Công nghệ 4.0 là gì? Nó đã thay đổi cuộc sống như thế nào?
Cụm từ “Công nghệ 4.0” được mang ra thảo luận rất nhiều trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên bạn đã thực sự hiểu công nghệ 4.0 là gì cũng như những đặc điểm của nó? Có thể nói rằng sự xuất hiện của nền tảng công nghệ số này đã thay đổi hoàn toàn cục diện của thế giới. Một kỷ nguyên mới được mở ra và mang đến hàng loạt những sáng kiến công nghệ, tạo ra ảnh hưởng lớn tới toàn bộ lĩnh vực, trong đó có nền kinh tế của cả thế giới.
Trong bài viết này hãy cùng MarketingAI đi tìm hiểu chi tiết công nghệ 4.0 là gì, cũng như những tác động mà nó đã mang tới các lĩnh vực. Dù rằng không thể phủ nhận những tác động tích cực to lớn mà công nghệ 4.0 mang lại, tuy nhiên mọi thứ sẽ đều có hai mặt của nó. Chúng ta sẽ phải đối mặt với những thách thức gì, cũng như cần chuẩn bị gì để sẵn sàng bước vào thời kỳ công nghệ số hoá 4.0?
Mục Lục
Công nghệ 4.0 là gì?
Hiểu đơn giản, Công nghệ 4.0 hay Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự ra đời của một tập hợp những công nghệ mới. Khác với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, công nghệ 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, công nghệ liên quan tới hệ thống vật lý không gian mạng, hệ thống mạng Internet. Trong đó, những yếu tố cốt lõi của công nghệ kỹ thuật số sẽ là: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Cũng chính vì điều này mà đã có nhiều người lầm tưởng xu hướng công nghệ 4.0 chỉ là một phần mở rộng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 (hay còn gọi là Cách mạng kỹ thuật số), tuy nhiên do những ảnh hưởng to lớn lên toàn bộ các ngành và lĩnh vực trong đời sống, song hành là sự phát triển thần tốc của công nghệ thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được coi là đã mở ra một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Công nghiệp 4.0 là gì? Thời đại 4.0 là gì? Thời đại công nghệ 4.0 tiếng Anh là gì? (Nguồn: Freepik)
Đặc điểm của công nghệ 4.0 là gì?
Như vừa đề cập ở trên trong phần giải nghĩa công nghệ 4.0 là gì, đặc điểm của nó chính là việc kết hợp các công nghệ lại với nhau, hướng tới tự động hóa và xóa nhòa các ranh giới vật lý. Nảy nở từ chính cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, công nghệ 4.0 đã làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Với ba yếu tố cốt lõi của mình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra điều kiện thuận lợi để tiến đến việc xây dựng các nhà máy thông minh, cho phép mọi người ở bất kỳ đâu trên thế giới có thể kết nối với nhau mọi lúc, mọi nơi thông qua mạng lưới Internet dịch vụ qua các thiết bị di động.
Không chỉ vậy, với sự xuất hiện của công nghệ 4.0 thì sản xuất truyền thống đã có sự lột xác hoàn toàn mới. Việc áp dụng công nghệ và hệ thống máy tính được kết nối với nhau qua chuỗi cung ứng đã tạo ra sự tích hợp cho các hệ thống và các quy trình khác nhau trước đây. Cụ thể có ba xu hướng công nghệ thúc đẩy sự chuyển đổi của sản xuất truyền thống là: Kết nối, tự động hóa và linh hoạt. Kết quả của việc này chính là thúc đẩy tốc độ của quá trình sản xuất, tốn ít sức người nhưng tăng được năng suất và chất lượng. Cũng giống như các cuộc cách mạng công nghiệp khác, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mở ra cho các nhà đầu tư một cơ hội mới để thu về mức lợi nhuận khổng lồ.
Đặc điểm của công nghệ 4.0 là gì? Công nghệ 4.0 Việt Nam (Nguồn: sophia.edu.vn)
Công nghệ 4.0 đã thay đổi các ngành nghề như thế nào?
Sau khi hiểu được sơ bộ về công nghệ 4.0 là gì, có thể thấy nó đã tạo ra tác động toàn diện tới nền kinh tế của cả thế giới. Như một hệ quả, xu hướng công nghệ 4.0 đã, đang và sẽ thay đổi tương lai của rất nhiều ngành nghề, cụ thể là:
Phần mềm
Công nghệ 4.0 sẽ là nhân tố chủ đạo để tạo ra những bước đột phá trong hầu hết các ngành công nghiệp truyền thống. Hãy nhìn vào sự bùng nổ của các startup gọi xe trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, điển hình là Grab – được mệnh danh là startup kỳ lân trong lĩnh vực này. Việc áp dụng công nghệ đã biến Grab trở thành gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe, dần thay thế vị trí của các hãng taxi truyền thống trước kia.
Thời đại công nghệ 4.0 là gì? Công nghệ số là gì? Thời đại công nghệ số hoá đã vẽ lại bức tranh của thế giới (Nguồn: Grab)
Y tế
Khi áp dụng công nghệ 4.0 vào trong lĩnh vực Y tế chúng ta sẽ được gì? Câu trả lời là cỗ máy IBM Watson, hay còn được biết đến với biệt danh “Bác sĩ biết tuốt”. Cỗ máy này có khả năng lướt duyệt hàng triệu hồ sơ bệnh án cùng lúc, qua đó cung cấp cho bác sĩ những lựa chọn điều trị dựa trên các thông tin, bằng chứng đã thụ thập chỉ trong vài giây. Tất cả là nhờ khả năng tổng hợp dữ liệu khổng lồ cùng với tốc độ xử lý thông tin mạnh mẽ. Không chỉ hỗ trợ trong công tác chẩn đoán, công nghệ còn có thể trở thành một bác sĩ mổ chuyên nghiệp không thua kém bất kỳ ai.
Ngày nay, đã có một số bệnh viện tại TP.HCM và Hà Nội ứng dụng công nghệ robot để hỗ trợ trong việc thực hiện ca mổ. Những robot này được thiết kế để giảm thiểu sự xâm lấn, nâng cao độ chính xác và hiệu quả an toàn cho các bác sĩ khi thực hiện ca mổ, cũng như giúp bệnh nhân mất ít máu hơn, giảm đau và nguy cơ tai biến, tăng tốc độ hồi phục. Đó là chưa kể, công nghệ Nano hiện đã được đưa vào nghiên cứu trong lĩnh vực Y tế để giúp bác sĩ có thể khám và chữa cho người bệnh ở những nơi bình thường không thể với tới.
Sản xuất
Như vừa đề cập ở trên, công nghệ 4.0 đã mang lại một bộ mặt hoàn toàn mới cho lĩnh vực sản xuất. Cụ thể là doanh nghiệp có thể tạo ra các nhà máy thông minh, nơi mà máy móc có thể tự động giao tiếp với nhau để giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực, tiền bạc và cắt giảm được lượng chất thải ra môi trường. Có được thành tựu này tất cả là nhờ vào yếu tố Internet vạn vật (IoT), nó đã giúp kết nối các thiết bị với nhau để chúng trở nên thông minh và có tính liên kết với nhau. Nhờ vậy, một thiết bị có thể đảm nhiệm được khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều so với một máy móc độc lập không có kết nối.
Kinh doanh 4.0 là gì? Công nghệ 4.0 là gì trong ngành sản xuất hiện nay? Công nghệ 4.0 trong ngành may
Ngành nông nghiệp 4.0
Với công nghiệp sản xuất, doanh nghiệp có thể tạo ra các nhà máy thông minh thì với ngành nông nghiệp, người nông dân cũng có thể tạo ra một trang trại thông minh với sự hỗ trợ từ yếu tố công nghệ. Ngành nông nghiệp 4.0 được coi là bước đột phá lớn so với ngành nông nghiệp truyền thống khi nó vừa giảm được khối lượng công việc nhưng lại cải thiện được năng suất và tính bền vững. Không chỉ vậy, khi ứng dụng công nghệ và kỹ thuật vào nông nghiệp ta sẽ có được những thành quả như máy kéo tự động, cây trồng được chăm bón chính xác và người nông dân có thể tự do điều khiển được cả yếu tố như thời tiết, độ ẩm,… để mang lại môi trường sống thích hợp nhất cho trang trại.
Những kỳ vọng của thời đại công nghệ 4.0 là gì?
Thực chất, không chỉ thời đại công nghệ 4.0 mà bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng đều khiến xã hội kỳ vọng rằng sẽ mang lại một sự đột phá, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như nâng cao thu nhập cho mọi người. Không chỉ vậy, thời đại công nghệ 4.0 còn được kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển dịch về cơ cấu lao động, từ lao động chân tay sang lao động chuyên môn với những nhân lực chất lượng cao. Minh chứng là hiện nay tại một số quốc gia phát triển, đã xuất hiện một số mô hình là kết quả của việc ứng dụng những thành tựu trong thời đại công nghệ 4.0. Những thành tựu này không chỉ được áp dụng riêng cho doanh nghiệp sản xuất, mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng công nghệ 4.0 vào tổ chức của mình để cải thiện môi trường làm việc hoặc cách thức quản lý.
Giáo dục 4.0 là gì? Những kỳ vọng của thời đại công nghệ 4.0 là gì? (Nguồn: Information Age)
Những thách thức xung quanh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?
Bất kể thứ gì cũng sẽ luôn có hai mặt của nó và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng không phải ngoại lệ. Bên cạnh những lợi ích đã được nhắc đến ở các phần trên, chúng ta cũng nên chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những thách thức sắp tới. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho xã hội một sự biến chuyển ở mức độ toàn cầu, chính vì vậy mà nó đã dấy lên nhiều nghi ngại như sau:
-
Sự phân hóa lớn giữa nhóm lao động không có trình độ và lao động trình độ cao
-
Sự chênh lệch giữa các tập đoàn/doanh nghiệp lớn với tiềm lực tài chính và công nghệ mạnh so với những doanh nghiệp có nền tảng yếu hơn
-
Một bộ phận người dân trong xã hội không theo kịp sự phát triển của công nghệ
-
Cả ba điều trên có thể cùng dẫn tới một hậu quả chung là căng thẳng trong xã hội ngày một leo thang do sự thay đổi quá lớn trong nền kinh tế thời đại công nghệ 4.0
Cách mạng 4.0 là gì? Công nghệ 4.0 gồm những gì? Thách thức của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là gì?
Chúng ta cần chuẩn bị những gì trước thời kỳ công nghệ 4.0?
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, như đã đề cập ở trên thì nó sẽ có tác động tới toàn bộ khía cạnh, lĩnh vực và mọi người trên phạm vi toàn thế giới. Chính vì vậy, mỗi cá nhân với mỗi vai trò khác nhau sẽ có những cách khác nhau để chuẩn bị trước thời kỳ công nghệ 4.0 này. Để dễ hình dung, chúng ta sẽ chia ra những nhóm chủ thể là: Cá nhân, doanh nghiệp và đội ngũ lãnh đạo các quốc gia, trong đó:
- Cá nhân:
Với vai trò là cá nhân, những người bình thường thì bạn cần xác định được vị trí của mình trong thời đại công nghệ 4.0. Công nghệ là do con người tạo ra, chính vì vậy mà con người hoàn toàn làm chủ được công nghệ.
- Doanh nghiệp:
Dưới góc độ của một doanh nghiệp, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật và phân tích dữ liệu là điều nên làm. Có thể nhận thấy các doanh nghiệp hiện nay, dù ở quy mô lớn hay SME thì tất cả đều đã và đang bắt đầu sự chuyển dịch, ứng dụng công nghệ vào quy trình vận hành của mình. Bởi lẽ với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ như hiện nay, chỉ cần bắt kịp thì sớm muộn doanh nghiệp cũng sẽ bị tụt hậu so với đối thủ.
- Đội ngũ lãnh đạo các quốc gia:
Với vai trò lãnh đạo của một quốc gia, bản thân mỗi người cũng cần liên tục trau đổi các kỹ năng để quản lý các tổ chức nhưng giờ đây là thông qua nền tảng công nghệ.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào Marketing của doanh nghiệp
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, đồng nghĩa Internet đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chính vì điều này mà con người đã, đang và sẽ tạo ra những phát minh vượt bậc, có tác động thay đổi hoàn toàn cách vận hành của doanh nghiệp. Việc đã hiểu rõ được Công nghệ 4.0 là gì sẽ giúp cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số hiệu quả vào trong marketing thông qua những yếu tố sau:
AI (Trí tuệ nhân tạo)
Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) là công nghệ lập trình cho máy móc, giúp máy móc có những khả năng như học tập, lập luận và tự sửa lỗi. Công nghệ AI được ứng dụng vào Marketing để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phân tích dữ liệu khách hàng được thu thập và lưu trữ, cũng như lên các kế hoạch kinh doanh.
Ngoài ra, công nghệ AI còn có khả năng phân tích nhu cầu mua sắm của khách hàng, từ đó đưa ra các đề xuất về thương hiệu, sản phẩm phù hợp dựa trên những thông tin phân tích. Một điểm quan trọng nữa mà công nghệ AI mang lại cho hoạt động Marketing của doanh nghiệp chính là khả năng tối ưu hóa cho từng cá nhân, đây cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà rất nhiều doanh nghiệp đang hướng đến.
Công nghệ AI là gì? Ứng dụng của cuộc cách mạng cộng nghệ 4.0 là gì vào cuộc sống (Nguồn: lifehack)
Big Data (Dữ liệu lớn)
Sự phát triển của nền tảng công nghệ trong thời đại 4.0 đã mở ra cho con người khả năng thu thập, lưu trữ một lượng dữ liệu khổng lồ và trong Marketing nói riêng, dữ liệu hay thông tin là tài nguyên vô giá với bất kỳ doanh nghiệp nào. Dựa vào những dữ liệu Big Data này, doanh nghiệp có thể phân tích để tìm ra các xu hướng, mong muốn, nhu cầu của khách hàng để từ đó đưa ra những chiến lược phù hợp cho từng giai đoạn.
Internet of Things (vạn vật kết nối)
Đúng như tên gọi của mình, Internet of Things hay còn gọi là Internet vạn vật là khả năng kết nối các thiết bị hỗ trợ con người, cả trong cuộc sống lẫn đời thường, tất cả đều bằng Internet. Qua đó việc thu thập cũng như truyền dữ liệu theo thời gian thực đều được thực hiện thông qua một mạng Internet duy nhất.
Cloud (Điện toán đám mây)
Với nền tảng công nghệ Internet và máy tính phát triển như hiện nay, người dùng được mở ra cơ hội sử dụng các dịch vụ lưu trữ thông tin từ một nhà cung cấp khác, điển hình là Office 365, Facebook hay YouTube. Trong đó, toàn bộ các dữ liệu đều sẽ được lưu trữ, sắp xếp và tổ chức trên hệ thống của phía nhà cung cấp dịch vụ. Cũng chính vì yếu tố này, doanh nghiệp có thể tận dụng để thực hiện chiến lược Marketing tự động hóa dựa trên nền tảng công nghệ này. Lợi ích của nó chính là khả năng tiết kiệm chi phí, đi kèm là khả năng tối ưu nguồn nhân lực cho doanh nghiệp.
Lời kết
Vậy là MarketingAI vừa giới thiệu cho bạn đọc tất tần tật khái niệm công nghệ 4.0 là gì. Có thể thấy rằng, công nghệ 4.0 – hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra thay đổi toàn diện trên phạm vi cả thế giới. Công nghệ 4.0 không chỉ mang lại những hứa hẹn, cơ hội mới cho xã hội nhưng cũng đồng thời mang lại những thách thức mới.
Chính cuộc cách mạng công nghiệp này đã dấy lên nhiều băn khoăn của mọi người trong xã hội về vai trò và vị thế của mình trên thế giới. Dù đứng ở góc độ cá nhân, doanh nghiệp hay là nhà lãnh đạo của một quốc gia thì ai cũng cần trau dồi và phát triển để thích nghi với sự thay đổi này nếu không muốn bị tụt hậu. Qua bài viết này, hy vọng MarketingAI đã giúp bạn hiểu được công nghệ 4.0 là gì cũng như những đặc điểm và những tác động mà nó đã tạo ra cho các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực Marketing nói riêng. Chắc chắn rằng công nghệ sẽ còn tạo ra thêm nhiều đột phá mới cho xã hội trong tương lai, chính vì vậy bản thân mỗi chúng ta hãy chuẩn bị thật kỹ càng để sẵn sàng đón đầu những sự thay đổi mới.
Tuấn Anh – MarketingAI
Tổng hợp
5/5 – (1 bình chọn)