Công dân được xem kế hoạch tuần tra, chuyên đề của CSGT?

Các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông? Người dân có quyền xem chuyên đề của CSGT? Cách xem chuyên đề của CSGT trên Cổng thông tin?

    Hiện nay, khi bị Cảnh sát giao thông dừng xe để kiểm tra hành chính rất nhiều công dân đã lập tức tỏ thái độ khó chịu, thậm chí yêu cầu lực lượng chức năng phải xuất trình kế hoạch, chuyên đề tuần tra, kiểm soát thì mới chịu hợp tác. Điều đáng chú ý là hành vi này ngày một xuất hiện nhiều hơn, họ coi đây là lá bùa hộ mệnh của mình khi bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra hành chính.Rất nhiều cá nhân không ngần ngại cãi tay đôi với lực lượng chức năng, rút điện thoại ra quay phim, ghi hình để gây sức ép với những người thi hành công vụ.

    Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

    Căn cứ pháp lý:

    – Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định về việc thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

    – Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông

    1. Các trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông:

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA có quy định cụ thể 04 trường hợp CSGT được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, bao gồm:

    – Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

    – Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

    – Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

    – Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

    Như vậy, CSGT có quyền dừng xe kiểm tra theo mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ hoặc chuyên đề kiểm tra.

    Xem thêm: Hoạt động giám sát của Quốc hội

    2. Người dân có quyền xem chuyên đề của CSGT?

    Theo quy định, những nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định cụ thể tại Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA như sau:

    – Trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính:

    + Quy trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

    + Tên cơ quan, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

    + Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;

    + Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông, Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện;

    + Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính;

    + Quyền và nghĩa vụ của công dân khi cán bộ, chiến sỹ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

    – Công tác đăng ký, cấp biển số xe:

    + Quy trình, thủ tục đăng ký, cấp biển số xe;

    + Tên cơ quan, địa chỉ, thời gian làm việc, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý của cơ quan Công an có nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;

    + Trang phục, số hiệu Công an nhân dân của cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký, cấp biển số xe;

    + Lệ phí đăng ký xe;

    + Các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt các hành vi vi phạm quy định về đăng ký, cấp biển số xe;

    + Trách nhiệm của cơ quan Công an và cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ đăng ký xe;

    + Quyền và nghĩa vụ của công dân khi thực hiện các quy định về đăng ký, cấp biển số xe.

    – Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông:

    + Quy trình chỉ huy, điều khiển giao thông;

    + Trang phục, số hiệu Công an nhân dân và các phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ được công khai theo quy định;

    + Nhiệm vụ và quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông;

    + Tuyến đường hạn chế hoặc cấm phương tiện, loại phương tiện giao thông khi có yêu cầu về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    – Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông:

    + Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông;

    + Nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, chiến sỹ khi điều tra, giải quyết tai nạn giao thông;

    + Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông.

    Đồng thời, tại Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA, căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:

    – Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

    – Đăng Công báo.

    – Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

    – Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

    – Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, theo các quy định trên, người dân hoàn toàn có quyền được biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT.

    Ngoài ra, theo Hiến pháp 2013, người dân có quyền tự do đi lại, tự do tiếp cận thông tin, trừ trường hợp đó là thông tin mật. Mà thông tin thuộc doanh mục bí mật Nhà nước thì phải được đóng dấu “Mật”, “Tuyệt mật” hay “Tối mật” theo Pháp lệnh Bí mật Nhà nước, khi đó lực lượng CSGT mới có quyền từ chối yêu cầu của người dân một cách đúng luật. Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định quyền này của người dân cụ thể tại Điều 9, Điều 10. Do đó, việc người dân yêu cầu cảnh sát cho biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát là có căn cứ.

    Như đã đề cập ở trên, quyền giám sát của người dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên trong pháp luật về giao thông lại không quy định trường hợp cụ thể chi tiết từng tình huống làm nhiệm vụ của CSGT, khiến cho việc thực hiện quyền giám sát này còn khá lúng túng trên thực tế. Có nhiều ý kiến trái chiều về việc người dân có được quyền kiểm tra giấy tờ ngược lại đối với CSGT.

    Để người dân “tâm phục khẩu phục” khi tham gia giao thông mà bị bắt lỗi, việc cho người dân xem chuyên đề của CSGT là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh đó thì sự tuân thủ theo pháp luật của CSGT cũng sẽ làm cho dân yên tâm là họ đang bị kiểm tra, xử lý hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Muốn làm được điều đó thì hoạt động của CSGT cần công khai và minh bạch. Quyền được xem chuyên đề của CSGT là một trong những quy định đáp ứng yếu tố công khai minh bạch này.

    Nói tóm lại, theo Thông tư 67/2019/TT-BCA người dân hoàn toàn có quyền được biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT. Tuy nhiên không được yêu cầu kiểm tra chuyên đề hay kế hoạch trực tiếp khi làm việc với CSGT.

    Xem thêm: Tư vấn các quy định của luật tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành

    3. Cách xem chuyên đề của CSGT trên Cổng thông tin:

    Căn cứ Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định:

    “Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung phải công khai, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả các hình thức công khai sau đây:

    1. Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an.

    2. Đăng Công báo.

    3. Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an.

    4. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

    5. Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.”

    Tóm lại, CSGT không có nghĩa vụ công khai kế hoạch, chuyên đề trực tiếp cho người dân. Tuy nhiên, người dân có thể xem kế hoạch, chuyên đề qua 05 “kênh” sau: Cổng thông tin điện tử quốc gia; trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; cơ quan Công an đăng công báo; xem niêm yết tại trụ sở Công an; xem trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài; hoặc thông qua việc tiếp dân, họp báo, phát ngôn của người phát ngôn đại diện lực lượng Công an. Như vậy, theo Thông tư 67/2019/TT-BCA người dân hoàn toàn có quyền được biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT. Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, vì vậy các bạn có thể tra tìm kiếm thông tin nhanh và dễ dàng qua mạng internet. Bạn có thể tra cứu trên cổng thông tin điện tử của của công an từng địa phương để có thông tin thật chi tiết. Tra cứu thông tin về chuyên đề của CSGT còn giúp người dân có sự chủ động khi tham gia giao thông, tuân thủ theo pháp luật ATGT.