Cộng tác viên là gì? Ký hợp đồng với cộng tác viên thế nào?
Mục Lục
Cộng tác viên là gì? Ký hợp đồng với cộng tác viên thế nào?
Cộng tác viên là một khái niệm khá quen thuộc với đời sống xã hội hiện nay. Tuy nhiên trong các văn bản pháp luật không có quy định cụ thể, chi tiết về hợp đồng giữa cộng tác viên và các cá nhân, tổ chức có nhu cầu thuê cộng tác viên làm việc cho mình. Do đó, trên thực tế khi người lao động ký kết hợp đồng với vai trò là cộng tác viên thì họ lại chưa rõ mình sẽ được hưởng những quyền lợi gì, mình có được pháp luật bảo vệ khi người sử dụng lao động có hành vi xâm phạm quyền lợi của mình hay không.
1. Khái niệm cộng tác viên
Cộng tác viên (CTV) được hiểu là một vị trí không chính thức trong sơ đồ hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, dành cho những nhân viên làm việc tự do, không bị gò bó thời gian làm việc, không gian cũng như thị trường làm việc. Họ có thể cộng tác làm việc với nhiều cá nhân, tổ chức cùng một lúc, miễn là đảm bảo hoàn thành khối lượng và chất lượng công việc theo yêu cầu.
Do tính chất linh hoạt, thời vụ của mình mà CTV được coi là một nghề tay trái, nghề phụ và thời gian làm việc không phải gò bó, không gian và thị trường rất rộng. Thông thường, CTV sẽ được nhà tuyển dụng hướng dẫn cụ thể và giao cho khối lượng công việc cần đảm trách. Tùy vào tính chất công việc và trình độ chuyên môn, mỗi CTV sẽ được phân công khác nhau. Ngoài ra, đối với một số loại hợp đồng, CTV không cần phải đến công ty và làm việc theo quy chuẩn như những nhân viên chính thức.
2. Hợp đồng cộng tác viên
Hiện nay không có một quy định cụ thể nào về Hợp đồng CTV, bản thân hợp đồng CTV chỉ là một tên gọi mang tính nhận diện trong đời sống. Tuỳ thuộc vào đối tượng hợp đồng và các điều khoản quyền, nghĩa vụ các bên để nhận định hợp đồng CTV thuộc loại hợp đồng nào. Hợp đồng CTV có thể là Hợp đồng dịch vụ hoặc là hợp đồng lao động.
2.1. Hợp đồng dịch vụ
Khái niệm: Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng dịch vụ như sau: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Như vậy, trong hợp đồng CTV, cộng tác viên sẽ là bên thực hiện dịch vụ. Khi đó, bên nhận CTV làm việc sẽ chi trả chi phí dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ này. CTV chỉ việc hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian cụ thể mà hai bên đã thỏa thuận.
Quyền lợi của CTV:
– Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
– Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
– Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Hợp đồng CTV là hợp đồng dịch vụ, bên cung ứng dịch vụ không phải là người lao động nên không áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thêm vào đó, bên cung ứng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân. Thông thường mức nộp thuế thường là 10%.
2.2. Hợp đồng lao động
Khái niệm: Bộ luật lao động quy định: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”. Như vậy, nếu cộng tác viên và người sử dụng lao động có các điều khoản như trên, thì có thể nhận định Hợp đồng cộng tác viên là Hợp đồng lao động.
Nếu công ty ký kết hợp đồng lao động đối với cộng tác viên, khi đó, quan hệ lao động sẽ được phát sinh, và các bên sẽ bị ràng buộc bởi rất nhiều các quy tắc như (Nội quy lao động, điều lệ công ty, thời gian làm việc trong một ngày, thời gian nghỉ lễ…) thì người được tuyển dụng xem như đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và tùy theo thời hạn ký kết hợp đồng mà xác định đó là hợp đồng lao động nào.
Quyền lợi bảo hiểm của CTV: Do phát sinh quan hệ lao động nên CTV được hưởng đầy đủ các quyền lợi như NLĐ, cụ thể như sau:
(i) Về bảo hiểm xã hội:
Theo điểm a, điểm b, Khoản 1, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Trong đó, theo Khoản 2, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng … là đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
(ii) Về bảo hiểm y tế:
Người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động (trích Khoản 1, Điều 12 Luật bảo hiểm y tế).
(iii) Về bảo hiểm thất nghiệp:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật việc làm 2013, người lao động khi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm 2013 và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.