Công nghệ thông tin với cải cách hành chính | Biển – Biên giới biển Bến Tre
Công nghệ thông tin (CNTT) ra đời đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm thay đổi cơ bản cách quản lý, học tập và làm việc của con người. Trong cải cách hành chính (CCHC), CNTT góp phần tự động hóa, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính, tạo ra phong cách lãnh đạo, phong cách làm việc mới, cải tiến hình thức cung cấp dịch vụ công theo hướng trực tuyến.
Nói đến CCHC, chúng ta không thể không nhắc đến vai trò của CNTT. Việc tin học hóa hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước vừa là phương tiện, vừa là áp lực đối với việc cải cách nền hành chính. Thông qua hoạt động ứng dụng CNTT, bộ máy hành chính dễ dàng liên kết với nhau hơn trong thực hiện nhiệm vụ, Chính quyền cũng thông qua đó để điều hành bộ máy nhà nước một cách nhanh chóng, hiệu quả và chính xác; kiểm soát tốt hơn mọi hoạt động của cơ quan công quyền trước những biến động phức tạp của thực tiễn nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
Tuy nhiên, chính sự minh bạch trong kiểm soát và giám sát mà hoạt động ứng dụng CNTT mang lại đã ít nhiều tạo áp lực cho các cơ quan hành chính bởi qua đó mọi trì trệ, ách tắc của bộ máy công quyền sẽ dễ dàng lộ diện khi có vấn đề xảy ra. Như vậy, CCHC và CNTT suy cho cùng đều chung một mục đích, đó là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, nâng cao tính minh bạch và độ tin cậy của thông tin quản lý điều hành. Hoạt động ứng dụng CNTT và CCHC có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, tác động qua lại, không thể tách rời nhau và cần được thực hiện đồng thời. Nếu chúng ta bắt đầu từ hoạt động ứng dụng CNTT trước sau đó mới thực hiện CCHC thì kế hoạch tin học hóa của đơn vị sẽ bất thành bởi chưa có CCHC nên các quy trình hay thủ tục hành chính chưa được chuẩn hóa và do đó dù có áp tin học hóa các quy trình này thì cũng không đem lại hiệu quả như mong đợi. Ngược lại nếu chúng ta trông đợi vào sự hoàn thiện của CCHC trước, sau đó mới triển khai hoạt động ứng dụng CNTT thì nền hành chính sẽ lạc hậu, không thể nào theo kịp tốc độ phát triển của xã hội trong xu hướng hội nhập trong một thế giới phẳng như hiện nay và như thế không biết đến khi nào thì nền hành chính của chúng ta mới cải cách xong.CCHC là đặt ra những mục tiêu, là đưa ra những bài toán còn CNTT là công cụ giúp đạt từng mục tiêu, giải quyết từng bài toán cụ thể. CNTT và CCHC có mối quan hệ tương hỗ và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, nếu kiềm chế sự vận động và phát triển của một trong hai yếu tố đó thì việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả mãi mãi chỉ là ý tưởng và CCHC không bao giờ đạt mục tiêu như mong đợi.Như vậy, CNTT và CCHC là hai mặt của một vấn đề, luôn vận động và phát triển theo quy luật tất yếu của nó, không thể nói cái nào quyết định cái nào, chúng hoạt động song song và hỗ trợ cho nhau trong việc nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Nhận thức được tầm quan trọng của CNTT, trong thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có chỉ đạo sâu sát, đầu tư đáng kể cho việc ứng dụng và phát triển CNTT trong phát triển kinh tế – xã hội. Việc ứng dụng CNTT ở Bến Tre trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và của các cấp, các ngành nên đã có những bước tiến vượt bậc, góp phần quan trọng trong cải cách hành chính, trong lãnh đạo, điều hành của các cấp, các ngành và doanh nghiệp. Nhận thức, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được nâng cao, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước phục vụ chỉ đạo, điều hành đã nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ công chức. Ngoài ra, ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các ngành, lĩnh vực đã góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, đảm bảo được sự chính xác và kịp thời trong trong quá trình xử lý công việc phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Mặc dù bước đầu đã đạt được kết quả nhất định nhưng nhìn chung, so với các tỉnh thành trong cả nước thì mức độ ứng dụng CNTT của tỉnh Bến Tre còn hạn chế.Cơ sở hạ tầng CNTT, hạ tầng mạng thông tin của các cơ quan, đơn vị trong Tỉnh còn yếu. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của tỉnh được đầu tư chủ yếu từ Đề án 112 đến nay đã cũ và lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khi đó nguồn vốn đầu tư cho công nghệ thông tin hàng năm để nâng cấp rất thấp vì thiếu kinh phí.Việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị trong tỉnh vẫn còn hạn chế, công tác tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước mới chỉ được tiến hành bước đầu. Nhiều đơn vị sử dụng máy tính vào công việc đơn giản như xem tin tức, trao đổi thư điện tử, soạn thảo văn bản, kế toán, thống kê, tra cứu văn bản, v.v.Đã có nguồn lực, nhưng còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và chưa đồng bộ, nhất là nhân lực chuyên trách và nhân lực có trình độ cao.
Nguyên nhân khách quan là điều kiện kinh tế của tỉnh còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với mặt bằng chung cả nước, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương tự trang trải cho CNTT còn ở mức thấp chủ yếu dựa vào nguồn vốn theo dự án của Trung ương và các dự án của một số ngành dọc từ Trung ương nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bị dàn trải. Bên cạnh đó, CNTT là một lĩnh vực mới mẻ, phát triển nhanh và luôn thay đổi. Vì vậy trong quá trình ứng dụng và phát triển luôn nảy sinh những vấn đề bất cập.
Nguyên nhân chủ quan là công tác CCHC và ứng dụng CNTT chưa gắn kết chặt chẽ với nhau, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ còn chậm, thiếu đồng bộ. Ngoài ra, một số lãnh đạo các cấp, các ngành chưa có sự quan tâm sát sao, đầu tư đúng mức, đủ tầm, thực thi quyết liệt với tầm nhìn chiến lược đối với sự phát triển và ứng dụng CNTT; chưa thực sự coi CNTT là phương tiện chủ lực để đi tắt, đón đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Một số cơ quan, đơn vị chưa kiên quyết gắn việc ứng dụng CNTT với xử lý công việc hàng ngày, chưa thực sự chú trọng ứng dụng CNTT để đổi mới lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Để công nghệ thông tin thực sự góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả thì việc ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
1.Đưa vào khai thác, vận hành mạng truyền số liệu chuyên dụng kết nối từ UBND tỉnh đến các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố; đồng thời nâng cấp, sửa chữa trang thiết bị CNTT tại các các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đảm bảo các thiết bị CNTT, hệ thống mạng nội bộ hoạt động thông suốt, ổn định.
2.Triển khai nâng cấp Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh phục vụ nhu cầu triển khai các ứng dụng CNTT; nâng cấp hệ thống mạng nội bộ, máy tính phục vụ ứng dụng CNTT cho UBND các xã, phường, thị trấn.
Hai là, Tăng cường ứng dụng CNTT
1.Tiếp tục triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo hướng tăng cường chức năng chỉ đạo, điều hành, mở rộng sự kết nối liên thông đến cấp xã, phường, thị trấn và đảm bảo kết nối liên thông với các hệ thống quản lý văn bản và điều hành quy mô quốc gia.
2.Hoàn thiện hệ thống tư điện tử @bentre.gov.vn để đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được cấp và sử dụng thường xuyên thư điện tử công vụ.
3.Triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
4.Triển khai các ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả quản lý ngành như quản lý cán bộ, công chức, công chứng, khiếu nại – tố cáo, tài chính – kế toán, khoa học và công nghệ… đảm bảo kết nối đồng bộ, liên thông với các hệ thống thông tin quốc gia.
5.Hoàn thiện Cổng thông tin điện tử tỉnh và cổng thông tin điện tử thành phần của tất cả các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện và thành phố nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 43/2011/NĐ-CP ngày 13 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Tích hợp hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh vào hệ thống cổng thông tin điện tử quốc gia.
6.Triển khai hệ thống một cửa điện tử tại các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện và thành phố để cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 2, 3 và 4.
Ba là, Nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực CNTT
1.Tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và người dân nhận thức, hiểu biết và sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tình hình ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tỉnh Bến Tre.
2.Kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT tỉnh và đội phản ứng nhanh về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng.
3.Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao trình độ, kỹ năng quản trị mạng, an ninh thông tin và an toàn hệ thống mạng cho cán bộ, công chức phụ trách CNTT tại các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố.
4.Tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Phòng Công nghệ thông tin