Công nghệ thông tin là gì? Vai trò ngành công nghệ thông tin – Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi

Công nghệ thông tin là gì? Vai trò ngành công nghệ thông tin

Trong bối cảnh thời đại công nghệ số như hiện tại, công nghệ thông tin ngày càng khẳng định rõ ràng vai trò và sức ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Để giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quan về công nghệ thông tin nói chung và ngành công nghệ thông tin nói riêng mời bạn tham khảo qua bài viết bên dưới.

1.Công nghệ thông tin là gì?

Công nghệ thông tin (Information Technology hay IT) là một nhánh ngành kỹ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin

 

2.Vai trò ngành công nghệ thông tin trong cuộc sống hiện nay

– Công nghệ thông tin trong kinh tế

Trong nền kinh tế, công nghệ thông tin chính là một cầu nối để thúc đẩy sự phát triển. Nhờ có sự phát triển của công nghệ con người dễ dàng tiếp cận được với những phát minh, sáng tạo mới nhất của nhân loại.

Nhờ có công nghệ thông tin, việc truyền tải thông tin và quản lý của các doanh nghiệp cũng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Công nghệ thông tin còn giúp doanh nghiệp có được kênh tiếp cận khách hàng và quảng bá sản phẩm, dịch vụ hiệu quả, là tiền đề để bán được nhiều hàng, tăng lợi nhuận cho công ty.

Các quốc gia kết nối được nhiều hơn với nền kinh tế toàn cầu, nắm bắt được xu thế phát triển kinh tế thế giới. Từ đó đưa ra các định hướng phát triển kinh tế phù hợp với mình.

 

 

– Công nghệ thông tin trong y học

Sự thành công của công nghệ thông tin trong y học, chính là một bước phát triển nhân văn vượt bậc của nhân loại. Các loại máy móc thiết bị xét nghiệm đều được tự động hóa hoàn toàn, giúp nâng cao độ chính xác và giảm bớt thao tác khi làm xét nghiệm.

Công nghệ thông tin giúp lưu trữ và phân tích số liệu cho nghiên cứu khoa học, giúp bác sĩ quyết định lâm sàng nhanh chóng và chính xác, giảm thiểu tử vong do sai lầm y khoa.

Ngoài ra, nhờ vào sự phát triển của công nghệ, các cán bộ ở vùng sâu vùng xa có thể dễ dàng cập nhật kỹ thuật y tế, kiến thức ngành mới nhất thông qua hệ thống Internet.

 

 

– Công nghệ thông tin trong giáo dục

Công nghệ thông tin giúp cho việc tìm hiểu kiến thức trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều. Tạo không gian và thời gian học linh động. Một ví dụ điển hình cho vai trò của công nghệ thông tin trong học tập có thể kể đến việc hỗ trợ đắc lực từ các phần mềm, ứng dụng họp mặt trực tuyến như Zoom, Google Meet,… trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện tại.

 

 

– Công nghệ thông tin trong an ninh

Công nghệ thông tin có ý nghĩa quan trọng trong an ninh quốc phòng. Sự phát triển của công nghệ thông tin đã và đang tạo ra nhiều hình thái về chiến tranh, cách thức tác chiến mới từ đó làm thay đổi về học thuyết của quân sự một cách sâu sắc ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó, cùng với sự phát triển ở tất cả các mặt đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội thì một hệ thống an ninh bền chặt, tiên tiến và hiện đại là vô cùng cần thiết.

– Công nghệ thông tin trong đời sống

Công nghệ thông tin giúp con người dễ dàng kết nối với nhau thông qua Internet, việc mua sắm, giao dịch, thanh toán, di chuyển cũng nhờ công nghệ thông tin mà trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Giờ đây chỉ cần có một chiếc smartphone có kết nối mạng là đã có thể “đi chợ” ngay tại nhà của mình rồi đúng không nào!

Ngoài ra, công nghệ thông tin còn sản sinh ra nhiều công việc mới như lập trình viên, thiết kế website hay chuyên viên phát triển phần mềm,… đây là một số những công việc chỉ ra đời khi công nghệ thông tin được sinh ra.

 

3.Ngành công nghệ thông tin là gì?

 

Ngành công nghệ thông tin là ngành học nghiên cứu phần mềm, mạng lưới Internet, hệ thống máy tính sử dụng cho việc phân phối và xử lý dữ liệu, trao đổi, lưu trữ và sử dụng thông tin dưới hình thức khác nhau. Nói cách khác, đây là việc sử dụng công nghệ hiện đại vào việc tạo ra, xử lý, truyền dẫn thông tin, lưu trữ, khai thác thông tin.

5 chuyên ngành công nghệ thông tin phổ biến

Hiện tại, ngành công nghệ thông tin thường được chia thành 5 chuyên ngành phổ biến sau: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính truyền thông, kỹ thuật phần mềm.