Công nghệ gen là gì? Ảnh hưởng của công nghệ gen | CareerLink.vn
Công nghệ gen là gì? Trong tiếng Anh, công nghệ gen được gọi là Genetic Engineering. Ngoài ra, một số những khái niệm như Gene technology, genetic modification, gene technology cũng đều nói về kỹ thuật gen trong công nghệ sinh học hiện đại.
Nói một cách khái quát, công nghệ gen là quy trình tạo ra những tế bào hoặc sinh vật có gen bị biến đổi hoặc có thêm gen mới. Quá trình này liên quan đến việc con người sử dụng các kỹ thuật trong sinh học tác động và tạo ra các biến đổi trên vật liệu di truyền nhằm đáp ứng mục đích nào đó.
Ví dụ như mục đích chuyển gen từ một sinh vật này sang một sinh vật khác của một giống loài khác là để cho loài sau thừa hưởng những đặc tính tốt của loài trước, giúp tăng năng suất và hiệu quả của giống loài đó.
“Công nghệ gen là quá trình sử dụng công nghệ DNA tái tổ hợp (rDNA) để thay đổi cấu trúc di truyền của một sinh vật.”
Công nghệ gen có đặc điểm gì?
Theo định nghĩa công nghệ gen là gì thì công nghệ gen không phải là công nghệ sinh học, nó chỉ là một nhánh của công nghệ sinh học hiện đại. Từ khi công nghệ gen phát hiện mọi sinh vật đều sử dụng cùng một mã hóa gen, các nhà di truyền học đã tìm được cách tăng cường hoặc xóa bỏ một số đặc điểm đặc biệt của một sinh vật, dựa trên mục đích muốn duy trì hay phá bỏ.
Công nghệ gen sử dụng một loạt các kỹ thuật nhằm kiểm soát hoặc chỉnh sửa gen. Đặc biệt là di chuyển chúng giữa các loài sinh vật vốn chẳng có gì liên quan đến nhau, được gọi là công nghệ tái tổ hợp DNA.
Chẳng hạn, gen từ một loài thực vật có thể được đưa vào cơ thể của một động vật, hoặc ngược lại, có thể chuyển gen từ động vật sang một thực vật, hoặc đưa gen của các vi sinh vật vào cơ thể của thực vật và ngược lại. Những sinh vật mới được tạo ra theo cách này sẽ được gọi là sinh vật biến đổi gen.
Hiện nay, công nghệ gen được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực phẩm trồng trọt, động vật chăn nuôi ở các trang trại. Ví dụ như nghiên cứu gen để đảm bảo gà không thể truyền bệnh cúm gia cầm sang các loài chim hoặc gia súc không thể phát triển các virus truyền nhiễm gây ra bệnh “bò điên”.
Trong thực vật, áp dụng công nghệ gen để tạo ra những cây trồng biến đổi gen như ngô, đậu tương nhằm mục đích tăng năng suất cây trồng, hoặc giúp cây trồng có tuổi thọ lâu hơn, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.
Ngoài ứng dụng trong ngành nuôi trồng, công nghệ gen còn có các ứng dụng khác nữa. Trong y học, liệu pháp gen sẽ áp dụng cho những bệnh nhân bị những bệnh liên quan đến việc tạo thành gen.
Nó cũng được sử dụng để tạo ra những loại vắc xin và thuốc mới, hoặc để vẽ bản đồ gen người để chẩn đoán bệnh hiệu quả hơn, tạo ra đột phá trong điều trị bệnh nhân.
Ngoài ra, trong y học, công nghệ gen tạo ra những động vật biến đổi gen như là nguồn cung cấp nội tạng và mô trong y tế.
Những ứng dụng công nghệ gen trong đời sống
Là thành tựu từ năm 1980, biến đổi gen ngày nay được ứng dụng phổ biến trong cuộc sống. Người ta có thể thêm hoặc bỏ bớt gen, lấy gen từ sinh vật khác chuyển vào vật mong muốn.
Trong đó, cây trồng biến đổi gen là một trong những kết quả phổ biến nhất của công nghệ gen hiện nay. Nhờ kỹ thuật này, người sản xuất có thể tạo ra giống cây trồng như mong muốn, mà không tốn nhiều thời gian.
Về mặt nguyên tắc, kỹ thuật này chỉ tiến hành biến đổi ở những gen không liên quan đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, hoặc nếu có thì sẽ tác động theo hướng tăng cường hàm lượng dinh dưỡng. Vì thế cây trồng biến đổi gen sẽ giúp người sản xuất tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đồng thời tăng sức sống của cây trồng, vật nuôi dưới tác động của dịch bệnh hoặc thuốc diệt cỏ.
Các loại thực phẩm như ngô, khoai, cà chua, bí đỏ, đậu nành, đu đủ, dưa hấu… là những điển hình trong việc áp dụng công nghệ biến đổi gen. Ngoài tăng năng suất, tăng đề kháng và tăng khả năng chịu đựng với thuốc diệt cỏ, cây trồng biến đổi gen còn nhằm mục đích thu được màu sắc đẹp hơn, vòng đời lâu hơn.
Mặc dù công nghệ gen tạo ra nhiều đột phá và chiếm ưu thế rõ rệt, nhưng ngày nay nhiều người đặt ra câu hỏi, về việc các sản phẩm đến từ công nghệ gen có gây hại cho người sử dụng hay không?
Những người ủng hộ công nghệ gen và sản phẩm biến đổi gen cho rằng, công nghệ gen có giúp tăng năng suất nông nghiệp, giảm ứng dụng phân bón, giúp các cây trồng có khả năng kháng bệnh và sống lâu hơn. Từ đó giúp ngành nông nghiệp tăng năng suất, thúc đẩy thu nhập và giúp giải quyết nạn đói, nghèo của nhiều quốc gia.
Ngược lại, nhiều người phản đối liệt kê một loạt các mối quan tâm xung quanh công nghệ gen, bao gồm phản ứng dị ứng, đột biến gen, kháng kháng sinh và thiệt hại môi trường tiềm ẩn.
Các nghiên cứu chỉ ra, thực phẩm biến đổi gen có thể gây ra các vấn đề lâu dài. Nhiều thực phẩm biến đổi gen kháng thuốc diệt cỏ dẫn thuốc diệt cỏ độc hại lại được dùng nhiều hơn mỗi năm. Điều này không chỉ gây nguy hại đối với môi trường, kéo dài có thể gây ảnh hưởng lên hệ sinh thái.
Bởi vậy để đảm bảo an toàn, theo Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), các loại thực vật biến đổi gen cần phải đáp ứng quy định an toàn như các loại thực phẩm không biến đổi gen. Cũng không thể đưa ra kết luận giống nhau về tất cả các sản phẩm biến đổi gen, vì thế cần được kiểm tra, đánh giá từng loại cụ thể.
Hy vọng bài viết trên giúp bạn hiểu hơn về công nghệ gen là gì, đặc điểm cũng như tác động của công nghệ gen, cụ thể là những sản phẩm từ công nghệ gen có ưu nhược gì để bạn có lựa chọn phù hợp trong đời sống.
Nguyễn Lý