đóng góp đáng kể vào giá trị sản xuất của ngành công nghiệp; hiện tại trên địa bàn tỉnh có trên 25 nhà máy thuỷ điện đang vận hành với tổng công suất 1.157,3 MW.

Khu công nghiệp Trà Đa đã triển khai trên 95% về diện tích, thu hút 30 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 860,5 tỷ đồng, trong đó 21 dự án đã đi vào hoạt động ổn định. Đã quy hoạch khu công nghiệp Tây Pleiku; các huyện, thị xã, thành phố cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp.        

 –Ngành thương mại dịch vụ: đạt kết quả tích cực, tổng mức hàng hóa bán lẻ, dịch vụ năm 2005 đạt 3.733 tỷ đồng, năm 2010 đạt 12.750 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần so với năm 2005, tốc độ tăng bình quân 27,8%/năm. Kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm đạt 623,1 triệu USD, tăng 34% so với kế hoạch đề ra; giá trị xuất khẩu năm 2010 đạt 175 triệu USD, tăng gấp 4,4 lần năm 2005, tăng bình quân 34,7%/năm ; cà phê, cao su, tiêu, gỗ tinh chế đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Các ngành dịch vụ bưu chính viễn thông, thông tin truyền thông, ngân hàng,…phát triển nhanh; dịch vụ vận tải tăng trưởng cao; tổng doanh thu du lịch đạt khá, tăng bình quân 25,12%/năm; lượng khách du lịch quốc tế tăng 27,54%.

Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 31.850 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần, bình quân tăng 13,8%/năm; đầu tư toàn xã hội so với GDP đến năm 2010 đạt 42%.

Cơ cấu vốn đầu tư theo hướng tăng vốn đầu tư từ dân cư và doanh nghiệp ngoài quốc doanh, năm 2005 chiếm 21,83% thì đến năm 2010 chiếm 43,54%; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm qua các năm, năm 2005 chiếm 76,67% thì đến năm 2010 chiếm 56,45%.

Trong 05 năm các nhà đầu tư đã triển khai thực hiện 126 dự án, trong đó có 22 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn là 1.160 tỷ đồng và 94 dự án đang triển khai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần tăng năng lực sản xuất và làm thay đổi khá nhanh bộ mặt đô thị và nông thôn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

3.Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng lên tục qua các năm, từ 789 tỷ đồng năm 2005 lên 2.400 tỷ đồng năm 2010, bình quân hàng năm tăng 24,9%. Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách bình quân đạt 12,5%, đạt chỉ tiêu đề ra. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2010 là 4.550 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2005; các khoản chi đầu tư phát triển tăng 13,3%/năm, chi thường xuyên tăng 20,9%/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu chi cho đầu tư phát triển và thường xuyên, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Nguồn vốn huy động của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh năm 2010 đạt 9.350 tỷ đồng gấp 3,9 lần so với năm 2005, tăng bình quân 31,3%/năm. Tổng dư nợ năm 2010 đạt 23.600 tỷ đồng, gấp 2,86 lần so với năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 23,3%; nguồn vốn cho vay đã cơ bản đáp ứng cnhu cầu vốn cho đầu tư phát triển.

4. Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều chuyển biến tích cực:

– Sự nghiệp giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng, tỉnh được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đi học tăng qua các năm; tổng số học sinh năm học 2010-2011 đạt 342.250 em, bình quân tăng 0,89%/năm, cơ sở vật chất trường học được đầu tư tăng đáng kể; chất lượng dạy và học ở các ngành học, cấp học được nâng cao.

– Cơ sở vật chất cho ngành y tế được quan tâm đầu tư; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phòng chống dịch bệnh có tiến bộ, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn; đã thực hiện đưa bác sỹ về công tác tại trạm y tế xã. Các chương trình quốc gia về y tế được triển khai có kết quả; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng từ 33,4% năm 2005 giảm còn 25% năm 2010; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi tiêm chủng đủ liều đạt 95%; tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ đạt 60% tăng 30% so với năm 2005. Tốc độ tăng dân số bình quân thời kỳ 2006-2010 là 2,79%, trong đó tăng tự nhiên là 1,73% (bình quân thời kỳ 2001-2005 là 2,8%); mức giảm tỷ lệ sinh hàng năm đạt 0,8‰; bình quân hàng năm có khoảng 4 ngàn dân nhập cư.

– Hoạt động văn hoá – thông tin, báo chí, phát thanh – truyền hình, thể dục thể thao có bước phát triển. Đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa tiêu biểu như: Lễ đón bằng của UNESCO công nhận “không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, Festival Cồng chiêng quốc tế lần thứ Nhất, Đại hội Đoàn kết các dân tộc tỉnh, Đại hội đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, Lễ khởi công Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng làng văn hóa được triển khai có hiệu quả; năm 2010 tỷ lệ gia đình được công nhận gia đình văn hóa đạt 84%; 75% số làng, bản, khu dân cư đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hóa, văn minh. Các hoạt động thể dục thể thao phong trào và thành tích cao có bước phát triển.

– Số lao động được giải quyết việc làm trong 5 năm đạt 105.500 người; tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4% năm 2005 giảm xuống còn dưới 3,5% năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 18% vào năm 2005 lên 30% năm 2010. Trong 5 năm có 3.347 lao động đi xuất khẩu lao động (giai đoạn 2001-2005 là 340 người). Công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả tích cực. Năm 2005, toàn tỉnh có 66.108 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 29,82%; đến năm 2010 giảm còn 31.370 hộ nghèo, chiếm 10,82%, bình quân mỗi năm giảm 3,8

Đến năm 2010, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có trạm y tế, 100% xã có lưới điện quốc gia, Dự án cấp điện đến các thôn, buôn chưa có điện đã hoàn thành, nghiệm thu; đã đóng điện cho 326 thôn, làng. 100% xã có nhà văn hóa xã, 80% dân số nông thôn dùng nước sạch, tỷ lệ hộ được xem truyền hình đạt 91,5%, tăng 11,5% so với năm 2005, tỷ lệ số hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đạt 97,5% tăng 7,5%; tỷ lệ người luyện tập thể thao thường xuyên đạt 25% tăng 6,5% so với năm 2005./.