Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư
vùng lãnh thổ63 tỉnh, thành phố
Tỉnh Sơn La
- Điều kiện tự nhiên
- Danh lam thắng cảnh
- Đơn vị hành chính
- Kinh tế – Xã hội
Vị trí địa lý:
Tỉnh Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc, có toạ độ địa lý 20039′ – 22002′ vĩ độ Bắc, 103011′ – 105002′ kinh độ Ðông. Phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái, Lào Cai; phía Ðông giáp tỉnh Lai Châu; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá và nước bạn Lào; cách thủ đô Hà Nội 320 km về phía Tây Bắc.
Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 14.055 km2, chiếm 4,27% diện tích cả nước.
Các đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh gồm có 4 tuyến chính nối Sơn La với thủ đô Hà Nội: đường Quốc lộ 6, Quốc lộ 37, Quốc lộ 43, Quốc lộ 279. Ngoài ra, còn có đường không và đường sông như sân bay Nà Sản và cảng đường sông Tà Hộc, Vạn Yên. Các con sông chính chảy qua địa bàn tỉnh Sơn La như sông Ðà, Sông Mã và rất nhiều con suối nhỏ phân bổ đều trên địa bàn tỉnh. Sông Ðà chảy qua địa phận Sơn La dài 150 km, sông Mã chảy qua địa phận Sơn La dài 95 km.
Khí hậu:
Có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, mưa tập trung vào các tháng 7 và 8 (không có bão), thỉnh thoảng có giông và mưa đá, lượng mưa trung bình hàng năm là 1.276 mm. Nhiệt độ cao nhất là 25,70C, nhiệt độ thấp nhất là 170C, nhiệt độ trung bình là 24,020C; hàng năm có 6 tháng có nhiệt độ trung bình 24,020C. Sương muối thường xảy ra vào tháng 12 – 01 hàng năm.
Đặc điểm địa hình:
Ðịa hình tỉnh Sơn La chia cắt sâu và mạnh, vùng núi chiếm trên 85% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, có 2 cao nguyên tương đối bằng phẳng là cao nguyên Mộc Châu và cao nguyên Nà Sản, còn lại là các bãi bằng nhỏ hẹp xen kẽ núi cao. Ðộ cao trung bình 600 – 700 m so với mặt biển, điểm cao nhất là 2.879 m so với mặt biển, điểm thấp nhất là 70 m so với mặt biển.
Dân số:
Người Thái ở Sơn La
Theo kết quả điều tra dân số ngày 1/4/2009, tỉnh Sơn La có 1.080.641 người. Trong đó, số lao động trên địa bàn tỉnh là 407.246 lao động, chiếm 46,1% dân số. Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc là chủ yếu. Ðông nhất là dân tộc Thái có 482.985 người, chiếm 54,7%, dân tộc Kinh có 153.646 người, chiếm 17,42%, dân tộc Mông có 114.578 người, chiếm 13%, dân tộc Mường có 71.906 người, chiếm 8,15% và các dân tộc khác chiếm 6,73%.
Trình độ dân trí: đã phổ cập giáo dục tiểu học cho 10/10 huyện, thị, 201/201 xã, phường; tỷ lệ người biết chữ chiếm 70,8%. Số học sinh phổ thông niên học 2001 – 2002 là 220.430 em, số giáo viên là 10.269 người. Số thày thuốc có 2.475 người; bình quân y, bác sỹ là 26 người/1 vạn dân.
Tài nguyên thiên nhiên:
a. Tài nguyên đất:
Tỉnh Sơn La có 1.405.500 ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 190.070 ha, chiếm 13,52%; diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 331.120 ha, chiếm 23,55%; diện tích đất chuyên dùng là 22.327 ha, chiếm 1,53%; diện tích đất ở là 5.756 ha, chiếm 0,39%; diện tích đất chưa sử dụng và sông suối là 856.227 ha, chiếm 59,02%.
Trong đất nông nghiệp, diện tích đất trồng cây hàng năm là 161.266 ha, chiếm 84,48%, trong đó lúa 2 vụ chiếm 0,8% diện tích; diện tích đất trồng cây lâu năm là 16.426 ha, chiếm 8,64%.
Diện tích đất trống, đồi núi trọc cần phủ xanh là 734.018 ha; đất bằng chưa sử dụng là 380 ha; đất có mặt nước chưa được khai thác sử dụng là 59 ha; đất sông suối là 9.793 ha; đất núi đá không có cây là 64.376 ha; đất chưa sử dụng khác là 47.601 ha.
b. Tài nguyên rừng
Tính đến năm 2002, tỉnh Sơn La có 310.135 ha rừng hiện có, tỷ lệ che phủ rừng đạt 22,1%. Trong đó, rừng tự nhiên là 287.161 ha, rừng trồng là 22.974 ha. Sơn La có 4 rừng đặc dụng bảo tồn thiên nhiên là Xuân Nha (Mộc Châu) rộng 38.000 ha, Sốp Cộp (Sông Mã) rộng 27.700 ha, Côpia (Thuận Châu) rộng 9.000 ha, Tà Xùa (Bắc Yên) rộng 16.000 ha.
c. Tài nguyên khoáng sản:
Sơn La có 2 nguồn nguyên vật liệu xây dựng chủ yếu là đá vôi và sét với trữ lượng khá lớn phân bố tương đối rộng trên địa bàn toàn tỉnh, hiện đang được khai thác mạnh để sản xuất xi măng, gạch, ngói phục vụ nhu cầu xây dựng trong tỉnh và công trình thuỷ điện Sơn La; mỏ sét Nà Pó trữ lượng 16 triệu tấn, mỏ sét xi măng Chiềng Sinh trữ lượng 760 ngàn tấn . Ngoài ra, Sơn La còn có một số mỏ khoáng sản nhưng trữ lượng không lớn như niken đồng có 8 điểm quặng và mỏ, đáng kể là mỏ bản Phúc, huyện Bắc Yên có trữ lượng hàng triệu tấn quặng với hàng lượng 3,55% ni ken; 1,3 % đồng; vàng có 4 sa khoáng và 3 điểm vàng gốc, trong đó có triển vọng là sa khoáng Pi Toong huyện Mường La, Mu Nu huyện Mai Sơn; Bột Tan: Mỏ than Tà Phù huyện Mộc Châu trữ lượng 23 vạn tấn; Than đá có ở các mỏ than Quỳnh Nhai trữ lượng 578 ngàn tấn; mỏ than Mường Lựm, trữ lượng trên 80 ngàn tấn.
Sơn La có nhiều di tích lịch sử và điểm tham quan du lịch như Nhà ngục Sơn La, Hang văn bia Lê Thái Tông, Hồ Tiền Phong, Cảng Tà Hộc trên Sông Đà, Hang nước Thẳm Tát Tòng, Mó nước nóng Bản Mòng v.v. Với 12 dân tộc anh em, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái có truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, khách du lịch có điều kiện khám phá nhiều điều mới mẻ về giá trị văn hóa của các dân tộc Tây Bắc có những điệu xoè, ngây ngất men rượu cần làm say đắm lòng người.
Danh lam thắng cảnh:
Về du lịch văn hóa – lịch sử
Khu di tích lịch sử Nhà ngục Sơn La & Bảo tàng Sơn La
Vết tích nhà tù Sơn La
Nhà ngục Sơn La nằm ngay trung tâm thị xã Sơn La, trên đỉnh đồi Khau Cả, nơi bao quát toàn cảnh thị xã Sơn La. Đây là một di tích lịch sử nổi tiếng gắn với Bảo tàng Sơn La và tạo nên một điểm thăm quan được rất nhiều du khách ghé thăm.
Nhà ngục Sơn La được thực dân Pháp xây dựng năm 1908. Từ một nhà tù nhỏ cấp tỉnh, đến giữa những năm 1930 -1945 nhà tù được xây dựng và mở rộng làm nơi giam giữ những tù nhân chính trị cách mạng. Nhà Ngục Sơn La nổi tiếng trong các nhà tù của thực dân Pháp là nhà tù thép, là địa ngục trần gian, nơi bẻ gãy ý trí chiến đấu của những người cộng sản. Tuy nhiên, đối với cách mạng Việt Nam thì Nhà ngục Sơn La lại là trường học đấu tranh cách mạng, nơi rèn giũa, đào tạo và cung cấp cho phong trào cách mạng những người cộng sản ưu tú như các đồng chí: Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Nguyễn Cơ Thạch, Xuân Thuỷ, Trần Huy Liệu…
Di tích văn bia Quế Lâm Ngự Chế & đền thờ vua Lê Thái Tông
Tại trung tâm thị xã Sơn La có một di tích lịch sử – văn hóa, đó là văn bia “Quế Lâm Ngự Chế”, bút tích của một bậc hùng tài, đại lược – Vua Lê Thái Tông. Vào tháng 5 năm 1440, sau khi nhà Vua cùng các quân sĩ đi chinh phạt quân phiến loạn vùng Tây Bắc và nghỉ chân tại tại động La (địa phương gọi là Thẩm Ké) cảm xúc trước cảnh đẹp và khung cảnh bình yên nơi đây nhà Vua đã viết một bài thơ “Quế Lâm Ngự Chế” được khắc trên vách đá thẳng đứng trên cửa động.
Di tích được phát hiện năm 1965 và được Bộ Văn hóa công nhận xếp hạng quốc gia ngày 05/2/1994. Di tích đã minh chứng cho một thời kỳ lịch sử của vị vua hùng tài.
Sau khi đọc văn bia, ngắm bức tranh thủy mặc của thị xã Sơn La, mời du khách vào thăm Thẳm Báo Kế. Cửa hang ở dưới văn bia, xuống mười bậc đá là tới. Vào tới của hang du khách sẽ cảm thấy nhẹ nhàng bởi khí hậu mát mẻ, hang thoáng rộng và cảnh đẹp mà thiên nhiên tạo nên. Ngay cửa hang là một ao sâu được tạo bởi những vỉa đá, giữa ao là một khối đá hình con cá sấu đang vươn lên đớp mồi, trên bờ ao là một chú khỉ đang đùa nghịch và một chú ếch đang trầm tư suy nghĩ. Qua ao là vào trong lòng hang. Hang rộng 5 m, dài 20 m, cao 6 m. Trần hang là những nhũ đá rủ xuống tạo thành những dàn đèn lấp lánh, nhìn sang tay trái là những vỉa đá vôi tạo thành những nhũ đá liền nhau giống như một đoàn quân trùng điệp. Bên phải là đụn thóc khổng lồ được tạo bởi những nhũ đá như những bó lúa vàng xếp tầng tầng lớp lớp thể hiện sự no ấm của muôn dân. Men theo tay phải của cây thóc lên cao khoảng vài bước là những giếng trời và bồn nước được tạo bởi những nhũ đá uốn cong mềm mại. Trên đỉnh cây thóc là một khối đá hình chuông treo lở lửng, khi gõ vào sẽ phát ra âm thanh trầm ấm. Cảnh đẹp trong hàn như quy tụ được vạn vật trên mảnh đất này. Nó càng kỳ ảo hơn khi những tia nắng ban mai chiếu vào làm cho các nhũ đá lấp lánh, sinh động.
Ra khỏi hang, rẽ tay phải khoảng 200 m du khách sẽ tới Đền Vua Lê Thái Tông. Ngôi đền được khởi công xây dựng vào tháng 9/2001 và khánh thành vào ngày 22/1/2003 để ghi nhớ công đức của Vua Lê Thái Tông. Đền được xây dựng trên diện tích 800 m2 theo lối kiến trúc của những ngôi đền cổ Việt Nam, bao gồm các hạng mục: cổng tam quan, sân đền, nhà tả hữu mạc, tòa đại bái và hậu cung.
Đến với di tích Quế Lâm Ngự Chế du khách được ngắm bức tranh sơn thủy hữu tình của châu Mường La và sự sầm uất của thị xã Sơn La hôm nay.
Về du lịch sinh thái:
Cụm du lịch cao nguyên Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu nằm ở độ cao 1.050 m so với mặt biển, cách Hà Nội gần 200 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 6. Đây là cao nguyên lớn trải dài khoảng 80 km, rộng 25 km, với 1.600 ha đồng cỏ.
Có thể nói Mộc Châu là nơi tập trung nhiều nhất tài nguyên du lịch của Sơn La và vùng núi Tây Bắc – Bắc Bộ. Khí hậu là tài nguyên du lịch đặc biệt có tính đặc thù của Mộc Châu. Ở giữa cao nguyên Mộc Châu là một vùng tiểu khí hậu với mùa hè mát mẻ có nhiệt độ trung bình là 200C và mùa đông khô ráo hơn các vùng khác.
Đến với Mộc Châu du khách sẽ được tham quan các di tích lịch sử, động Sơn Mộc Hương, rừng thông, chùa Chiền Viên, thác Dải Yếm, đỉnh Phiêng Luông, và các bản văn hóa của người Mông, người Dao ở Vân Hồ, với những câu hát điệu múa khèn, với các món ăn dân tộc, đặc sản, ẩm thực và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hoá lâu đời.
Động Sơn Mộc Hương nằm sát ngay trung tâm huyện lỵ, đi theo tuyến đường tương đối cheo leo qua những vườn mận, vườn mơ sẽ tới cửa động. Từ cửa động có thể quan sát cả thị trấn Mộc Châu. Bên trong động là những cấu trúc nhũ, tạo cho người xem cảm giác như lạch vào thế giới thần tiên.
Từ ngã ba cửa khẩu Pa Háng, đi bằng ô tô theo đường chính, hoặc dọc theo suối, khoảng 4 km đến chỗ hợp lưu hai con suối là một thác nước hùng vĩ. Tương truyền trong dân gian dòng thác này là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng lũ. Tuy thác nằm thấp hơn đường nhưng hai thác đổ xuống với chiều cao 100 m, một bên được chia làm 9 tầng, bên còn lại 5 tầng. Hai thác nằm cách nhau khoảng 200 m, nhưng trong khoảng cách đó là một bãi đất phẳng rất thuận tiện cho việc tập kết của khách thăm quan.
Đỉnh Phiêng Luông nằm cách Mộc Châu 15 km về phía Đông với độ cao 1.500 m. Trên đỉnh có một khu đát bằng phẳng rộng gần 10 ha rất thích hợp cho những môn thể thao như đi ngựa, đi bộ hoặc leo núi.
Ngoài ra, du khách có thể đi du lịch đường sông, xuống Chiềng Yên, tham quan sông Đà hoặc du khách đi du lịch quá cảnh sang Lào. Từ Mộc Châu xuống thẳng cảng sông Vạn Yên, nơi xuất phát tuyến du lịch sông Đà, đi du thuyền du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp trên tuyến du lịch sông Đà kéo dài đến thị Xã Sơn La hoặc xuôi xuống thủy điện Hoà Bình. Mộc Châu có cửa khẩu Pa Háng sang Hủa Phăn (CHDCND Lào). Đoạn Mộc Châu – Pa Háng được mở rộng và nâng cấp thành quốc lộ. Đây là điều kiện thuận lợi cho khách du lịch tham quan môi trường tự nhiên Lóng Sập, Xuân Nha và nối tuyến sang thị xã Sầm Nưa.
Khu Lóng Luông, Vân Hồ – Mộc Châu là nơi cư trú nhiều đồng bào dân tộc Mông, giao thông đến các bản thuận tiện, cho phép phát triển một số làng văn hoá, tổ chức lễ hội dân tộc và các hoạt động ăn hoá đặc trưng của dân tộc Mông. Khu bản Áng đặc trưng cho bản sắc dân tộc Thái. Tại đây có một khu quần ngựa và có thể đi thuyền vào hai khu rừng tại km số 45 và Chiềng Sại, nơi đây người Thái – Mộc Châu và người Lào có cùng một ngôn ngữ.
Cách Mộc Châu khoảng 40 km về phía nam có khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha – Sốp Cộp, nơi đây có nhiều rừng nguyên sinh và nhiều thú quý hiếm như hổ, gấu… là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.
Bản Mòng
Bản Mòng
Bản Mòng là một địa điểm du lịch sinh thái, văn hóa và nghỉ dưỡng hấp dẫn thuộc xã Hua La, thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La.
Điều đầu tiên mà du khách cảm nhận được là cảnh quan thiên nhiên đẹp, sơn thủy hữu tình. Những dãy núi nhấp nhô như thân rồng uốn lượn soi mình xuống dòng Nậm La. Trên các sườn đồi, cà phê, mơ, mận, thông, tre mọc um tùm. Xa xa là rừng cây với các loại gỗ quý: đinh hương, sến, nghiến, thông, trẩu….và hàng chục loài hoa phong lan với nhiều màu sắc. Vào độ xuân về, hoa mơ, hoa mận và hoa ban đua nở trằng rừng với từng bày ong bay tìm mật tạo nên không khí vui nhộn. Khi đông về, hoa vông gai nở đỏ rực bên sườn đồi như tô điểm cho những ngôi nhà sản lợp ngói đỏ. Cái rét se lạnh cũng là thời điểm lý tưởng để thả mình trong dòng suối nước nóng.
Tại Bản Mòng có suối nước nóng thiên tạo với tên gọi là Bó Nặm Ún nằm cách thị xã Sơn La 5 km về phía Tây Nam. Nguồn nước nóng ở đây có tác dụng điều dưỡng và chữa bệnh. Theo kết quả khảo sát của Công ty mỏ INCODEMIC thuộc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, nhiệt độ ở nguồn nước nóng này thay đổi theo mùa và thời tiết. Nhiệt độ nước lộ thiên là 380C, nước không có mùi lạ, trong suốt và về mùa mưa có màu cô ban.
Đến với vùng đất này, du khách còn có thể tìm hiểu những nét đặc trưng văn hoá của dân tộc Thái, dân tộc có chữ viết từ thế kỷ XI. Hiện tại, Bản Mòng có 106 hộ dân thuần Thái sinh sống. Họ sống trong nhà sàn lợp ngói ven các sườn đồi. Bên trên nóc nhà được trang trí bởi các loại khau cút, và cửa sổ cũng có đủ các loại hình thù: hình ngà voi, hình mặt trăng… Người dân nơi đây làm các nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, dệt thổ cẩm, đan lát, làm gốm.
Hồ Tiền Phong
Hồ Tiền Phong xanh ngọc ngà
Đến Sơn La, hòn ngọc Tây Bắc, xin mời quý khách hãy ghé thăm Hồ Tiền Phong, một vùng non nước thơ mộng nằm giữa thảo nguyên bao la đầy nắng và gió ngàn. Phía Đông và phía Bắc của Hồ là hai dãy núi, mỗi dãy gồm nhiều ngọn nằm kế tiếp nhau trông tựa hai con rồng đang bơi về từ hai phía và chuẩn bị ngụp lặn vùng vẫy giữa làn nước trong mát. Nhìn về phía Tây là Cao nguyên Na Sản trải rộng bao la với vô số các ngọn núi nhấp nhô như bát úp, với màu xanh ngút ngàn của những vườn cây ăn quả, màu non xanh mơn mởn của những đồi chè đang kỳ thu hoạch.
Hồ Tiền Phong thuộc Xã Mường Bon, Huyện Mai Sơn, nằm sát trục đường quốc lộ 6 cách thị xã Sơn La 23 km, cách thị trấn Hát Lót 7 km và cách sân bay Nà Sản 2 km. Quý khách có thể đến Hồ Tiền Phong bằng nhiều tuyến đường khác nhau: đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Đi từ Hà Nội theo Quốc lộ 6 qua thị xã Hòa Bình, thị trấn Mộc Châu, thị trấn Yên Châu, thị trấn Mai Sơn, quý khách sẽ đến được với Hồ Tiền Phong. Nếu đang ở Thành phố Điện Biên, quý khách có thể đi xuôi theo Quốc lộ 6 qua thị trấn Tuần Giáo, thị trấn Thuận Châu, thị xã Sơn La. Bằng đường thủy, từ đập thủy điện Hòa Bình quý khách đi tàu thủy tới cảng Tà Hộc và chuyển sang đi tàu hỏa tới thị trấn Hát Lót là đến Hồ. Quý khách cũng có thể đi máy bay từ sân bay Nội Bài và sau 45 phút có thể có mặt tại sân bay Nà Sản. Từ sân bay Nà Sản theo Quốc lộ 6 đi xuôi về phía Hà Nội 2 km là đến Hồ.
Đến Hồ Tiền Phong, một trong những điều đặc biệt hấp dẫn là quý khách được du ngoạn trên mặt Hồ bằng thuyền chèo tay, thuyền đạp chân hay thuyền máy. Quý khách có thể đem theo cần câu thả mồi để câu cá dưới hồ như cá chép, cá trắm cỏ, trắm đen, cá trôi, cá mè.
Nguồn nước cung cấp cho Hồ đó là nước từ trong lòng đất đùn lên từ mỏ nước Noong Đủ cách đó không xa. Quý khách sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được nghe đồng bào dân tộc Thái sống từ lâu đời ở Bản Nà Si bên cạnh hồ kể cho nghe câu truyện truyền thuyết về nguồn nước này.
Sau khi đã tham quan một vòng quanh hồ, mời quý khách ghé thăm đảo nổi. Hòn đảo này nhìn từ xa như một con rùa nổi trên mặt nước có diện tích 10.000 m2 lúc nào cũng mát rượi bởi những ngọn gió mang đầy hơi nước từ mặt hồ.
Tới thăm quan du lịch Hồ Tiền Phong, qúy khách đừng quên ghé thăm các bản làng của đồng bào dân tộc Thái sinh sống từ lâu đời bên cạnh Hồ như Bản Nà Si, Bản Mé, Bản Un. Từ xa ta chỉ thấy các bản làng cổ kính này thấp thoáng sau những lùm cây ăn quả cổ thụ. Khi đến bản, một không gian văn hóa dân tộc mở ra trước mắt ta. Bên trong ngôi nhà sàn ấy là các cô thiếu nữ Thái xinh đẹp như những bông hoa rừng đang ngồi bên khung cửi dệt vải thổ cẩm với nhiều loại hoa văn tinh xảo.
Lễ hội truyền thống:
Lễ hội cầu mưa của người Thái ở thị xã Sơn La
Lễ hội cầu mưa
Dân tộc Thái có mặt từ rất sớm ở thị xã Sơn La. Địa bàn cư trú của người Thái chủ yếu ở dọc ở các con sông, suối lớn. Người Thái canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên, với quan niệm vạn vật hữu linh và tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là vị thần mưa.
Lễ hội cầu mưa của người Thái ở thị xã Sơn La được tổ chức trong phạm vi một bản vào khoảng từ 13 đến 15 tháng 3 âm lịch.
Sau 3 ngày, 3 đêm diễn ra các lễ nghi, lễ hội kết thúc trong niềm hân hoan của mọi người dân trong bản. Vào đêm 30 tháng 3 âm lịch, phần hội của lễ cầu mưa mới được tổ chức. Phần ẩm thực của đêm hội là rượu cần được làm từ các nhà trong bản biếu đoàn đi cầu mưa. Ngoài rượu cần, dân trong bản còn đem góp những thứ mà họ kiếm được trong rừng, dưới suối như cá, thú, rau, măng… để tổ chức bữa ăn chung cho cả bản và chia cho những gia đình khó khăn trong bản.
Ngoài phần ẩm thực, người dân còn tổ chức ca hát nhảy múa, đây là dịp tốt để nam, nữ trong bản trổ tài thi hát đối đáp, hát giao duyên.
Lễ hội cầu mưa của người Thái ở Sơn La là nét sinh hoạt văn hoá dân gian có tính cộng đồng lành mạnh rất cần được gìn giữ và phát huy.
Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc La Ha ở tỉnh Sơn la
La Ha là dân tộc ít người, định cư nhiều ở Sơn La, Lai Châu. Trong địa bàn tỉnh Sơn La người La Ha tập trung ở các huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu.
Lễ hội dâng hoa măng (Pang A Nụn Ban) của dân tộc La Ha có từ rất lâu đời, được hình thành từ cuộc sống nhằm cảm tạ những người thầy lang chữa khỏi bệnh. Đây cũng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất hàng năm của dân tộc La Ha bởi số lượng người tham gia lên tới hàng trăm người với quy mô không phải một xã, một bản mà có thể tới các xã, sang cả huyện khác. Họ đến đây để gặp nhau, giao lưu văn hóa – văn nghệ, trao đổi về tình hình bệnh tật và kinh nghiệm chữa chạy.
Mùa xuân là mùa măng đắng khi cây tre lên măng. Ở Tây Bắc thường ít mưa, nên khi măng đội đất lên thì ăn rất đắng. Sau khi gặp mưa đầu mùa thì loại măng này chuyển dần sang ngọt. Măng đắng là món ăn đặc sản của dân tộc La Ha và là loại thuốc gia truyền của thầy lang. Trùng vào mùa măng đắng mọc còn có hoa Mạ Rệ nở trong rừng. Đây là họ cây cổ thụ, to cao, lá to dài, hoa thành từng chùm màu vàng đỏ. Loại hoa này ăn được và có mùi thơm như nước hoa. Đây cũng là vị thuốc trong bài thuốc của thầy lang nên khi tổ chức lễ hội dâng hoa măng cần phải có măng đắng và hoa Mạ Rệ.
Lễ hội được tổ chức vào trước ngày rằm hàng tháng trong mùa xuân, gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ cảm tạ đất trời tổ tiên, sông núi đã phù hộ cho dân tộc La Ha mạnh khoẻ, ít ốm đau và mách bảo cho dân tộc La Ha có các loại thuốc lá chữa bệnh. Phần hội sôi động vui vẻ, khẳng định được tính sáng tạo. Các điệu múa xuất phát từ lao động, những công việc hàng ngày rất gần gũi với dân tộc La Ha, đồng thời khẳng định dân tộc La Ha luôn cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, bản làng ít bệnh tật, dòng tộc phát triển hạnh phúc.
Lễ hội Dâng hoa măng là di sản văn hoá phi vật thể cần được nghiên cứu, lưu giữ và giới thiệu trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Xen Pang Ả của dân tộc Kháng
Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở miền Tây Bắc Việt Nam. Kinh tế chính của đồng bào là nương rẫy, trồng lúa kết hợp với ngô khoai. Ở một số vùng sống ven sông, đồng bào rất giỏi làm thuyền độc mộc. Đan lát là một nghề phụ khá nổi tiếng của đồng bào Kháng, họ lấy mây tre trên rừng đan các loại gia cụ như hòm, mâm, ghế ngồi, gùi, giỏ rất đẹp và bền.
Đến nay, đồng bào Kháng vẫn còn duy trì được một số lễ nghi nông nghiệp như lễ Xíp Xí (rằm tháng 7); lễ mừng cơm mới. Tuy nhiên tiêu biểu nhất vẫn là Lễ hội Xen Pang Ả, do Pa Ả (thầy cúng) tổ chức. Trong các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa Ả chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa Ả là người thông minh, thuộc nhiều bài cúng và biết cách chữa bệnh thông thường, biết một số ảo thuật và biết nhiều điều mà người khác không biết. Có thể gọi họ là những trí thức dân gian, họ rất có uy tín, được dân bản tin và làm theo.
Lễ hội Xen Pang Ả được tổ chức với quy mô một vùng rộng lớn, gồm nhiều bản, và cứ 2 hay 3 năm được tổ chức một lần vào khoảng từ tháng 10 tới tháng 12. Lễ hội được tổ chức với mục đích mời các “ma nhà”, “ma bản”, “ma trời” hưởng lễ vật và những người được Pa Ả chữa cho khỏi bệnh (được coi là con nuôi) đến dâng lễ, tạ ơn, đồng thời để Pa Ả cầu chúc cho hồn vía các con nuôi lành mạnh, không hay ốm đau, làm ăn phát tài. Lễ hội Xen Pang Ả ngoài phần lễ cúng cầu xin, còn là nơi nhân dân diễn lại các công việc nương rẫy, thu hái lâm sản trong đời sống thường nhật, thông qua các trò diễn; chơi các trò chơi dân gian; hát đối đáp giao duyên; múa ống, múa khăn.
Xen Pang Ả là ngày hội lớn, vô cùng có ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc Kháng. Đây là dịp để mọi người tạ ơn tổ tiên và các thế lực siêu nhiên đã giúp đỡ cho họ có sức khỏe, bản mường yên bình, no ấm. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Kháng vui chơi thư giãn, sau những tháng ngày lao động vất vả, một nắng hai sương. Đặc biệt lễ hội còn là dịp để lớp thanh niên chưa vợ chưa chồng tìm hiểu, hẹn hò nên vợ thành chồng, bởi vậy lễ hội Xen Pang Ả còn có ý nghĩa trong việc tái tạo cộng đồng dân tộc.
Lễ hội Mương A Ma của dân tộc Xinh Mun
Ở Sơn La, đồng bào Xinh Mun thường cư trú ở vùng rẻo giữa và rẻo cao, cho nên nền kinh tế chủ yếu dựa vào việc canh tác nương rẫy, trồng lúa ngô, hoa màu và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm.
Cũng như nhiều dân tộc khác, đồng bào Xinh Mun theo quan niệm vạn vật hữu linh, họ tin rằng, các cánh rừng, con suối… đều có thần linh cai quản. Do vậy, họ có nhiều nghi lễ nông nghiệp, trong đó nổi bật là lễ hội Mương A Ma (lễ hội cầu mùa).
Lễ hội Mương A Ma thường từ 3- 5 năm tổ chức một lần. Người đứng ra tổ chức, chủ trì lễ hội là những người làm thầy mo trong bản. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày, vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 2 âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong và năm đó được mùa, lúa ngô đầy nhà và nuôi được nhiều gà, lợn…Lễ hội Mương A Ma được tổ chức trong phạm vi gia đình, nhưng lực lượng tham gia làm công việc chuẩn bị lễ vật, cỗ bàn và đặc biệt là lực lượng tham gia phần hội thì bao gồm cả bản, từ các ông, bà già, thanh niên nam nữ và cả trẻ nhỏ, mọi người đều tham dự lễ hội với tinh thần tự giác, hăng say và nhiệt tình.
Lễ hội Mương A Ma có phần lễ và phần hội rõ ràng. Phần lễ trang nghiêm, thành kính, thầy mo thay mặt dân bản cúng tế các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, để lúa sai bông, để ngô mẩy hạt, để lợn gà trâu bò không bị dịch bệnh, sinh sôi đầy chuồng, để con người khỏe mạnh không bị ốm đau, để bản mường mãi mãi hưng thịnh. Khác với không khí trang nghiêm của phần lễ, ở phần hội, trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng, trong sự nồng say của men rượu cần, tinh thần của người dân được thăng hoa, mọi lo toan thường nhật phút chốc tan biến, mọi người thả mình theo những điệu múa, trò chơi dân gian rất vui vẻ, diễn tả hiện thực cuộc sống của cộng đồng dân tộc Xinh Mun, mang tính nghệ thuật và giáo dục cao như múa Tăng bu, To luồng, múa kéo thuyền… chơi “to miếng” (đấu võ), chơi “giắc klsù” (bắt tổ ong) v.v.
Đặc sản – Sản phẩm nổi tiếng:
Âm nhạc dân gian của người Thái Tây Bắc
Ở miền Tây Bắc Việt Nam, người Thái là một cư dân đông đảo. Theo lịch sử, người Thái di cư vào Tây Bắc trước và sau thế kỷ thứ 10 người Thái đã chinh phục các thung lũng, tạo nên nhiều cánh đồng màu mỡ nổi tiếng và có những chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm.
Những hình thức sinh hoạt của người Thái Tây Bắc khá phong phú. Trong sinh hoạt, người Thái hát trên nương đồng, trên các dòng sông, trong nhà, trên các bãi chăn trâu, trong những ngày hội hè, ngày lễ. Người Thái hát ở những bữa tiệc vui, hát trong vòng xoè, hát đối hát trai gái trên bãi vui chơi của ngày tết. Ngoài ra, còn có nhưng hình thức riêng sử dụng trong ngày lễ như hát trong ngày cưới, hát chúc ngày lành tháng tốt, dạm hỏi, đi hỏi, đưa rể về bên nhà vợ, lễ chung chăn, lễ tạ ân, lễ đưa dâu, hát khi người goá lấy nhau.
Trong những ngày dựng nhà mới, có hát mừng nhà mới. Khi có người chết, trong các đám ma có hát gọi hồn, hát dẫn đường, hát xắng xống (mô tả chỗ ở của hồn trên cõi hồn ở trời để làm quen), hát tiễn đưa (còn gọi là điếu văn).
Phong tục thổi pí và hát giao duyên của người Thái
Một trong những mảng trữ tình nhất, tha thiết nhất là sinh hoạt âm nhạc trong khi trai gái tình tự. Đó là những đêm trăng, khi người già đã đi ngủ, những bài hát tình tự này có hẳn một chương trình, người Thái còn tổ chức chơi Hạn Khống (có thể gọi là câu lạc bộ ngoài trời) hay chơi hái hoa, chơi thuyền ngày xuân…
Trong lễ tết, tín ngưỡng của người Thái những hình thức sinh hoạt âm nhạc phục vụ một cách đắc lực, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, bản mường, trời đất, lịch sử anh hùng như xên Mường, xên bản, xên hươn, xên tra, kể chuyện Khun Chương hoặc các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp như lễ cầu mưa, lễ cơm mới, còn các nghi lễ tín ngưỡng mê tín khác như cúng cho người ốm cúng nàng gio, cúng nàng Nịa, đi chơi chợ trời…
Đối với các em bé người Thái có hình thức sinh hoạt cho các em và của các em bé đó là ru, các loại trò chơi và hát của trẻ em.
Người Thái có hình thức sinh hoạt âm nhạc minh họa cho người kể chuyện giết con quỷ bốn mồm năm mũi.
Nói đến âm nhạc người Thái mà không nói đến nhạc cụ thì quả là thiếu sót. Về nhạc cụ gảy có đàn tính tẩu. Nhạc cụ vĩ có xi xo lo (như nhị). Nhạc cụ hơi có phó phương, pi cổng (pí hang phẳn), pi tam lay, pi pặp, pi một lao, pi thiu, pi lè (Kèn dăm kép). Người Thái còn có khèn bè, đàn môi và các loại trống chiêng mà trong ngày hội không bao giờ thiếu được. Ngay cả mảng âm nhạc cho các điệu múa cũng rất phong phú và đa dạng.
Âm nhạc dân tộc Thái Tây Bắc do nhân dân sáng tạo ra trong quá trình lịch sử dân tộc mình. Nó có mặt ở hầu hết các mặt của cuộc sống. Nó đề cập đến những đề tài chủ yếu của cuộc sống. Âm nhạc dân tộc Thái Tây Bắc đã phản ánh những tư tưởng, tình cảm cơ bản của nhân dân dưới dạng hình tượng nghệ thuật dân tộc, nó mang tính nhân dân rõ ràng, tính dân tộc đậm đà và phong phú.
Khăn Piêu – bản sắc và niềm tự hào
Thiếu nữ Thái thêu khăn Piêu
Chiếc khăn Piêu là một tác phẩm nghệ thuật dân gian đặc sắc của người phụ nữ Thái. Piêu là chiếc khăn vải đội đầu khi mùa hè nắng gió hay trời đông giá lạnh và là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay lễ hội.
Đồng bào Thái làm Piêu từ loại vải bông tự dệt. Để làm nên một chiếc Piêu hoàn chỉnh đòi hỏi phải qua nhiều quy trình và phải có tay nghề khéo léo. Người phụ nữ Thái thường tranh thủ khi rãnh rỗi để xử lý bông như chọn, cán, bật, quấn bông và se sợi vải. Sợi để dệt vải phải được hồ băng nước cháo loãng để cho săn, cứng và bền, thuận lợi khi dệt. Miếng vải được chọn làm Piêu trước khi thêu phải nhuộm tràm, ngâm vôi và tro bếp bảy ngày. Tấm vải được nhuộm phải có màu chàm xanh đen bền, đẹp.
Hoa văn Piêu không giản đơn, không điểm xuyết mà rất tinh tế và phức tạp. Tài năng của người phụ nữ Thái thể hiện trên các nét chỉ đường thêu, những hình hoa văn động vật như rắn, rồng, nhện và thực vật như hoa bầu bí, cây cỏ bợ quen thuộc. Hình ảnh người con gái Thái khéo léo thêu Piêu đã từng trở thành lời ca đẹp trong dân gian Thái.
Cây nỏ trong đời sống tinh thần của người Mông ở Tây Bắc
Cây nỏ vốn đã gắn bó với cuộc đời người Mông vùng Tây Bắc Việt Nam từ xưa đến nay. Người ta làm cây nỏ để vui chơi, rèn luyện sức khoẻ, bắn chim, săn thú phá hoại mùa màng. Cây nỏ còn trở thành vũ khí lợi hại trong tay những người thiện xạ để bảo vệ bản làng khi có giặc thù đến quấy nhiễu cuộc sống bình yên của họ.
Thi bắn nỏ của người Mông
Cấu tạo cây nỏ gồm 5 bộ phận chính là thân nỏ, cánh nỏ, dây nỏ, lẫy nỏ và tên. Ngoài các phần chính như kể trên, còn có thể chuẩn bị thêm ống đựng tên và thuốc độc, nếu là để săn, hoặc gài bẫy thú lớn.
Có nhiều cách chơi bắn nỏ như thi bắn trúng đích, thi bắn xa. Thi bắn xa thì những người tham dự cuộc chơi đứng, hoặc ngồi xổm, chân trước vuông góc, chân sau đầu gối quỳ xuống đất. Lần lượt từng người một vào vị trí bắn. Mỗi lần bắn xong, kiểm tra ngay xem ai bắn được xa nhất. Chơi bắn xa thì phải có địa hình bằng và thoáng. Thi bắn trúng đích thì theo quy ước xa hay gần, bia là chiếc lá, mảnh giấy có nhiều khoanh vòng tròn đồng tâm, thậm chí là một hạt ngô. Nhiều người chơi thì có thể mỗi người tự bắn nỏ của mình. Nếu chỉ có một cây nỏ, thì lần lượt từng người một vào vị trí để thi. Cần chú ý khi kéo dây nỏ, phải kéo đều hai tay nếu là nỏ nhẹ. Nếu là nỏ nặng thì ngồi duỗi chân, tì hai tay chân vào cánh sát với thân nỏ, để cánh nỏ khỏi bị lệch về một bên. Trước khi đặt tên lên rãnh thân nỏ, phải ngắm lại xem tên đã thật thẳng chưa. Nếu tên hơi cong, thì chọn tên khác, hoặc phải uốn lại cho thẳng.
Muốn bắn nỏ được chính xác, phải luyện tập thường xuyên. Những người thường xuyên luyện tập bắn nỏ còn luyện cho đôi mắt của mình được tinh nhanh.
”Pa Pỉnh Tộp” – Món ăn cổ truyền của dân tộc Thái
“Pa Pỉnh Tộp” – đặc sản cá suối nướng của người Thái
Về hình thức, các món ăn Thái nhìn chung không cầu kỳ kiểu cách nhưng khi đã được thưởng thức thì không dễ quên được, trong đó đặc biệt là món ” Pa Pỉnh Tộp” (tức là cá nướng úp) đậm đà bản sắc dân tộc.
Để làm được món ” Pa Pỉnh Tộp”, người ta chọn loại cá chép khoảng 0,5 kg trở lên, béo và còn tươi sống. Trước khi mổ phải cạo vảy để gia vị ướp ngấm đều vào cá, không mổ cá đằng bụng mà phải mổ đằng dọc sống lưng để khi gấp úp, con cá mềm mại dễ gấp hơn và để phần gia vị nhồi trong bụng cá khi tiếp xúc với than hồng sẽ toả mùi thơm ngấm vào thịt cá. Dao mổ cá phải là dao sắc lẹm, khía thẳng, dứt khoát, không khía nhiều lần gây nát cá. Sau khi bỏ mật cá bắt đầu ướp nhồi gia vị.
Các món ăn Thái mang hương vị đặc trưng khó quên cũng là nhờ sự pha trộn khéo léo và hợp lý giữa các loại gia vị cay, chua, đắng, mặn, ngọt như ớt, tỏi, gừng, sả, riềng, mắc khén và các loại rau thơm, trong đó đặc biệt là ớt và tỏi là hai thứ không thể thiếu trong bữa ăn của người Thái. Nói về các gia vị của người Thái để chế biến món cá Pỉnh Tộp cũng như các món đặc sản khác thì vô cùng đa dạng phong phú. Pa Pỉnh Tộp phải ướp bằng ớt bột khô thì khi nướng cá mới thơm ngon và ướp đậm muối hơn một chút so với cá đem rán. Sau khi tẩm ướp con cá, để khoảng 5-10 phút, người ta nhồi vào bụng cá những loại rau thơm đã được thái nhỏ như: gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng (Hom mu chưn) và mầm măng của cây sa nhân. Gấp úp đôi con cá lại, xoa một lớp bột riềng và thính gạo ra ngoài vỏ cá rồi kẹp vào gắp nướng. Que gắp nướng (Híp Pỉnh) phải bằng cây tre bương dày, tươi càng tốt, chẻ thành đôi hoặc ba, bốn chạc để kẹp con cá cho chắc chắn. Sau đó phải nướng cá trên cây củi gỗ núi đá. Nếu nướng trên than cây tre và các loại cây gỗ tạp thì cá không chín vàng đều và không thơm ngon. Người ngồi nướng cá cần phải kiên trì hơ cho con cá chín dần, chín đều, không nóng vội dí sát cá vào bếp lửa cá sẽ cháy sém bên ngoài nhưng chưa đủ độ chín thơm bên trong. Khi gỡ cá ra đĩa, người Thái có sáng kiến dùng sợi chỉ vuốt dọc theo chiều gắp, con cá được gỡ ra vẫn nguyên vẹn, không vỡ nát.
Rêu sông suối – món ăn quí của nhiều dân tộc Tây Bắc
Vùng Tây Bắc có nhiều sông suối lớn. Nhiều nơi có rêu mọc từ đá ngầm trong nước. Rêu có vào khoảng tháng 11, tháng 12 âm lịch ở những đoạn sông suối, có độ sâu từ 0,4 đến 1m. Nơi nước chảy ở nguồn nước sạch thường cho rêu ngon và nổi tiếng nhất vẫn là rêu lấy được ở sông Đà, Sông Mã.
Rêu sông suối – một món ăn dân tộc của người Thái
Rêu sông suối là một món ăn từ xa xưa được nhiều dân tộc ưa thích như Thái, Mông, Mường… Theo các già làng, rêu ăn ngon và có khả năng chữa một số bệnh.
Đi lấy rêu tập thể là một nét văn hóa thú vị của người dân tộc Tây Bắc. Khi mùa rêu đến, bà con chọn ngày thích hợp, cả bản nghỉ việc ruộng nương gọi nhau đi đến bãi rêu sông, suối lớn như đi hội. Nhà nào thiếu vắng bị coi là ít phúc lộc mùa vụ. Nên mỗi năm người ta tổ chức đi lấy rêu 4- 5 lần nhiều để làm thức ăn khô dự trữ và để biếu người thân quen. Đối với cư dân ở bãi rêu, đây được coi như món ăn hàng ngày.
Việc chế biến rêu để ăn của các dân tộc gần như giống nhau. Quan trọng nhất là việc xử lý ban đầu. Người ta đặt rêu lên những tảng đá nhẵn, rộng, dùng thanh tre, gỗ đập, vừa nhặt gốc rêu, sạn, sỏi. Sau đó cho rêu vào xá, khiếng (dụng cụ rửa rau), rửa cho đến lúc trong nước. Ủ muối nhạt từ 10 đến 15 phút rồi rửa lại, băm nhỏ cho gia vị để chế biến thành các món ăn như sau:
*Khay pho:
Gia vị gồm hành tỏi, mắc khén, gừng, ớt, thì là, lá chanh, củ sả được băm nhỏ, trộn đều với rêu băm cho thêm một lượng muối thích hợp, rồi gói lại bằng lá rong hay lá chuối, vùi vào tro nóng, và phủ than hồng ngoài tro. Chăm sóc từ 2 giờ trở lên cho gói rêu chín chậm, khi lá chuối đã khô giòn, gói rêu tròn như quả cam vàng rộm là rêu đã chín tốt , lấy ra ăn .
* Khay pỉnh:
Sau khi làm rêu như Khay Pho, dùng lá chanh hoặc lá lốt gói nhỏ kẹp thanh tre nướng trên giàn than cao cho chín từ từ. Khi chín thì rán lại bằng mỡ lợn. Riêng dân tộc Mông trong khi chế biến, còn cho thêm trứng gà. Ngày nay, người ta cho thêm một chút mì chính, khi gói cho thêm lá bắp dé (bơ ka ) tuỳ ý thích khẩu vị .
Sau khi mở gói rêu thơm phức với chén rượu gạo, rượu ngô tự nấu bằng men lá, câu chuyện về mùa vụ, về hôn nhân thường gợi mở. Món ăn làm từ rêu sông suối đã làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú cho văn hóa ẩm thực của người dân Tây Bắc.
Món thịt dơi của người Thái Chiềng Khoi
Chiềng Khoi là vùng của người Thái cư trú. Tại bản Hiêm, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, có một hang đá rất lớn gọi là Hang Dơi. Đây là một hang rộng lớn, có nhiều ngách, đủ nước và ánh sáng cho một số sinh vật phát triển, đặc biệt là loài dơi.
Từ xưa, người Thái đã bắt dơi về chế biến các món ăn. Đây là món được coi là quý hiếm, chỉ dùng để biếu bố mẹ. Theo dân gian Thái, ăn thịt dơi, trẻ con chóng lớn, thông minh, nhanh nhẹn. Người già ăn thịt dơi khoẻ mạnh, kéo dài tuổi thọ. Một số người tin rằng, nếu tuổi trẻ được ăn thịt dơi, cuộc sống vợ chồng khoẻ hơn bình thường. Vì vậy, thịt dơi được nhiều người ưa chuộng. Người Thái Chiềng Khoi thường chế biến thịt dơi bằng mấy cách như sau:
– Hăm Pịch Kia:
Dơi làm sạch, chặt cánh để riêng, thịt băm nhỏ cho gia vị (củ sả, lá lốt, ớt, mắc khén, rau húng…). Sau khi thịt dơi và gia vị đã nhỏ tươi, người ta cho một chút muối rồi dùng cánh nó gói thịt lại như gói bánh đa nem. Do cánh dơi được gói kín, gia vị và thịt dơi không bị bay hơi, nên có vị thơm rát đặc biệt khi rán lên.
– Lám Kia:
Sau khi dơi đã làm sạch, người ta để cả con dùng gia vị (xả, mắc khén) nhét vào bụng rồi ấn vào ống tre gai, cho một vài hột sa nhân hoặc một vài vị thuốc dân gian, đổ một ít nước, nút bằng lá dong. Hầm 3-4 giờ, cạn nước laị đổ thêm. Nước trong ống dành cho người già và trẻ em dùng. Đây là một món có giá trị dinh dưỡng được dân tộc Thái rất ưa thích.
Bản đồ hành chính:
Bản đồ hành chính tỉnh Sơn La
Các đơn vị hành chính:
Sơn La có 01 thành phố và 10 huyện: Thành phố Sơn La, Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Mai Sơn, Sông Mã, Yên Châu, Mộc Châu, Sốp Cộp.
Thông tin đang được cập nhật