Cộng tác viên là gì? Kỹ năng cần có & công việc của CTV – JobsGO Blog
Đánh giá post
Cộng tác viên (CTV) là vị trí việc làm khá phổ biến trong các tổ chức, doanh nghiệp hiện nay. Bên cạnh đội ngũ nhân viên chính thức làm việc fulltime thì không ít đơn vị còn bổ sung thêm các CTV nhằm thúc đẩy tiến độ công việc cũng như tiết kiệm chi phí. Vậy bạn hiểu về cộng tác viên là gì? Họ đảm nhận công việc gì? Và liệu những ai có thể trở thành CTV? Những thắc mắc này sẽ được JobsGO giải đáp trong bài viết. Click ngay để tìm hiểu!
Cộng tác viên là gì?
Cộng tác viên là gì? CTV là một vị trí không chính thức trong sơ đồ hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan. Đây là một chức danh dành cho những nhân viên làm việc tự do, không bị gò bó thời gian làm việc cũng như trách nhiệm với công ty. Họ sẽ làm việc và hưởng lương theo thành quả làm việc, không có lương cứng hay các chế độ đãi ngộ mà một nhân viên chính thức được hưởng.
Vị trí này trong từng ngành nghề khác nhau sẽ có những vai trò khác nhau. Ví dụ với khối ngành kinh doanh, CTV thường là các bà mẹ bỉm sữa, nội trợ,… hỗ trợ trong việc bán hàng và tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Còn đối với các khối ngành khác, CTV thường là sinh viên, có thể là làm thêm để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức hay tăng thu nhập.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lựa chọn tuyển dụng CTV để tiết kiệm kinh phí lương cứng cũng như kinh phí dành cho các chế độ đãi ngộ, các cơ sở vật chất khác. Bên cạnh đó, bằng chế độ làm việc tự do và hưởng lương theo thành quả lao động, vị trí CTV cũng giúp công ty đạt được các doanh số, chỉ tiêu rất hiệu quả.
👉 Xem thêm: Tìm việc làm cộng tác viên
Cộng tác viên thường hoạt động trong lĩnh vực nào?
Dưới đây là 8 lĩnh vực thường xuyên tuyển dụng cộng tác viên.
1. Cộng tác viên viết bài
Đây là công việc phù hợp với những ai yêu thích, đam mê hoạt động viết lách. CTV viết bài có thể đảm nhận viết báo, viết truyện, viết bài đăng trên blog của công ty,… Có rất nhiều lĩnh vực về viết mà các bạn có thể lựa chọn như là viết bài website, viết bài quảng cáo, báo chí, kịch bản,…
2. CTV dịch thuật
CTV còn được tuyển dụng khá nhiều ở mảng dịch thuật. Việc làm này phù hợp với những bạn sinh viên học chuyên ngành ngoại ngữ, khả năng đọc, viết tốt. CTV dịch thuật có thể đảm nhiệm dịch văn bản, đi phiên dịch ngắn ngày nếu công ty yêu cầu, hoặc cũng có thể liên quan đến viết lách,…
Riêng với vị trí này thì thu nhập sẽ khá tốt vì phải làm việc bằng ngoại ngữ. Do đó, cơ hội để các bạn kiếm thêm tiền cũng như rèn luyện kỹ năng là vô cùng cao.
3. Cộng tác viên báo chí
Công việc chính của CTV báo chí là viết bài đăng trên báo, vậy nên nó yêu cầu bạn phải có khả năng viết tốt, có kỹ năng phân tích và lập luận chặt chẽ.
Bên cạnh đó, công việc này còn yêu cầu bạn phải có tính cập nhật, nắm bắt nhanh chóng các thông tin mới nhất. Báo chí liên quan đến nhiều lĩnh vực, và điều này đòi hỏi CTV báo chí phải có kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về vấn đề mà bạn phụ trách.
4. CTV bất động sản
Công việc chính của một Cộng tác viên bất động sản thường là đăng các bài viết, thông tin, hình ảnh về dự án bất động sản mà công ty cung cấp lên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, còn một hình thức công việc nữa đó là phụ trách đăng các dự án bất động sản lên trang web của công ty.
5. Cộng tác viên Design
CTV design thường đảm nhận công việc thiết kế đồ họa, thiết kế banner hoặc các bài đăng trên mạng xã hội theo chủ đề mà công ty yêu cầu.
6. CTV bán hàng
Bán hàng là công việc khá phổ biến trong thời gian gần đây. Công việc chủ yếu của họ là đăng bài bán hàng trên các hội nhóm, các trang mạng xã hội, thuyết phục khách mua hàng của công ty hoặc cửa hàng,…
Tiền lương mà CTV nhận được sẽ dựa trên số lượng sản phẩm mà họ bán được. Cộng tác viên bán hàng thường ưu tiên những người có nhiều thời gian rảnh, họ không cần đến cửa hàng hoặc công ty mà chỉ cần làm online tại nhà.
7. CTV nhập liệu
CTV nhập liệu thường đảm nhận công việc nhập các dữ liệu được cung cấp lên hệ thống của công ty hoặc doanh nghiệp. Họ không cần phải đến địa điểm làm việc mà chỉ cần làm ở nhà.
8. Cộng tác viên ngân hàng
Các ngân hàng thường ưu tiên tuyển cộng tác viên là những sinh viên học chuyên ngành ngân hàng hoặc kinh tế. Công việc của CTV ngân hàng chủ yếu là chăm sóc khách hàng hoặc tư vấn mở thẻ tín dụng.
Công việc CTV phù hợp với đối tượng nào?
Khối lượng công việc của cộng tác viên thường không quá nhiều như nhân viên chính thức, thêm vào đó là thời gian làm việc tự do, linh hoạt. Chính vì những lý do này mà nhiều người chọn làm CTV. Những đối tượng chủ yếu làm công việc này thường là:
- Sinh viên.
- Mẹ bỉm sữa.
- Người làm việc tự do.
- Nhân viên văn phòng.
- …
Các kỹ năng cần có của một Cộng tác viên là gì?
Để trở thành một cộng tác viên chuyên nghiệp, bạn cần trau dồi, phát triển những kỹ năng sau:
Tuân thủ về thời gian
Dù bạn làm việc ở bất kỳ vị trí nào đi chăng nữa thì vấn đề thời gian cũng luôn phải đảm bảo. Thực tế, làm CTV sẽ không quá áp lực về KPI như khi làm chính thức, bạn chỉ cần hoàn thành đúng hạn deadline theo quy định là mọi việc sẽ rất suôn sẻ.
Có trách nhiệm trong công việc
Mặc dù không phải ai có trách nhiệm cũng đạt được thành công nhưng hầu hết những người có sự nghiệp tốt đều đề cao tinh thần trách nhiệm. CTV không phải là việc chính thức, nó không quá quan trọng đối với bạn nhưng khi đã nhận thì hãy có trách nhiệm với những gì mình làm. Ví dụ bạn thực hiện chưa chuẩn xác, hãy hợp tác để điều chỉnh theo yêu cầu để có được sản phẩm tốt nhất.
Có tinh thần học hỏi, cầu tiến
Điều này sẽ giúp ích cho các bạn trong công việc sau này, là bước đệm quan trọng để phát triển sự nghiệp. Dù làm công việc này trong thời gian dài, đừng tỏ ra chán nản, hãy luôn học hỏi để có thêm kiến thức mới.
Biết cách tạo mối quan hệ
Dù bạn làm việc tại nhà hay làm việc tại công ty, đừng ngần ngại làm quen với đồng nghiệp của mình. Biết đâu mối quan hệ đó lại giúp cho bạn phát triển, thành công sau này thì sao?
Trở thành Cộng tác viên sẽ nhận được lợi ích gì?
Lợi ích khi làm cộng tác viên là gì? Cùng JobsGO tìm hiểu ngay!
Gia tăng thu nhập
Mỗi người khi lựa chọn công việc CTV đều sẽ có mục đích riêng. Ví dụ bạn là người đã ổn định trong văn phòng, tối về rảnh rỗi thì có thể làm CTV để kiếm thêm thu nhập. Thường những ai đã có gia đình, con cái rồi thì sẽ cần có thêm nhiều nguồn thu, chăm lo cuộc sống tốt hơn.
Còn những bạn sinh viên thì làm CTV cũng giúp các bạn có thêm 1 nguồn trang trải cuộc sống, phụ giúp cho bố mẹ. Hay những ai đang thất nghiệp thì chắc chắn làm CTV sẽ là công việc “cứu tinh” để giải tỏa nỗi lo về tài chính.
Trau dồi thêm các kinh nghiệm, kỹ năng
CTV là công việc khá phù hợp với các bạn trẻ, sinh viên để có thể học hỏi và tích lũy thêm kiến thức. Vì thực tế, dù bạn chăm chỉ học tập ở trường thì cũng là lý thuyết, ra đời người ta sẽ yêu cầu bạn thực hành. Vậy thì đi làm CTV, được làm việc cùng các tổ chức, doanh nghiệp sẽ là cơ hội lớn để bạn có thể có thêm các kinh nghiệm cho mình.
Tăng thêm cơ hội tìm việc làm ổn định
Hiện nay, có rất nhiều bạn sau khi làm CTV, hoàn thành công việc tốt, đạt hiệu quả cao đã được nhận làm nhân viên chính thức. Hay sau khi có các kỹ năng cần thiết, có 1 chiếc CV đẹp với kinh nghiệm dày dặn thì sẽ dễ dàng hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Bên cạnh đó, công việc này còn có ưu điểm là thời gian, địa điểm thoải mái, linh hoạt tùy thuộc vào khả năng sắp xếp của mỗi người.
Hạn chế khi trở thành CTV là gì?
Bên cạnh lợi ích, việc trở thành CTV cũng có không ít hạn chế. Vậy hạn chế khi trở thành CTV là gì?
Hạn chế về các vấn đề phúc lợi
Khi làm CTV, vì không phải nhân viên chính thức nên các bạn sẽ không được hưởng chế độ phúc lợi như bình thường. Cụ thể là bảo hiểm, thưởng lễ, Tết, nghỉ phép, phụ cấp,… Toàn bộ các chế độ này nếu muốn các bạn sẽ phải tự túc mà không có sự hỗ trợ từ công ty. Do đó, nhiều người cũng chỉ xem CTV là một công việc làm tạm thời.
Thu nhập không ổn định
Nhìn chung, thu nhập sẽ phù hợp với công sức, thời gian bỏ ra nhưng lại khá thấp so với những vị trí nhân viên chính thức trong tổ chức, doanh nghiệp. Nếu như bạn làm công việc viết bài thì tiền sẽ tính theo số lượng bài, mức độ yêu cầu của các bài,… Điều này đồng nghĩa với việc mức nhuận bút của từng bài sẽ khác nhau.
Hay nếu bạn làm CTV sự kiện thì dựa vào quy mô hoạt động, tính chất của công việc để hưởng lương phù hợp.
Dễ bị lừa đảo
Đây là một thực trạng xảy ra rất nhiều hiện nay, nhất là với các bạn trẻ thì rất dễ mắc phải. Khi xã hội ngày càng phức tạp, kẻ xấu nhiều lên thì các bạn sinh viên còn non nớt, chưa tiếp xúc với xã hội sẽ không phân biệt được.
Theo đó, việc gặp phải các thông tin tuyển dụng tràn lan, làm việc hết mình nhưng cuối cùng lại bị quỵt lương là chuyện thường gặp. Chính vì thế mà các bạn cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng để chọn đơn vị uy tín, cộng tác làm việc.
Qua bài viết này, hẳn bạn đã hiểu công việc cộng tác viên là gì? rồi đúng không nào. Nếu bạn có thời gian rảnh, muốn kiếm thêm thu nhập hoặc tích lũy kinh nghiệm, hãy thử ngay nghề CTV này nhé.
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)