Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trang chủKinh tế địa phương và
vùng lãnh thổ
63 tỉnh, thành phố
Tỉnh Tây Ninh

  • Điều kiện tự nhiên
  • Danh lam thắng cảnh
  • Đơn vị hành chính
  • Kinh tế – Xã hội

1. Vị trí địa lý:

Tỉnh Tây Ninh thuộc miền Đông Nam bộ, tọa độ từ 10°57’08’’ đến 11°46’36’’ vĩ độ Bắc và từ 105°48’43” đến 106°22’48’’ kinh độ Đông. Phía Tây và Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An, là tỉnh chuyển tiếp giữa vùng núi và cao nguyên Trung bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long. Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Cam pu chia và là một trong những tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam

2. Khí hậu:

Khí hậu Tây Ninh tương đối ôn hoà, chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô. Mùa nắng từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau và tương phản rất rõ với mùa mưa ( từ tháng 5 – tháng 11). Chế độ bức xạ dồi dào, nhiệt độ cao và ổn định. Nhiệt độ trung bình năm của Tây Ninh là 27,40°C, lượng ánh sáng quanh năm dồi dào, mỗi ngày trung bình có đến 6 giờ nắng.

Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.800 – 2.200 mm, độ ẩm trung bình trong năm vào khoảng 70 – 80%, tốc độ gió 1,7 m/s và thổi điều hoà trong năm. Tây Ninh chịu ảnh hưởng của 2 loại gió chủ yếu là gió Tây – Tây Nam vào mùa mưa và gió Bắc – Đông Bắc vào mùa khô.

3. Đặc điểm địa hình:

Tây Ninh nối cao nguyên Nam Trung Bộ với đồng bằng sông Cửu Long, vừa mang đặc điểm của một cao nguyên, vừa có dáng dấp, sắc thái của vùng đồng bằng. Trên địa bàn vùng cao phía Bắc nổi lên núi Bà Đen cao nhất Nam Bộ (986 m). Nhìn chung, địa hình Tây Ninh tương đối bằng phẳng, rất thuận lợi cho phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng.

4. Dân số:

Tây Ninh có diện tích tự nhiên 4.035,45 km2, dân số trung bình: 1.058.526 người (năm 2008), mật độ dân số: 262,31 người/km2, mật độ dân số tập trung ở Thị xã Tây Ninh và các huyện phía Nam của tỉnh như: các huyện Hoà Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng. Tây Ninh có 26 dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc tuy có những phong tục, tập quán sinh hoạt khác nhau nhưng đều có truyền thống chung là sống đoàn kết với cộng đồng, lao động cần cù, chiến đấu chống địch họa, thiên tai dũng cảm, tất cả đã tạo nên cho Tây Ninh một nền văn hoá đa dạng, phong phú và đầy bản sắc.

Về tôn giáo, ở Tây Ninh có đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Công giáo, đạo Tin Lành, đạo Hồi và một số tôn giáo khác…

5. Tài nguyên thiên nhiên:

a. Tài nguyên đất

Tây Ninh có 05 loại đất chính với tổng diện tích 402.817 ha; trong đó:

– Nhóm đất xám có khoảng 344.928 ha, chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 85,63% diện tích đất tự nhiên, phân bố ở địa hình cao; đặc điểm chung là thành phần cơ giới nhẹ, dễ thoát nước, phù hợp với nhiều loại cây trồng.

– Nhóm đất phèn: Tổng diện tích đất phèn có khoảng: 25.359 ha, chiếm 6,3% diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu ven sông Vàm Cỏ Đông.

– Nhóm đất đỏ vàng: Nhóm đất này chiếm tỷ trọng không lớn, khoảng 6.850 ha, chiếm  1,7% tổng diện tích tự nhiên được phân bố vùng đồi núi ở huyện Tân Biên, Tân Châu, Loại đất này thích hợp cho việc trồng rừng, cây công nghiệp.

– Nhóm đất phù sa: Đất phù sa ở Tây Ninh có khoảng 1.775 ha, chiếm 0.44% diện tích đất tự nhiên.

– Nhóm đất than bùn chôn vùi: Đất này có diện tích 1.072 ha, chiếm 0,27% diện tích tự nhiên nằm xen các vùng đất phèn men theo hạ lưu trũng của sông Vàm Cỏ.

Cùng với điều kiện khí hậu ôn hòa, đất đai ở Tây Ninh có nhiều thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp, có thể phù hợp cho việc canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau, cây công nghiệp ngắn và dài ngày như mía, mì, đậu phọng, cao su …. các loại  cây ăn quả và rau màu khác.

b. Tài nguyên rừng

Rừng Tây Ninh phần lớn là rừng thứ sinh do bị tàn phá trong chiến tranh trước đây, đại bộ phận rừng thuộc dạng rừng thưa khô, rừng hỗn giao tre nứa và cây gỗ. Diện tích rừng còn khoảng 40.025 ha (kiểm kê rừng năm 1990).Theo qui hoạch tổng quan lâm nghiệp, rừng và đất để trồng rừng khoảng 70.000 ha/diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.

c. Tài nguyên khoáng sản

Khoáng sản của Tây Ninh chủ yếu thuộc khoáng sản phi kim loại như: đá vôi, than bùn, cuội sỏi, cát, sét .

– Đá vôi có trữ lượng khoảng 76 triệu tấn, phân bố ở đồi Tống Lê Chân, Sóc Con Trăn và Chà Và (huyện Tân Châu.

– Than bùn ước tính trữ lượng khoảng  6 triệu tấn với các mỏ lớn như Thôn Bền, Trí Bình, Thanh Hàm, Ninh Điền (huyện Châu Thành), Long Chữ, Tiên Thuận (huyện Bến Cầu) và Bà Nhã (huyện Trảng Bàng).

– Cuội, sỏi, và cát có trữ lượng khoảng 10 triệu m3  tập trung ở Tân Châu, Châu Thành, Hòa Thành và Trảng Bàng.

– Sét làm gạch ngói có trữ lượng khoảng 18 triệu m3, phân bố ở nhiều nơi trong tỉnh như huyện Tân Châu, Tân Biên,  Thị xã Tây Ninh, Châu Thành, Gò Dầu và Bến Cầu.

Tây Ninh có một số mỏ nước khoáng thiên nhiên, trong đó, mỏ nước khoáng ở xã Ninh Điền, huyện Châu Thành đã được thăm dò chi tiết, được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Nhà nước cấp giấy phép khai thác. Hiện nay nhà máy nước khoáng Ninh Điền có công suất 11.000 lít/ngày đang được triển khai xây dựng .

d. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt ở Tây Ninh chủ yếu dựa vào hệ thống kênh rạch trên địa bàn toàn tỉnh, với chiều dài của toàn bộ hệ thống 617 km, trung bình 0,11 km/km2 và chủ yếu dựa vào 2 sông lớn là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.

 

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009211.JPG

Sông Vàm Cỏ Đông

Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng với dung tích 1,45 tỷ m3 và 1.053 tuyến kênh có tổng chiều dài 1.000 km đã phát huy hiệu quả trong cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt tiêu dùng và cho sản xuất công nghiệp. Ngoài ra Tây Ninh còn có nhiều suối, kênh rạch; tạo ra một mạng lưới thuỷ văn phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn, đạt 0,314 km/km2.

Tây Ninh có nguồn nước ngầm khá phong phú, phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh – Tổng lưu lượng nước ngầm có thể khai thác được 50 – 100 ngàn m3/giờ. Vào mùa khô, vẫn có thể khai thác nước ngầm, đảm bảo chất lượng cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

 

1. Danh lam thắng cảnh:

a. Về du lịch văn hóa – lịch sử

Núi Bà Đen

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009209.JPG

Núi Bà Đen là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng Nam Bộ. Với hệ thống hang động và cảnh quan tự nhiên kết hợp kiến trúc tôn giáo đã tô điểm cho núi một nét đẹp hài hòa với thiên nhiên. Nó thật sự trở thành nơi trở về với cội nguồn, đời sống tâm linh, du lịch sinh thái và truyền thống cách mạng của dân tộc. Di tích nằm trên địa bàn của 3 xã : Ninh Sơn – Tân Bình – Thạnh Tân thuộc thị xã Tây Ninh. Là di tích lịch sử văn hóa và danh thắng được Bộ Văn hoá, Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số 100/VH-QĐ ngày 21/01/1989.

Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km2, cao nhất vùng Đông Nam Bộ (986 m). Núi được cấu tạo bởi đá Granit, Granodionit… nên đỉnh khá nhọn và nền tương đối dốc với 3 đỉnh cao: Núi Bà 986 m, Núi Phụng 372 m và Núi Heo 335 m.. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà …

Đến núi Bà Đen, du khách – nhất là các bạn trẻ rất thích thú khi chơi máng trượt. Đây là loại hình du ngoạn lần đầu tiên được giới thiệu ở Việt Nam, và được đánh giá như một “sản phẩm du lịch” độc đáo, tạo ấn tượng mạnh đối với khách du lịch, hành hương khi đặt chân đến ngọn núi xinh đẹp này.

Toà Thánh Tây Ninh

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009213.JPG

Hàng năm, cứ vào ngày mùng tám tháng giêng và rằm tháng tám âm lịch Toà Thánh Tây Ninh lại đón hàng vạn khách hành hương về dự lễ vía Đức Chí Tôn và Hội Yến Diêu Trì Cung. Đây là một nét văn hoá đặc sắc của bà con tín đồ Cao Đài.

Toà Thánh Tây Ninh được xây dựng từ năm 1936, tọa lạc trong một khuôn viên 1 Km2 cách trung tâm Thị xã 5 Km.

Từ xa nhìn lại, Toà Thánh hiện ra thật lộng lẫy, uy nghi với những đỉnh đài cao được trang trí bằng các hình thể, hoạ tiết tinh xảo, khéo léo có sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc Á Đông và Phương Tây: Bạch Ngọc Chung đài, Lôi Âm Cổ đài, Bát Quái đài, Nghinh Phong đài.

Phía trước Đền Thánh là pho tượng Xa Nặc theo Đức Phật Thích Ca tầm đạo và cây Bồ Đề hơn trăm năm có nguồn gốc từ Ấn Độ toả bóng mát dịu. Đây cũng là nơi du khách nghỉ chân, ngồi dưới gốc Bồ Đề cầu nguyện sự an bình. Hai bên tả hữu là hai cánh rừng với những cây cổ thụ cành lá xanh um, hương rừng ngào ngạt, thu hút chim chóc mùa xuân,  và râm ran tiếng ve mùa hạ.

Cách Toà Thánh chưa đầy 200 m là Điện thờ Phật mẫu, trang trí khiêm nhường nhưng tạo vẻ mỹ quan đặc sắc. Bá Huê Viên cây cảnh đa dạng, trăm hoa đua nở, hương hoa ngào ngạt. Gần Bá Huê Viên là Trai Đường, nơi khách hành hương tìm được những bữa cơm chay đạm bạc nhưng đầm ấm tình người.

Rừng Chàng Riệc

Rừng Chàng Riệc nằm ở biên giới Việt Nam – Cam pu chia, cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 130 km, trong đó hơn 20 km là đường xuyên rừng. Nơi đây có một di tích đáng chú ý: Căn cứ Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Qua khỏi đồn biên phòng Xa Mát, đường đến Chàng Riệc xuyên qua những khoảng rừng già với nhiều cây cổ thụ hai, ba người ôm không xuể, tán che kín trời. Trong thời chiến tranh, nhờ sự chở che của thiên nhiên và nhân dân vùng biên nên bộ đội hai nước luôn giữ vững thế trận trên toàn Nam Bộ và chiến trường Lào – Cam pu chia. Trong khoảng rừng nguyên sinh rộng trên 200 ha đó, Trung ương Đảng đã chọn làm căn cứ chỉ đạo cuộc kháng chiến. Kể từ khi thành lập Trung ương Cục miền Nam (1961) đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, của Trung ương Cục tới đây làm việc như Nguyễn Văn Linh (Bí thư Trung ương Cục miền Nam đầu tiên), Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Đáng, Phạm Thái Bường, Trần Nam Trung… Rừng Chàng Riệc nhiều vô kể loại lá trung quân. Đó là loại lá thích hợp dùng lợp nhà, vừa mát, vừa bền và đẹp mắt, đồng thời không bị cháy lan khi hoả hoạn.

Từ đồn Xa Mát vào khu di tích, điểm đầu tiên du khách gặp là di tích Ban An ninh Cục miền Nam. Đi sâu vào khu di tích là nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo và các khu nhà hành chính, nhà hậu cần, hội trường… Tất cả nối thông nhau bởi hệ thống 430 m đường nội bộ và 1.253 m hào giao thông.

Đền quan lớn Trà Vong

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009206.JPG

Năm 1749 (Kỷ Tỵ), Triều Đình Huế cử ba anh em nhà họ Huỳnh: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, và Huỳnh Công Nghệ là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện việc di dân khai hoang lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương. Tưởng nhớ công ơn của 3 anh em nhà họ Huỳnh và các nghĩa binh, nhân dân địa phương lập đền, miếu để thờ ở nhiều nơi và được gọi chung là đền thờ Quan lớn Trà Vong.

Ngôi mộ ông Huỳnh Công Giản (tức Quan lớn Trà Vong) được nhân dân chôn cất tại ấp Trà Hiệp xã Trà Vong, Tân Biên. Đền thờ ông được nhân dân xây dựng ở nhiều nơi như: Tân Phong, Trà Vong (Tân Biên), Cầy Xiêng, Đồng Khởi (Châu Thành), Thái Vĩnh Đông, Phường I (Thị xã), Thạnh Tân (Hoà Thạnh).

Chùa Phước Lưu

Chùa Phước Lưu nằm cạnh quốc lộ 22A, tại trung tâm Thị trấn Trảng bàng, đối diện với bệnh viện và sân vận động Trảng Bàng.

Giữa thế kỷ thứ XIX, chùa Phước Lưu được xây dựng. Ban đầu chỉ là một cái am nhỏ gọi là Am Bà Đồng, sau này được xây dựng thành chùa nên có tên gọi là Chùa Bà Đồng. Năm 1900, Tổ trường Lục thuộc đời thứ 42 phái Liễu quán đã quyên góp tài chính của phật tử địa phương và cộng đồng người Hoa ở Trảng Bàng sửa chữa và mở rộng chùa và đặt tên là chùa Phước Lưu.

Từ lúc xây dựng đến nay đã qua 5 lần trùng tu sửa chữa vào các năm 1943, 1946, 1975 và 1990. Chùa Phước Lưu là nơi có nhiều tượng Phật cùng nhiều hiện vật cổ, có giá trị nghệ thuật cao như: 4 bàn tủ khảm trai, bộ tràng kỷ mặt đá. Đặc biệt có 2 đĩa lớn (đường kính 55cm) 2 choé lam lớn (đường kính 63cm, cao 53cm). Với những hoạ tiết, hoa văn đường phủ men lam là những hiện vật cổ có giá trị độc đáo. Với lối kiến trúc đẹp, hoà với tổng thể thiên nhiên. Ngôi chùa đã được giới thiệu trong quyển “Việt Nam danh lam cổ tự”.

Ngoài ra, Tây Ninh còn có nhiều di tích văn hóa – lịch sử như: Hiệp Long Cổ Tự (thị xã Tây Ninh), Báo Quốc Từ (thị trấn Hòa Thành), Đền thờ đức Trần Hưng Đạo (thị xã Tây Ninh), Đình Long Giang (xã Long Giang, huyện Bến Cầu), Đình Phước Hội (xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu), Chùa Khơme (xã Tân Thành, huyện Hòa Thành), Cẩm Phong Tự (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu), Chùa Linh Sơn Tiên Thạch (Chùa Bà, xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành), Cao Sơn Tự (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu), Từ Lâm Tự (Chùa Gò Kén, xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành), Phước Lâm Tự (Chùa Vĩnh Xuân, thị xã Tây Ninh), Miếu Quan Đế (thị xã Tây Ninh), Đình Thanh Phước (đình Gò Dầu, thị trấn Gò Dầu),…

b. Về du lịch sinh thái:

Hồ Dầu Tiếng

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009207.JPG

Hồ Dầu Tiếng cách thị xã Tây Ninh 20 km, là điểm du lịch nằm trong tuyến liên hoàn giữa thị xã Tây Ninh – Toà thánh Tây Ninh – núi Bà Ðen. Hồ có diện tích 27.000 ha, có sức chứa 1,58 tỷ m3, mặt hồ Dầu Tiếng bao quát cả một vùng rộng lớn của nhiều xã, huyện thuộc địa bàn của 3 tỉnh : Tây Ninh – Bình Dương – Bình Phước. Đây là hồ nhân tạo lớn hàng thứ ba trên cả nước chỉ sau hồ thủy điện Hòa Bình dung tích 9 tỷ m3 và hồ thủy điện Thác Bà 3 tỷ m3. Nếu chỉ tính hồ thủy lợi thì hồ Dầu Tiếng xếp hàng đầu về quy mô trong cả nước.

Trong ký ức của nhiều người nơi đây là một phần chiến khu Dương Minh Châu, nơi ra mắt Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; cầu Lộc Ninh – Tà Dơ nơi diễn ra trận càn lớn đầu tiên ở chiến trường Nam bộ với 20 tiểu đoàn Pháp; Suối Bà Chiêm một thời khô khát, rừng cháy trong bom Napan và chất độc hóa học … nay đã vĩnh viễn chìm sâu dưới lòng hồ, thành biển cả mênh mông.

Lòng hồ Dầu Tíếng tiếp tục là một nguồn mạch vĩ đại đưa dòng nước ngọt lành đến một vùng đất rộng lớn của tổ quốc. Hồ Dầu Tiếng với khoảng không gian rộng lớn, sơn thủy hoà quyện, các ốc đảo tự nhiên lạ mắt, không khí trong lành, thoáng mát. Nơi đây sẽ thành khu nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao, công viên, sân golf, công viên rừng, khu săn bắn, câu cá, bãi tắm, du thuyền, các môn thể thao trên nước.

Suối Chor

Nghe tiếng nước rì rào, trở ngược lại tìm ra bến suối. Trên bến nước cũng có một cây đa vĩ đại. Bờ suối lô nhô những vỉa đá ong. Đôi bờ rất nhiều cây rừng có dáng nghiêng ra mặt nước. Nếu là mùa khô nước cạn, sẽ còn trồi lên những viên đá cuội trụi tròn bởi nước chảy đã ngàn năm. Lạ thay, giữa dòng nước cuộn trôi sóng sánh phù sa màu mật mía lại là những bụi tre gai dày rậm. Suối Chor từ đây đổ vào suối Mây, rồi chảy dưới chân cầu Cần Đăng thuộc thị trấn Tân Biên, xuôi dòng sông Vịnh để hoà vào Vàm Cỏ Đông sông mẹ. Chỉ nhắc mấy cái tên ấy thôi đã thấy âm vang một dòng lịch sử truyền lan về phía hạ nguồn.

2. Lễ hội truyền thống:

Lễ giỗ quan lớn Trà Vong

Tập tục thờ cúng Quan Lớn Trà Vong tức ba anh em của ông Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ là một nét tín ngưỡng dân gian đặc biệt của vùng đất Tây Ninh xưa và nay. Cùng với tập tục này là ngày giỗ Quan Lớn Trà Vong đã trở thành một hội lễ dân gian của riêng Tây Ninh. Với hội lễ ở các đền thờ trong tỉnh, nội dung cơ bản là lòng tri ân của nhân dân Tây Ninh đối với những anh hùng liệt sĩ có công gây dựng và bảo vệ vùng đất Tây Ninh. Lễ giỗ Quan Lớn Trà Vong được tổ chức ở các đền miếu thờ các ông họ Huỳnh thuộc nhiều địa phận ở Tây Ninh. Đền thờ ông Huỳnh Công Giản ở Hảo Đước (Châu Thành) là đền thờ chính. Ngoài ra còn có đền thờ ông ở ấp Mõ Công, ấp Thái Vĩnh Đông, phường I Thị xã. Lễ giỗ ông được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch.

Lễ miếu

Tây Ninh là vùng đất của tín ngưỡng dân gian rất phong phú và đa dạng, đặc biệt là việc thờ cúng ở các miếu (dân gian quen gọi là Miễu). Nhiều ngôi Miếu khá khang trang như Linh Sơn Thánh Mẫu, Thiên Hậu Miếu và đa số các vị thần thờ ở các Miếu lại là nữ thần như Ngũ Hành nương nương, Chúa Xứ nương, Thủy Long Thành Nữ… Những Miếu thờ này hàng năm có nhiều ngày cúng lễ và cũng thu hút đông đảo khách thập phương, và trong một góc độ nào đó đây cũng là một dạng của lễ hội dân gian. Trong số những ngày lễ ở các miếu, đặc biệt có một ngày cúng lễ lớn nhất, đó là ngày “Vía”, vào ngày này miếu là nơi tụ hội của đông người, và nhiều nghi thức lễ được tiến hành như: Lễ Khai Tràng; Lễ Chầu Mời, Thỉnh Tổ; Lễ Dâng Bông, Dâng Mâm; Hát Chặp Địa Nàng; Lễ Phát Lộc, An Vị.

Lễ hội đình

Các đình làng Tây Ninh còn có một số hội riêng của từng đình, từng làng. Một số lễ hội đã mất, nhưng cũng còn một số ít khác được duy trì như Lễ Miếu, thờ cúng vào ngày vía các vị thánh được thờ ở các miếu trong sân đình, Lễ Kỳ Yên (Cầu An), hoặc các lễ nghi mang tính chất nông nghiệp như Lễ Hạ Điền (cúng Thần Nông lúc xuống giống lúa), Lễ Cầu Bông (cúng thần Nông lúc lúa làm đồng trổ bông), Lễ Thương Điền (cúng khi vào mùa gặt). Ở đình Hiệp Ninh (thị xã Tây Ninh) Lễ Cầu Bông được tổ chức rất lớn gần như lễ Kỳ Yên, cũng có rước sắc thần, có lễ Hiến Sinh, nhưng chỉ diễn ra trong nội nhật. Lễ Cầu Bông ở đình Long Thành (Hòa Thành) cũng tổ chức long trọng và dân làng đến làm lễ rất đông

Lễ hội các dân tộc ít người

Ở Tây Ninh, bên cạnh dân tộc Việt chiếm đại đa số, còn có các dân tộc ít người sống quần cư rải rác ở nhiều nơi, đó là các dân tộc Khơme, Chăm, Stiêng, Hoa… Do đó, đan xen với những lễ hội dân gian của người Việt, ở Tây Ninh còn có những lễ hội dân gian của các dân tộc ít người.

– Người Chăm: Lễ hội Ramađa của người Chăm hồi giáo.

– Người Hoa: Ngày Vía Quan Thánh đế quân (13 tháng giêng), Ngày Vía khai sanh Thánh mẫu (20 tháng ba), Ngày Vía Thiên Hậu thánh mẫu (23 tháng 3), Ngày Vía Kim Hoa thánh mẫu (18 tháng tư), Ngày Vía Long Mẫu nương nương (7 tháng năm), Ngày Vía Quan Bình (13 tháng năm), Ngày Vía Phúc Đức chính thần (15 tháng tám).

Lễ hội núi Bà Đen

Sau Tết Nguyên đán, tiết xuân mát mẻ, du khách bốn phương kéo về Núi Bà Đen ở Tây Ninh mở hội xuân. Bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng giêng, Núi Bà trở nên đông vui tấp nập và kéo dài trong suốt tháng giêng. Ngày hội lễ được xem là quan trọng nhất ở Núi Bà trong năm là lễ vía Bà tổ chức vào các ngày mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch.

3. Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng:

Ở Tây Ninh hiện nay có một số món ăn tương đối đặc sắc kế thừa nền văn hóa truyền thống lâu đời của tổ tiên ở các nơi khác không có, được nhiều người biết đến như:

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009205.JPG

Bánh tráng Trảng Bàng

– Bánh tráng Trảng Bàng (thị trấn Trảng Bàng) Bánh tráng Trảng Bàng được làm rất công phu bằng bột xay ra từ gạo ngon, tráng hai lớp, hai lần. Phơi khô xong bánh tráng được nướng trên các nồi tròn kín như cái cà om bằng võ đậu phọng khô; nướng xong, bánh tráng được đem phơi sương vào tờ mờ sáng cho bánh dịu lại và đem bọc kín trong lá chuối tươi, để giữ cho bánh được mềm, dẻo. Bánh tráng cuốn chung với rau sống, rau sông (loại rau mọc ở trên bờ sông, rạch), dưa leo, đỗ chùa, giá, tỏi chua,… và thịt heo luộc thái mỏng chấm với nước mắm ớt có bỏ chút tiêu.

– Bánh canh Trảng Bàng (thị trấn Trảng Bàng): Món bánh canh Trảng Bàng được làm từ bột gạo chứ không phải bột lọc như ở địa phương khác. Bí quyết khu nêm nước lèo luộc thịt, là nêm bằng muối hột vì nó làm nướckhông bị chua như khi nêm bằng muối bọt. Thực khách có thể yêu cầu thêm món chân giò heo luộc mềm chấm với nước mắm tiêu, chanh, món ăn tuy đơn giản nhưng thật ngon và lạ miệng.

 – Mắm chua: Món ăn ngon đặc sắc khác của cư dân Tây Ninh mà chỉ những người ở Nam Bộ lâu năm mới quen ăn và “mê” nhất, đó là mắm chua. Cách chế tạo mắm chua có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng ở người Khơmer, nó được cải tiến đôi chút cho phù hợp với khẩu vị người Việt. Vào khoảng tháng 9 thán 10 âm lịch là mùa cá con xuống sông, suối theo nước đổ, người ta đi xúc hoặc là sa để bắt tép, cá nhỏ (cá lòng tong, rễ tren, cá đỏ đuôi) làm mắm chua (ngon nhất là cá rễ tre). Cách làm là cá rửa sạch ướp với muối hột rang giả nhuyển, sau đó trộn thính (gạo rang giả nhuyển) và đường tán, sau từ 15 đến 20 ngày mắm có thể ăn được. Khi ăn trộn thêm đường cát, tỏi, ớt, hạt tiêu còn tươi (nếu có) cho mắm dịu lại. Mắm chua ăn chung với rau sống, trái đậu rồng non. Tùy theo sở thích người ta có thể ăn với cơm hoặc với bún, bánh tráng thịt heo luộc.

Món ăn chay

Một trong những điểm đặc sắc của ẩm thực ở Tây Ninh là thức ăn chay. Cư dân Tây Ninh đa số là tín đồ đạo Phật, đạo Cao Đài nên người ăn chay khá đông. Trước đây, vào những “ngày chay” có chợ như chợ Long Hoa hầu như chỉ bán toàn thức ăn chay. Cũng như nhiều địa phương khác ở Nam Bộ, món ăn chay ở Tây Ninh được nấu bằng các loại rau quả, củ, đậu hủ, tàu hủ ky; nhưng về tên gọi và hình thức được thể hiện không khác các món ăn mặn như : “Vịt tiềm”, “Heo quay”, “Chuột xào”, “Cá chiên”, “Tôm kho tàu”. Ngoài ra còn có các món nem, gỏi, chả, bì,… Đặc biệt, tuy là đồ chay nhưng cũng đáp ứng được tập quán và nhu cầu thích ăn mắm của người dân Nam Bộ. Món chay ở Tây Ninh có đủ loại “mắm” : mắm kho, mắm thái, mắm chưng, dưa mắm …

Muối ớt Tây Ninh

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009208.JPG

Xuất hiện trên thị trường sau các đặc sản như mãng cầu, bánh tráng Tây Ninh nhưng đặc sản muối ớt Tây Ninh cũng nhanh chóng khẳng định ”tên tuổi” không kém phần nổi tiếng. Khách du lịch đến Tây Ninh có thể tìm mua muối ớt tại các điểm du lịch ở núi Bà đen, trung tâm thương mại Long Hoa, đến tận Gò Dầu, Trảng Bàng,… Muối ớt Tây Ninh thường được dùng làm món chấm trên bàn ăn, để ăn trái cây… Ngoài ra, món muối ớt tôm trộn với bánh tráng được cắt nhỏ đã trở thành món ăn chơi vừa ngon vừa vui miệng.

Ốc núi Tây Ninh

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009210.JPG

Ốc núi Tây Ninh có nhiều ở chân núi Bà Đen, huyện Dương Minh Châu. Loại ốc này thường sống trong hang, mùa mưa bò ra sinh sản và chỉ ăn một thứ lá cây rụng là lá cây Nàng Hai nên còn gọi là ốc Nàng Hai. Ốc núi Tây Ninh có hình dáng giống như loài ốc bươu nhưng mình dẹp và nhỏ hơn. Ốc núi Tây Ninh có thể làm đủ món như nướng, xào me, xào tỏi, xào sa tế…, nhưng ngon nhất là luộc trộn gỏi với củ hành tây.

Mãng cầu Bà Đen

Mãng cầu (còn gọi là quả na) Bà Đen được trồng quanh chân núi Bà Đen, có đặc điểm là trái to, thịt dai, mùi vị thơm ngon, từ lâu đã có mặt khắp các chợ lớn của thành phố Hồ Chí Minh. Gần đây, mặt hàng này bắt đầu được các doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh thu mua, xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Trung Quốc và đang xâm nhập vào thị trường EU. Mỗi năm mặt hàng này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể bằng ngoại tệ cho các doanh nghiệp và cho nhà vườn quanh chân núi Bà Đen.

 

1. Bản đồ hành chính:

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009204.JPG

Bản đồ hành chính tỉnh Tây Ninh

 

2. Các đơn vị hành chính:

Description: http://www.mpi.gov.vn/portal/pls/portal/docs/3009212.JPG

Thị xã Tây Ninh

Tây Ninh có một thị xã (thị xã Tây Ninh) và 8 huyện, gồm: Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Châu Thành, Hoà Thành, Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng. Thị xã Tây Ninh là trung tâm kinh tế – chính trị – văn hoá của tỉnh, cách thành phố Hồ Chí Minh 99 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 22 và cách thủ đô Hà Nội 1.809 km theo quốc lộ số 1.

 

ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ – XÃ HỘI TỈNH TÂY NINH

Trong bối cảnh tình hình lạm phát tăng cao, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực đến nước ta, tỉnh Tây Ninh đã nỗ lực phấn đấu, chủ động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu kinh tế – xã hội đề ra.  

a) Về phát triển kinh tế:

– Nền kinh tế đạt tốc độ khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng

Tăng trưởng kinh tế bình quân 14% /năm (Nghị quyết là 15,5-16%/năm); GDP bình quân đầu người đạt 1.390USD, gấp 2,4 lần năm 2005 (NQ: 1.050-1.100USD);Cơ cấu kinh tếtrong GDP chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tỷ lệ tương ứng giữa các lĩnh vực nông – lâm – thuỷ sản, công nghiệp – xây dựng,dịch vụlà 27,5% – 28% – 44,5% (năm 2005 có tỷ lệ tương ứng là 38,25% – 25,14% – 36,61%).

Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân hàng năm 7%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết (NQ: 5,5-6%).  Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân hàng năm 16,3%, tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp lên từ 10,37% năm 2005 lên 15,8% năm 2010 (NQ: 12%).

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá, bình quân 16,8 % hàng năm (NQ24-25%). Số lượng các dự án công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, đưa giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 46% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

Giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng bình quân 21,5% hàng năm, vượt chỉ tiêu NQ (NQ: 16-16,5%). Hệ thống thương mại nội địa được mở rộng. Ngành du lịch tỉnh hàng năm thu hút 1,8 triệu lượt khách du lịch, các dịch vụ vận tải công cộng, bưu chính, viễn thông có tốc độ tăng nhanh.

Thu ngân sách hàng năm đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hàng năm 14,5%, tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách năm 2010 đạt 8%. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 20,2%/năm.

– Đầu tư phát triển – Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước:

Đánh giá tình hình phân bổ và thực hiện các nguồn vốn đầu tư phát triển trong 5 năm 2006 – 2010 theo các nguồn vốn:

Ngân sách nhà nước: Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 1.665,387 tỷ đồng, thực hiện 1.517,264 tỷ đồng đạt 91,11% kế hoạch.

Trái phiếu Chính phủ: Giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh được phân bổ 489,138 tỷ đồng, thực hiện các công trình sau: Giao thông: 9 công trình, bố trí 184,869 tỷ đồng; Thủy lợi: 2 công trình, bố trí 90,031 tỷ đồng; Y tế: 6 công trình, bố trí 92 tỷ đồng; Giáo dục: kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, bố trí 122,238 tỷ đồng.

Tín dụng đầu tư nhà nước: Kế hoạch vốn 1.087,829 tỷ đồng, thực hiện 968,073, đạt 88,99% kế hoạch.

Doanh nghiệp nhà nước: Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn khoảng 600 tỷ đồng.

Xổ số kiến thiết (XSKT): Tổng nguồn thu từ XSKT chi cho đầu tư phát triển là 3.289,446 tỷ đồng, giải ngân 3.202,642 tỷ đồng đạt 97,36% kế hoạch. Nguồn thu từ XSKT chi cho đầu tư phát triển đầu tư xây dựng các công trình trường học, bệnh viện, trạm y tế xã, các công trình phúc lợi xã hội, các công trình giao thông quan trọng của tỉnh.

Nguồn vốn vay: Vay tín dụng ưu đãi Bộ Tài chính: 125 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch; Vay vốn nhàn rỗi Kho bạc NN: 150 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Đánh giá tình hình thu hút và sử dụng các nguồn vốn FDI, ODA:

Đầu tư nước ngoài: Tổng vốn thu hút 609,29 triệu USD. Cụ thể: Tổng số dự án cấp mới là 120 dự án, tổng số vốn đăng ký 390 triệu USD; Tổng số dự án tăng vốn là 103 dự án, tổng số vốn tăng là 277 triệu USD; Tổng số dự án thu hồi là 27 dự án; tổng số vốn của các dự án bị thu hồi là 56,59 triệu USD. Tổng số dự án giảm vốn là 2 dự án; số vốn giảm 1,12 triệu USD. Ước lũy kế ước đến cuối năm 2010 trên địa bàn ỉnhTây Ninh có 207 dự án ĐTNN còn hiệu lực với vốn đăng ký: 1.049 triệu USD; trong đó có 150 dự án đi vào hoạt động, 17 dự án đang triển khai xây dựng, 36 dự án chưa xây dựng, 4 dự án dừng hoạt động. Vốn thực hiện 630 triệu USD, bằng 60% so vốn đăng ký.t

Đầu tư trong nước: Tổng vốn thu hút 22.510 tỷ đồng. Cụ thể: Tổng số dự án cấp mới là 208 dự án; tổng số vốn của dự án cấp mới là 21.750 tỷ đồng; Tổng số dự án tăng vốn là 6 dự án, tổng số vốn tăng là 1.390 tỷ đồng; Tổng số dự án thu hồi là 18 dự án, tổng số vốn của các dự án bị thu hồi là 630 tỷ đồng. Ước lũy kế đến cuối năm 2010 trên địa bàn ỉnhTây Ninh có 262 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký 32.400 tỷ đồng; trong đó có 125 dự án đi vào hoạt động, 35 dự án đang triển khai xây dựng, 102 dự án chưa triển khai. Vốn thực hiện 13.000 tỷ đồng, bằng 40% so vốn đăng ký.t

Nguồn vốn ODA: Vận động thu hút vốn ODA còn hạn chế, giai đoạn 2006 – 2010 Tỉnh chỉ có hai dự án sử dụng nguồn vốn ODA, đã triển khai xây dựng hoàn thành 1 dự án, 1 dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Giải ngân 88 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch vốn.

Đã quy hoạch 8 khu công nghiệp và 20 cụm công nghiệp, trong đó, triển khai 03 khu công nghiệp (Khu liên hợp công nghiệp – đô thị – dịch vụ Phước Đông – Bời Lời, khu công nghiệp – dịch vụ Bourbon – An Hoà, khu công nghiệp Chà Là).

b) Về Văn hóa – Xã hội.

Văn hoá – xã hội tiếp tục phát triển và đạt những kết quả tích cực; hầu hết các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt Nghị quyết Đại hội đề ra, đã góp phần ổn định xã hội, cải thiện và nâng cao một bước đời sống vật chất, tinh thầnh trong nhân dân

Chất lượng dạy và học tiếp tục nâng lên. Hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở trước một năm so với Nghị quyết đề ra. Duy trì kết quả huy động trẻ em 6 tuổi đến lớp hàng năm trên 99%.

Chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện: 100% trạm y tế xã có bác sĩ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3% (tiêu chuẩn của tỉnh), trong đó hộ nghèo theo tiêu chuẩn trung ương còn 1,5%; chất lượng lao động được tăng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo và dạy nghề đạt 45%./.