Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trang chủKinh tế địa phương và
vùng lãnh thổ
63 tỉnh, thành phố
Tỉnh Tuyên Quang

  • Điều kiện tự nhiên
  • Danh lam thắng cảnh
  • Đơn vị hành chính
  • Kinh tế – Xã hội

Vị trí địa lý:

Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc, nằm ở giữa Tây Bắc và Đông Bắc của Việt Nam, có toạ độ địa lý: 21030’ đến 22040’ vĩ độ Bắc và 104053’ đến 105040’ kinh độ Đông.

Tỉnh có phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông Bắc giáp Cao Bằng, phía Đông giáp Bắc Kạn và Thái Nguyên, phía Nam giáp Vĩnh Phúc, phía Tây-Nam giáp Phú Thọ, phía Tây giáp Yên Bái.

Tuyên Quang nằm ở trung tâm của lưu vực sông Lô. Sông Gâm chảy qua tỉnh theo hướng Bắc – Nam và nhập vào sông Lô ở phía Tây Bắc huyện Yên Sơn chỗ giáp ranh giữa ba xã Phúc Ninh, Thắng Quân và Tân Long. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 586.800 ha, trong đó có 70% diện tích là đồi núi.

Khí hậu:

Khí hậu của Tuyên Quang mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của lục địa Bắc Á Trung Hoa, có hai mùa rõ rệt, mùa đông lạnh – khô hạn và mùa hè nóng ẩm – mưa nhiều. Mưa bão tập trung từ tháng 5 đến tháng 8 và thường gây ra lũ lụt, lũ quét. Các hiện tượng như mưa đá, gió lốc thường xảy ra trong mùa mưa bão với lượng mưa trung bình hàng năm đạt từ 1.500 – 1.700 mm. Nhiệt độ trung bình hàng năm đạt 22 – 240C. Cao nhất trung bình 33 – 350C, thấp nhất trung bình từ 12 – 130C; tháng lạnh nhất là tháng 11 và 12 (âm lịch) gây ra các hiện tượng sương muối.

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089136.JPG

Trên Sông Gâm

 

Độ ẩm bình quân năm là 85%. Tuyên Quang có 3 sông lớn chảy qua đó là: Sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy. Sông Lô có đoạn chảy qua tỉnh dài 145 km, lưu lượng lớn nhất 11.700 m3/giây, lưu lượng nhỏ nhất 128 m3/giây. Đây là đường thuỷ nối Tuyên Quang với các tỉnh khác liền kề và có khả năng vận tải với các xà lan, tàu thuyền có sức chứa hàng chục tấn vào mùa khô và hàng trăm tấn vào mùa mưa; sông Gâm, đoạn chảy qua tỉnh dài 170 km, có khả năng vận tải đường thuỷ, nối các huyện Na Hang, Chiêm Hoá với tỉnh lỵ; sông Phó Đáy, đoạn chảy trên địa phận Tuyên Quang dài 84 km. Ngoài ra, Tuyên Quang còn có các sông nhỏ khác liên kết với nhau thành mạng lưới theo lưu vực 3 sông chính. Đây là nguồn cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, đồng thời chứa đựng tiềm năng phát triển thuỷ điện; Trên sông Gâm, tại Na Hang có nhà máy thuỷ điện Tuyên Quang với công suất 342 MW.

Đặc điểm địa hình:

Địa hình của Tuyên Quang khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao và sông suối, đặc biệt ở phía Bắc tỉnh. Phía Nam tỉnh, địa hình thấp dần, ít bị chia cắt hơn, có nhiều đồi núi và thung lũng chạy dọc theo các sông. Có thể chia Tuyên Quang thành 3 vùng địa hình sau: (1) vùng núi phía Bắc tỉnh gồm các huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên và phía Bắc huyện Yên Sơn, độ cao phổ biến từ 200 – 600 m và giảm dần xuống phía Nam, độ dốc trung bình 250, (2) vùng đồi núi giữa tỉnh gồm: phía Nam huyện Yên Sơn, thị xã Tuyên Quang và phía Bắc huyện Sơn Dương, độ cao trung bình dưới 500 m và hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, độ dốc thấp dần dưới 250, (3) vùng đồi núi phía Nam tỉnh là vùng thuộc phía Nam huyện Sơn Dương, mang đặc điểm địa hình trung du.

Dân số:

Tính đến cuối năm 2008, dân số tỉnh Tuyên Quang là 746,9 nghìn người. Trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 377.314 người, chiếm 55,80% dân số toàn tỉnh. Trên địa bàn tỉnh có 23 dân tộc cùng sinh sống. Ðông nhất là dân tộc Kinh có 326.033 người, chiếm 48,21%; các dân tộc thiểu số như dân tộc Tầy có 172.136 người, chiếm 25,45%; dân tộc Dao có 77.015 người, chiếm 11,38%; dân tộc Sán Chay có 54.095 người, chiếm 8,0%; dân tộc Mông có 14.658 người, chiếm 2,16%; dân tộc Nùng có 12.891 người, chiếm 1,90%; dân tộc Sán Dìu có 11.007 người, chiếm 1,62%; các dân tộc khác chiếm 1,28%.

Trình độ dân trí: Tính đến năm 2002, tỉnh Tuyên Quang đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 100% số xã và đã phổ cập trung học cơ sở cho 135 xã. Số học sinh phổ thông năm học 2001 – 2002 là 196.252 em. Số giáo viên phổ thông là 8.020 người. Số thầy thuốc là 1.291 người, bình quân 19 y, bác sỹ trên 1 vạn dân.

Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên đất

Do điều kiện nóng ẩm, mưa nhiều làm lớp vỏ phong hoá của đất Tuyên Quang tương đối dày, cộng với thảm thực vật còn khá có tác dụng bảo vệ mặt đất nên sự thoái hoá của đất ở mức độ nhẹ. Đất Tuyên Quang có các nhóm chính: đất đỏ vàng trên đá sét và đá biến chất, diện tích 389.834 ha, chiếm 67,2% diện tích tự nhiên; đất vàng nhạt trên đá cát, có diện tích 66.986 ha, chiếm 11,55%; đất đỏ vàng trên đá macma, diện tích 24.168 ha, chiếm 4,17% diện tích; đất vàng đỏ trên đá biến chất, diện tích 22.602 ha, chiếm 3,89%; đất phù sa ven suối, diện tích 9.621 ha, chiếm 1,66%; đất dốc tụ – thung lũng, diện tích 8.002 ha, chiếm 1,38%; ngoài ra còn có một số loại đất khác chiếm diện tích nhỏ: đất nâu vàng, đất mun vàng nhạt, đất nâu đỏ; đất phù sa không được bồi đắp… Tóm lại, tài nguyên đất của Tuyên Quang hết sức phong phú về chủng loại, chất lượng tương đối tốt, đặc biệt là các huyện phía nam, thích ứng với các loại cây trồng.

b. Tài nguyên rừng

Tổng diện tích rừng Tuyên Quang có khoảng 357.354 ha, trong đó rừng tự nhiên là 287.606 ha và rừng trồng là 69.737 ha. Độ che phủ của rừng đạt trên 51%. Rừng tự nhiên đại bộ phận giữ vai trò phòng hộ 213.849 ha, chiếm 74,4% diện tích rừng hiện có. Rừng đặc dụng 44.840 ha, chiếm 15,6%, còn lại là rừng sản xuất 28.917 ha, chiếm 10,05%.

Có thể nói, về cơ bản rừng tự nhiên Tuyên Quang có trữ lượng gỗ còn rất thấp, việc hạn chế khai thác lâm sản sẽ hợp với thực trạng tài nguyên rừng. Tuy nhiên, Tuyên Quang vẫn còn hơn 15.378 ha rừng tre, nứa tự nhiên. Trong tổng diện tích rừng trồng có 44.057 ha rừng trồng cho mục đích sản xuất với các loại như: thông, mỡ, bạch đàn, keo, bồ đề… Tuyên Quang có khả năng phát triển kinh tế lâm nghiệp, đồng thời phát triển rừng trên diện tích đồi, núi chưa sử dụng khoảng 120.965 ha

Tuyên Quang có 02 khu bảo tồn thiên nhiên: Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ – Bản Bung thuộc huyện Na Hang và khu Cham Chu thuộc huyện Hàm Yên.

c. Tài nguyên khoáng sản

Tuyên Quang có nhiều loại khoáng sản khác nhau nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, phân tán, khó khăn trong việc khai thác.

– Ba rít: Ðã phát hiện được 24 điểm có ba rít thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Chiêm Hoá có trữ lượng trên 2 triệu tấn.

– Măng gan: Tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hoá và một điểm ở huyện Na Hang. Hiện có 2 điểm ở huyện Chiêm Hoá đã thăm dò với trữ lượng khoảng 3,2 triệu tấn.

– Ăngtymoan: Ðã phát hiện 15 điểm có ăngtymoan ở các huyện Chiêm Hoá , Na Hang và Yên Sơn . Thăm dò 4 điểm tại Chiêm Hoá có trữ lượng 1,2 triệu tấn.

– Ðá vôi: ước lượng ở Tuyên Quang có hàng tỷ m3 đáng chú ý nhất là hai mỏ đá vôi Tràng Ðà trữ lượng khoảng trên 1 tỷ tấn có hàm lượng cao từ 49 – 54% đủ tiêu chuẩn sản xuất xi măng mác cao; mỏ đá trắng Bạch Mã ở huyện Hàm Yên có trữ lượng khoảng 100 triệu m3 là nguyên liệu tốt để sản xuất đá ốp lát tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Có thể khẳng định rằng nguồn đá vôi của Tuyên Quang khá dồi dào là loại khoáng sản có khả năng khai thác tốt nhất trong các loại khoáng sản để tạo ra một loại sản phẩm chủ lực.

– Ðất sét: Ðất sét được thấy ở nhiều nơi thuộc thị xã Tuyên Quang, trong đó đáng chú ý nhất mỏ sét bên cạnh mỏ đá vôi Tràng Ðà được dùng để sản xuất xi măng.

Ngoài các loại khoáng sản trên, Tuyên Quang còn nhiều khoáng sản như vonfram, pirít, kẽm, cao lanh, sét chịu lửa, nước khoáng, vàng, cát, sỏi … đang được khai thác với quy mô nhỏ.

 

 

Danh lam thắng cảnh:

Di tích lịch sử Tân Trào:Tân Trào là xã nằm trong thung lũng nhỏ ở Đông Bắc huyện Sơn Dương được bao bọc bởi núi Hồng ở phía Đông, núi Thoa, ngòi Thia ở phía Nam, núi Bòng ở phía Tây… Để đến được Tân Trào, trước đây chỉ có 2 đường mòn xuyên qua rừng rậm và đèo cao. Ngày nay, đến Tân Trào đã có đường ô tô rất thuận tiện.

Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm 1945 (trước đây còn gọi là Kim Long và Kim Châu). Gắn liền với chiến công oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ngày nay Tân Trào có nhiều di tích lịch sử quan trọng như đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Nà Lừa, hang Bòng…

Đình Hồng Thái, thôn Hồng Thái, xã Tân Trào

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân đầu tiên khi Người từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào ngày 21 tháng 5 năm 1945. Đây cũng là nơi đón tiếp các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, tháng 8 năm 1945..(Quyết định xếp hạng  là di tích cấp quốc gia năm 1975)

Lán Nà Lừa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089137.JPG

Lán Nà Lừa

 

Nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22 tháng 8 năm 1945. Trong thời gian này, Người đã chỉ thị thành lập khu giải phóng: Thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng; thành lập trường Quân chính kháng Nhật; chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng; dự Quốc dân Đại hội Tân Trào

Đình Tân Trào, thôn Tân Lập, xã Tân Trào

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089138.JPG

Đình Tân Trào

 

Nơi diễn ra Quốc dân Đại hội từ ngày 16 đến ngày 17 tháng 8 năm 1945 với hơn 60 Đại biểu. Đại hội đã thông qua Nghị quyết giành chính quyền toàn quốc và hơn 10 chính sách lớn của Việt Minh. Bầu uỷ ban dân tộc giải phóng do đồng chí Hồ Chí Minh làm chủ tịch và quy định Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới. (Quyết định xếp hạng  là di tích cấp Quốc gia năm 1975)

Cây đa Tân Trào, thôn Tân Lập, xã Tân Trào

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089139.JPG

Tại đây ngày 16 tháng 8 năm 1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đọc bản quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa, chỉ huy đơn vị Giải phóng quân tiến đánh Thái Nguyên, tiến về giải phóng Hà Nội (Quyết định xếp hạng di tích cấp Quốc gia năm 1975)

Tuyên Quang đã và đang đầu tư dự án du lịch Thác Mơ (Na Hang – Tuyên Quang), du lịch khu ATK (Khu căn cứ địa cách mạng).

Về du lịch văn hóa – lịch sử

Tuyên Quang có 467 di tích lịch sử văn hoá , trong đó có những khu di tích đặc biệt quan trọng của Quốc gia như Tân Trào, Kim Bình, Kim Quan, Làng Ngòi – Đá Bàn. Là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng và mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc Tuyên Quang; Vừa là nơi khởi phát, vừa là nơi hội tụ, giao thoa của những sắc thái văn hoá riêng của các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc, với những lễ hội, những truyền thuyết và những làn điệu dân ca… đã tạo cho Tuyên Quang có nhiều sức hấp dẫn du khách.

Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tỉnh tuyên Quang định hướng phát triển 03 sản phẩm du lịch chính là : Du lịch lịch sử -văn hoá; Du lịch sinh thái; Du lịch nghỉ dưỡng. Tiềm năng du lịch có triển vọng phát triển loại hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch lịch sử, văn hoá . 

Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, theo đó đã định hướng phát triển 3 khu du lịch chính của tỉnh là : Khu du lịch lịch sử- văn hoá : bao gồm toàn bộ các di tích lịch sử cách mạng, văn hoá ở khu Tân Trào-ATK tại các xã Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Bình Yên, Hợp Thành, Tú Thịnh (huyện Sơn Dương), Kim Bình (huyện Chiêm Hoá), Kim Quan, Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn) và địa bàn thị xã Tuyên Quang; Khu du lịch nghỉ dưỡng: bao gồm Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (huyện yên Sơn) có nguồn nước khoáng nóng và Thị xã Tuyên Quang có nhiều di tích lịch sử văn hoá; Khu du lịch sinh thái: Bao gồm huyện Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hoá, thị xã Tuyên Quang; tiêu biểu là khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ-Bản Bung, thác Pác Ban, hồ thuỷ điện Tuyên Quang, rừng Chạm Chu, động Thiên Đình, động Tiên, suối Đát, núi Dùm…  

Các điểm du lịch chủ yếu là : Điểm du lịch lịch sử Tân Trào – ATK, điểm du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, điểm du lịch sinh thái Nà Hang điểm du lịch lịch sử văn hoá tại thị xã Tuyên Quang, điểm du lịch lịch sử cách mạng và sinh thái Chiêm Hoá, điểm du lịch sinh thái Hàm Yên. 

Các tuyến du lịch chủ yếu là : du lịch nội tỉnh, du lịch đường sông, du lịch liên tỉnh.

Đền Cấm

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089140.JPG

Lối vào Đền Cấm

Nằm cách thị xã Tuyên Quang 4 km, đền Cấm thuộc xóm 16, xã Tràng Đà, nổi tiếng là linh thiêng, cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình. Đền Cấm được xây dựng trên lưng chừng núi Cấm Sơn, thờ phụng Thánh Mẫu thượng ngàn. Núi Cấm Sơn là một đỉnh núi trong dải non ngàn trùng điệp chạy mãi qua Tân Long, Ba Xứ, trên cao có Cổng trời là một thắng cảnh đẹp được nhiều du khách biết đến. Cạnh đền một dải nước len lỏi qua những triền đá dốc. Trong đền có một chiếc giếng nhỏ gọi là giếng Cô không bao giờ cạn. Truyền tụng, ai uống nước giếng Cô thì sẽ luôn khoẻ mạnh. Gian giữa đền Cấm đặt tượng Bà chúa Thượng ngàn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu, phía trước có hai trụ biểu. Phía trên án thờ treo bức Đại tự Linh Lâm miếu bằng gỗ. Tiếp đến là bức cuốn thư với ba chữ “Tối linh từ” (Đền rất linh thiêng). Bức cuốn thư là một tác phẩm điêu khắc gỗ với kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng khá tinh xảo. Trước án đặt hai bức tượng ở thế đứng, kích thước như người thực, mặc võ phục, tay cầm kiếm. Đó là tượng Khuyến thiện và Trừ ác. Hai vị đứng đó như khuyên bảo khách thập phương hãy vứt bỏ tà tâm, giữ lòng thanh bạch trước khi bước vào cõi linh thiêng.

Năm 2007, di tích đền Cấm được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Hiện nay Uỷ ban nhân dân thị xã đã có quyết định trùng tu lại ngôi đền này, dự kiến cuối năm 2010 hoàn thành đưa vào phục vụ du khách.

Về du lịch sinh thái:

Suối khoáng Mỹ Lâm

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089141.JPGVị trí: Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang 13 km về phía đông nam. Đặc điểm: Mỹ Lâm có nguồn nước khoáng ngầm rất hữu hiệu cho việc chữa bệnh, có cả dịch vụ tắm nước khoáng và tắm bùn rất được du khách ưa thích

Từ thị xã Tuyên Quang 13 km về phía đông nam, con đường quanh co uốn lượn bên sườn núi dẫn vào khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm thật bình yên, thơ mộng. Du khách có dịp đến Tuyên Quang đều mong muốn được một lần đến suối khoáng Mỹ Lâm để đắm mình trong làn nước trong trẻo, ấm áp mà thiên nhiên ban tặng.

Suối khoáng Mỹ Lâm có nguồn nước khoáng sunfua ngầm trong lòng đất, được phát hiện từ thập niên 60. Năm 1965, khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm được xây dựng trên ngọn đồi thoai thoải nơi có dòng suối Mỹ Lâm chảy qua thật hữu hiệu cho việc chữa bệnh.

Hiện nay, khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm mở rộng phục vụ du khách tắm nước khoáng và tắm bùn; du khách sẽ cảm nhận được rằng thiên nhiên thật ưu ái con người khi ngâm mình trong bồn tắm ngập tràn nước khoáng ấm áp và được ngắm nhìn những khóm hoa rực rỡ đang khoe hương sắc trong ánh ban mai. Nước tắm luôn điều hòa và giữ ấm ở nhiệt độ 40 – 42oC luôn mang đến cho cơ thể du khách cảm giác khoan khoái, dễ chịu. Tắm và ngâm bùn khoáng sunfua đã chữa khỏi bệnh đau khớp, đau dây thần kinh, mang lại niềm vui và sức khỏe cho biết bao người bệnh.

Du khách trong và ngoài nước đến suối khoáng Mỹ Lâm không những cảm thấy sảng khoái, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng khi được tắm, ngâm nước khoáng nóng, bùn khoáng mà còn thích thú với phong cảnh thiên nhiên yên ả và những con người hiền hậu, mến khách nơi đây.Du khách cũng đặc biệt thích thú khi thưởng thức hương vị ngọt ngào, thơm dịu của lúa nếp nương cùng vị đậm đà của vừng đen trong những ống cơm lam. Vài năm trở lại đây, suối khoáng Mỹ Lâm đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với du khách.

Thác Mơ

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089142.JPG

Thác Mơ

 

Vị trí: Thác Mơ thuộc thị trấn Nà Hang, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, nằm giữa khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hang, cách thị xã Tuyên Quang khoảng 100 km.

Đặc điểm: Thác nước hùng vĩ phối hợp với khung cảnh núi rừng trùng điệp đang chờ đón những du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm.

Đường vào thác Mơ tương đối thuận tiện. Từ xa đã nghe thấy tiếng nước đổ ào ào. Càng đến gần thác, khí hậu càng lạnh. Tới thác, du khách dường như đang bước vào chốn bồng lai tiên cảnh. Thác ẩn dưới chân ngọn núi mà dưới đó là một hồ nước trong veo. Du khách sẽ lên một con xuồng nhỏ để tới thác. Ngồi trên xuồng, du khách được dịp thư giãn, thoả sức ngắm nhìn bức tranh thiên nhiên “núi ôm mây, mây ấp núi”.

Một khối nước bạc khổng lồ sẽ hiện ra trước mắt du khách. Thác gồm có 3 tầng, muốn lên tầng thác thứ 2, du khách phải leo khoảng hơn 10m thang dây. Tại chân tầng thác thứ 2 có một hồ nước nhỏ, trong vắt. Lên tầng này, du khách được đắm mình trong khung cảnh kỳ vĩ với những hang động nhũ đá lung linh huyền ảo. Tại tầng thác này nước chảy êm ả hơn, luồn qua những kẽ đá, trên những khối đá to rêu phủ xanh rì trông như những tấm thảm nhung. Bám tiếp thang dây, du khách sẽ tới đỉnh tầng thứ 3 của thác.

Nước từ trên cao đổ xuống ào ào như một màng nước khổng lồ. Hơi nước toát ra lành lạnh đã xua tan mệt mỏi, tạo cho du khách niềm cảm hứng mới khi đứng trên đỉnh ngọn thác hùng vĩ này để chiêm ngưỡng toàn cảnh thị trấn Nà Hang với 99 ngọn núi trùng điệp bao quanh. Nếu thích, xin mời du khách tiếp tục tản bộ vào khu rừng nguyên sinh để khám phá những điều kỳ diệu ở nơi đây. Tiếng thác nước ào ào, tiếng chim kêu vượn hú, ánh nắng bàng bạc xụyên qua tán lá rừng rậm rạp khiến cho du khách như được sống lại thời tiền sử.

Thác Mơ, một điểm du lịch sinh thái lý tưởng của Tuyên Quang đang chờ đón du khách ưa phiêu lưu, mạo hiểm.

Khu du lịch sinh thái Nà Hang

Vị trí: Khu du lịch sinh thái Nà Hang thuộc huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, cách trung tâm thị xã Tuyên Quang 105 km về phía bắc.

Đặc điểm: Khu du lịch sinh thái Nà Hang là một điểm đến lý tưởng cho những du khách ưa mạo hiểm, thích khám phá những hang động kỳ thú, những khu rừng nguyên sinh.

Diện tích 15.000 ha trong đó diện tích mặt nước là 8.000 ha tại 12 xã thị trấn và vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, Nà Hang nơi có những cánh rừng nguyên sinh, dòng sông con suối và những thác nước tuyệt đẹp mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nơi đây. Dòng sông Gâm, sông Năng, những đỉnh núi cao Khuổi Tong, Loong Noòng, Bản Luốc, Pịa, Pắc Tạ… đã từng đi vào thơ, vào nhạc, gắn với các câu chuyện huyền thoại đậm tính nhân văn.

Khu bảo tồn đặc dụng Tác Kẻ – Bản Bung, rộng gần 42 km², ôm gọn trong lòng cả 5 xã: Côn Lôn, Khau Tinh, Sơn Phú, Vĩnh Yên, Thanh Tương, với hàng nghìn loài thực vật, động vật quý hiếm. Đặc biệt là loài voọc mũi hếch được ghi trong sách đỏ thế giới.

Ngoài ra, Nà Hang còn rất phong phú bởi nét văn hóa dân tộc, các bản làng với những nếp nhà sàn bằng gỗ, mái lợp lá cọ, đồng bào dân tộc còn lưu giữ được các lễ hội mang đậm bản sắc như: lễ hội Lồng Tồng, mừng lúa mới, lễ cấp sắc. Vào mùa xuân không gian tràn ngập màu sắc của thổ cẩm và tiếng khèn Mèo, tiếng đàn tính.

Chùa Hang

Chùa Hang thuộc địa phận xã An Khang (huyện Yên Sơn), còn có tên gọi là chùa Hương Nghiêm, được xây dựng từ năm Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (1537). Đây là di tích được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, cầu điều tốt lành, may mắn, mưa thuận gió hoà. Lễ hội chùa Hang được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên, ngay cả trong ngày thường, chùa luôn thu hút nhiều Phật tử và khách tham quan bởi cảnh đẹp phong thuỷ hữu tình.

Chùa được đặt trong hang đá thiên tạo khá lớn, nằm gọn trong lòng núi với hai mái vòm. Trên đỉnh ngọn núi khá bằng phẳng có nhiều cây cổ thụ. Hang đá đã có từ nghìn đời nay, với nhiều nhũ đá đủ mọi hình thù tạo nên vẻ đẹp kỳ thú, bí ẩn. Trước kia, hang có giếng thiên tạo sâu 8 – 9m, gần giếng có dòng suối ngầm rộng khoảng 3m chảy ra sông Lô. Hang có nhiều lối lên đỉnh núi, xuống suối ngầm, có giếng sâu trong mát nên du khách không thể không dừng bước mà thoả mãn ham muốn khám phá. Ngoài cửa hang còn có dãy núi hình con rồng. Đứng nơi đây ngắm nhìn ra xa mới thấy non nước đất trời hoà vào làm một. ở giữa hang có phiến đá to hình thuyền với chiều dài 8,7 m, rộng 4 m.

Nhiều người biết đến ngôi chùa này còn bởi nó là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ngày 3/2/1941, tức ngày mùng 8 Tết Tân Tỵ, Chi bộ Mỏ than – Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Tuyên Quang đã tiến hành rải truyền đơn tại lễ hội để tuyên truyền đường lối cách mạng và chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng. Với vị trí kín đáo, thuận đường đi lại, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa là nơi cất giấu, lắp ráp và sửa chữa hai chiếc máy bay đầu tiên của quân đội Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng. Liên tục từ năm 1951 đến năm 1976, chùa là kho chứa vũ khí, đạn dược của Trạm vận tải và Trung đoàn 331 phục vụ chiến trường…

Lễ hội truyền thống:

Lễ hội Đình làng Giếng Tanh

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089143.JPG

Múa “Khai đèn” trong lễ hội đình làng Giếng Tanh của đồng bào dân tộc Cao Lan xã Kim Phú (Yên Sơn).  Ảnh: NC

 

Đình làng Giếng Tanh thuộc làng Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, là nơi tâm linh tín ngưỡng thể hiện bản sắc cộng đồng cư dân sống trên đất Giếng Tanh.

Các lễ hội Đình làng Giếng Tanh hàng năm gồm: Lễ hội chính thức được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch, có đủ cả phần Lễ và phần Hội. Các ngày lễ phụ có: Lễ khai xuân tổ chức vào ngày mùng 2 tháng Giêng; Lễ cúng cơm mới tổ chức vào ngày 15 tháng 8 âm lịch; Lễ Thượng điền tổ chức vào ngày 9 tháng 11 âm lịch; Lễ Khép ấn tổ chức vào ngày 25 tháng 12 âm lịch. Các ngày lễ phụ tổ chức đơn giản: Thắp hương, dâng lễ là sản vật địa phương làm ra (cúng cơm mới) để tưởng nhớ, biết ơn tổ tiên đã tạo dựng nơi cư chú, cầu mong có cuộc sống yên vui, hạnh phúc.

Lễ Hội Đình làng Giếng Tanh là Lễ chính trong một năm, được tổ chức chính thức vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Phần Lễ mở đầu ngày hội có 7 người tham gia gồm: Chủ tế, xướng tế, người đọc văn tế và 4 chấp Dư (chủ tế mặc áo đỏ, còn lại tất cả mặc áo xanh). Phần tổ chức cúng tế trong đình theo nghi thức cổ truyền, nội dung chủ yếu là cầu cho mưa thuận, gió hoà quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi… Phần tế lễ nghiêm trang thành kính nhưng không thể hiện mê tín dị đoan mà thuần khiết là tâm linh tín ngưỡng. Khi kết thúc cúng tế, phần hội bắt đầu bằng Lễ tung còn thu hút nhiều người tham gia và náo nhiệt nhất. Các trò chơi đấu vật, kéo co, biêu diễn nghệ thuật… cũng đồng thời diễn ra trong một không khí hội hè sôi động tưởng chừng không dứt. Hội đình làng Giếng Tanh thực sự góp phần xây dựng đời sống văn hoá, tinh thần của cộng đồng các dân tộc Kim Phú.

Lễ Cầu Mùa của dân tộc Dao Tiền  

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089144.JPG

Lễ Cầu Mùa được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm. Lễ Cầu Mùa được tổ chức với ý nghĩa cầu mong một mùa màng bội thu.

Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng:

Minh Hương, miền đặc sản gạo thơm, vịt bầu

 “Nhất keo, nhì cam, tam trâu, tứ vịt” hiện được coi là công thức làm giàu của nông dân huyện Hàm Yên. Những cánh rừng keo ở đây trải dài tít tắp, tạo thành thảm thực vật phong phú với không khí trong lành. Mấy năm gần đây, keo đã tìm được chỗ đứng nhờ giá trị kinh tế cao. Bà con trồng khoảng 7 – 8 năm là có thể thu hoạch để cung cấp cho các nhà máy giấy, chế biến gỗ hoặc dùng làm gỗ xây dựng… Riêng cây cam hiện đã được gắn thương hiệu “Cam sành Hàm Yên” nên việc tiêu thụ tương đối dễ dàng. Và có một thứ đặc sản mà ai đến đây cũng khó chối từ, đó là các món ăn chế biến từ vịt bầu Minh Hương. Vịt bầu, còn gọi là vịt suối có thể chế biến thành món luộc, quay, hấp hoặc om với sấu thì ngon không cưỡng nổi. Cũng là chú vịt có bộ lông màu xám, cũng gạo bao thai lùn nhưng sao miếng thịt lại ngọt ngào, béo ngậy và hạt gạo lại dẻo thơm khác thường đến thế?

Vịt Minh Hương ngon là do được nuôi dưới suối. Con suối này dài hơn 10km, bắt nguồn từ đại ngàn Cham Chu. Dòng suối trong mát quanh năm, dọc theo hai bên bờ suối, gia đình nào cũng nuôi vài chục con vịt bầu. Thức ăn cho vịt cũng đơn giản, ngoài cám, thóc, chủ yếu là tôm, cua, ốc bắt được dưới suối. Vịt bầu cái lông vằn, chân ngắn, con trưởng thành nặng 1,8 – 2 kg. Vịt bầu đực đầu xanh biếc, nặng 2 – 2,5 kg/con. Gạo ở đây ngon, dẻo, có vị thơm riêng biệt nhờ được tưới bằng nước suối Minh Hương trong vắt. Toàn xã Minh Hương hiện có khoảng 372 ha lúa, cung cấp khoảng 200 tấn gạo/năm. Từ năm 2006, huyện Hàm Yên đã đưa vào trồng thử nghiệm giống lúa Hương thơm, tuy năng suất trung không cao cơm rất dẻo, thơm hấp dẫn, giá bán cao.

Cá “vàng” trên Sông Lô

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3089145.JPG

Cá chiên Sông Lô

Sẽ không quá lời khi chúng tôi gọi loài cá chiên, cá bỗng ở đây là cá “vàng”, bởi cá chiên được bán với giá 380.000 – 400.000 đồng/kg, cá bỗng 150.000 đồng/kg. Bán được một con cá chiên nặng 4 – 5kg là ngư dân cầm chắc khoản lãi 1 triệu đồng. Trước đây, nhiều bà con làm nghề chài lưới trên sông Lô còn bắt được những con cá chiên nặng 40 – 50 kg. Tuy nhiên, loài cá này rất chậm lớn (1 năm đạt trọng lượng 1 – 1,5kg), lại bị đánh bắt theo kiểu huỷ diệt (dùng kích điện, mìn) nên càng ngày hiếm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Rất may, nhờ sự sáng tạo của người dân, hai loài cá quý này đã được thả nuôi trong lồng. Những loài cá này ưa nơi nước chảy nên dọc tuyến sông Lô từ thị xã Tuyên Quang tới Na Hang, hiện có khoảng 400 – 500 lồng nuôi cá bỗng, cá chiên.

Mắm cá ruộng. Đây vừa là món ăn truyền thống, cũng vừa là một vị thuốc độc đáo của đồng bào dân tộc Tày từ bao đời nay.

Để làm ra một hũ mắm cá đòi hỏi khá công phu, phải mất 3 tháng nuôi cá ở ruộng và 10 tháng ủ men làm mắm, nhưng bù lại hương thơm tuyệt hảo của nó thì vị khách khó tính nhất cũng khó có thể cưỡng lại.

Theo bí quyết mà các cụ già truyền lại thì để làm món ăn này phải chọn đúng loại cá chép nuôi ở ruộng, to chừng khoảng hai ngón tay, mổ moi ruột sạch sẽ, để ráo nước. Khâu mổ cá phải thật khéo, không được làm vỡ mật cá, nếu không mắm sẽ có vị đắng. Tiếp đó đem cá đã làm sạch xát muối; giềng, hành thái lát mỏng trộn đều rồi đổ vào hũ, mùa hè thì ủ từ 3-5 ngày, mùa đông phải khoảng 1 tuần. Trong thời gian ủ cá thì đồ xôi nếp, rắc men lên rồi đậy kín. Cuối cùng là hái lá cơm đỏ, lá trầu không về thái chỉ, trộn đều với cá và xôi nếp đã lên men. Sau đó đem đổ vào hũ, bịt thật kín, 10 tháng sau mở hũ mắm ra là dùng được.

Món mắm ngon phải có màu đỏ tía, dậy mùi thơm nức, không có mùi tanh, hôi. Trải qua 10 tháng ủ trong hỗn hợp, cá phải chín cả thịt lẫn xương mới đạt yêu cầu.

Mắm cá ruộng có rất nhiều cách thưởng thức. Ngoài dùng để chấm các loại thịt luộc, rau luộc, rau sống, bà con còn dùng để xào với trám om đã bỏ hột, sẽ có món ăn mang hương vị vô cùng độc đáo. Đặc biệt, mắm cá ruộng còn là vị thuốc giải rượu, giải độc rất tốt. Thường sau khi ăn gần hết hũ mắm, bà con để lại một ít để phòng trong nhà có người bị say rượu, trúng gió hay bị ngộ độc nhẹ. Chỉ cần múc ngay một ít mắm cho người đó uống, sẽ giảm nhanh các triệu chứng khó chịu.

Mắm cá ruộng không chỉ là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày Chiêm Hóa mà giờ đã trở thành thương hiệu được du khách trăm miền biết đến. Bởi hương vị đặc trưng của thứ đặc sản này khiến cho ai đã từng một lần thưởng thức sẽ không khỏi ngạc nhiên, thích thú để rồi ngây ngất, khó quên.

Đặc Sản Rượu Ngô “Na Hang – Tuyên Quang”

Rượu được nấu từ loại men lá đặc biệt! Ngô là loại thực phẩm không xa lạ với bà con trên khắp Việt Nam ta, song không phải nơi đâu cũng biết tận dụng loại thực phẩm này để tinh chế ra rượu và càng không phải nơi đâu cũng có thể chưng cất được loại rượu đặc biệt hấp dẫn như ở Na Hang – Tuyên Quang.

Để chưng cất được loại rượu có một không hai này, ngoài nguyên liệu chính là ngô thì chất gây men không thể thiếu lá rừng. Men lá được pha chế từ hơn 20 loại thảo dược quý hiếm như: Cây dây nước, trầu rừng, dây ngọt… có tác dụng chữa lành vết thương, phong thấp, thấp khớp… Sau khi các loại thảo dược đã được rửa sạch, băm nhỏ và phơi khô thì mang trộn đều chúng lại với nhau, giã nhỏ và đem đun. Đợt nước đầu dùng để nhào bột, nước hai để ngâm gạo (gạo tẻ, không ẩm mốc). Tuy nhiên, muốn rượu được thơm ngon, gạo phải được trộn trực tiếp với củ giềng, rau răm và lá quế đã say nhỏ.

Để có được những chai rượu trong và mát rượi, đòi hỏi sự tỷ mỷ và kiên nhẫn qua từng công đoạn: Bung ngô, trộn men, ủ lên men và cho vào hũ (chum, vại) bịt kín trong khoảng 20 – 30 ngày mới đem chưng cất.

Rượu Ngô Na Hang – Tuyên Quang là một đặc sản nổi tiếng. Được sản xuất theo bí quyết gia truyền của người dân tộc Na Hang – Tuyên Quang, là một loại rượu không có cồn, không gây hại cho sức nên khoẻ cảm giác sum họp, ấm cúng, thân mật khi tất cả mọi người quây quần bên bàn rượu.

 

Bản đồ hành chính:

Bản đồ hành chính tỉnh Tuyên Quang

Các đơn vị hành chính:

Tỉnh lỵ: Thị xã Tuyên Quang

Các huyện: Nà Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương

 

Thông tin đang được cập nhật