Công dân nam bấm lỗ tai không được tham gia nghĩa vụ công an có đúng với quy định của pháp luật không?


Cho tôi hỏi việc cho điểm sức khỏe để tham gia nghĩa vụ công an được thực hiện như thế nào? Công dân có sức khỏe loại 3 có thuộc trường hợp được tham gia nghĩa vụ không? Tôi nghe nói nếu đã đạt đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhưng nếu có bấm lỗ tai thì cũng không được tham gia nghĩa vụ, như vậy có đúng không? Câu hỏi của anh Kiệt từ Cần Thơ

Tham gia nghĩa vụ công an công dân được cho điểm đánh giá về sức khỏe như thế nào?

Tham gia nghĩa vụ công an công dân được cho điểm đánh giá về sức khỏe như thế nào?

Tham gia nghĩa vụ công an công dân được cho điểm đánh giá về sức khỏe như thế nào? (Hình từ Internet)

Căn cứ Điều 4 Thông tư 45/2019/TT-BCA quy định về phân loại sức khỏe tham gia nghĩa vụ công an như sau:

Phân loại sức khỏe

1. Việc phân loại sức khỏe căn cứ theo tiêu chuẩn sức khỏe tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Cách cho điểm, cách ghi phiếu sức khỏe nghĩa, vụ tham gia Công an nhân dân, cách phân loại sức khỏe được thực hiện theo các khoản: 2, 3, 4 và 5 Điều 9 Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/06/2016 của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự (sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP).

Dẫn chiếu Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định về cách cho điểm như sau:

Phân loại sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

2. Cách cho điểm

Mỗi chỉ tiêu, sau khi khám bác sỹ cho điểm chẵn từ 1 – 6 vào cột “Điểm”, cụ thể:

a) Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;

b) Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;

c) Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;

d) Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;

đ) Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;

e) Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

3. Cách ghi phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự

a) Mỗi chuyên khoa, sau khi khám xét, bác sỹ sẽ cho điểm vào cột “Điểm”; ở cột “Lý do” phải ghi tóm tắt lý do cho số điểm đó; ở cột “Ký”, bác sỹ khám phải ký và ghi rõ họ tên;

b) Phần kết luận, Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe căn cứ vào điểm đã cho ở từng chỉ tiêu để kết luận, phân loại sức khỏe theo đúng quy định, ghi bằng số và chữ (phần bằng chữ để ở trong ngoặc đơn);

c) Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe có trách nhiệm ký vào phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự sau khi kết luận;

d) Chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám sức khỏe được đóng dấu của cơ quan Chủ tịch Hội đồng; chữ ký của Chủ tịch Hội đồng khám phúc tra sức khỏe được đóng dấu của đơn vị quyết định thành lập Hội đồng khám phúc tra sức khỏe.

4. Cách phân loại sức khỏe

Căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại, cụ thể như sau:

a) Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

b) Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

c) Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

d) Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

đ) Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

e) Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Theo quy định trên, sức khỏe của công dân tham gia nghĩa vụ công an đươc bác sỹ cho điểm chẵn từ 1 – 6 sau khi khám:

– Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;

– Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;

– Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;

– Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;

– Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;

– Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

Căn cứ vào số điểm chấm cho các chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ công an để phân loại sức khỏe, cụ thể như sau:

– Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

– Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

– Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

– Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

– Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

– Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.

Nghĩa vụ công an có tiếp nhận công dân có tiêu chuẩn sức khỏe loại 3 hay không?

Căn cứ Điều 5 Thông tư 45/2019/TT-BCA quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với công dân tham gia nghĩa vụ công an như sau:

Tiêu chuẩn sức khỏe

1. Tiêu chuẩn thể lực để tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Bảng số 1 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tiêu chuẩn sức khỏe về lâm sàng, cận lâm sàng của công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân thực hiện theo quy định hiện tại Bảng số 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Chỉ công nhận đủ sức khỏe để tuyển chọn đối với công dân có sức khỏe Loại 1 (một), Loại 2 (hai) và đáp ứng các chỉ số đặc biệt theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.

Như vậy, chỉ có công dân sức khỏe loại 1 và sức khỏe loại 2 mới đủ tiêu chuẩn về để tham gia nghĩa vụ công an.

Công dân nam bấm lỗ tai không được tham gia nghĩa vụ công an có đúng với quy định của pháp luật không?

Căn cứ Điều 6 Thông tư 45/2019/TT-BCA quy định về chỉ số đặc biệt đối với công dân tham gia nghĩa vụ công an như sau:

Chỉ số đặc biệt

Công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải bảo đảm các chỉ số đặc biệt sau:

1. Không nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy.

2. Màu và dạng tóc bình thường.

3. Không bị rối loạn sắc tố da.

4. Không có các vết trổ (xăm) trên da, kể cả phun xăm trên da.

5. Không bấm lỗ ở tai (đối với nam), ở mũi và ở các vị trí khác trên cơ thể để đeo đồ trang sức.

6. Không mắc các bệnh mạn tính, bệnh xã hội.

7. Không có sẹo lồi co kéo ở vùng đầu, mặt, cổ, cẳng tay, bàn tay, bàn chân.

Theo đó, công dân nam thực hiện nghĩa vụ công an không được bấm lỗ tai, ở mũi và ở các vị trí khác trên cơ thể để đeo đồ trang sức.

Trường hợp công dân nam đã đạt tiêu chuẩn về sức khỏe để tham gia nghĩa vụ công an nhưng lại có bấm lỗ tai thì cũng không đáp ứng đủ điều kiện để tham gia nghĩa vụ.