Công tác dân vận là một trong những công tác cơ bản của Đảng
(LĐ online) – Nói đến công tác dân vận, Bác Hồ đưa ra một khái niệm tương đối hoàn chỉnh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”.
(LĐ online) – Nói đến công tác dân vận, Bác Hồ đưa ra một khái niệm tương đối hoàn chỉnh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể giao cho”. Như vậy, có thể diễn đạt ngắn gọn: Công tác vận động nhân dân thường được gọi là công tác dân vận.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Do đó, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương về công tác dân vận. Nhờ vậy, công tác dân vận đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới. Hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội được kiện toàn, củng cố; giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên được chăm lo, bảo vệ; công tác tập hợp, phát triển đoàn viên, hội viên được chú trọng; công tác giáo dục thế hệ trẻ được chú trọng, quan tâm. Công tác Dân vận đã góp phần tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, công tác dân vận cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Chưa đánh giá và dự báo chính xác những diễn biến, thay đổi cơ cấu xã hội, thành phần dân cư, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để có chủ trương, chính sách phù hợp. Một số chính sách chưa đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích của nhân dân. Việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời, nhất là cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nhiều bức xúc chưa được giải quyết; quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận chưa được quan tâm đúng mức…
Trong điều kiện mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề nảy sinh tác động đến tâm tư, tình cảm đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng là thách thức đối với mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng. Điều đó, đòi hỏi Đảng cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực tiễn đặt ra cho công tác dân vận hiện nay bao gồm công tác nghiên cứu, xây dựng, ban hành chủ trương, đường lối của Đảng; công tác chỉ đạo, tham mưu, giám sát, kiểm tra, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về dân vận; Xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác vận động nhân dân.
Phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ. Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ của công dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Phương thức lãnh đạo công tác dân vận phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng noi theo. Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
Mục tiêu của công tác dân vận là tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đạt được mục tiêu trên, cần thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân.
Hai là, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.
Ba là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước: Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương mới của Đảng về dân vận thành các văn bản pháp luật để các cấp chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thực hiện; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết tốt chính sách đối với người dân.
Bốn là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập chủ quyền, an ninh chính trị.
Năm là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Sáu là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm dân vận, mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh.
Bảy là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.
Kiều Minh