Công chức cấp xã có bao nhiêu chức danh? Gồm những gì?

Là những người gần gũi nhất với người dân, công chức cấp xã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ nhiều người đọc của LuatVietnam. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết về vấn đề công chức cấp xã có bao nhiêu chức danh.

1. Công chức cấp xã có bao nhiêu chức danh?

Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 nêu rõ:

[…] công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Như vậy, công chức xã cũng là một trong các đối tượng công chức nói chung nhưng được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong Uỷ ban nhân dân cấp xã và cũng được hưởng biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Căn cứ khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 13 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2019, công chức cấp xã gồm các chức danh sau đây:

– Trưởng công an xã nếu xã đó chưa có công an chính quy.

– Chỉ huy trưởng quân sự.

– Văn phòng, thống kê.

– Địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường (với các địa bàn là phường, thị trấn) hoặc địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường (với các địa bàn cấp xã).

– Tài chính, kế toán.

– Tư pháp, hộ tịch.

– Văn hoá, xã hội.

Như vậy, theo phân tích ở trên, nếu cấp xã chưa có công an chính quy thì sẽ có 07 chức danh công chức cấp xã, nếu cấp xã đó đã bố trí công an chính quy thì công chức cấp xã sẽ có 06 chức danh.

2. Chức danh nào của công chức cấp xã được bố trí 2 người?

Việc bố trí số lượng công chức cấp xã được quy định tại Điều 9 Thông tư 13/2019/TT-BNV như sau:

Mỗi chức danh công chức cấp xã được bố trí từ 01 người trở lên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc bố trí tăng thêm người ở một số chức danh công chức cấp xã phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng xã, phường, thị trấn (trừ chức danh Trưởng Công an xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã) nhưng không vượt quá tổng số cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 92/2009/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP

Theo quy định này, mỗi chức danh công chức cấp xã sẽ được bố trí 01 người trở lên. Việc bố trí các chức danh từ 02 người được quy định cụ thể khoản 1 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP như sau:

Số lượng cán bộ, công chức cấp xã được bố trí theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn. Cụ thể như sau:

a) Loại 1: tối đa 23 người;

b) Loại 2: tối đa 21 người;

c) Loại 3: tối đa 19 người.

Theo đó, tuỳ vào loại xã để xác định số lượng chức danh công chức cấp xã được bố trí. Trừ chức danh Trưởng Công an xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là chỉ được bố trí 01 người thì các chức danh khác đều có thể được bố trí từ 02 người trở lên nhưng không được vượt quá tổng số công chức tương đương với từng loại xã như trên.

3. Điều kiện tuyển dụng công chức cấp xã là gì?

Hiện nay, có hai hình thức được tuyển dụng vào làm công chức cấp xã là trực tiếp dự tuyển hoặc tiếp nhận không qua thi tuyển. Theo đó, với mỗi hình thức khác nhau thì cần có điều kiện tương ứng như sau:

Dự tuyển vào công chức cấp xã

Tiếp nhận không thi tuyển vào

công chức cấp xã

– Lý luận chính trị, nắm vững quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước: Đạt mức độ hiểu biết, nắm vững.

– Vận động nhân dân địa phương thực hiện chủ trương, đường lối Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước: Có thể thực hiện được việc này.

– Hoàn thành nhiệm vụ: Có năng lực thực hiện và có sức khoẻ để đảm bảo điều này.

– Phong tục, tập quán của dân cư nơi công tác: Am hiểu, tôn trọng.

– Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên.

– Học vấn: Tốt nghiệp trung học phổ thông; Tốt nghiệp đại học trở lên (công chức tư pháp, hộ tịch chỉ cần tốt nghiệp trung cấp Luật trở lên).

– Có chứng chỉ tin học cơ bản.

– Tốt nghiệp trong nước phải đạt loại giỏi, đạt loại khá nếu tốt nghiệp ở nước ngoài; có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp vị trí cần tuyển.

– Đã là viên chức trở lên trong đơn vị sự nghiệp công lập; hưởng lương trong công an, quân đội: Có thời gian công tác nêu trên 05 năm trở lên, có đóng bảo hiểm xã hội, tốt nghiệp đại học trở lên.

– Đã là cán bộ xã: Có đủ tiêu chuẩn của công chức xã, Uỷ ban nhân dân cấp xã còn chỉ tiêu, thực hiện được công việc, nhiệm vụ ngay; không đang bị kỷ luật, xem xét kỷ luật, điều tra, xét xử, truy tố…

4. Lương công chức cấp xã cao nhất, thấp nhất là bao nhiêu?

Việc hưởng lương của công chức cấp xã đang được thực hiện theo trình độ đào tạo và thực hiện theo công thức: Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở. Trong đó, hệ số được ấn định trong các phụ lục ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP và mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, lương công chức cấp xã được thể hiện như sau:

Theo bảng này, có thể thấy, công chức cấp xã có mức lương cao nhất là 7.420.200 đồng/tháng và thấp nhất là 2.771.400 đồng/tháng.

Trên đây là giải đáp về: Công chức cấp xã có bao nhiêu chức danh?./.

 

Theo: https://luatvietnam.vn/