Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện vai trò kênh giao tiếp giúp người dân, doanh nghiệp tương tác với các cơ quan nhà nước

Thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ, thời gian vừa qua, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng gắn kết chặt chẽ cải cách thủ tục hành chính với xây dựng Chính phủ điện tử, lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền. Một trong những giải pháp trọng tâm là tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc đáp ứng yêu cầu mới trong thời đại số, trên cơ sở đánh giá thực trạng thực hiện và nghiên cứu kinh nghiệm triển khai của các quốc gia tiên tiến, ngày 12/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 274/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau 6 tháng xây dựng, ngày 09/12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia được chính thức khai trương đưa vào vận hành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Băng Tâm.

Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo yêu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng. Với một địa chỉ truy cập duy nhất (

Cổng dịch vụ công quốc gia là đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương, giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo yêu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với từng đối tượng. Với một địa chỉ truy cập duy nhất ( www.dichvucong.gov.vn ), bằng một tài khoản duy nhất, người dùng có thể đăng nhập được tất cả các cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Người dùng có thể theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ánh, kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính. Các thông tin, dữ liệu được chia sẻ, tái sử dụng, giúp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.

Theo đó, cổng dịch vụ công cung cấp các chức năng chính sau: Một là, chức năng đăng nhập một lần, sử dụng một tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng nhập, thực hiện dịch vụ Cổng dịch vụ công của Bộ, của địa phương. Hai là, tra cứu về thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công của tất cả các ngành, lĩnh vực, các địa phương trên toàn quốc. Ba là, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo hướng số hóa thông tin, cung cấp các tiện ích liên quan đến việc thực hiện dịch vụ công. Bốn là, theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Năm là, tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong quy định và thực hiện quy định hành chính. Sáu là, thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công. Bảy là, đánh giá sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.

Từ 8 nhóm dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở thời điểm khai trương, đến ngày 06/8/2020 (sau gần 8 tháng triển khai), Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 991 dịch vụ công trực tuyến (457 dịch vụ cho công dân; 604 dịch vụ cho doanh nghiệp). Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp với 18 Bộ, ngành, 63/63 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán. Đến nay, đã có hơn 212,5 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 55,4 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 13,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 250 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng dịch vụ công quốc gia; hơn 4 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến thành công sau hơn 3 tháng đưa vào triển khai hệ thống thanh toán trực tuyến; tiếp nhận, xử lý hơn 7,4 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 21,3 nghìn cuộc gọi tổng đài.

Thông qua việc chuẩn hóa thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình, dịch vụ, bảo đảm việc theo dõi, giám sát, đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện, Cổng dịch vụ công quốc gia giúp chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương thực chất, hiệu quả hơn, ngăn ngừa tệ nạn nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và chất lượng phục vụ Nhân dân. Cụ thể, được thể hiện ở các nội dung sau:

Thứ nhất, cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, là dữ liệu hạt nhân của Cổng dịch vụ công quốc gia, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời các thông tin về thủ tục hành chính, dịch vụ công đã được các Bộ, ngành, địa phương chuẩn hóa, có giá trị pháp lý và được bảo đảm thi hành giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong tiếp cận, tìm hiểu thông tin; đồng thời, là cơ sở pháp lý quan trọng để giám át quá trình triển khai thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.

Thứ hai, với các dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, việc tái cấu trúc quy trình, thủ tục là một yêu cầu bắt buộc trong xây dựng, hoàn thiện dịch vụ nhằm cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp theo hướng: Một là, cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết; hai là, giảm đi lại, tiếp xúc trực tiếp của người dân, doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; ba là, giảm các bước phải xử lý trực tiếp hoặc thủ công của cơ quan, đơn vị trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; bốn là, giảm hồ sơ, giấy tờ mà người dân, doanh nghiệp phải cung cấp. Cùng với việc triển khai thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ sẽ là cơ sở để triển khai tất cả các công đoạn từ tiếp nhận, xử lý, nhận kết quả thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hoàn toàn trên môi trường mạng, không còn có sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước, từ đó sẽ giúp loại bỏ cơ bản tình trạng “tham nhũng vặt”. Tính tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 1.000 (ngày 14/8/2020), tổng chi phí xã hội tiết kiệm được do Cổng dịch vụ công quốc gia đóng góp là 6.722 tỷ đồng/năm và con số tiết kiệm này sẽ tiếp tục tăng khi ngày càng nhiều dịch vụ công trực tuyến được tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên cổng.

Thứ ba, chức năng tích hợp, đồng bộ toàn bộ trạng thái của tất cả các hồ sơ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại tất cả các cơ quan hành chính nhà nước của các cấp chính quyền theo thời gian thực lên Cổng dịch vụ công quốc gia cho phép người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu, theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của mình, đồng thời kịp thời phát hiện và có bằng chứng điện tử để phản ánh về các hành vi thực hiện không đúng quy định, nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết. Với việc đồng bộ trạng thái theo thời gian thực, Cổng dịch vụ công quốc gia cũng là cơ sở giám sát, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện.

Trên cơ sở chức năng đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ phân tích, cải thiện để nâng cao chất lượng dịch vụ để ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng dịch vụ công quốc gia là hệ thống tập trung có sự phân quyền thực hiện tiếp nhận, xử lý cho các Bộ, ngành, địa phương, với mục tiêu mọi phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp đều được lắng nghe và xử lý. Thông qua hệ thống, các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp sẽ được tiếp nhận, phân loại và chuyển đến các cơ quan, đơn vị xử lý. Hệ thống cho phép người dân, doanh nghiệp, cũng như cơ quan nhà nước giám sát toàn bộ quá trình tiếp nhận, xử lý trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; đồng thời, đánh giá mức độ hài lòng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức. Hơn nữa, thông qua hệ thống phản ánh, kiến nghị cũng cho phép tổng hợp, phân tích những quy định, chính sách, ngành, lĩnh vực, địa phương là “điểm nóng”, nhạy cảm, còn nhiều bức xúc; chủ động nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội, từ đó giúp nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc nảy sinh, tăng cường đoàn kết, thống nhất, hạn chế tối đa việc lợi dụng của một số đối tượng nhằm xuyên tạc, kích động quần chúng nhân dân.

Trong thời gian tới, sẽ tập trung lựa chọn các thủ tục hành chính, dịch vụ công có đối tượng sử dụng lớn để tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành mục tiêu tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, ngành, địa phương lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo yêu cầu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ; chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; kết nối, tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện thanh toán các nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính, thuế, thu phạt xử lý vi phạm hành chính nhằm thúc đẩy thực hiện thành công giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, các rào cản cho sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ người dùng thông qua tổng đài hỗ trợ và xây dựng, đưa vào áp dụng hệ thống trả lời tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo; đồng thời, tổ chức tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, an toàn, bảo mật thông tin.

Anh Cao (Tài liệu của Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X)