Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trang chủKinh tế địa phương và
vùng lãnh thổ
63 tỉnh, thành phố
Tỉnh Bình Dương

  • Điều kiện tự nhiên
  • Danh lam thắng cảnh
  • Đơn vị hành chính
  • Kinh tế – Xã hội
  1. Vị trí địa lý:

Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, diện tích tự nhiên 2.695,2 km2(chiếm 0,83% diện tích cả nước và xếp thứ 42/61 về diện tích tự nhiên), có toạ độ địa lý: Vĩ độ Bắc:11°52′ – 12°18′, kinh độ Đông: 106°45′- 107°67’30”.

Phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước. Phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh; Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai; Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh.

  1. Khí hậu:

Khí hậu mang đặc điểm nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm với 2 mùa rõ rệt: mùa mưa, từ tháng 5 – 11, mùa khô từ khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800 – 2.000 mm với số ngày có mưa là 120 ngày. Tháng mưa nhiều nhất là tháng 9, trung bình 335 mm, năm cao nhất có khi lên đến 500 mm, tháng ít mưa nhất là tháng 1, trung bình dưới 50 mm và nhiều năm trong tháng này không có mưa.

Sông Bé

Nhiệt độ trung bình hằng năm là 26,5°C, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất 29°C (tháng 4), tháng thấp nhất 24°C (tháng 1). Số giờ nắng trung bình 2.400 giờ, có năm lên tới 2.700 giờ.

Chế độ gió tương đối ổn định, không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới. Về mùa khô gió thịnh hành chủ yếu là hướng Đông, Đông – Bắc, về mùa mưa gió thịnh hành chủ yếu là hướng Tây, Tây – Nam. Tốc độ gió bình quân khoảng 0.7 m/s, tốc độ gió lớn nhất quan trắc được là 12m/s thường là Tây, Tây – Nam.

Chế độ không khí ẩm tương đối cao, trung bình 80 – 90% và biến đổi theo mùa. Độ ẩm được mang lại chủ yếu do gió mùa Tây Nam trong mùa mưa, do đó độ ẩm thấp nhất thường xảy ra vào giữa mùa khô và cao nhất vào giữa mùa mưa. Giống như nhiệt độ không khí, độ ẩm trong năm ít biến động.

Với khí hậu nhiệt đới mang tính chất cận xích đạo, nền nhiệt độ cao quanh năm, ẩm độ cao và nguồn ánh sáng dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Khí hậu Bình Dương tương đối hiền hoà, ít thiên tai như bão, lụt…

  1. Đặc điểm địa hình:

Địa hình tương đối bằng phẳng, nền địa chất ổn định, vững chắc, phổ biến là những dãy đồi phù sa cổ nối tiếp nhau với độ dốc không quá 3 – 150. Đặc biệt có một vài đồi núi thấp nhô lên giữa địa hình bằng phẳng như núi Châu Thới (Dĩ An) cao 82 m và ba ngọn núi thuộc huyện Dầu Tiếng là núi Ông cao 284,6 m, núi La Tha cao 198m, núi  Cậu cao 155m.

Từ phía Nam lên phía Bắc, theo độ cao có các vùng địa hình:

Vùng thung lũng bãi bồi, phân bố dọc theo các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Bé. Đây là vùng đất thấp, phù sa mới, khá phì nhiêu, bằng phẳng, cao trung bình 6 – 10 m.

Vùng địa hình bằng phẳng, nằm kế tiếp sau các vùng thung lũng bãi bồi, địa hình tương đối bằng phẳng, độ dốc 3 – 120, cao trung bình từ 10 – 30 m.

Vùng địa hình đồi thấp có lượn sóng yếu, nằm trên các nền phù sa cổ, chủ yếu là các đồi thấp với đỉnh bằng phẳng, liên tiếp nhau, có độ dốc 5 – 120, độ cao phổ biến từ 30 – 60 m.

Với địa hình cao trung bình từ 6 – 60 m, nên trừ một vài vùng thung lũng dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đất đai ở Bình Dương ít bị lũ lụt, ngập úng. Địa hình tương đối bằng phẳng thuận lợi cho việc mở mang hệ thống giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp và sản xuất nông nghiệp.

  1. Dân số:

Năm 2008, Bình Dương có dân số trung bình 1.072 nghìn người với mật độ dân số 398 người/km². Trong đó, dân số thành thị chiếm 31,1%; dân số nông thôn chiếm 68,9%.

Trên địa bàn Bình Dương có 15 dân tộc, trong đó đông nhất là người Kinh, sau đó là người Hoa, người Khơ Me và có khoảng 8,7% là dân tộc thiểu số.

  1. Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên rừng

Diện tích rừng hiện còn 18.527 ha, khu vực có diện tích lớn nhất là rừng phòng hộ núi Cậu với 3.905 ha. Rừng tự nhiên hiện còn chủ yếu là rừng non tái sinh, phân bố rải rác ở phiá Bắc tỉnh, chưa đáp ứng được vai trò bảo vệ môi trường, phòng hộ và cung cấp lâm sản.

Trong những năm qua do tích cực trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán trong nhân dân, phủ xanh đất trống đồi trọc bằng cây lâm nghiệp và cây công nghiệp dài ngày, độ che phủ của tỉnh đến cuối năm 1999 đạt tỷ lệ 44,5% diện tích.

b. Tài nguyên khoáng sản

Bình Dương có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng, nhất là khoáng sản phi kim loại có nguồn gốc magma, trầm tích và phong hoá đặc thù. Đây là nguồn cung cấp nguyên liệu cho những ngành công nghiệp truyền thống và thế mạnh của tỉnh như gốm sứ, vật liệu xây dựng, khai khoáng.

Kết quả thăm dò địa chất ở 82 vùng mỏ lớn nhỏ, cho thấy Bình Dương có 9 loại khoáng sản gồm: kaolin; sét; các loại đá xây dựng (gồm đá phun trào andezit, đá granit và đá cát kết); cát xây dựng; cuội sỏi; laterit và than bùn.

Than bùn: Thuộc nhóm nhiên liệu cháy, phân bố dọc theo thung lũng các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính với trữ lượng không lớn. Có 7 vùng mỏ, riêng vùng mỏ Tân Ba có trữ lượng 0,705 triệu m3.

Kaolin: Có 23 vùng mỏ với tiềm năng từ 300 – 320 triệu tấn, trong đó 15 vùng đang được khai thác. Những mỏ có trữ lượng lớn và được nhiều nơi biết đến là Đất Cuốc, Chánh Lưu, Bình Hoà.

Sét: Có 23 vùng mỏ với tổng tài nguyên trên 1 tỷ m3, sét có nguồn gốc từ trầm tích và phong hoá với trữ lượng phong phú và phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh. Phần lớn các mỏ sét có chất lượng tốt.

Đá xây dựng: Nhiều loại đá đã được thăm dò và khai thác như đá xây dựng phun trào ở Dĩ An với trữ lượng khoảng 30 triệu m3, đá xây dựng granit ở Phú Giáo tổng tiềm năng khoảng 200 triệu m3, đá xây dựng cát kết trong hệ tầng Dray Linh ở Tân Uyên.

Cát xây dựng: Phát triển theo các sông Sài Gòn, Đồng Nai và Thị Tính với tổng tiềm năng khoáng sản gần 25 triệu m3, trong đó 20% có thể dùng cho xây dựng, 80% dùng cho san nền. Cát xây dựng đang được khai thác ở khu vực cù lao Rùa, cù lao Bình Chánh.

 c. Tài nguyên nước

Nước mặt

Có 3 sông chính thuộc hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương:

Sông Bé: Bắt nguồn từ vùng núi phiá tây của Nam Tây Nguyên ở cao độ 650 – 900 m. Sông dài 350 km, diện tích lưu vực 7.650 km2. Do lòng sông hẹp, lưu lượng dòng chảy không đều, mùa khô thì kiệt nước, mùa mưa nước chảy xiết, nên ít có giá trị về giao thông vận tải, nhưng có giá trị về thủy lợi trên một số nhánh phụ lưu như suối Giai … và là nguồn bổ sung nước ngầm cho vùng phía Bắc của tỉnh.

Sông Đồng Nai: Bắt nguồn từ cao nguyên Lang Biang. Đồng Nai là một con sông lớn, dài 635 km, diện tích lưu vực 44.100 km2, tổng lượng dòng chảy bình quân nhiều năm 16,7 tỷ m3/năm. Đoạn sông chảy qua địa phận tỉnh thuộc huyện Tân Uyên, dài 90 km với lưu lượng trung bình 485 m3/s, độ dốc 4,6%. Sông Đồng Nai có giá trị lớn về giao thông vận tải, khoáng sản, cung cấp nước cho khu công nghiệp, đô thị, du lịch, sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với Tân Uyên, một vùng trồng cây công nghiệp và ăn trái quan trọng của tỉnh.

Sông Sài Gòn: Bắt nguồn từ Campuchia, sông dài 256 km, diện tích lưu vực 5.560 km2, đoạn chảy qua địa bàn tỉnh từ Dầu Tiếng đến Lái Thiêu dài 143 km. Ở thượng lưu sông hẹp, nhưng đến Dầu Tiếng, sông mở rộng 100m và đến thị xã Thủ Dầu Một là 200 m. Lưu lượng bình quân 85 m/s, độ dốc của sông nhỏ chỉ 0,7%, nên sông Sài Gòn có nhiều giá trị về vận tải, nông nghiệp, thủy sản và du lịch sinh thái.

Ngoài ba sông chính, còn có sông Thị Tính (chi lưu của sông Sài Gòn), rạch Bà Lô, Bà Hiệp, Vĩnh Bình, rạch cầu Ông Cộ… Mật độ kênh rạch trong tỉnh từ 0,4 – 0,8 km/km2, lưu lượng không lớn, dòng chảy nước mặt chỉ tập trung ở các sông suối lớn, còn kênh rạch ở vùng cao có mực nước thấp, thường khô kiệt vào mùa khô, ảnh hưởng tới cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.

Nước ngầm

Nước ngầm tỉnh Bình Dương tương đối phong phú, được tồn tại dưới 2 dạng là lổ hổng và khe nứt và được chia làm 3 khu vực nước ngầm:

Khu vực giàu nước ngầm: Phân bố ở phiá Tây huyện Bến Cát đến sông Sài Gòn; có những điểm ở Thanh Tuyền mực nước có thể đạt đến 250 l/s. Khả năng tàng trữ và vận động nước tốt, tầng chứa nước dày từ 15 – 20 m.

Khu giàu nước trung bình: Phân bố ở huyện Thuận An (trừ vùng trũng phèn). Các giếng đào có lưu lượng 0,05 – 0,6 l/s. Bề dày tầng chứa nước 10 – 12 m.

Khu nghèo nước: Phân bố ở vùng Đông và Đông Bắc Thủ Dầu Một hoặc rải rác các thung lũng ven sông Sài Gòn, Đồng Nai thuộc trầm tích đệ tứ. Lưu lượng giếng đào Q = 0,05 – 0,40 l/s thường gặp Q = 0,1 – 0,2 l/s.

1.   Danh lam thắng cảnh:

a. Về du lịch văn hóa – lịch sử

Chùa Bà

Chùa Bà tọa lạc tại số 4 Nguyễn Du, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chùa Bà có tên chính là Thiên Hậu Cung, là nơi thờ tự và tín ngưỡng của người Hoa ở Việt Nam. Chùa Bà được dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19 bên bờ rạch Hương Chủ Hiếu. Năm 1880, chùa được xây thêm phần nhà hậu ở phía sau. Năm 1925, chùa được dời về vị trí hiện nay.

Hàng năm chùa Bà tổ chức lễ vía Bà rất linh đình vào ngày 23 tháng 3 âm lịch. Lễ hội thu hút người hành hương đông đảo vào hàng thứ ba ở Nam Bộ, sau lễ vía Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang) và lễ hội Bà Đen (Tây Ninh).

Chùa Hội Khánh

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3005180.JPG

Toạ lạc tại số 35 đường Yersin, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách thành phố Hồ Chí Minh 25 km về phía nam.

Chùa Hội Khánh được Thiền sư Đại Ngạn (thuộc dòng Lâm Tế) khai sơn năm Cảnh Hưng thứ 2, đời Lê Hiển Tông, tức năm Tân Dậu (1741). Lúc đầu chùa được xây trên một ngọn đồi cao, nhưng đến năm thứ 14 đời Tự Đức, tức năm Tân Dậu (1861), chiến tranh đã thiêu hủy toàn bộ ngôi chùa. Bảy năm sau chùa được Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng lại dưới chân đồi, cách vị trí chùa cũ khoảng 100 m về phía nam.

Chùa đã được tôn tạo và trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được kiến trúc cổ mang màu sắc dân tộc. Giảng đường và Đông lang được xây lại năm 1917, Tây lang được xây lại năm 1984. Ngôi chánh điện được xây dựng trong hai năm 1990 và 1991. Gần đây nhất, ngày 29/2/1992, di tích chùa Hội Khánh đã được tổ chức trùng tu.

Chùa núi Châu Thới

Chùa núi Châu Thới

Chùa núi Châu Thới thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Ðây là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của xứ Gia Ðịnh xưa. Theo sử triều Nguyễn, chùa do Thiền sư Khánh Long tạo dựng vào thế kỷ 17. Kiến trúc hiện nay được xây dựng năm 1954, tam quan dựng năm 1970. Ở điện Phật có 3 pho tượng Phật cổ bằng đá. Hàng năm có đông khách thập phương đến viếng thăm chùa và lễ Phật. Chùa nằm trên núi Châu Thới, phong cảnh yên tĩnh, trang nghiêm. Ðứng ở đây có thể ngắm nhìn cảnh đẹp của các vùng xung quanh.

Chùa Long Hưng

Vào năm Mậu Tý (1768) đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 29, ở vùng đất Thới Hoà, Bến Cát (nay thuộc xã Tân Định, Bến Cát, Bình Dương), dân chúng lập am cho Hòa thượng Đạo Trung tu hành sau này lấy tên là chùa Long Hưng. Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu là một cao Tăng thuộc thế hệ thứ 38 phái Thiền Lâm Tế truyền theo dòng kệ của Tổ Liễu Quán: Thiệt Tế Đại Đạo. Thiền sư Đạo Trung là đệ tử đắc pháp với Thiền Sư Đại Quang – Chí Thành (Thiền Sư Đại Quang là người có công xiển dương Phật giáo ở miền Tây).

Chùa hiện nay không còn di tích cũ. Ngôi chánh điện đã bị chiến tranh làm đổ nát vào ngày 19 tháng 9 năm 1966. Vào năm 1986, Phật tử chùa đã xây dựng lại ngôi chánh điện nằm ở phía sau nền chánh điện cũ bằng vật liệu gỗ, kiến trúc cổ 3 gian 2 chái. Do có niên đại hình thành khá sớm so với các ngôi chùa cổ ở Bình Dương cũng như với lịch sử và hành trạng của Thiền Sư Đạo Trung – Thiện Hiếu nên chùa Long Hưng được sở Văn Hoá – Thông Tin tỉnh xếp hạng Di Tích Lịch sử cấp tỉnh vào ngày 4 tháng 7 năm 2005.

Nhà cổ Bình Dương

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3005186.JPG

Bình Dương có nhiều ngôi nhà cổ có giá trị lớn về kiến trúc và nghệ thuật, niên đại trên dưới 100 năm. Nhiều căn nhà cổ tập trung ở địa bàn thị xã Thủ Dầu Một rất thuận lợi để tạo các tour du lịch kết hợp với các điểm du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, tham quan của du khách.

Trong đó, hai ngôi nhà cổ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là nhà cổ ông Trần Công Vàng và nhà cổ ông Trần Văn Hổ (phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một) được ngành du lịch chọn làm một trong những điểm đến của tour du lịch di tích tỉnh Bình Dương.

b. Về du lịch sinh thái:

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3005190.JPG

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu thuộc thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Từ thành phố Hồ Chí Minh đi khoảng 20 km, vượt qua ga xe lửa Bình Triệu thì đến vườn Lái Thiêu.

Từ hàng trăm năm nay Lái Thiêu đã nổi tiếng là một vườn cây trái tuyệt diệu với các loại trái cây ngon như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, vú sữa… có tổng diện tích trồng cây là 1.230 ha. Từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm là mùa trái cây chín rộ, du khách đi chơi vườn Lái Thiêu sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vườn cây trải dài tít tắp và được thưởng thức các loại trái cây ngon như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, vú sữa… Du khách có thể xuống thuyền dạo chơi trên sông Sài Gòn mà ngắm cảnh vườn cây…

Đại Nam Thế Giới Du Lịch

Đại Nam Thế Giới Du Lịch toạ lạc tại địa bàn thị xã Thủ Dầu Một, đi trên Đại lộ Bình Dương cách Uỷ ban nhân dân thị xã 7 km về hướng huyện Bến Cát, là một địa điểm du lịch hoàn toàn mới lạ, hứa hẹn nhiều điều thú vị và hấp dẫn bậc nhất hiện nay.

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3005183.JPG

Được xây dựng từ 10 năm trước, nhưng Lạc cảnh Đại Nam văn hiến mới chính thức mở cửa hoạt động trong năm 2008. Sự sáng tạo của Đại Nam Thế Giới Du Lịch được đánh giá là thiên đường của những thiết kế hiện đại và độc đáo mang tầm cỡ quốc tế. Bên cạnh đó là sức hấp dẫn, phong phú qua các hạng mục công trình, sự tái hiện sinh động của các kỳ quan trong nước và quốc tế, hệ thống trò chơi ngoạn mục, tân tiến song song với chất lượng tối ưu, hoàn hảo mà du khách chỉ có thể đạt được khi đến với Đại Nam Thế Giới Du Lịch.

Ấn tượng đầu tiên đối với du khách là dãy trường thành dài hàng cây số gần giống mô hình Vạn lý trường thành của Trung Quốc. Đến cổng chính, dấu ấn văn hóa Việt hiện rõ qua bức tượng Lạc Long Quân – Âu Cơ và các con đứng trên đài sen uy nghi. Ngôi kim điện uy nghi rộng lớn được xây dựng theo kiến trúc chùa truyền thống. Đặc biệt, ngôi chùa vừa thờ Phật vừa thờ vua Hùng, Lạc Long Quân – Âu Cơ, 300 họ của người Việt… Khu du lịch này rất đa dạng các loại hình du lịch. Hấp dẫn nhất là vườn thú rộng đến 12,5 ha với đủ các loại thú quý hiếm trên thế giới; Biển Đại Nam nhân tạo quy mô 22 ha, diện tích mặt nước đến 25.000 m², sóng nhân tạo cao đến 1,6 m…; Khu trượt tuyết giữa đất nhiệt đới khi bên ngoài nhiệt độ lên cao, mà khu vực này luôn ở mức âm 5 – 10°C. Kế đó là hàng loạt các trò chơi ảo giác, cảm giác mạnh như: lái máy bay mô hình, đua xe thể thức F1, thám hiểm bầu trời, vượt thác, tàu lốc xoáy, tàu lượn siêu tốc 4 vòng…

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp thuộc xã Tương Bình Hiệp, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thị xã Thủ Dầu Một 7 km về phía bắc.

Tranh sơn mài Tương Bình Hiệp

Làng sơn mài Tương Bình Hiệp – nơi sản xuất ra các sản phẩm sơn mài truyền thống nổi tiếng về chất lượng. Đến thăm làng sản xuất sản phẩm sơn mài, du khách được tận mắt nhìn thấy từng công đoạn của nghề truyền thống độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Tùy theo qui mô lớn nhỏ của từng gia đình, mỗi gia đình có thể đảm nhận một khâu hoặc tất cả các khâu để hoàn thành một sản phẩm. Với hàng trăm hộ làm nghề sơn mài, làng Tương Bình Hiệp có thể xem như một xí nghiệp thủ công đã cơ giới hoá với những dây chuyền sản xuất rạch ròi nhưng mang tính chất gia đình truyền thống. Nhiều sản phẩm sơn mài của làng được xuất khẩu và tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế.

Hồ Bình An

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3005182.JPG

Hồ Bình An thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Đúng như tên gọi của nó, không gian yên tĩnh, thanh bình của hồ Bình An như đối lập với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt nơi thành thị. Những hàng cây xanh vươn cao tỏa bóng mát dọc theo con đường ven hồ. Trên khắp các lối đi là những bồn hoa đủ màu sắc rực rỡ. Giữa hồ là đảo nhỏ ẩn hiện thấp thoáng đằng sau những tán lá sum xuê, những nhà hàng nổi trông giống như thuyền của những người dân chài đang neo đậu. Trên bờ là những ngôi nhà mái chóp cao nhỏ xinh theo mô hình nhà rông Tây Nguyên để mọi người nghỉ ngơi, thư giãn.

1.   Lễ hội truyền thống:

Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu

Lễ hội chùa Bà của người Hoa thu hút rất đông khách thập phương tham dự. Chùa được các Bang người Hoa xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Vào ngày hội, chùa được trang hoàng cờ xí, đèn lồng rực rỡ từ Tam quan đến điện thờ bằng 12 chiếc đèn lồng tượng trưng cho 12 tháng trong năm, kết thúc hội được bán đấu giá lấy tiền làm việc từ thiện.

Hàng năm vào ngày rằm tháng giêng có lễ rước vía Bà. Cả ngày 14 và suốt đêm, tới ngày 15 tháng giêng, khách hành hương đa số là người Việt gốc Hoa từ các nơi lũ lượt hội về chợ Thủ cúng bái, vay tiền làm ăn, trả lễ tiền vay trước và rước hương lộc về nhà. Cái thị xã bậc trung với dáng dấp trung du như thị xã Thủ Dầu Một đã quá tải với lượng người có đến bốn năm trăm ngàn người như thức suốt ngày đêm.

Sau lễ, khách được tham dự các thú vui chơi, dự lề hội Chùa Ông (thờ Quan Công), xem múa lân, múa sư tử. Khi bế mạc lễ hội đoàn gồm 20 lân, rồng, sư tử, hẩu tiếp đến là bộ tứ Tây du ký tiến vào chùa chúc Bà, sau đó bắt đầu diễu hành trên đường phố. Ðến 06 giờ chiều đoàn rước trở về Chùa Bà và chấm dứt lễ hội.

Lễ hội mùa trái chín ở Bình Dương

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3005184.JPG

Lễ hội kéo dài từ 17/6 đến 30/6 với nhiều hoạt động thú vị, hấp dẫn. Tại đây, khách được tham quan vườn cây, thưởng thức những món đặc sản, nghe đờn ca tài tử và theo dõi cuộc thi chim hót. Du khách còn được tận mắt chứng kiến phẫu thuật lấy mật gấu và được uống rượu mật gấu miễn phí.

Ngoài những vườn trái cây, du khách có thể tham quan những làng nghề nổi tiếng về gốm sứ. Gần 20 nhà vườn đã đầu tư xây dựng như cất nhà đón khách, mua sắm bàn, ghế…Khu du lịch Cầu Ngang có diện tích trên 20.000 m2, với 50 phòng nghỉ, hệ thống karaoke, massage, nhà hàng… có thể chiêu đãi hàng nghìn khách. Du khách có thể đến đây bằng đường bộ hoặc đường thuỷ.

1.   Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng:

Xôi phồng Bình Dương

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3005191.JPG

Gà quay thường ăn chung với bánh bao, xôi đậu xanh, nhưng ở nhà hàng nổi Bình Dương, món gà quay được ăn kèm với xôi phồng.

Xôi có nhiều loại: xôi đậu đen, đậu xanh, đậu phộng, xôi gấc, xôi cúc. Vật liệu chính để tạo xôi là gạo nếp và tuỳ loại xôi chỉ cần gạo nếp. Một đĩa xôi phồng tròn to chiên vàng đều đặn đặt bên cạnh một đĩa gà quay chín thơm, béo.

Vật liệu làm xôi được tán nhuyễn chung với dầu ăn, thêm một chút đường và đặc biệt không có bột nổi. Tuỳ theo đĩa lớn, đĩa nhỏ, đầu bếp ngắt một miếng xôi này với lượng vừa đủ rồi bỏ vào chảo dầu sôi, nấu bằng lò khè, miếng xôi bỏ vào chảo dầu được đảo tròn đều và ép sát xuống đáy chảo bằng hai cây giá bếp. Khoảng 5 phút sau, miếng sôi bắt đầu phồng lên, lúc này hai tay đầu bếp phải thật khéo léo, nếu không phồng xôi sẽ bị méo, bể, hoặc xôi không ly tâm ra ngoài vỏ đều được, bị dồn cục giữa phồng xôi. Xôi chín vàng không đều hoặc bị cháy là không đạt chất lượng. Thời gian chiên phồng từ 10 đến 15 phút.

Bún Tôm Châu Trúc

Bún Tôm Châu Trúc bắt nguồn từ làng Châu Trúc (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Dương). Người dân làng Châu Trúc (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Dương) sống bằng nghề làm ruộng và chài lưới. Chính hai nghề này đã tạo nên một món ăn thú vị – món tôm Châu Trúc – thấm đẫm hồn đất, hồn nước và mộc mạc như tâm hồn người dân cần cù lao động.

Bún được làm ra từ gạo, kết hợp với tôm đất đánh bắt từ đầm lên, đơn giản vậy thôi mà ai đã từng ăn một tô thì cứ nhớ da diết về cái khẩu vị mộc mạc, nồng nàn, mong có ngày thưởng thức trở lại.

Cái ngon của bún tôm là vị ngọt lành, tươi mát của tôm đồng, là vị mặn mà của bún gạo, vị cay của tiêu ớt, vị nồng của củ hành, vị ngậy bùi mà không ngấy của nước bún.

Bánh bèo chợ Búng

Bánh bèo chợ Búng

Bánh bèo chợ Búng, Bình Dương ngon đặc biệt nhờ có bì heo ram với nước dừa. Bánh có mầu trắng, khi ăn giòn dai, ăn kèm với đồ chua và rau sống rất ngon miệng. 

Khác với các loại bánh bèo khác, bánh bèo bì chợ Búng của đất Bình Dương được làm từ loại gạo đỏ đặc sản. Muốn đổ bánh bèo thật ngon phải quấy cho nhuyễn tới khi các hạt gạo tan thành bột đặc quánh trong nồi.  

Bánh bèo gắn liền với địa danh chợ Búng bởi nơi đây đã làm nên thương hiệu cho bánh bèo bì đất Bình Dương. Từ bánh bèo, dưới bàn tay pha chế và óc sáng tạo, các nghệ nhân nấu ăn đã sáng tạo thêm hai món mới từ bì, góp phần làm cho bữa tiệc bánh bèo thêm phong phú: bì cuốn và bún bì.

Mít non hầm xương heo

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3005185.JPG

Trái mít non, hột chỉ bằng ngón tay út được sử dụng làm nguyên liệu để nấu món ăn, khi ăn cảm thấy ngon, lạ miệng nhưng chỉ xuất hiện ở một số miệt quê miền Đông Nam bộ như Bình Dương… Muốn thực hiện món mít non hầm với xương sườn heo không khó, chọn trái mít chưa kịp nở gai, hạt mít lúc này chỉ bằng đầu ngón tay út, để khi nấu chín ăn sẽ vừa bùi vừa giòn lại có vị ngọt. 

Cùng nhau quây quần bên mâm cơm. Khi ăn ta sẽ cảm nhận mùi thơm của xương thịt heo, vị béo của đậu phộng, nồng nồng của rau răm, vị ngọt của xơ mít và vị bùi bùi của những hạt mít non tất cả hòa quyện nhau nói lên cái đặc trưng món ăn quê nhà khó quên của người miền Đông Nam bộ.

 

1.Bản đồ hành chính:

Bản đồ hành chính Tinh An giang

2.Các đơn vị hành chính:

Tính đến 31/12/2008, An Giang có 11 đơn vị hành chính gồm: Thành phố Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và các huyện: An Phú, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, Tịnh Biên, Thoại Sơn, Tri Tôn.

 

  1. Bản đồ hành chính:

Bản đồ hành chính tỉnh Bình Dương

  1. Các đơn vị hành chính:

Thị xã Thủ Dầu Một

Bình Dương có 1 thị xã (Thủ Dầu Một); 6 huyện (huyện Bến Cát, huyện Dầu Tiếng, huyện Dĩ An, huyện Phú Giáo, huyện Tân Uyên, huyện Thuận An); 9 phường, 8 thị trấn và 72 xã. Tỉnh lỵ là thị xã Thủ Dầu Một – trung tâm hành chính – kinh tế – văn hoá của tỉnh Bình Dương.