Công tác thống kê, một công cụ quan trọng để quản lý nhà nước, quản lý nền kinh tế kế hoạch hoá

Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị tại Hội nghị Tổng kết ngành Thống kê năm 1974

Trung ương Đảng và Chính phủ rất coi trọng công tác thống kê, vì nó là một công tác rất quan trọng, là công cụ để giúp Trung ương Đảng, Chính phủ quản lý Nhà nước, quản lý nền kinh tế kế hoạch hoá. Quản lý kinh tế, quản lý kế hoạch hoá mà thiếu thống kê thì không thể làm tốt được. Trong hệ thống quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, công tác thống kê đảm nhiệm chức năng thông tin kinh tế và kiểm tra, quyết toán kế hoạch Nhà nước. Nhiệm vụ tăng cường và cải tiến quản lý kinh tế, xây dựng một hệ thống quản lý kinh tế theo phương thức sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc điểm của nước ta lại đòi hỏi phải có một hệ thống thống kê và thông tin kinh tế nhạy bén, đầy đủ, trung thực và thông suốt. Công tác thống kê và thông tin kinh tế vừa có tính Đảng, tính khoa học, vừa là một công tác tổ chức trên quy mô lớn, một công tác vận động quần chúng sâu rộng. Vì vậy, nó không phải là một công việc nghiệp vụ đơn thuần, không phải là việc riêng của một ngành. Phải coi đó làm nhiệm vụ chung mà tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức Nhà nước, cơ quan quản lý kinh tế và các đoàn thể quần chúng đều có trách nhiệm xây dựng, thực hiện theo phạm vi hoạt động và chức năng của ngành mình, của đơn vị mình.

Qua gần 20 năm xây dựng, ngành Thống kê nước ta đã phát triển, có những bước trưởng thành về các mặt công tác và tổ chức, về trình độ nghiệp vụ và cơ sở vật chất kỹ thuật. Trong năm 1974, đi đôi với việc chuyển sang quản lý hệ thống thống kê Nhà nước theo ngành dọc, ngành Thống kê đã tiến hành tốt cuộc điều tra dân số lần thứ 2, đã cố gắng thực hiện đều đặn các báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch Nhà nước và một số báo cáo phân tích chuyên đề, biên soạn các số liệu và hoàn thành tốt một số cuộc điều tra kinh tế. Việc xây dựng hệ thống hạch toán thống nhất có những cố gắng mới. Kết quả công tác của ngành Thống kê đã góp phần nhất định vào thành tích khôi phục và phát triển kinh tế trong từng năm qua, vào việc củng cố nền nếp quản lý, trước hết là ở một số đơn vị kinh tế cơ sở. Những thành tích và tiến bộ đó là những đóng góp của ngành Thống kê phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, kết quả đó chưa đáp ứng được yêu cầu của Đảng và Nhà nước và chưa tương xứng với điều kiện, khả năng thực tế của ngành Thống kê. Các báo cáo thống kê chưa bám sát và phản ánh được kịp thời các vấn đề kinh tế mà Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, chưa phát hiện một cách nhạy bén những trở ngại, khó khăn, những thiếu sót trong quá trình tổ chức và chỉ đạo để bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước. Số liệu thống kê chưa phản ánh được đầy đủ các mặt của tình hình kinh tế, nhất là về mặt đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế, phát hiện khả năng tiềm tàng và còn thiếu nhiều số liệu cơ bản làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch, quyết định chính sách. Mức chính xác của số liệu còn thấp. Công tác cân đối kinh tế và phần tích kinh tế còn chậm. Tình trạng thông tin kinh tế quá chậm, không đầy đủ, chưa kịp thời phát hiện các hiện tượng phát sinh trong hoạt động kinh tế, trong đời sống xã hội, là một nguyên nhân làm cho sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Nhà nước và công tác quản lý một số ngành không kịp thời, nhạy bén, không được sát thực tế và có phần bị động.

Trong năm qua Bộ Chính trị nhiều lần nhắc nhở, Thường vụ Hội đồng Chính phủ có chỉ thị trực tiếp và cụ thể, nhưng sự chuyển biến còn chậm, việc phân tích hoạt động kinh tế còn hạn chế, chưa đi sâu vào những nguyên nhân, bản chất của các hiện tượng kinh tế phát sinh. Do đó, tác dụng thúc đẩy và nâng cao chất lượng quản lý của ngành còn yếu. Việc phục vụ cho công tác phân bố lại lực lượng sản xuất, phân vùng, quy hoạch và kế hoạch dài hạn cũng như chưa làm được bao nhiêu.

Thiếu sót này do trình độ tổ chức, trình độ quản lý và kiến thức của chúng ta còn bị hạn chế, song điều kiện thuận lợi của các đồng chí cũng không phải ít. Chức năng nhiệm vụ của Tổng cục Thống kê đã được Hội đồng Chính phủ xác định rõ ràng, cụ thể. Hệ thống thống kê Nhà nước được chuyển sang quản lý tập trung, thống nhất theo ngành dọc. Nhiều chế độ về hạch toán và báo cáo đã được Chính phủ ban hành. Đội ngũ cán bộ thống kê đã phát triển cả về số lượng, cũng như chất lượng. Cơ sở máy tính mở rộng, được trang bị thêm những máy mới… Tuy chưa thật đầy đủ, nhưng ngành Thống kê đã có những điều kiện và phương tiện hoạt động thuận lợi hơn trước. Vậy thì vì sao kết quả công tác chưa đạt được những tiến bộ tương xứng? Trong Hội nghị này, các đồng chí cần kiểm điểm, phân tích sâu sắc hơn về nguyên nhân thiếu sót chủ quan để cùng nhau vươn lên mạnh mẽ phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Dưới đây tôi nêu một số ý kiến để các đồng chí suy nghĩ, thống nhất nhận thức và tạo nên chuyển biến mạnh mẽ trong hành động.

Công tác thống kê có tác dụng quan trọng về nhiều mặt. Nó phục vụ cho cơ quan lãnh đạo các ngành, các cấp trong công tác quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ cho công tác giáo dục, động viên quần chúng. Song, phải nhấn mạnh nhiệm vụ chủ yếu của nó là phục vụ công tác kế hoạch hoá, bởi vì kế hoạch hoá là khâu trung tâm để quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Kế hoạch hoá không chỉ là xây dựng kế hoạch, mà mặt quan trọng hơn, khó khăn hơn, là tổ chức, chỉ đạo thực hiện kế hoạch, biến những nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch thành hiện thực trong đời sống kinh tế, xã hội. Kế hoạch hoá bao trùm mọi lĩnh vực hoạt động, mọi ngành, mọi cấp trong nền kinh tế quốc dân. Trong công tác kế hoạch hoá, cơ quan Kế hoạch và cơ quan Thống kê các ngành, các cấp là 2 ngành nghiệp vụ có trách nhiệm trực tiếp giúp cho cơ quan lãnh đạo quyết định kế hoạch và chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Giữa 2 ngành từ trên xuống dưới, phải quan hệ phối hợp công tác hết sức mật thiết, thường xuyên trao đổi ý kiến, cung cấp tài liệu, giúp đỡ lẫn nhau nhằm mục tiêu chung là không ngừng hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của công tác kế hoạch hoá.

Thống kê là cơ quan cung cấp những căn cứ cần thiết cho việc xây dựng kế hoạch và bảo đảm yêu cầu thông tin kinh tế cho việc chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Số liệu thống kê là căn cứ chính thức để kiểm tra quyết toán kế hoạch. Điều đó có nghĩa là thống kê không chỉ đánh giá, kết luận tình hình khi công việc đã xong, khi thời kỳ kế hoạch đã kết thúc, mà điều cần hơn và quan trọng hơn đặt ra cho công tác thống kê là phải theo dõi sát, phản ánh kịp thời cho cơ quan lãnh đạo các ngành, các cấp những diễn biến trong quá trình thực hiện kế hoạch, những khâu mất cân đối cần giải quyết, gợi ý được những ưu điểm cần đề cao, những khuyết điểm cần khắc phục để nâng cao chất lượng quản lý, bảo đảm cho kế hoạch Nhà nước được hoàn thành thắng lợi. Nền kinh tế của ta hiện nay còn nhiều mặt mất cân đối, chưa ổn định, dễ có những biến động bất thường, vì vậy các yêu cầu trên đối với công tác thống kê càng bức thiết.

Năm 1975, chúng ta phải phấn đấu đạt cho được những mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế đã đề ra trong Nghị quyết lần thứ 22 của Trung ương Đảng. Các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1975 đã được Quốc hội thông qua, đòi hỏi tất cả các mặt hoạt động kinh tế phải đạt được tốc độ phát triển cao hơn, tốt hơn các năm trước. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 1975 là nhiệm vụ trung tâm hiện nay của nhân dân miền Bắc. Công tác thống kê năm nay cũng phải tập trung vào nhiệm vụ phục vụ tích cực cho sự chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1975 của các ngành, các cấp. Tổng cụ Thống kê phải tổ chức thực hiện cho được công tác báo cáo nhanh, giúp Thường vụ Hội đồng Chính phủ nắm sát tình hình một cách kịp thời để điều hoà, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra công tác của các Bộ trưởng và Chủ tịch UBHC tỉnh, thành phố, đặc biệt là trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu quan trọng nhất của kế hoạch Nhà nước năm 1975, như các chỉ tiêu kế hoạch công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản, xuất khẩu, đời sống… Tổ chức thống kê các ngành, các bộ, các địa phương cho tới đơn vị cơ sở cũng phải làm tốt công tác thông tin nhanh phục vụ trực tiếp cho sự chỉ đạo, quản lý của ngành, của Bộ, của địa phương, của đơn vị, đồng thời đáp ứng yêu cầu báo cáo nhanh của Nhà nước. Đi đôi với việc tổ chức báo cáo nhanh theo chu kỳ ngắn, cần phải nâng cao chất lượng và phát huy tác dụng của báo cáo thống kê chính thức trong công tác nghiên cứu phân tích kinh tế, cân đối kinh tế quốc dân và đặc biệt là trong việc kiểm tra, quyết toán kế hoạch Nhà nước.

Trong khi lấy việc tổ chức thông tin kinh tế phục vụ cho sự chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước làm nhiệm vụ chính trong năm nay, ngành Thống kê phải cố gắng với mức cao nhất đáp ứng yêu cầu cung cấp số liệu làm căn cứ xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980), phân bố mới lực lượng sản xuất, phân vùng, quy hoạch của các ngành kinh tế, phục vụ cho việc tổng kết tình hình kinh tế và kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm nay.

Ngành Thống kê phải xuất phát từ nhiệm vụ chủ yếu của mình là phục vụ công tác kế hoạch và phải căn cứ vào yêu cầu thông tin của lãnh đạo để xác định nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phấn đấu của mình trong năm 1975. Phục vụ cho công tác kế hoạch hoá không có nghĩa là ngành Thống kê bị phụ thuộc vào ngành Kế hoạch, mà trái lại ngành Thống kê, công tác thống kê là cơ sở để nâng cao chất lượng của công tác kế hoạch. Ngành Kế hoạch phải biết dựa vào thống kê, thông qua công tác của ngành Thống kê, mà phát huy tác dụng trung tâm của công tác kế hoạch hoá và nâng cao trình độ nghiệp vụ, tính khoa học, hiện thực, tích cực của công tác kế hoạch. Việc cải tiến nghiệp vụ, kiện toàn tổ chức và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành phải hướng vào mục tiêu đã định và nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu đó. Báo cáo của Tổng cục Thống kê về nhiệm vụ công tác năm 1975 đã nêu những vấn đề cụ thể. Tôi muốn lưu ý thêm các đồng chí:

Các yêu cầu thông tin kinh tế được đáp ứng một phần quan trọng thông qua chế độ hạch toán và báo cáo. Việc thực hiện các chế độ đó là trách nhiệm trực tiếp của thủ trưởng các đơn vị kinh tế cơ sở và cơ quan quản lý cấp trên. Tuy nhiên, ngành Thống kê không chỉ xây dựng chế độ rồi chờ báo cáo của bên dưới, mà phải làm tốt trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho bên dưới, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những biện pháp cần thiết và có hiệu lực để từng bước đưa kỷ luật hạch toán, báo cáo vào nền nếp. Hệ thống thống kê Nhà nước phải phát huy vai trò tích cực, chủ động của mình trong việc tổ chức chỉ đạo công tác hạch toán và báo cáo, trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra công tác hạch toán, thu thập số liệu báo cáo từ đơn vị kinh tế cơ sở trở lên. Trong khi nhấn mạnh việc chấp hành chế độ hạch toán và báo cáo, cần nhớ rằng chế độ đó phải bám sát nhiệm vụ chính trị, phải phù hợp với tình hình thực tế. Phải xuất phát từ yêu cầu thông tin của lãnh đạo để sửa đổi, bổ sung chế độ hạch toán và báo cáo chứ không nên đặt vấn đề ngược lại chỉ đáp ứng yêu cầu thông tin những cái gì đã có chế độ ban hành. Mặt khác, trong điều kiện quản lý và trình độ hạch toán hiện nay, không nên quá lệ thuộc vào chế độ hạch toán, báo cáo định kỳ, mà phải vận dụng nhiều hình thức linh hoạt để thu thập thông tin nhằm giải đáp những vấn đề mà lãnh đạo quan tâm. Cần khẩn trương chuẩn bị sớm tiến hành các cuộc điều tra cơ bản như điều tra đất đai, điều tra và đánh giá lại tài sản cố định, thực hiện tốt các cuộc điều tra định kỳ đã quy định. Đồng thời cần chú ý phát triển hình thức điều tra nhỏ, nhanh, gọn nhằm cung cấp kịp thời những thông tin về tình hình đột xuất nảy sinh trong nền kinh tế.

Nhân đây, tôi xin nói với các đồng chí, vừa rồi Trung ương Đảng đã họp đề ra Nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng về đường lối chính sách, cải tiến và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, và đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, thắt chặt hơn nữa mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Mọi ngành, mọi cấp muốn làm công tác của mình được tốt đều phải quán triệt và triệt để chấp hành Nghị quyết 23 của Trung ương Đảng; Phải làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ, công tác nâng cao chất lượng đảng viên, công tác kiểm tra, đặc biệt phải coi trọng tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Tôi mong rằng các đồng chí sẽ tăng cường đoàn kết, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, đem toàn tâm, toàn ý nâng cao trình độ tư tưởng, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ nghiệp vụ thống kê để phục vụ tốt cho việc hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước.