Công chức có được làm thêm để kiếm thêm thu nhập hay không? Thu nhập của công chức hiện nay là bao nhiêu?
Cho hỏi hiện nay công chức có được làm thêm để kiếm thêm thu nhập hay không và thu nhập của công chức hiện nay là bao nhiêu?- Thắc mắc của bạn Hải (Hà Nội).
Mục Lục
Công chức là gì? Các nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019) quy định về cán bộ, công chức như sau:
Cán bộ, công chức
…
2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước
Theo đó, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về các nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức như sau:
Các nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước.
2. Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.
3. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng.
4. Việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ.
5. Thực hiện bình đẳng giới.
Theo đó, hoạt động quản lý cán bộ, công chức cần đảm bảo 5 nguyên tắc nêu trên.
Công chức có được làm thêm để kiếm thêm thu nhập hay không? Thu nhập của công chức hiện nay là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Thu nhập của công chức hiện nay là bao nhiêu?
Công chức hiện nay được hưởng lương theo công thức:
Thu nhập của công chức = (Hệ số được hưởng x mức lương cơ sở tương ứng với ngạch) + Phụ cấp (nếu có) – tiền đóng bảo hiểm xã hội
Trong đó:
Lương công chức:
– Hệ số lương: Tương ứng với mỗi ngạch công chức của mỗi chuyên ngành sẽ được xếp lương theo hệ số lương nhất định căn cứ vào Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
– Mức lương cơ sở: + Từ thời điểm này đến 31/06/2023 sẽ áp dụng mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng
+ Từ 01/7/2023: Mức lương cơ sở mới sẽ tăng lên 1.800.000 đồng/tháng.
Phụ cấp của công chức
Hiện có hai cách tính phụ cấp cho công chức là tính theo lương cơ sở và tính theo % lương cơ bản của công chức:
– Tính theo lương cơ sở: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, Phụ cấp độc hại, Phụ cấp trách nhiệm công việc, Phụ cấp khu vực, Phụ cấp lưu động.
– Tính theo % tỷ lệ: Phụ cấp kiêm nhiệm, thu hút, trách nhiệm theo nghề, ưu đãi nghề.
Bảo hiểm xã hội bắt buộc
Căn cứ theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 của Bảo hiểm xã hội và Nghị định 58/2020/ND-CP quy định tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của công chức như sau:
– Hưu trí, tử tuất: 8%
– BHTN: 1,5%
– BHYT: 1%
Công chức có được làm thêm để kiếm thêm thu nhập hay không?
Căn cứ theo quy định tại Mục 4 Chương II Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định về các công việc công chức không được làm như sau:
Cụ thể căn cứ theo Điều 18 Luật Cán bộ, công chức 2008, Điều 19 Luật Cán bộ, công chức 2008, Điều 20 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định các công việc công chức được làm như sau:
Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ
– Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.
– Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật.
– Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi.
– Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.
Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước
– Cán bộ, công chức không được tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức.
– Cán bộ, công chức làm việc ở ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
– Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng quy định tại Điều này.
Những việc khác cán bộ, công chức không được làm
Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, hiện tại chưa có quy định nào cấm công chức không được làm thêm ngoài giờ làm việc để kiếm thêm thu nhập.
Công chức có được tham gia hoạt động kinh doanh để kiếm thêm thu nhập hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công chức không được:
– Thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam
– Không được góp vốn vào doanh nghiệp
Ngoài ra:
Căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 28 Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định công chức không được bán hàng đa cấp
Như vậy, hiện tại công chức vẫn được làm thêm để kiếm thêm thu nhập trừ những công việc mà pháp luật không cho phép thực hiện theo hướng dẫn nêu trên.