Công an khu vực được quyền đột xuất kiểm tra cư trú bất cứ lúc nào

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video công an khu vực thuộc quận Đống Đa, Hà Nội đi kiểm tra cư trú vào giữa đêm nhưng không được chủ nhà mở cửa vì cho rằng không có lệnh khám xét hoặc giấy tờ liên quan.

Cô gái chủ nhà cho rằng, công an khu vực kiểm tra vào thời điểm giữa đêm mà không có giấy tờ là trái quy định. Chính vì vậy giữa chủ nhà và công an khu vực đã xảy ra tranh cãi gay gắt. Từ vụ việc này, dư luận đặt ra vấn đề, thời điểm nào, công an khu vực có quyền kiểm tra hành chính nơi cư trú.


Ảnh cắt từ clip xung đột giữa cô gái và công an khu vực.

Về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 9/9/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú, việc kiểm tra cư trú.

Theo đó, điều 26 của Luật cư trú và kiểm tra cư trú quy định: Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.

Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.

Việc kiểm tra cư trú của công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân, công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.

Luật sư Giang Hồng Thanh cho hay, theo quy định này thì cảnh sát khu vực được quyền kiểm tra cư trú bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên tại một số địa phương, việc kiểm tra cư trú sau 23h phải được sự đồng ý của ban chỉ huy công an phường, xã, thị trấn nhằm đảo bảo đúng nội dung kiểm tra, tránh gây phiền hà cho dân.

Khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng thi hành công vụ phải sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tuân thủ trình tự, thủ tục, kế hoạch, quy trình công tác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Đây là quy định tại Điều 11 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013”, luật sư Thanh phân tích.

Về trang phục khi làm việc của chiến sỹ công an nhân dân, Thông tư số 17/2012/TT-BCA ngày 10/4/2012 quy định: “Cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân đội mũ kê pi khi mặc trang phục trong các trường hợp: Làm việc, học tập, huấn luyện hoặc dự lễ ở ngoài trời

Về việc xưng hô khi giao tiếp, Thông tư số 17 quy định: Khi làm việc và quan hệ công tác với cán bộ và nhân dân, tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng “đồng chí” và xưng “tôi”. Hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt.

Thông tư này cũng quy định: Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo…”

Như vậy, qua clip đăng tải trên mạng, có thể thấy chiến sỹ công an nhân dân xuất hiện trong clip đã chưa tuân thủ đúng điều lệnh của ngành về trang phục, thái độ khi làm việc, nhưng về mặt thẩm quyền kiểm tra hành chính thì lại không sai.

Về phía cô gái, việc thắc mắc khi cảnh sát khu vực kiểm tra hành chính vào ban đêm là có thể hiểu được bởi lẽ người dân nói chung và cô gái này nói riêng không thể nắm được hết các quy định của pháp luật, cộng với việc người cảnh sát đưa ra những lý do bất hợp lý nên cô gái không hợp tác là lẽ đương nhiên.

“Trong trường hợp này cán bộ kiểm tra hành chính cần giải thích cụ thể quy định của pháp luật với thái độ nhẹ nhàng, bình tĩnh để cô gái đó hiểu. Nếu cô gái vẫn cố tình không chấp hành thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính vì lỗi “Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ” với mức phạt tiền từ 2 triệu đồng – 3 triệu đồng theo quy định tại Điều 20, khoản 2, điểm a, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013./.